Mt 21,1-11: Khi các ngài đến gần Giêrusalem, vào địa hạt Bếtphaghê, giáp núi Cây Dầu, Chúa Giêsu sai hai môn đệ đi và bảo rằng: “Các con hãy đến làng trước mặt kia, sẽ gặp ngay một con lừa mẹ cột ở đó với con lừa con. Các con hãy mở dây, dẫn về đây cho Thầy; và nếu có ai bảo các con điều gì, thì hãy nói: Chúa cần đến chúng, và Ngài sẽ gởi trả lại ngay”. Mọi việc này xảy ra để ứng nghiệm lời tiên tri đã phán:
“Các ngươi hãy bảo thiếu nữ Sion rằng: Kìa vua ngươi nhân ái đến cùng ngươi, ngồi trên lừa mẹ và lừa con, là con của con vật chở đồ”.
Các môn đệ ra đi và làm theo lời Chúa Giêsu dạy bảo. Hai môn đệ dẫn lừa mẹ và lừa con về, trải áo lên mình chúng và đặt Chúa ngồi lên trên. Phần đông dân chúng trải áo xuống đường, kẻ khác thì chặt nhành cây trải lối đi. Dân chúng kẻ thì đi trước, người theo sau tung hô rằng: “Hoan hô con vua Đavit! Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến. Hoan hô trên các tầng trời!”
Khi Ngài vào thành Giêrusalem, thì cả thành phố náo động và nói rằng: “Người đó là ai vậy?” Dân chúng trả lời rằng: “Người ấy là Tiên tri Giêsu, xuất thân từ Nadarét, xứ Galilêa”.
Chúa Giêsu đến Giêrusalem là một thời điểm quan trọng và có tính cách quyết định. Sứ vụ ở Galilêa đã chấm dứt, và hành trình lên Giêrusalem đã đến nơi (x. 19,1). Từ đây, mọi biến cố, lời giảng dạy, hành động và cả cái chết của Người đều sẽ diễn ra ở Giêrusalem (21,1-22,46). Đoạn 21,1-11 mở đầu cho giai đoạn nầy, mô tả việc Chúa Giêsu tiến vào thành Giêrusalem. Bố cục của đoạn có thể phân chia như sau: – Bối cảnh: Chúa Giêsu và các môn đệ đến Betphaghê (c. 1); – Chúa chuẩn bị vào thành (cc. 2-5); – Chúa vào thành (cc. 6-9); – Thái độ thành Giêrusalem và câu hỏi về Người (cc. 10-11). Chữ “Giêsu”, “đến gần/vào Giêrusalem” (c. 1 và 11) đóng khung đoạn nầy. Chúa Giêsu và Giêrusalem liên quan rất mật thiết với nhau.
Chủ đề chính là Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem với tư cách là vị vua mới của thành. Những chủ đề liên quan đến căn tính của Chúa Giêsu: “vua” (c. 5), “Con vua Đavít” (c. 9), “Đấng phải đến” (c. 9), “ngôn sứ” (c. 11). Tước hiệu “Con vua Đavít” gán cho Chúa Giêsu liên kết đoạn nầy với hai đoạn trước và sau (20,31, 21,9, 21,15).
Bối cảnh của trình thuật (c. 1)
Trong câu mở đầu, Matthêô ghi nhận các địa danh rất có ý nghĩa. Giêrusalem, là thành trì của vị Vua cao cả (5,35). Vì dân chúng tung hô Chúa Giêsu là “Con vua Davít” lúc Người vào thành (21,9), có thể nói là Matthêô muốn ám chỉ Giêrusalem là thành trì của vua Đavít và dòng dõi ông. Đavít đã tiến đánh người Giêbusai thời đó đang sống ở Giêrusalem. Ông đã chiếm thành lũy Zion, và đã cho xây dựng ở đó kinh thành của ông gọi là Kinh thành Đavít (2 Sam 5,6-12). Salômôn, con vua Đavít, khi được xức dầu phong vương đã tiến vào Giêrusalem giữa tiếng hoan hô của dân chúng (x. 1 V 39-40). Bởi đó khi Chúa Giêsu tiến vào Giêrusalem, dân chúng hoan hô và gọi Người là “Con vua Đavít”. Người trở nên người thừa kế triều đại của Đavít và là vua của Giêrusalem. Vào tận cuối tin mừng người ta mới thấy vị vua nầy được đối xử như thế nào bởi thần dân của Người (27,37). Bethphagê có nghĩa là “Nhà của những trái vả chưa chín”; có thể ám chỉ loại vả không chín đúng mùa. Xem câu chuyện tìm trái vả (21,18-22). Ngọn núi Cây Dầu cách Giêrusaem chừng 4 km về phía đông, băng qua thung lũng Kidron. Núi Cây Dầu gắn liền với các diễn từ cánh chung (x. 24,3). Như thế việc Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem từ ngã núi Cây Dầu có tính cách cánh chung: Người là vị vua của thời sau cùng và vương triều của Người cũng thế.
Chúa chuẩn bị vào thành (cc. 2-5)
Đoạn nầy gồm hai phần: – Chúa sai hai môn đệ đi chuẩn bị (cc. 2-3) và việc ứng nghiệm lời của ngôn sứ (cc. 4-5). Ý định của việc Chúa Giêsu sai các môn đệ đi làm được giải thích trong phần câu 5 trích từ Zacharia 9,9. Chúa Giêsu chọn phương thế là cỡi lừa vào thành Giêrusalem. Người chủ động sai hai môn đệ đi tìm và dắt về một con lừa (cc. 2-3). Đọc lại bản văn Zacharia 9,9-10 sẽ thấy ý nghĩa của hành vi nầy. Lừa là con vật của hòa bình. Vị vua ngồi trên lưng con vật là chính trực, chiến thắng và khiêm nhu. Vua nầy mang lại hoà bình cho mọi dân tộc trên trái đất. Trong khi đó, ngựa là con vật của chiến tranh (Zach 9,10).
Việc Chúa Giêsu cỡi lừa vào thành Giêrusalem mang ý nghĩa là Người là Đấng đang đến để làm vua (c. 5a). Salômôn, người kế vị vua Đavít, đã cỡi lừa của vua Đavít đến Gihôn để được phong vương trên dân Israel (1 V 1,33). Một chi tiết rất quan trọng không thấy trong các bản dịch là tính từ sở hữu “của chúng” (của các con lừa) ở câu 3: “Chủ của chúng cần đến chúng”. Chúa Giêsu không cỡi trên lừa của bất cứ vị vua nào thuộc dòng tộc Đavít để được phong vương, mà trên con lừa của chính Người. Người là vua trổi vượt trên Đavít và dòng tộc của ông, và Giêrusalem cũng thuộc quyền sở hữu của Người.
“Thiếu nữ Zion” chính là dân thành Giêrusalem. Khi trích lại lời của Zacharia, Matthêô đã thay đổi đôi chút: “Hãy nói cho thiếu nữ Sion” thay vì “Hãy vui lên”. Việc Chúa đến được loan báo như một thông tin, vì sự vui mừng đáng lẽ ra phải có nơi thành Giêrusalem đã gây nên một sự xao động nơi họ (c. 10). Sự hiền lành, khiêm nhu, prau’s, là topos của vị vua. Chúa Giêsu đã mời gọi mọi người hãy học nơi Người vì Người “hiền lành và khiêm nhượng trong lòng” (11,29).
Chúa vào thành (cc. 6-9)
Đoạn nầy mô tả việc các môn đệ chuẩn bị gần cho Chúa Giêsu vào thành (c. c. 6-7) và hành động và lời tung hô của dân chúng (cc. 8-9). Việc trải áo xuống đường cho một người đi qua là hành vi biểu tượng xem người ấy như là thủ lãnh. Dân chúng trải áo xuống đường cho Giêhu đi qua, và họ tung hô ông là vua (2 vua 9,13).
Lời tung hô của dân chúng dựa trên thánh vịnh 118,25-26. Thánh vịnh nầy được đọc vào dịp các lễ lớn như Vượt Qua, Lễ Lều. Ban đầu thánh vịnh được sáng tác như là một bài ca tạ ơn về chiến thắng để hát khi vua tiến vào đền thờ. Thánh vịnh mang tính cách thiên sai, “Đấng đang đến”. Matthêô đã thêm vào “Con vua Đavít” để ám chỉ Chúa Giêsu (c. 9). Tước hiệu nầy đã được Matthêô xác định ngay từ đầu trong gia phả của Chúa Giêsu (1:1), và tương quan của Chúa Giêsu với Đavít còn tiếp tục được đặt ra sau nầy (12,23; 22,42.43.45) Và các bệnh nhân đều dùng tước hiệu nầy để kêu gọi lòng thương xót chữa lành của Chúa Giêsu (9,27; 15,22; 20,30.31; 21,9). Như thế, việc đặt tước hiệu nầy vào trong câu trích dẫn muốn xác định rõ ràng Chúa Giêsu là Con vua Đavít. Người thật là vua, và Người chính là Đấng mà Thiên Chúa sai đến.
Thái độ của dân thành Giêrusalem và câu hỏi về Người (cc. 10-11)
Hai câu nầy là của riêng Matthêô và không tìm thấy câu tương tự trong các phúc âm nhất lãm khác. Thái độ của thành Giêrusalem là run lẩy bẩy, seiō, như động đất vậy. Trong những câu tiếp theo, Matthêô sẽ xác định rõ hơn. Đó là sự nổi giận của các thượng tế và các kinh sư khi thấy các trẻ em lấy y lời của dân chúng mà tung hô Chúa Giêsu (21,15). Sự run sợ nầy đã thấy ngay từ đầu tin mừng. “Hêrôđê và cả Giêrusalem” run sợ khi nghe tin về một vị vua mới sinh (x. 2,3). Có thể lấy sự phản ứng của Giêrusalem làm bối cảnh để giải thích câu hỏi theo sau “Người nầy là ai?” (c 10b). Dân chúng trả lời cho những người đứng đầu Giêrusalem “Người ấy là ngôn sứ Giêsu, người Nazaréth xứ Galilêa”. Câu trả lời muốn nói rõ hơn nữa về căn tính của Chúa Giêsu. Trong chương 2, Matthêô trình bày những biến cố đầu tiên xảy ra cho Chúa Giêsu, khi Người mới được sinh ra. Tại Giêrusalem vua Hêrôđê nghe tin về một vị vua mới sinh, và ông đã ra lệnh tìm giết vị vua nầy (2,16). Vị vua mới sinh phải trốn sang Ai cập, rồi sau đó về lánh ẩn dật tại Nazaréth (2,23). Bây giờ, vị vua ấy là Chúa “Giêsu người Nazaréth” đích thân xuất hiện công khai tại Giêrusalem. Người không còn lẩn tránh nữa. Tại đây, Người là Vua và Giêrusalem là thành đô thuộc về Người.
Vào Giêrusalem Chúa Giêsu không chỉ vào đền thờ, mà vào giai đoạn cuối cùng của chương trình cứu chuộc. Cuộc thương khó và sự chết đang chờ đợi Người. Tuy nhiên Người không ra khỏi thành Giêrusalem cùng một cách thế như khi Người vào thành.
Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến