Ga 15,9-17: Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy. Nếu các con tuân lệnh Thầy truyền, các con sẽ ở trong tình yêu của Thầy, cũng như Thầy đã giữ lệnh truyền của Cha Thầy, nên Thầy ở lại trong tình yêu của Người. Thầy nói với các con điều đó để niềm vui của Thầy ở trong các con, và niềm vui của các con được trọn vẹn. Đây là lệnh truyền của Thầy: Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con. Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình. Các con là bạn hữu của Thầy, nếu các con thi hành những điều Thầy truyền. Thầy không còn gọi các con là tôi tớ, vì tôi tớ không biết việc chủ làm; Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết. Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con, và đã cắt đặt để các con đi và mang lại hoa trái, và để hoa trái các con tồn tại, để những gì các con xin Cha nhân danh Thầy, Người sẽ ban cho các con. Thầy truyền cho các con điều này là các con hãy yêu mến nhau”.
Đoạn 15,9-17 nầy liên kết chặt chẽ với đoạn tin mừng của Chúa nhật V Phục sinh B. Chủ đề của đoạn nầy là tình yêu; đối nghịch là sự căm ghét được bàn đến trong đoạn tiếp theo (15,18-16,4). Đoạn nầy có thể chia thành hai. Những câu 15,9-11 nói đến việc lưu lại trong tình yêu của Chúa Giêsu; những câu 15,12-17, trái lại, tình yêu lẫn nhau.
Đoạn 15,9-17 không phải là sự đọc lại những đoạn 13,31-35 và 14,15.21.23-24 tuy trong đó tìm thấy những yếu tố chung. Trung tâm của đoạn nầy là Chúa Giêsu: tình yêu và giới răn của Người. Cấu trúc “như…., Thầy cũng…”, tiêu biểu của Gioan, muốn nhấn mạnh mẫu gương và bản chất của hành động. Một đàng, việc Chúa Cha yêu thương Chúa Giêsu là mẫu gương cho Người để Người có thể yêu thương các môn đệ. Đàng khác, việc Người yêu thương các môn đệ là gương mẫu cho họ để họ có thể yêu thương nhau. Bản chất của tình yêu nầy cũng được hiểu trong chiều hướng đó. Tình yêu của Chúa Cha đối với Chúa Giêsu, cũng như của Người đối với các môn đệ, và của họ đối với nhau chỉ là một (x. 6,57; 10,15;17,21; 20,21). Khi kêu gọi các môn đệ lưu lại trong tình yêu của Người, Chúa Giêsu dùng cũng cách nói ấy là như chính Người đã giữ giới răn của Chúa Cha, nên Người đang ở lại trong tình yêu của Cha Người; các môn đệ cũng phải làm như vậy. Kết quả sau cùng của việc lưu lại trong Chúa Giêsu là được hưởng niềm vui trọn vẹn. Niềm vui nầy có tính cánh chung, như Gioan đã vui cách trọn vẹn vì thấy Chúa Giêsu đến (3,29), như các môn đệ trong ngày Người về cùng Chúa Cha (x. 16,24; 17,13).
Đoạn tiếp theo giải thích nghĩa chữ “giới răn” và đưa ra những khía cạnh cụ thể của nó, mà Chúa Giêsu đã đề cập đến trong phần trên (15,12-17). Cụm từ “yêu thương nhau” đóng khung đoạn nầy (cc. 12 và 17); qua đó nói lên nội dung của đoạn nầy là tình yêu lẫn nhau. Giới răn ở đây trước tiên chỉ mệnh lệnh từ Chúa Giêsu là phải hành động như Người đã hành động: đó là yêu thương lẫn nhau như Chúa đã yêu thương mình. Người tuyệt đối không nói gì cả về điều kiện người khác phải có để được yêu thương; vì nếu yêu thương người khác do họ hội đủ những tiêu chuẩn mình muốn, đó là cách yêu thương của dân ngoại (x. Mt 5,46-47).
Tiếp đến, cách thực hành cụ thể của giới răn yêu thương ấy là trao ban mạng sống cho bạn hữu (x. 10,11.15.17-18). Chữ “người bạn” (philos) xuất phát từ gốc động từ “yêu thương”(philein); do đó, yêu thương ai là xem người ấy như bạn hữu (5,20; 11,3; 16,27; 20,2), là thông tri cho nhau biết và hiệp thông với nhau như Chúa Cha đối với Chúa Con (c. 15). Điều nầy không tìm thấy trong tương quan giữa chủ – tớ; như thế, chữ “bạn hữu” đối nghĩa với “tôi tớ”. Chúa Giêsu chọn các môn đệ để họ có thể sống theo cách của Người. Chỉ khi nào sống như Người, họ mới sinh nhiều hoa trái và được Chúa Cha nhận lời (cc. 16-17).
Không ai xứng đáng để được yêu thương, thế mà Thiên Chúa đã yêu thương và trao ban Con của Người (x. Rom 5,7-8). Con người yêu thương nhau là làm lại cho người khác hành vi yêu thương nhưng không mà Chúa Giêsu đã làm cho họ.
Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến