Chúa Nhật V Thường Niên A – Tôn Vinh Cha Các Con – Giải thích bản văn Tin Mừng

06/02/2020

Mt 5,13-16: Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con là muối đất. Nếu muối đã lạt, người ta biết lấy gì mà ướp cho mặn lại? Muối đó không còn sử dụng vào việc chi nữa, chỉ còn ném ra ngoài cho người ta chà đạp lên nó.

“Các con là sự sáng thế gian. Một thành phố xây dựng trên núi, không thể che giấu được. Và người ta cũng không thắp đèn rồi để dưới đáy thùng, nhưng đặt nó trên giá đèn, hầu soi sáng cho mọi người trong nhà. Sự sáng của các con cũng phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc lành của các con mà ngợi khen Cha các con trên trời”.   

Đoạn 5,13-16 nằm trong văn mạch diễn từ trên núi của Chúa Giêsu (4,23-7,29). Sau khi nói đến các mối phúc, hướng về tương lai (5,3-12), Chúa Giêsu chuyển sang nói đến bổn phận của người môn đệ trong hiện tại. Đoạn 5,13-16 liên kết với đoạn trên bởi đại từ “anh em” (ngôi thứ hai số nhiều) được dùng trong mối phúc cuối cùng “Phúc cho anh em khi người ta sỉ nhục anh em và bắt bớ, nói xấu anh em đủ điều vì danh Thầy…” (5,11-12). Từ câu 11 Matthêô không nói một cách tổng quát nữa về các mối phúc “Phúc cho ai…”, mà chỉ rõ đối tượng của mối phúc “Phúc cho anh em…”. Đại danh từ nầy được dùng hoặc ở dạng bổ ngữ “…người ta sỉ nhục anh em”, hoặc ở dạng sở hữu cách “phần thưởng của anh em”. Sang đoạn 13-16, đại danh từ nầy được dùng ở dạng chủ ngữ để chỉ căn tính “Anh em là…” và qua đó nói đến bổn phận. Đại danh từ còn xuất hiện hai lần ở phần kết luận, nhằm xác định tương quan giữa “điều tốt anh em làm” và “vinh danh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời”. Như thế, ý nghĩa của đoạn 5,13-16 sẽ được soi sáng bởi văn mạch của nó trong liên hệ với đoạn trên.

Bố cục của đoạn 5,13-16 được phân chia cách rõ ràng theo sự phân bố của đại từ “anh em” (cc. 13.14.16 [3x]): – “Anh em là muối đất” (c. 13), – “Anh em là ánh sáng thế gian” (14-16a), – Kết luận (c. 16b). Muối nói về căn tính người môn đệ, và ánh sáng nói đến sứ mạng của họ. Cả căn tính lẫn sứ mạng đều phải được làm đúng theo bản chất của chúng. Hai phần nầy tượng tự nhau về cấu trúc và lý luận. Về mặt văn chương, hai phần dài ngắn khác nhau và dạng câu văn không hoàn toàn giống nhau. Tuy thế, chúng có điểm tương đồng: một khẳng định với cấu trúc giống nhau “Anh em là”, tiếp đến một trình bày dưới dạng phủ định: “Nếu muối ra dại/lạt…không làm gì được”, “Cái thành trên núi không thể che khuất được”, và “Không ai thắp đèn đặt dưới đáy thùng”, và một kết luận cho từng phần: tiêu cực “đổ ra ngoài cho người ta chà đạp”, tích cực “chiếu soi mọi người”. Sau cùng là kết luận chung cho cả đoạn (c. 16b). Chủ đề chính của đoạn là nói đến căn tính của người môn đệ và sứ mạng của họ trong tương quan với Thiên Chúa và người đời. Các từ vựng đáng chú ý: “anh em” (cc. 13.14.16 [3x] và các từ vựng liên hệ đến đại danh từ “anh em”; “người ta”, anthropos, (cc. 13.16). Từ “anh em” đóng khung đoạn nầy (cc. 13.16).

 “Anh em là muối đất” (c. 13a)

 “Anh em là muối đất”: đại danh từ “anh em” đặt đầu câu có tính cách nhấn mạnh. Cụm từ gồm đại danh từ + động từ eimi rất ít dùng cho ai khác ngoài Thiên Chúa và Chúa Giêsu (.x 16,15; 22,32, 24,5, đặc biệt trong tin mừng thánh Gioan).  Cấu trúc nầy dùng để chỉ căn tính. “Anh em” ở đâu chỉ những người đến nghe Chúa Giêsu: dân chúng và các môn đệ (c. 5,1), nghĩa là cộng đoàn của Matthêô. Từ “muối”, halas, chỉ được dùng trong câu nầy của tin mừng Matthêô. Xét theo mạch văn có thể thấy rằng Matthêô đưa ra khẳng định các môn đệ là “muối đất”, và thánh sử khuyến cáo ngay là đừng để muối bị biến chất và ra dại đi, hơn là định nghĩa về muối. Đây là hướng giải thích bản văn.

Động từ mōrainō, ở  thể  thụ  động có  hai nghĩa: “nên dại, nên khùng” (Rm 1,22; ở thể chủ động 1 Cor 1,20) và “nên nhạt, mất mùi vị”. Động từ nầy trong bản văn thánh Phaolô được dùng chung với từ sophos, “khôn ngoan” (Rm 1,22; 1 Cor 1,20) và hiểu theo cách đối nghịch với nhau: “Tự xưng mình là khôn ngoan, họ trở nên điên dại” (Rm 1,22). Cách đặt vấn đề “nếu muối đã nên dại”, mōranthē, rất có thể hàm ý muối ấy phải là “muối khôn ngoan”. Dĩ nhiên đây không phải là sự khôn ngoan theo kiểu thế gian, mà là sự khôn ngoan của các mối phúc thật, trái nghịch với sự suy nghĩ và tìm kiếm của người đời.

“Muối của đất”: Luca và Marcô nói đến “muối tốt”, kalos (Mc 9,50; Lc 14,34), trong khi Matthêô không có một tính từ nào chỉ phẩm chất của muối. “Đất”, , là không gian nơi con người sinh sống (5,18.35; 6,10…) và người sống trên đất nầy (x. 9,26.31; 10,34). Muối không hiện hữu cho chính mình, mà trở nên công dụng tốt cho vật khác, bởi đó “muối của đất” có nghĩa là “muối cho đất”. Matthêô thường dùng cụm từ “đất và trời” để chỉ một toàn thể (5,18; 6,10; 11,25), sự liên hệ chặt giữa trời và đất (16,19; 18,18.19). Sự liên hệ trong đoạn nầy là người môn đệ là muối cho đất để người ta có thể nhận biết Cha của họ ở trên trời (c. 16).

“Nếu muối ra dại”: Matthêô và Luca đều dùng mōranthē, “nên dại”, trong khi Marcô analon genētai, “trở nên nhạt đi”. Trong tiếng Hipri và Aram từ tpl mang cả hai nghĩa “nên điên dại” (Gióp 1,22; 24,12; Giêr 23,13) và “nên nhạt đi” (Gióp 6,6; x. Êzek 13,10). Câu điều kiện ”Nếu muối ra nhạt/dại thì lấy gì muối nói lại?” có thể là cách nói thái quá, như câu trong phần hai “Không ai thắp đèn rồi đặt nó dưới đấu” (c. 14) để chỉ một sự việc khó, thậm chí không thể xảy ra. Muối xét theo phương diện hoá học không thể mất phẩm chất được Trong 6,23 Matthêô cũng có câu nói tương tự: “Nếu ánh sáng của con ra tối tăm, thì sẽ tối tăm chừng nào”. Sự vô ích của “muối đã nhạt” và việc người ta dẵm lên nó chỉ sự vô dụng của nó trong tương quan với con người, tương tự như nếu “đèn đặt dưới đấu” sẽ không soi tỏ cho ai được cả. Vậy đối với Chúa Giêsu, người môn đệ khi đã là muối, phải mãi là muối và là muối tốt.

Anh em là ánh sáng thế gian

Sau khi nói về căn tính của người môn đệ, Matthêô nói đến chứng tá của họ. Các từ vựng liên quan đến chủ đề ánh sáng: “ánh sáng”, phos (cc. 14.16), “thắp, đốt”, kaiō,  đèn, lychnos, chiếu soi, lampō (cc. 15.16). Từ “ánh sáng” (cc. 14.16a) đóng khung đoạn nầy. Cụm từ “Các con là ánh sáng thế gian” (c. 14a) khởi đầu được diễn tả cách khác ở phần kết luận “ánh sáng của các con trước mặt người ta” (c. 16a).

“Ánh sáng thế gian”, có nghĩa là ánh sáng cho thế gian. “Thế gian”, kosmos, chỉ mặt đất Thiên Chúa tạo dựng cho con người (Mt 13,35.38; 25,34; 26,13; Cv 17,21; Kh 13,8). Từ “ánh sáng”, phos, xuất hiện bảy lần trong Matthêô, trong đó ba lần mô tả ánh sáng nơi của Chúa Giêsu (4,16[2x], 17,2), và 4 lần còn lại dành cho các môn đệ: mắt người môn đệ phải sáng vì đó cũng là sự sáng của toàn thân (6,22-23), và họ phải nói ra ánh sáng điều họ nghe từ Chúa Giêsu trong bóng tối (10,27). Như thế vì là ánh sáng, người môn đệ không được che dấu mình trong bóng tối (5,13.16).

Về việc nầy Matthêô trước tiên dùng hình ảnh so sánh “Cái thành xây trên núi” (c. 14.b). Hình ảnh nầy không mang ý nghĩa ẩn dụ hay tượng trưng nào cả, mà chỉ muốn nói sự hữu hình của nó. Cái thành ở trên núi cao thì ai cũng thấy. Cái thành trở nên điểm qui chiếu và định hướng cho vùng chung quanh. Tiếp đến, Matthêô dùng hình ảnh về cái đèn được thắp sáng. Như cái thành trên núi “không bị che khuất”, thì cái đèn thắp sáng “không thể đặt dưới đấu” được. Như cái thành nằm “trên núi”, cái đèn nầy phải được đặt trên giá. Mục đích của cái đèn thắp sáng khác với cái thành trên núi: nó tỏa ánh sáng ra và chiếu soi mọi người và mọi sự trong nhà (c. 15b); trong khi ở tin mừng Luca là “để ai vào nhà thấy được ánh sáng” (Lc 8,16). Điều nầy phù hợp với bản chất của” ánh sáng” trong Matthêô: ánh sáng là để chiếu soi và đưa ra ánh sáng tất cả những ai hoặc những gì nằm trong bóng tối (5,16; 6,22.23; 10,27).

Để kết luận phần nầy, Matthêô mở rộng sự áp dụng trong một mệnh lệnh: “Hãy chiếu toả ánh sáng các con trước mặt người đời”, hoàn thành cho khẳng định đầu tiên “Các con là ánh sáng trần gian”. Về “trước mặt người đời”, trong khi đó ở câu 6,1, cũng bằng một mệnh lệnh, Chúa Giêsu lại bảo các môn đệ của Ngài “Coi chừng đừng làm việc công đức trước mặt người ta để làm cho họ chú ý”. “Người đời”, anthropos, là người thuộc về trần gian nầy. Động từ theaomai, trong câu 6,1 nầy ở dạng thụ động và có nghĩa là “được thấy”, “kéo sự chú ý”. Ở câu 16a, người môn đệ phải “chiếu ánh sáng mình trước mặt người đời” không phải để kéo sự chú ý của người đời về phía mình, mà để làm vinh danh Cha trên trời (c. 16b). Điều nầy sẽ giải thích thêm trong phần tiếp theo.

Họ thấy việc lành của các con mà tôn vinh Cha các con…” (c. 16b)

Mệnh lệnh kết thúc phần hai dùng làm áp dụng cho kết luận cả đoạn, đánh dấu bằng hopōs, “vậy” (c. 16b). Phần đầu của kết luận lập lại ý tưởng của câu kết luận trên bằng từ ngữ khác và theo cấu trúc đối đảo: câu 16 a: A. Ánh sáng các con – B. Chiếu soi trước mặt người ta – và câu 16 b: B’. Người ta thấy – A’ Việc lành các con, và phần mở rộng của kết luận: “Họ sẽ tôn vinh Cha các con, Đấng ngự trên trời” (c. 16c). Vậy, “ánh sáng của các con” được hiểu là “việc lành các con”, và việc lành ấy phải “chiếu soi trước mặt người ta” để “người ta thấy” mà “tôn vinh Cha các con, Đấng ngự trên trời”.

Việc người môn đệ là phải làm “việc tốt”, kata erga. “Việc tốt” là việc liên quan đến Chúa Giêsu (26,10) và Thiên Chúa (c. 16b). Việc tốt nầy phải được thấy trước mặt mọi người. Ở đây, Matthêô dùng động từ horaō, “thấy” thay vì theaomai, “kéo sự chú ý”. Người Pharisêô làm các việc để được người khác thấy/chú ý, theaomai; do đó người môn đệ không làm theo việc, erga, của họ (23,3; 6,1). Động từ horaō là động từ được ưa thích của Matthêô, 76 lần. “Thấy” là nhận thức thiêng liêng và thúc đẩy tìm kiếm Thiên Chúa, như trường hợp các đạo sĩ (2,2.9.10. 11), là kinh nghiệm nhìn thấy Thiên Chúa (4,16; 5,8). Vậy, ánh sáng của người môn đệ chiếu soi trước mặt người đời là để người đời nhìn thấy Thiên Chúa qua việc lành của họ. Người ta không dừng lại nơi người môn đệ mà đến với Thiên Chúa và tôn vinh Ngài. Chúa Giêsu ngăn ngừa các môn đệ của Ngài tìm vinh danh người đời cho bản thân mình (6,2). Trong mọi việc làm, erga, họ phải hành động như Chúa Giêsu là làm để người ta tôn vinh Thiên Chúa, Đấng ngự trên trời (9,8; 11,2-5,15,31).

Ơn gọi của người môn đệ đòi hỏi họ hai điều: là muối, họ không thể để mất căn tính của mình, mà phải sống tốt lành như Chúa Giêsu, như Cha trên trời, và là ánh sáng, họ không được lẩn trốn, mà phải đứng ở vị trí ai cũng có thể thấy để qua việc họ làm, người ta tôn vinh Cha trên trời.

Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến