Mt 28,16-20: Khi ấy, mười một môn đệ đi về Galilêa, đến núi Chúa Giêsu chỉ trước. Khi thấy Người, các ông thờ lạy Người, nhưng có ít kẻ còn hoài nghi. Chúa Giêsu tiến lại nói với các ông rằng: “Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy. Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần; giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”.
Đoạn 28,16-20 không chỉ kết thúc trình thuật thương khó – phục sinh (chương 26-28), mà cả toàn bộ Tin mừng theo Matthêu. Cấu trúc đoạn được đề nghị như sau: 1- Ở Galilêa, các môn đệ và hành động của các ông (cc. 16-17); 2- Chúa Giêsu và tuyên bố của Người (cc. 18-20). Phần thứ hai nầy gồm 3 tiểu đoạn: a- Tuyên bố về quyền hành (c. 18b); b- Sự sai đi (cc. 19b-20a); c- Một lời hứa (c. 20b); đây cũng là kết luận của đoạn.
Lần đầu tiên Matthêu ghi nhận nhóm Mười Một thay vì Mười Hai, vì thiếu Giuđa. Điều nầy gợi lại ngay cuộc thương khó và cái chết của Chúa Giêsu, trong đó Giuđa đã nhúng tay vào (27,3-10). Nhóm nầy đến Galilê theo lệnh của Chúa Giêsu qua thiên thần (26,32; 28,7.10). Galilê là xứ sở của dân ngoại (4,14-16). Từ nơi nầy Chúa Giêsu đã khởi đầu việc rao giảng của Người, cách riêng cho người Do thái (3,13; 4,12; 4,18); bây giờ cũng từ nơi nầy các tông đồ sẽ bắt đầu sứ vụ của các ngài, nhưng cho muôn dân. Hơn nữa, cụm từ “đến ngọn núi” (với mạo từ chỉ định) làm liên tưởng đến ngọn núi nơi Chúa Giêsu đã khởi đầu sứ vụ công khai của Người với Bài giảng về cách sống mới của con cái Nước Trời (5,1). Vậy cũng từ ngọn núi nầy khai mạc sứ vụ của các tông đồ.
Quyền hành của Chúa Giêsu do Thiên Chúa “của trời đất” ban cho (11,25). Chủ yếu đó là quyền giảng dạy (7,29; 21,23) và quyền tha tội (9,6). Matthêu ghi nhận Chúa Giêsu đã ban quyền xua trừ quỉ và chữa lành bệnh tật cho các môn đệ khi Người kêu gọi các ông (10,1); còn quyền giảng dạy và tha tội chỉ ban lúc nầy, sau khi Người đã sống lại (28,19-20). Cách nói “quyền hành trên trời dưới đất” chỉ đến quyền hành trọn vẹn và tối cao trên tất cả. Việc ban các quyền hành nầy tương ứng với việc gởi các tông đồ đi khắp nơi để làm cho muôn dân trở thành môn đệ, bằng cách rửa tội và giảng dạy cho họ. Làm cho muôn dân trở thành môn đệ là làm cho họ nhận biết và nhìn nhận Chúa Giêsu là Thầy của họ (x. 23,8; 26,49), và để họ được giáo huấn bởi Người (x. Mt 13,52; 27,57; Tđcv 14,21). Công việc nầy vượt qua biên giới không gian và chủng tộc hạn hẹp của Israel (x. 10,5; 15,24). Điểm nhắm đến bây giờ là mọi dân tộc (x. 24,14; 26,13), mà các đạo sĩ (2,1-12), viên bách quản (8,5-13), và người phụ nữ Canaan (15,21-28) là những hoa quả đầu mùa.
Được thực hiện qua phép rửa, việc tha tội đi trước việc giảng dạy. Dân chúng đã lãnh nhận phép rửa trước khi nghe Bài giảng trên núi. Cũng thế, các tông đồ cần làm cho mọi người trở về với Chúa trước khi giảng dạy cho họ về Người. Phép rửa nhân danh của Cha, Con và Thánh Thần được thực hiện như phép rửa của Chúa Giêsu (x. 3,16-17). Chữ “tên” dùng ở số ít để chỉ sự duy nhất của Ba Ngôi. Các tông đồ không giảng dạy điều gì mới mẻ, mà chỉ dạy mọi người tuân giữ giáo huấn của Chúa Giêsu mà họ đã nghe. Như thế, Giáo hội là trường dạy của Chúa Giêsu, là nơi công việc dạy dỗ của Người được tiếp tục (x. 4,23; 5,2; 7,29; 9,35; 11,1; 13,54; 26,55).
Sau cùng, lời hứa ở với họ cho đến tận thế là âm vang của tên Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta (1,23). Lời hứa nầy cho thấy Chúa Giêsu sống lại vẫn hiện diện thật sự trong trần thế, như kinh nghiệm các tông đồ đã có, cho đến khi Người tỏ mình rỡ ràng trong ngày phán xét (x. 13,39-40. 49).
Đấng Sống Lại cũng chính là Chúa Giêsu trần thế. Người trao lại quyền hành và hiện diện liên tục với các tông đồ để họ có thể tiếp tục sứ vụ của Người là làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Người.
Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến