Ga 14,23-29: Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. Kẻ không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Lời các con nghe, không phải là của Thầy, nhưng là của Cha, Ðấng đã sai Thầy. Thầy đã nói với các con những điều này khi còn ở với các con. Nhưng Ðấng Phù Trợ là Thánh Thần, mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, chính Người sẽ dạy các con mọi điều, và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con. Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng. Lòng các con đừng xao xuyến và đừng sợ hãi. Các con đã nghe Thầy nói với các con rằng: Thầy đi, rồi Thầy trở lại với các con. Nếu các con yêu mến Thầy, thì các con hãy vui mừng vì Thầy về với Cha, bởi lẽ Cha trọng hơn Thầy. Giờ đây Thầy nói với các con trước khi việc xảy ra, để khi việc xảy ra, thì các con tin”.
Chương 14 là diễn từ ly biệt, trong đó Chúa Giêsu nói đến việc ra đi của Người và những điều phải có nơi môn đệ của Người: – Lời mở đầu của diễn từ (14,1-4); – Chúa ra đi và các môn đệ kết hiệp với Người qua đức tin (14,5-14); – Chúa trở lại và các môn đệ kết hiệp với Người qua tình yêu (14,15-24); – Kết thúc diễn từ (14,25-31). Như thế, đoạn tin mừng 14,23-29 gồm hai phần thuộc hai phân đoạn kế tiếp nhau. Chúng liên hệ với nhau rất chặt chẽ.
Những câu 14,23-24. Đặc điểm của hai câu nầy là ở dạng điều kiện và phân từ, mà cốt lõi là “tình yêu”, “tuân giữ lời”, và lời hứa phần thưởng cho những ai thực hiện điều kiện nầy. Trong câu khẳng định 14,23, “Lời” mà người môn đệ tuân giữ để thể hiện tình yêu đối với Chúa Giêsu chính là “giới răn” (14,15,21[4x]; 15,10). Ngược lại, không tuân giữ “lời” là không yêu mến Người (14,24). Việc yêu mến và tuân giữ giới răn của Thiên Chúa đã được nói nhiều trong Cựu ước. Thiên Chúa hứa chúc phúc và trung tín với ai yêu mến Người và tuân giữ giới răn của Người (x. Xh 20,6; Đnl 5,10; 7,9; 10,12; 11,1.13.22; 19,9; 30,6.16.20).
Chúa Giêsu làm một lời hứa sau mỗi câu điều kiện về việc tuân giữ giới răn của Người (14,15.21.23). Sau lần thứ nhất là hứa ban Đấng An ủi (14,16); rồi đến lời hứa tỏ mình ra (14,21); sau cùng là lời hứa Chúa Cha cùng với Người đến cư ngụ trong người tuân giữ lời (14,23). Như thế, đây là lời hứa tam, gồm Chúa Thánh Thần – Chúa Con – Chúa Cha. Lời hứa sau cùng là cho họ ở lại trong tình yêu của Người; cũng là ở lại trong tình yêu của Chúa Cha (15,10). Về lời hứa “làm nơi cư ngụ” (14,23), ở đầu chương Chúa Giêsu đã nói đến việc ra đi của Người để chuẩn bị chỗ trên trời cho các môn đệ (14,2). Tuy nhiên ở cuối chương, Người nói đến chỗ ở của Thiên Chúa giữa các môn đệ (14,23).
Những câu 14,25-29. Đây là bản tóm những chủ đề đã được bàn đến trong suốt cả chương 14: lời hứa ban Thánh Thần (14,16tt lấy lại trong 14,26); sợ hãi (14,1 trong 14:27); đi và trở lại (14,2tt, 14,5-14; 14,15-24 trong 14,28); tình yêu (14,15.21.23tt trong 28) và đức tin (14,1.10-12 trong 14,29). Ở đây xuất hiện những chủ đề mới: niềm vui (14,28) và bình an (14,27). Chúa Giêsu lại loan báo sự ra đi của Người (14,25), và việc ban Thánh Thần. Chúa Cha sẽ sai Thánh Thần, Đấng An ủi đến để dạy dỗ cho họ tất cả những gì Người đã nói với họ. Trước đây, Thánh Thần được gọi là Thần Chân Lý (14,16-17). Ở đây, vai trò của Người được nói rõ ra. Người không độc lập với Chúa Giêsu và dạy thêm điều gì mới, mà chỉ nhắc lại “lời” của Người.
Lời ban Thánh Thần kèm theo bình an và niềm vui (14,27-29). Đây là những ơn của sự sống lại (x. 20,19.21.26). Chúa Giêsu biết các môn đệ đang lo âu trước cái chết được tiên báo của Người. Nên Người cho họ biết là họ không bị bỏ rơi. Ngoài Thánh Thần sẽ được gởi đến với họ, họ còn được ban bình an và niềm vui. Bình an của Người sẽ giúp họ khỏi xao xuyến vì Người ra đi. Trái lại, sự ra đi của Người phải là lý do để họ được niềm vui lớn lao. Sự “ra đi” và “về cùng Cha” của Người (14,28) là tiến trình chết và sống lại theo ý muốn của Chúa Cha (10,18). Đây là dấu hiệu tình yêu Chúa Giêsu tỏ ra đối với Cha của Người. Người yêu thương và vâng phục ý của Cha định cho Người, vì Cha thì cao trọng hơn Người. “Về cùng Cha” cũng là đi vào trong sự thông hiệp hoàn hảo với Cha. Như thế, về lại với Đấng mà từ đó Người đã đến trần gian (1,9) là niềm vui của Người. Đó cũng phải là niềm vui của các môn đệ, vì trong sự kiện nầy họ nhận ra Người là Con Thiên Chúa. Bởi đó, những điều Chúa nói ra để cho họ tin Người là ai (14,29).
Chúa Giêsu phải ra đi và về cùng Chúa Cha. Tuy nhiên các môn đệ vẫn ở trong tình yêu, bình an, niềm vui và Thánh Thần của Người khi họ tuân giữ lời của Người.
Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến