Lc 9,11b-17: Khi ấy, Chúa Giêsu nói với dân chúng về nước Thiên Chúa và chữa lành những kẻ cần được cứu chữa. Vậy khi đã xế chiều, nhóm mười hai đến thưa Người rằng: “Xin Thầy giải tán dân chúng, để họ đi vào trong các làng mạc và trại quanh đây mà trú ngụ và kiếm thức ăn, vì chúng ta đang ở nơi hoang địa”. Nhưng Người nói với các ông: “Các con hãy cho họ ăn đi”. Các ông trả lời: “Chúng con chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá, trừ phi chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám đông này”. Số đàn ông độ năm ngàn. Người nói với các môn đệ rằng: “Hãy cho họ ngồi xuống từng nhóm độ năm mươi người”. Các ông đã làm như thế, và bảo tất cả ngồi xuống. Chúa Giêsu cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, nhìn lên trời, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và phân phát cho các môn đệ để các ông dọn ra cho dân chúng. Tất cả đều ăn no nê, và người ta thu lượm được mười hai thúng miếng vụn còn dư lại.
Cả bốn tin mừng đều thuật lại câu chuyện bánh (cá) nên nhiều (Mt 14,13-21; Mc 6,32-44; Lc 9,10b-17; Ga 6,1-13). Vị trí của trình thuật nầy trong mạch văn các tin mừng không giống nhau. Điều nầy do ý hướng của mỗi thánh sử. Họ trình bày câu chuyện nầy theo quan điểm riêng để nhấn mạnh một khía cạnh nơi con người Chúa Giêsu. Đoạn Lc 9,10b-17 nằm giữa hai câu hỏi đóng khung, đặt vấn đề về căn tính của Chúa Giêsu, “Ông ấy là ai mà trẫm nghe nói về những chuyện như thế?” (9,9), và “Dân chúng nói Thầy là ai?…Còn anh em, anh em nói Thầy là ai?” (9,18.20). Dư luận dân chúng cho rằng Chúa Giêsu là Êlia, Gioan, hay một ngôn sứ nào đó (9,7-8.19). Phần các môn đệ, Phêrô là đại diện, tuyên xưng Người là “Đấng Kitô của Thiên Chúa” (9,20). Để có thể đưa các môn đệ đi đến tuyên xưng nầy, Luca trình bày chân dung Chúa Giêsu như là Đấng Thiên Chúa sai đến qua phép lạ nuôi dân chúng. Xét theo mạch văn rộng hơn (9,1-50), Chúa Giêsu đã bắt đầu ban quyền hành rao giảng và chữa bệnh cho nhóm Mười Hai, và sai họ đi (9,1-6). Do đó, Người cần tỏ mình cho họ nhiều hơn, tương xứng với sứ mạng họ đang tham dự vào. Rồi, chỉ sau khi họ đã tuyên xưng Người là Đấng Kitô của Thiên Chúa, Người mới cho họ biết thêm về cuộc thương khó Người sẽ chịu (9,18-27; 43b-45), và vinh quang sẽ đến của Người (9,28-36). Như thế, có thể nói trước là trong trình thuật nầy, Luca chú tâm vào Chúa Giêsu và muốn trình bày Người là ai. Bố cục của đoạn có thể phân chia như sau: – Dẫn nhập (cc. 10b-11a); – Chúa Giêsu đón tiếp (c. 11b); – Các tông đồ can thiệp (c. 13); Đối thoại (cc. 13-15); – Hành động Chúa Giêsu trên bánh (c. 16); – Dân chúng no thỏa và thu góp bánh vụn (c. 17).
Sau khi đi truyền giáo về, các tông đồ thuật lại việc họ đã làm (9,10), và Chúa Giêsu dẫn họ về hướng thành gọi là Bethsaiđa. Đang lúc họ ở trong hoang địa (c. 12), dân chúng biết và đi theo Người (c. 11b). Câu dẫn nhập của trình thuật nầy hoàn toàn khác với Marcô. Luca nói “Người tiếp đón họ, nói với họ về Nước Thiên Chúa và chữa lành những ai cần được chữa”, thay vì “Người thấy họ và động lòng thương” (x. Mc 6,34). Sự khác biệt nầy nằm trong ý hướng của Luca. Ông muốn liên kết việc làm bánh nên nhiều với sứ mạng rao giảng Nước Trời và chữa bệnh của Chúa Giêsu. Rao giảng Nước Trời và chữa bệnh được đặt song song, và được Chúa Giêsu thực hiện cách đồng thời ngay từ đầu: rao giảng Nước Trời (4,43; 8,1.10); chữa bệnh (5,17; 6,18-19). Đầu chương 8, sứ mạng nầy được nhắc lại (8,1-3), trước khi trình bày những dụ ngôn về Nước Trời (8,4-15; 16-18). Sang chương 9, Chúa Giêsu trao sứ mạng nầy cho nhóm Mười Hai (9,2). Khi Người thực hành việc rao giảng Nước Trời và chữa bệnh, thể lý hoặc tinh thần, Chúa Giêsu cho biết nguồn gốc và căn tính của Người, “Tôi phải rao giảng Nước Thiên Chúa…; vì lý do nầy mà Tôi đến trần gian” (4,43), và “Tôi không đến kêu gọi những người công chính, nhưng những người tội lỗi để sám hối” (5,32; x. 4,41; 5,21). Vì Người đến từ Thiên Chúa, quyền năng của Thiên Chúa thể hiện trong những công việc nầy của Người (x. 5,17; 7,7). Như thế, qua việc nuôi sống dân chúng, Chúa Giêsu cũng tỏ mình như là Đấng được Thiên Chúa sai đến và quyền năng của Thiên Chúa sẽ biểu lộ trong đó, như việc rao giảng Nước Trời và chữa bệnh vậy.
Động từ “tiếp đón” (c. 11b) ở đây được hiểu là đón tiếp một vị thượng khách, với tất cả lòng hiếu khách và vui mừng. Trước đây, dân chúng tiếp đón Chúa Giêsu. Họ mong mỏi Người (8,40). Người đã đến và chữa lành con gái của ông Giairô, và người đàn bà băng huyết (8,40-56). Lần nầy, Người tiếp đón dân chúng như những khách quí, dù họ không được mời trực tiếp, và Người sẽ đãi họ một bữa tối no thỏa. Trong cả hai lần, Người chủ động thi ân cho họ. Bối cảnh của câu chuyện là “trời đang về tối”(c. 12) tương tự thời điểm hai môn đệ đi làng Emmaus. Họ mời Chúa Giêsu ở lại dùng bữa tối với họ (24,29). Đó là lúc không thể tiếp tục hành trình được nữa, vì đêm đang buông xuống. Điều nầy khác với ghi nhận “trời về chiều” (x. Mt 14,15; Mc 6,35). Những sự kiện khác nữa: đối thoại giữa họ với Chúa Giêsu rất ngắn gọn, con số năm ngàn người được nêu ngay ở đây để làm nổi bật sự tương phản với chỉ năm chiếc bánh và hai con cá (c. 13). Làm như thế, Luca muốn kéo chú ý vào vấn đề khó giải quyết về nơi cư trú qua đêm và lương thực. Nhóm Mười Hai đã không thể giải quyết được, dù họ được mời gọi làm, “Các anh hãy cho họ ăn” (c. 13). Cuối cùng, Chúa Giêsu chủ động tất cả. Lần nữa Người sẽ tỏ cho họ biết Người là ai khi Người thực hiện được điều họ không làm được (x. 8,25).
Chúa Giêsu bảo các môn đệ sắp xếp dân chúng “nằm nghiêng thành nhóm khoảng 50 người” (c. 14). Họ vào vị trí và vị thế của những người dự tiệc (7,36; 9,14.15; 14,8; 24,30). Những người cùng nhóm được xem là những bạn tiệc. Luca không nói đến “bãi cỏ xanh”, vì không trình bày khuôn mặt Chúa Giêsu như vị mục tử, dẫn đàn chiên đến đồng cỏ xanh (x. Mc 6,39). Phần tiếp theo tập trung vào Chúa Giêsu và những hành động của Người trên bánh (c. 16). Sau hai phân từ “cầm lấy bánh và cá”, và “ngước mắt lên trời”, là hai hành động chính “chúc lành” và “bẻ ra bánh ra”, và trao cho các môn đệ. Động từ “eulogeō” vừa có nghĩa là “chúc tụng” Thiên Chúa (1,64; 2,28; 13,35; 19,38), vừa là “chúc lành” trên một người hay một sự vật (1,42; 2,34; 6,28). Bốn động từ nầy còn được dùng trong các trình thuật khác (2,15-20; 24,30). Hành vi “ngước lên trời” chỉ sự thông hiệp với Chúa Cha, trước khi Chúa Giêsu thực hiện một phép lạ (x. Mc 7,34). Do đó, rất có thể Luca hiểu cả hai nghĩa của hành vi eulogeō. Chúa Giêsu chúc tụng Chúa Cha là để tạ ơn, vì phép lạ bánh nên nhiều sắp được thực hiện qua Người, do quyền năng của Chúa Cha (x. 5,17); nhờ đó, các môn đệ sẽ nhận ra Người là “Đấng Kitô của Thiên Chúa”; đồng thời, như một vị chủ tiệc, Người khai mạc bữa ăn bằng việc chúc lành bánh và cá theo phong tục do thái; ý nghĩa là truyền sinh lực và sự sống của Thiên Chúa vào thực phẩm sắp dùng (x. 22,19). Luca không nói đến việc phân phát cá, mà chỉ bánh. Bánh được Chúa Giêsu trao cho các môn đệ liên tục, động từ “trao ban” ở thì quá khứ chưa hoàn thành (imperfect), để họ dọn ra trước mặt cho dân chúng. Như thế, Chúa Giêsu đã làm điều các môn đệ không thể làm, và Người đã ban bánh cách dư dật.
Câu kết của trình thuật cho thấy sự dư đầy của bánh được ban (c. 17). Dân chúng đói, nay được no nê (x. 6,21); nói cách cụ thể là đầy bụng (x. 15,16). Thay vì nói đến con số năm ngàn người ở câu kết nầy trong Mathêu và Marcô (Mt 14,21; Mc 6,44), Luca ghi nhận là “tất cả”, để vừa chỉ con số đã nêu trước (c. 13), vừa để nhấn mạnh hiệu quả no đầy đã tác động trên mọi người. Bánh dư, không để mất đi, mà phải nhặt lại. Thúng đựng bánh dư là thúng lớn, kophinos, dùng để chứa hàng mang đi. Vậy, lời đề nghị của các môn đệ là giải tán dân chúng để họ đi vào làng mạc chung quanh “tìm kiếm lương thực”, nay họ đã tìm thấy lương thực ấy cách dư đầy tại đây (x. Tv 78,24-25).
Trước khi kết luận, có thể nói thêm là khung cảnh bữa ăn thường là nơi thích hợp Chúa Giêsu dùng để tỏ mình ra cho thấy Người là ai. Trong bữa tiệc với những người thu thuế và tội lỗi, Chúa Giêsu tỏ cho biết sứ mạng của Người là kêu gọi hoán cải (5,31-32); trong bữa tiệc tại nhà Zakêu, Người đến để ban ơn cứu độ (19,10); trong bữa Tiệc ly, Người ban chính mình và máu Người (22,19-20); trong bữa tiệc với hai môn đệ đi làng Emmaus, Người tỏ cho họ thấy là Người đã sống lại (24,30-31). Cũng thế, trong bữa tối với dân chúng, Người đã tỏ cho các môn đệ thấy Người làm chủ được tình huống thiếu bánh, và bởi quyền năng của Thiên Chúa, Người đã ban cho dân chúng bánh dư dật. Bởi đó, Người là Đấng đến từ Thiên Chúa (x. 1V 17,14; 2V 4,44).
Mọi lương thực đều do Thiên Chúa mà đến. Việc nuôi dân chúng no thoả là chìa khóa để biết căn tính của Chúa Giêsu. Đó cũng là nền tảng cho các tông đồ để trả lời câu hỏi họ tự đặt ra “Ông nầy là ai?” (8,25).
Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến