Lc 2,22-40: Khi ấy, đủ ngày thanh tẩy theo luật Môsê, cha mẹ Chúa Giêsu liền đem Người lên Giêrusalem để hiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Lề luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng sẽ được gọi là người thánh thuộc về Chúa”. Và cũng để dâng lễ vật cho Chúa, như có nói trong Luật Chúa, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu con.
Và đây ở Giêrusalem có một người tên là Simêon, là người công chính, kính sợ Thiên Chúa, và đang đợi chờ niềm ủi an của Israel. Thánh Thần cũng ở trong ông. Ông đã được Thánh Thần trả lời rằng: Ông sẽ không chết trước khi thấy Đấng Kitô của Chúa. Được Thánh Thần thúc giục, ông vào đền thờ ngay lúc cha mẹ trẻ Giêsu đưa Người đến để thi hành cho Người những tục lệ của Lề luật. Ông bồng Người trên cánh tay mình, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:
“Lạy Chúa, bây giờ, Chúa để cho tôi tớ Chúa đi bình an theo như lời Chúa, vì chính mắt con đã thấy ơn cứu độ mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là ánh sáng chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Israel dân Chúa”.
Cha mẹ Người đều kinh ngạc về những điều đã nói về Người. Simêon chúc lành cho hai ông bà và nói với Maria mẹ Người rằng: “Đây trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều người trong Israel phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người ta chống đối. Về phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ!”
Lúc ấy, cũng có bà tiên tri Anna, con ông Phanuel, thuộc chi họ Asê, đã cao niên. Mãn thời trinh nữ, bà đã sống với chồng được bảy năm. Rồi thủ tiết cho đến nay đã tám mươi bốn tuổi. Bà không rời khỏi đền thờ, đêm ngày ăn chay cầu nguyện phụng sự Chúa. Chính giờ ấy, bà cũng đến, bà liền chúc tụng Chúa, và nói về trẻ Giêsu cho tất cả những người đang trông chờ ơn cứu chuộc Israel.
Khi hai ông bà hoàn tất mọi điều theo luật Chúa, thì trở lại xứ Galilêa, về thành mình là Nadarét. Và con trẻ lớn lên, thêm mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, và ơn nghĩa Thiên Chúa ở cùng Người.
Đoạn 2,22-40 trình bày câu chuyện Chúa Giêsu được đem lên Giêrusalem trình dâng cho Thiên Chúa theo đòi hỏi của luật Môsê. Lề luật được dùng như cái khung trong đó các ngài thi hành bổn phận theo luật dạy: “hai ông bà đem Hài Nhi lên Giêrusalem” (cc. 22.27). Câu chuyện kết thúc khi các ngài đã thi hành đầy đủ điều luật dạy: “Khi đã xong mọi sự theo luật Chúa, ông bà trở về Galilê” (c. 39). Trong đền thờ Giêrusalem, Chúa Giêsu được trình dâng cho Thiên Chúa. Ngài là Đức Kitô của Chúa (c. 26), ơn cứu độ của Thiên Chúa (c. 30). Ngài là Đấng mà dân Ítraen trông đợi; Simêon (cc. 25-35) và Anna (36-38) là những đại diện (cc. 31.32). Họ trông đợi “niềm an ủi” (c. 25b), “ơn cứu chuộc” (c. 38) của Thiên Chúa; đó chính là Chúa Giêsu, “ánh sáng của muôn dân” và “vinh quang của dân Ítraen” (c. 32). Lời chúc tụng của Simêôn nói đến vai trò cứu thế của Chúa Giêsu Kitô; Đức Maria chia sẻ sứ mạng với Ngài (c. 34). Tại Galilê, Chúa Giêsu lớn lên trong ân sủng của Thiên Chúa (cc. 39-40), và Ngài sẽ lên đền thờ Giêrusalem khi Ngài lên mười hai tuổi (2,41-52).
Trình dâng con trai đầu lòng cho Thiên Chúa là một đòi hỏi của luật Môsê. Thánh sử Luca liên kết việc này với luật thanh tẩy của người mẹ. Đức Maria cùng với thánh Giuse lên đền thờ Giêrusalem, và các ngài mang Chúa Giêsu lên để trình dâng cho Thiên Chúa; như thế cả hai đều đến trình diện trước mặt Chúa (x. 1,19).
Luật Môsê qui định về con trai đầu lòng là phải được “thánh hiến cho Chúa” (Xh 13,2.12), và được người cha chuộc lại (Xh 13,15). Khi dẫn chứng luật này, thánh sử Luca thay thế “thánh hiến cho Chúa” bằng “được gọi là của thánh dâng cho Chúa” (c. 23), ám chỉ lời sứ thần đã nói với Đức Maria về người con mà Mẹ cưu mang và sinh hạ, Ngài “được gọi là Thánh, là Con Thiên Chúa” (1,35). Thánh sử Luca nói đến những của lễ mà người mẹ phải mang theo khi đến trình diện: một cặp chim gáy hay hai bồ câu tơ; một con để làm lễ toàn thiêu và một con làm lễ tạ tội (Lv 12,8). Việc các ngài làm theo luật cho thấy lòng trung thành của các ngài đối với Thiên Chúa. Sự trung thành với lề luật Môsê sẽ chuyển sang lòng trung thành với ý muốn của Thiên Chúa.
Chúa Giêsu được trình dâng cho Thiên Chúa để hiến mình thực hiện công cuộc cứu độ của Người. Dân Ítraen đang mong đợi ơn cứu độ của Thiên Chúa, và Chúa Giêsu đến và tỏ mình cho họ như là “ơn cứu độ” của Thiên Chúa (c. 30). Ai đón nhận Ngài, sẽ được chỗi dậy, và ai chối từ Ngài, sẽ ngã xuống (c. 34).
Simêôn đại diện cho những người trông đợi niềm an ủi của dân Ítraen. Ông là người “công chính”, dikaios, và “mộ đạo”, eulabēs. Theo thánh sử Luca, người công chính là người “đi theo mọi điều răn giới luật của Chúa” và kính sợ Người (Cv 10,22) như Dacaria và Êlisabét (1,6); và người “mộ đạo”, là người tuân giữ các giới răn của Thiên Chúa (Cv 22,12). Ông trông đợi: “niềm an ủi của Ítraen” (2,25), “ơn cứu chuộc của Giêrusalem” (2,38), Nước Thiên Chúa (23,51). Simêôn mong đợi và ông sẽ được tận mắt nhìn thấy Đấng Cứu Độ của Thiên Chúa.
Ông Simêôn chúc tụng Thiên Chúa về Hài Nhi (cc. 28-32). Simêôn không chỉ nói với tư cách cá nhân, mà còn nói đại diện cho dân Ítraen và muôn dân. Nội dung lời chúc tụng tập trung trên Chúa Giêsu Kitô. Simêôn chúc tụng Thiên Chúa vì Người làm thỏa mãn điều dân Ítraen trông đợi khi ban Chúa Giêsu Kitô làm Đấng Cứu Độ; việc chúc tụng luôn gắn liền với lòng biết ơn Thiên Chúa (1,64; 2,28). Nói về Chúa Giêsu Kitô, Simêôn gọi Ngài là “ơn cứu độ của Người (Thiên Chúa)”, sōtērion sou; chính Ngài đã được loan báo như là Đấng Cứu Độ, sōtēr (2,11).
Simêôn ngỏ với Đức Maria, nói về thái độ của những người sau này đối với Đức Giêsu Kitô. Hai cụm từ eis ptōsin, “để bổ nhào” và eis sēmeion, “làm dấu hiệu” tạo nên hai vế song song với nhau; câu 35b được hiểu như tiếp tục câu 34bc, và nói về thái độ từ chối hay đón nhận Chúa Giêsu. Chúa Giêsu được đặt như hòn đá làm cớ ngã nhào (x. 7,23; 20,18) và như dấu hiệu (11,30) để ý nghĩ tâm hồn phải bày ra. Chính Ngài sẽ nói về điều này: “Ta xuất hiện để ban bình an trên mặt đất ư? Không đâu! Ta bảo các ngươi, không gì khác ngoài sự chia rẽ…” (12,51-53). Và lời này Ngài nói trong ngữ cảnh bàn về cuộc thương khó mà Ngài sắp thực hiện.
Về Đức Maria, Simêôn nói đến một lưỡi gươm sẽ đâm thâu hồn Đức Maria. Hình ảnh “lưỡi gươm” ám chỉ lời phát xuất từ miệng của Chúa Giêsu Kitô “Này là lời phán dạy của Ðấng có thanh kiếm hai lưỡi bén” (Kh 2,17), Lời của Chúa Giêsu và cả hành động của Ngài làm phân bạch tâm hồn, và đôi khi gây đau đớn. Đức Maria cũng chịu ảnh hưởng bởi lời của Chúa Giêsu, như trong nhiều trường hợp được thuật lại trong Tin Mừng (2,48-49; 8,21; 11,27-28). Hơn nữa, lời tiên tri này cũng ám chỉ việc Đức Maria chịu đau khổ khi thông phần vào đau khổ của Chúa Giêsu trước việc người ta chống đối và giết Ngài; ngay từ đầu, số phận mẹ – con luôn gắn bó với nhau.
Câu 39 đóng lại khung cảnh trình dâng Hài Nhi đã hoàn tất theo luật trong đền thờ Giêrusalem, và tường thuật gia đình về lại Galilê, đến thành Nadarét (x. 7,1; Cv 13,29), nơi Chúa Giêsu sẽ ở đó và lớn lên (cc. 39.51) cho đến ngày Ngài khởi đầu sứ vụ công khai (4,14). Câu kết luận về Hài Nhi (c. 40) tương tự cách kết luận thời thơ ấu của Gioan (1,80); có thể được cảm hứng từ 1 Sm 2,21 và 2,26. Cụm từ “đầy khôn ngoan và ân sủng” được dùng cho người của Thiên Chúa (Cv 6,3.10). Chúa Giêsu đầy “khôn ngoan và ân sủng của Thiên Chúa” vì Ngài là Con của Người. Thiên Chúa luôn ở với Ngài và giao phó cho Ngài sứ mạng cứu độ (x. 1,30).
Chúa Giêsu là ơn cứu độ của Thiên Chúa ban cho muôn dân đang trông đợi. Ngài không được chuộc lại, vì Ngài hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa, nhưng Ngài sẽ chuộc lại cho Thiên Chúa những người đang trông chờ ơn cứu độ.
Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến