Chúa Nhật Lễ Chúa Hiển Linh Năm C – Đến Bái Lạy Người – Giải thích bản văn Tin Mừng

30/12/2021

Mt 2,1-12: Khi Chúa Giêsu sinh hạ tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, trong đời vua Hêrôđê, có mấy nhà đạo sĩ từ Đông phương tìm đến Giê-rusalem. Các ông nói: “Vua người Do-thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Đông phương, và chúng tôi đến để triều bái Người”. Nghe nói thế, vua Hêrôđê bối rối, và tất cả Giêrusalem cùng với nhà vua. Vua đã triệu tập tất cả các đại giáo trưởng và luật sĩ trong dân, và hỏi họ cho biết nơi mà Đức Kitô sinh hạ. Họ tâu nhà vua rằng: “Tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, vì đó là lời do Đấng Tiên tri đã chép: Cả ngươi nữa, hỡi Bêlem, đất Giuđa, không lẽ gì ngươi bé nhỏ hơn hết trong các thành trì của Giuđa, vì tự nơi ngươi sẽ xuất hiện một thủ lãnh, Người đó sẽ chăn nuôi Israel dân tộc của Ta”.

Bấy giờ Hêrôđê ngầm triệu tập mấy nhà đạo sĩ tới, cặn kẽ hỏi han họ về thời giờ ngôi sao đã hiện ra. Rồi vua đã phái họ đi Bêlem và dặn rằng: “Các khanh hãy đi điều tra cẩn thận về Hài Nhi, rồi khi đã gặp thấy, hãy báo tin lại cho Trẫm, để cả Trẫm cũng đến triều bái Người”. Nghe nhà vua nói, họ lên đường. Và kìa ngôi sao họ xem thấy ở Đông phương, lại đi trước họ, mãi cho tới nơi và đậu lại trên chỗ Hài Nhi ở. Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng. Và khi tiến vào nhà, họ đã gặp thấy Hài Nhi và Bà Maria Mẹ Người, và họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người. Rồi, mở kho tàng ra, họ đã dâng tiến Người lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược. Và khi nhận được lời mộng báo đừng trở lại với Hêrôđê, họ đã qua đường khác trở về xứ sở mình.

Đoạn 2,1-12 nằm trong trình thuật lớn về sự giáng sinh và thời thơ ấu của Chúa Giêsu (1,1-2,23). Trước đoạn nầy là câu chuyện giáng sinh (1,18-25) và sau đó là chuyện trốn chạy sang Ai cập (2,19-23). Đoạn 2,1-12 được đóng khung bởi sự kiện các nhà chiêm tinh tìm đến Giêrusalem (2,1) và các ông đi khỏi đó (2,12). Đoạn 2,1-12 có thể phân chia như sau: 1- Bối cảnh và câu hỏi nhập đề của các nhà chiêm tinh (2,1-2); 2- Gặp gỡ Hêrôđê tại Giêrusalem (2,3-9a); 3- Gặp gỡ Hài Nhi ở Bêthlehem (2,9b-12). Cách phân đoạn nầy dựa trên sự phân bố của chữ “sấp mình thờ lạy Người”  (2,2.8.11).

Câu nhập đề về việc giáng sinh của Chúa Giêsu (2,1) liên kết đoạn nầy với đoạn trước, mặc dù Matthêô không mô tả chi tiết về việc ấy (x. 1,18-25; Lc 2,1-7). Sau khi giới thiệu tên “Giêsu”, Matthêô sẽ xác định ngay trong câu hỏi mở đầu của các nhà chiêm tinh là: “vua của người Do thái mới sinh”, để đối lại với “vua Hêrôđê” được nhắc qua như làm nền lịch sử cho sự xuất hiện của Người (2,1b). Matthêô còn ghi nhận cách đặc biệt là “Bêthlêhem trong miền Giuđa” (x. 2,1.5.6), để ám chỉ Hài Nhi mới sinh ra tại đó mới là vua thật của dân Israel, chứ không phải là Hêrôđê đang trị vì trên đó. Đối chọi với Bêthlêhem bé nhỏ (2,1.5.6.8) là Giêrusalem rộng lớn, nhưng đứng về phía Hêrôđê (2,1.3). Hành động bắt đầu với sự xuất hiện của ba nhà chiêm tinh và câu hỏi của các ông ấy (2,2b). “Magos” là những người khôn ngoan, chuyên nghiên cứu tinh tú, sự xuất hiện và vận động của các hành tinh để giải thích những chuyện ảnh hưởng trên thế giới con người. Ở đây, họ đã khám phá “vua dân Do thái mới sinh ra” nhờ nhận ra một vì sao đáng chú ý xuất hiện. Do đó, “magos” có thể dịch là nhà chiêm tinh, thay vì “ba vua” hay “đạo sĩ”.

Khung cảnh của đoạn 2,3-9a là tại Giêrusalem. Tất cả tập trung chú ý vào phản ứng và hành động của Hêrôđê khi ông đứng trước câu hỏi của các nhà chiêm tinh. Hành động của ông đi từ thái độ bối rối (2,3) đến âm mưu giết vị vua mới sinh (2,8), sẽ được trình bày trong đoạn kế tiếp (2,13-18). “Cả thành Giêrusalem” cùng đứng về phía ông mà sợ hãi và chống lại Hài Nhi. Điều nầy cho thấy sự trầm trọng của vấn đề. Giêrusalem là nơi Người sẽ gặp phải sự chống đối (15,1) và là nơi mà “vua dân Do thái” phải chết (x. 16,21; 20,17). “Họp lại” là động từ thường dùng cho giới lãnh đạo Do thái: thượng tế, kỳ lão, các Pharisêô, luật sĩ. Họ thường họp nhau lại để bàn tính chuyện chống lại Chúa Giêsu (x. 22,34.41; 26,3.57; 27,62; 28,12). Còn dân chúng ở Giêrusalem thì sẽ tuyên bố chịu trách nhiệm việc đổ máu Người trên họ và trên con cháu của họ (27,25). Như thế, Matthêô cho một dấu hiệu tiên báo cuộc tử nạn của Người. Câu trích dẫn của Matthêô có những thay đổi đáng kể theo ý định của ông (x. Mic 5,1 và 2 Sam 5,2): – dùng “miền đất Giuđa” để liên kết Hài Nhi với tổ phụ Giuđa, từ đó dòng tộc Đavít phát sinh (1,1-2); – dùng thể phủ định “ngươi chẳng nhỏ bé nhất giữa các lãnh tụ của Giuđa” để khẳng định sự trổi vượt của thủ lãnh phát xuất từ đó, thay vì sự so sánh về kích thước và dân số; – liên kết với câu trích dẫn 2 Sam 5,2 để chỉ vị thủ lãnh xuất phát từ Bêthlêhem cũng là người chăn dắt dân Israel. Hêrôđê tính tuổi của Hài Nhi bằng cách cặn kẽ hỏi các nhà chiêm tinh về thời gian ngôi sao xuất hiện (2,7.16). Bởi đó, ông đã quyết định cho hạ sát trẻ con từ hai tuổi trở xuống (2,16). Đến lúc nầy, chân dung của Chúa Giêsu đã được xác định khá rõ ràng. Từ “Giêsu” được nêu lên cách khách quan ngay từ đầu (2,1), được xác định thêm là “vua dân Do thái” (2,2), rồi “Đức Kitô”. Tiếp theo đó là “thủ lãnh”, rồi là “mục tử của dân Israel” (2,6). Và hơn hết, chính sự sấp mình bái lạy của các nhà chiêm tinh cho biết Người chính là Chúa của mọi dân (2,11). Vậy, nhờ tra cứu Sách Thánh các nhà chiêm tinh đã được sáng tỏ về Đấng các ông đang tìm kiếm; trong khi Hêrôđê sợ hãi về sự thật nầy và âm mưu tiêu diệt nó.

Ánh sao lại xuất hiện và dẫn đường các nhà chiêm tinh trong phần thứ hai của hành trình tìm Hài Nhi (2,9b-12). Điều đáng chú ý là điểm đến tương ứng với điểm khởi hành: cùng một “ánh sao bên phương đông” (2,2.9b) dẫn đi và dẫn đến dừng lại trên nhà của Hài Nhi; tuy nhiên, điểm đến gặp Hài Nhi mới là điểm khởi đầu của các nhà chiêm tinh. Niềm vui lớn lao vô cùng của các nhà chiêm tinh được diễn tả trong cách nói theo từng chữ là “Họ vui mừng trong niềm vui lớn lao quá chừng”. Niềm vui nầy được nhắc đến nhiều trong những trình thuật giáng sinh (x. Lc 1,14. 44. 46; 2,10.14. 20); đồng thời đó cũng là niềm vui của những người tìm được kho tàng ẩn dấu (13,44) và ơn cứu độ (5,12; 25,21.23). Các nhà chiêm tinh đã đạt đến đích. Ba hành vi diễn ra liên tục: họ thấy, bái mình và dâng lễ vật (2,11). Sấp mình bái lạy Hài Nhi và dâng Người lễ vật (x. Is 60,6) là bày tỏ sự lệ thuộc và nhận biết Người là Chúa của họ (4,10; 14,33), cũng là Đấng Kitô (1,1; 2,5). Kết thúc, lần nữa Thiên Chúa hướng dẫn hành trình của họ về xứ sở của họ và âm mưu của Hêrôđê bị đổ vỡ.

Con Thiên Chúa sinh ra cho mọi người. Có người thành tâm đi tìm kiếm Người, mà cũng có người chối bỏ và tìm cách tiêu diệt Người. Tuy nhiên, vì Người là Vua, nên mọi người đều phải sấp mình bái lạy Người.

Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến