Ga 14,15-21: Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu các con yêu mến Thầy, thì hãy giữ giới răn Thầy. Và Thầy sẽ xin Cha, và Người sẽ ban cho các con một Đấng Phù Trợ khác, để Ngài ở với các con luôn mãi. Ngài là Thần Chân Lý mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết được Ngài; còn các con, các con biết Ngài, vì Ngài sẽ ở nơi các con và ở trong các con. Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi: Thầy sẽ đến với các con. Một ít nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy. Phần các con, các con thấy Thầy vì Thầy sống và các con cũng sẽ sống. Trong ngày đó, các con sẽ hiểu biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, và các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con. Ai nhận các luật Thầy truyền và giữ các luật đó, thì người ấy là kẻ mến Thầy. Và ai mến Thầy sẽ được Cha Thầy yêu mến, và Thầy sẽ yêu nó, và sẽ tỏ mình ra cho nó”.
Đoạn 14,15-24 nầy thuộc về phần hai của chương 14, bàn về việc Chúa Giêsu sẽ trở lại và các môn đệ kết hiệp với Người trong tình yêu (Xem dẫn nhập bài chú giải Chúa Nhật V Phục Sinh A). Đoạn 14,15-24 gồm hai phần chính: 14,15-21 và 14,22-24. Đoạn 14,15-21, được đóng khung bởi hai “câu góc” (cc. 15.21, và 23), và có thể phân chia thành hai đoạn nhỏ: – Đấng Phù Trợ sẽ đến (cc. 15-17); – Chúa Giêsu sẽ lại đến (cc. 18-21). Trong hai đoạn nầy, ý tưởng về việc đến và ở lại của Đấng Phù Trợ và Chúa Giêsu được trình bày cách song song: – Yêu mến – tuân giữ các giới răn (cc. 15 và 21); – Ban Đấng Phù Trợ – Chúa Giêsu lại đến (cc. 16 và 18); – Thế gian không thấy Đấng Phù Trợ – không thấy Chúa Giêsu (cc. 17 và 19); – Các môn đệ nhận biết Đấng Phù Trợ – thấy Chúa Giêsu (cc. 17 và 19); – Đấng Phù Trợ – Chúa Giêsu ở trong các môn đệ (cc. 17 và 20).
Mạch văn nói về việc Chúa Giêsu sẽ ra đi. Tuy nhiên, Người hứa vẫn ở lại với các môn đệ của Người và họ được ở với Người nếu họ yêu mến Người và tuân giữ giới răn của Người. Điều kiện nầy liên quan trực tiếp đến việc ban Đấng Phù Trợ để ở với họ (cc. 16.17c), cũng như được thấy Chúa Giêsu và được Người ở với họ (cc. 19.20). Chúng ta tìm cách hiểu những liên hệ nầy.
Đấng Phù Trợ sẽ đến (cc. 15-17). Câu 15 mở đầu với đòi hỏi yêu mến Chúa Giêsu (c. 15). Động từ agapē, “yêu mến” có đối tượng là Chúa Giêsu (cc. 15.21). Trong câu 21, người yêu mến Chúa Giêsu sẽ được Người yêu mến và cả Chúa Cha nữa (c. 21). Yêu mến gắn liền với việc tuân các giữ giới răn của Người, như là cách diễn tả cụ thể của lòng mến (c. 15.21; 1 Ga 5,2). Cần chú ý đến tính từ sở hữu “các giới răn của tôi” (c. 15. 21; 15,10). Câu 13,34 và 15,12 nói đến giới răn (số ít) của Chúa Giêsu, “Anh em yêu thương nhau như Tôi yêu thương anh em”. Các giới răn có nghĩa là gì?
Trong hai câu góc 14,23 và 4, “các giới răn”, entolas, được thay thế bằng “lời”, logos, số ít (c. 23) và số nhiều (c. 24; 1Ga 2,5). Vậy có sự đồng hoá giữa “giới răn” và “lời”. Có thể nói “tuân giữ giới răn/các giới răn” của Chúa Giêsu là “tuân giữ lời/các lời” của Người (17,6). Thế mà lời của Chúa Giêsu không phải là lời của Người, mà là lời Người nhận từ Chúa Cha. Người chỉ nói những gì Người nghe từ Cha của Người. Nếu hiểu giới răn chính là lời của Chúa là đúng, thật hợp lý để nói Thần Chân lý được sai đến để nhắc nhở những điều các môn đệ đã nghe từ Chúa Giêsu (14,26), dẫn họ vào trong sự thật (16,13), và để thánh hoá họ trong đó (17,17), nghĩa là tuân giữ các giới răn của Người.
Điều kiện cần thiết “yêu thương và tuân giữ các giới răn” kéo theo những hệ luận là được ban Đấng Phù Trợ và Chúa Giêsu lại đến, được thấy và nhận biết Đấng Phù Trợ và Chúa Giêsu, và được ở với.
Chúa Giêsu cầu xin Chúa Cha ban Đấng Phù Trợ cho các môn đệ. Việc nầy trở nên một bằng chứng cho việc Người kêu gọi các môn đệ cầu xin “nhân danh” Người, như một bảo đảm để được nhậm lời (14,13-14; 15,16). Việc ban Đấng Phù Trợ “nhân danh của Tôi” được nói cách rõ ràng trong câu 14,26. Động từ erōtaō, “nài xin” được dùng riêng cho Chúa Giêsu, chỉ hành vi cầu xin cùng Chúa Cha (14,16; 16,26; 17,9.15.20). Tuy nhiên, những chỗ khác trong Tin mừng Gioan nói là Chúa Giêsu sẽ sai Thánh Thần đến khi Người ra đi (15,26; 16,7), hoặc ban Thánh Thần (20,22). Làm sao có thể hiểu một đàng Người cầu xin Chúa Cha ban Thánh Thần xuống; đàng khác, chính Người ban Thánh Thần? Có thể giải thích như sau: trong nhân tính Chúa Giêsu cầu xin với Chúa Cha ban Đấng Phù Trợ; trong thiên tính, Chúa Giêsu cùng với Chúa Cha ban Đấng Phù Trợ (x. Cirillo di Alexandria và Theodore di Mopsuestia).
Paraklētos, do động từ parakaleō, nghĩa là “người được gọi đến bên cạnh mình”, đặc biệt được gọi đến để trợ giúp. Việc trợ giúp nầy mang nhiều ý nghĩa: – Người bàu chữa cho ai đó trước mặt quan toà, người trợ lý luật pháp, người biện hộ, luật sư; – Người nói giùm, người can thiệp giúp; – Theo nghĩa rộng hơn là người trợ giúp, người giúp đỡ. Chữ paraklētos chỉ xuất hiện trong các sách viết của Gioan. Tính từ trong “một Đấng Phù Trợ khác” gây chú ý, và phải hiểu ngay Đấng ấy không phải là Chúa Giêsu. Trong 1 Gio 2:1, Chúa Giêsu được gọi là paraklētos. Với tư cách là người Công Chính đã được vinh hiển, Chúa Giêsu đóng vai trò người biện hộ cho các tội nhân trước mặt Chúa Cha; nên có thể gọi Người là Đấng Bàu Chữa. Trong khi đó, allos paraklētos được xác định ngay là “Thần Chân Lý” đầu câu kế tiếp (c. 17). Vai trò của Thần Chân lý là “ở với” (c. 17), “nhắc nhở” những gì Chúa đã nói (14:26), “dẫn vào sự thật” (16:13), “thánh hoá các môn đệ trong sự thật” (17,17), và “làm chứng cho Chúa Giêsu” (15,26). Dựa vào các hoạt động nầy có thể gọi allos paraklētos là “Đấng Phù Trợ khác”.
Câu 17 nói về hai tình trạng đối nghịch liên quan đến Thần Chân lý giữa thế gian và các môn đệ: Thần Chân lý thế gian không đón nhận, không thấy, không biết – các môn đệ biết, Thần Chân lý lưu lại và ở trong các ông. Thế gian không đón nhận nên không thấy và không nhận biết. Ngược lại, các môn đệ đón nhận nên Người lưu lại và họ nhận biết Người. Thế gian không thấy Thần Chân lý (c. 17), cũng không thấy Chúa Giêsu (c. 19); trong khi các môn đệ thấy Chúa Giêsu (c. 19) và Gioan không nói đến việc các môn đệ thấy Thần Chân lý. “Thấy” trong Gioan không chỉ là một hành vi cụ thể của thị giác, bắt gặp một đối tượng hữu hình bên ngoài. Hành vi “thấy”, theōreō, thường chỉ sự bắt gặp một thực tại của Thiên Chúa bên kia điều thấy trước mắt; do đó hành vi “thấy” thường dẫn đến hành vi “tin” (6,40; 20,8). Dân chúng nhìn thấy những dấu lạ và tin vào Chúa Giêsu (2,23); người phụ nữ gọi Chúa Giêsu là một ngôn sứ (4,19); nhìn Chúa Giêsu và thấy Đấng sai Người đến (12,45).
Sở dĩ Gioan nói rằng thế gian không “thấy” Chúa Giêsu, vì họ không nhận ra Người là Con Thiên Chúa và không tin vào Người. Các môn đệ thì thấy và tin vào Người. “Không thấy” Chúa Giêsu kéo theo hệ quả là không thấy Thần Chân lý và không nhận biết Người, vì Thần Chân lý gắn liền với bản thân Chúa Giêsu – Sự Thật (14,6) và với lời của Người. Cả hai con người Chúa Giêsu và lời của Người đã làm người, nghĩa là nên hữu hình để được thấy và tin vào.
Đón nhận Thần Chân lý là để Người ở với và dẫn mình vào các giới răn/lời của Chúa Giêsu. Qua đó, người ấy sẽ nhận biết Chúa Giêsu, yêu mến Người và có sự sống của Người. Trên hết là họ sẽ được quyền làm con Thiên Chúa (1,12) và được Thiên Chúa yêu thương (14,21).
Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến