Chúa Nhật Thứ 3 Thường Niên Năm C: Lc 1,1-4; 4,14-21

23/01/2025

1Thưa ngài Thê-ô-phi-lô đáng kính, có nhiều người đã ra công soạn bản tường thuật những sự việc đã được thực hiện giữa chúng ta. 2Họ viết theo những điều mà các người đã được chứng kiến ngay từ đầu và đã phục vụ lời Chúa truyền lại cho chúng ta. 3Tôi cũng vậy, sau khi đã cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự, thì thiết tưởng cũng nên tuần tự viết ra để kính tặng ngài, 4mong ngài sẽ nhận thức được rằng giáo huấn ngài đã học hỏi thật là vững chắc.

14Khi ấy, được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Đức Giê-su trở về miền Ga-li-lê, và tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng lân cận. 15Người giảng dạy trong các hội đường, và được mọi người tôn vinh. 16Rồi Đức Giê-su đến Na-da-rét, là nơi Người đã được dưỡng dục. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát, và đứng lên đọc Sách Thánh. 17Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng : 18Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, 19công bố năm hồng ân của Chúa.

20Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. 21Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.”

BƯỚC VÀO TIN MỪNG LU-CA

Tại Milano, Italia, trong thư viện thánh Ambrôsiô, còn giữ lại một mảnh chỉ thảo được biết như là “Quy điển Muratori”, theo tên của sử gia Antonio Muratori (1672-1750), nhà khám phá mảnh chỉ thảo: ông đã thu thập được bảng danh sách các tác phẩm chính lục của Kinh Thánh có kèm thời giải thích, nghĩa là bảng liệt kê các sách được thừa nhận như do Thiên Chúa linh ứng của Giáo đoàn Rô-ma thế kỷ thứ II. Đến chỗ Tin Mừng theo Lu-ca, tác giả của tài liệu tối cổ này viết: “Thứ ba là sách Tin Mừng theo Lu-ca. Ông Lu-ca này là một y sĩ, mà sau khi Đức Giê-su về trời, Phao-lô đã đem theo như bạn đồng hành. Ông đã tự mình viết theo quan điểm của mình mặc dù ông đã không đích thân thấy Chúa trong xác thịt.”

1. Vài nét về tác giả

Qua dòng phác thảo vừa thấy, chúng ta có được một vài dữ kiện tiểu sử về tác giả Tin Mừng thứ ba, được truyền thống Ki-tô giáo thu nhận: y sĩ (hãy nghĩ đến chi tiết mồ hôi máu của Đức Giê-su, việc tránh nói xấu giới y sĩ trong câu chuyện người đàn bà bị băng huyết), môn đồ của thánh Phao-lô (x. Cl 4,10-12; 1Tm 4,11), truyền giáo như người trong thế giới dân ngoại (như xác nhận trong công trình thứ hai của Lu-ca, sách Công vụ Tông đồ), văn sĩ độc đáo (tiếng Hy-lạp của Lu-ca là hay nhất trong toàn bộ Tân Ước), chứng nhân gián tiếp. Truyền thống về sau đã tô thêm bức chân dung sơ sài này với nhiều đường nét thường là tưởng tượng: nổi tiếng nhất là việc gán cho Lu-ca danh hiệu họa sĩ vẽ các ảnh “Đức Mẹ đen” (Black Madonna, ví dụ ở Bologna, ở Đền thờ Đức Bà Cả Rô-ma). Thực tế, các bức ảnh tuyệt đẹp hơn đã được Lu-ca vẽ trong các trang của tác phẩm người.

Và từ Chúa nhật này rồi suốt năm phụng vụ (năm C), chúng ta sẽ đến với Tin Mừng Lu-ca, một tác phẩm được sinh ra, như chính tác giả xác nhận trong bài tựa hôm nay vừa công bố, từ việc “cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự việc để tuần tự viết ra.

Nói cho đúng, tác phẩm của Lu-ca gồm hai cuốn sách trình bày chương trình cứu độ về mặt lịch sử và cả về mặt địa lý.

Xét về mặt lịch sử, thì sau giai đoạn đoan hứa là đến giai đoạn thực hiện với a) thời của Đức Giê-su: Thần Khí xưa đã tác động các ngôn sứ, thì nay càng tỏ hiện tràn đầy trong ngôn ngữ và hành vi của Đức Giê-su (sách Tin Mừng); b) thời của Giáo hội: Thần Khí nơi Đức Giê-su nay được tuôn tràn trên trên cộng đoàn môn đệ Người sau khi Người phục sinh (sách Công vụ).

Xét về mặt địa lý thì chương trình cứu độ được diễn ra với điểm xuất phát là Giê-ru-sa-lem. Mọi sự bắt đầu tại đó với lời sứ thần báo tin cho ông Da-ca-ri-a. Sau khi Đức Giê-su lên đấy để hoàn tất cuộc “xuất hành” của Người (sách Tin Mừng), thì các môn đệ cũng từ đó ra đi để đem Tin Mừng cho đến tận cùng trái đất (sách Công vụ).

Vì thế, hôm nay chúng ta sẽ đưa ra một vài nét về các chủ đề căn bản của Tin Mừng Lu-ca, để biết đọc tác phẩm này cách tổng quát, toàn bộ, vượt lên trên vẻ rời rạc do việc cắt xén tác phẩm thành nhiều đoản văn phụng vụ Chúa nhật. Chúng ta làm việc này thông qua một ngữ vựng nhỏ gồm 6 từ:

2. Vài chủ đề chính của tác phẩm

Từ thứ nhất đương nhiên là Giê-su Ki-tô. Lu-ca trình bày Người như “bạn của những kẻ thu thuế và những kẻ tội lỗi” (15,2), như vị Ngôn sứ có lời tối hậu và hoàn hảo của Thiên Chúa cần chuyển cho chúng ta, như kẻ nghèo chẳng có ngay cả gối để kê đầu (9,58), như người lang thang muôn thuở (sinh ra bên đường, sống trên đường và chết ở một góc đường), như Đấng cứu chữa không những các cơn bệnh thể xác mà cả nỗi khổ tâm hồn, như nơi Thánh Thần cư ngụ để rồi từ đó tuôn đổ trên cộng đoàn các môn đệ, như tâm điểm lẫn ý nghĩa và cùng đích của lịch sử nhân loại.

Từ thứ hai thân thiết với Lu-ca là từ tình yêu. Đại thi hào Dante Alighieri, người Italia (1265-1321), trong tác phẩm La ngữ Monarchia (Quân chủ) đã định nghĩa Lu-ca như scriba mansuetudinis Christi (văn sĩ về lòng thương xót của Đức Ki-tô). Dụ ngôn người cha hoang phí (chứ không phải đứa con hoang đàng) ở chương 15, dụ ngôn người Sa-ma-ri nhân lành, “Diễn từ trên đồng bằng” ở 6,17-49, lòng thương xót của Đức Giê-su đối với những kẻ bị loại trừ, việc lựa chọn giới nghèo khó, việc tự hiến đến hy sinh chính mình, cử chỉ tối hậu là tha thứ và cứu rỗi tên trộm lành, tất cả đều là bấy nhiêu bằng chứng về sự đúng đắn của định nghĩa do Dante đưa ra. Thậm chí, Lu-ca còn vẽ chân dung người môn đệ đích thật của Đức Ki-tô như sau: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (6,36).

Từ thứ ba là từ niềm vui. Lu-ca sử dụng năm động từ khác nhau để diễn tả niềm vui trong 27 đoạn của tác phẩm. Tiêu biểu theo nghĩa này là chương 15; chúng tôi xin mời độc giả liên tục rảo qua các câu 5.6.7.9.10.23.24.32: “Tìm được (con chiên) rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai… và nói: “xin chung vui với tôi…”. Trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng… Tìm được (đồng bạc) rồi, bà ấy nói: “Xin chung vui với tôi…”. Cũng thế, giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng… “Hãy đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng (con ta đã trở về)”… Và họ bắt đầu ăn mừng… “Chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ.

Nghèo khó là chủ đề thứ tư được đặc biệt nêu bật trong Tin Mừng Lu-ca, một Tin Mừng hết sức nhạy bén với vấn đề xã hội: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó” (Lc 6,20); “kẻ nghèo hèn được loan báo Tin Mừng” (4,18); người hành khất La-da-rô và bà góa cho tất cả là những gương sống; chàng thanh niên giàu có không thể theo Đức Giê-su nếu chẳng phân phát cho kẻ nghèo “mọi thứ mình sở hữu”; tay trọc phú miệt mài thu tích cho mình chứ không phải cho Thiên Chúa là kẻ ngu dại ; những ông Pha-ri-sêu (Biệt phái) hám tiền đến độ biến nó thành Chúa thực của mình. “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao ! Quả vậy, con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa” (18, 24-25).

Từ thứ năm thân thiết với Lu-ca là cầu nguyện. Đức Giê-su là con người cầu nguyện tiêu biểu. Trong những khúc quanh quyết định của đời Người, Lu-ca luôn trình bày Người cầu nguyện và đối thoại với Chúa Cha: trước khi chịu Phép rửa (3,21), giữa cơn cuồng nhiệt của quần chúng (5,16), trước lúc tuyển chọn Nhóm Mười hai (6,12), trước cuộc tuyên tín của Phê-rô (9,18), trước khi tỏ mình long trọng trong cuộc Biến hình (9,28-29), trước lúc dạy lời kinh đặc trưng của Ki-tô giáo, kinh “Lạy Cha” (11,1), trong giờ quyết định tối hậu trước lúc chịu chết (20,40-46). Và lời sau hết của Người trên trần gian là một lời cầu nguyện: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (23,46).

Từ thứ sáu và cuối cùng, chúng ta có thể đưa vào bảng tổng hợp các chủ đề thân thiết với Đức Giê-su của Lu-ca là từ bỏ. Ám chỉ ơn thiên triệu của Ê-li-sa, kẻ được ngôn sứ Ê-li-a kêu gọi khi đang đi cày, một ngày nọ Đức Giê-su đã thốt lên: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đằng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa” (9,62). Để theo Đức Giê-su cần phải thực hiện một lựa chọn triệt để và cần chữa mình khỏi cơn bệnh luyến tiếc nhớ nhung. Các môn đệ không chỉ từ bỏ “lưới và cha mình” như Mát-thêu nói, mà còn bỏ “tất cả” theo Lu-ca 5,11. Nói về ơn gọi của mình, Mát-thêu chỉ viết: “Ông đứng dậy đi theo Người” (Mt 9,9), trái lại Lu-ca thêm “bỏ tất cả” (Lc 5,28). “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (9,23). Vậy phải nghĩ sao khi ngay cả sự yên thân mà chúng ta cũng chẳng dám từ bỏ để dấn thân vì Tin Mừng, vì tự do của con người và của Giáo hội, vì sự độc lập của đạo Chúa ?