Mt 5,17-37: Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đừng tưởng Ta đến để huỷ bỏ lề luật hay các tiên tri; Ta không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn. Vì Ta bảo thật các con: Cho dù trời đất có qua đi, thì một chấm, một phẩy trong bộ luật cũng không bỏ sót, cho đến khi mọi sự hoàn thành. Bởi vậy, ai huỷ bỏ một trong những điều luật nhỏ mọn nhất và dạy người khác làm như vậy, sẽ kể là người nhỏ nhất trong Nước Trời; trái lại, ai giữ và dạy người ta giữ những điều đó, sẽ được kể là người cao cả trong Nước Trời. Nếu các con không công chính hơn các luật sĩ và biệt phái, thì các con chẳng được vào Nước Trời đâu.
“Các con đã nghe dạy người xưa rằng: ‘Không được giết người. Ai giết người, sẽ bị luận phạt nơi toà án’. Còn Ta, Ta bảo các con: Bất cứ ai phẫn nộ với anh em mình, thì sẽ bị toà án luận phạt. Ai bảo anh em là ‘ngốc’, thì bị phạt trước công nghị. Ai rủa anh em là ‘khùng’, thì sẽ bị vạ lửa địa ngục. Nếu ngươi đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em đang có điều bất bình với ngươi, thì ngươi hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ngươi trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ. Hãy liệu làm hoà với kẻ thù ngay lúc còn đi dọc đường với nó, kẻo kẻ thù sẽ đưa ngươi ra trước mặt quan toà, quan toà lại trao ngươi cho tên lính canh và ngươi sẽ bị tống ngục. Ta bảo thật các ngươi biết: Ngươi sẽ không thoát khỏi nơi ấy cho đến khi trả hết đồng bạc cuối cùng.
“Các con đã nghe nói với người xưa rằng: ‘Chớ ngoại tình’. Còn Ta, Ta bảo các con: Hễ ai nhìn xem phụ nữ mà ước ao phạm tội với họ, thì đã ngoại tình với họ trong lòng rồi. Nếu con mắt phải của con nên dịp tội cho con, thì hãy móc nó mà ném xa con; vì thà mất một chi thể còn lợi hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục. Và nếu tay phải con nên dịp tội cho con, thì hãy chặt mà ném nó xa con; vì thà mất một chi thể còn hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục.
“Cũng có lời dạy rằng: ‘Ai ly dị vợ mình, thì hãy trao cho vợ tờ ly dị’. Còn Ta, Ta bảo các con: Hễ ai ly dị vợ mình, trừ trường hợp tà dâm, thì làm cớ cho vợ ngoại tình; và ai cưới người vợ đã ly dị, cũng phạm tội ngoại tình.
“Các con cũng đã nghe có lời bảo người xưa rằng: ‘Chớ thề gian, nhưng hãy giữ trọn lời mình thề với Chúa’. Còn Ta, Ta bảo các con: Đừng thề chi cả; đừng lấy trời mà thề, vì trời là ngai Thiên Chúa; đừng lấy đất mà thề, vì đất là bệ chân Người; đừng lấy Giêrusalem mà thề, vì là thành của Vua cao cả. cũng đừng chỉ đầu ngươi mà thề, vì ngươi không thể làm cho một sợi tóc ra trắng hay đen được. Nhưng lời nói của các con phải là: Có thì nói có, không thì nói không, thêm điều đặt chuyện là bởi ma quỷ mà ra”.
Đoạn 5,17-37 thuộc về phần chính của diễn từ trên núi (5,17-7,12). Có thể phân chia phần nầy ra như sau: – Dẫn nhập (5,17-20) vào phần chính 5,21-7,12. Hai từ “lề luật” và “ngôn sứ” đóng khung đoạn nầy (cc. 5,17 và 7,12). Phần chính nầy có thể chia thành ba: 5,21-48, 6,1-18, và 6,19-7,12.
Về phần 5,21-48, câu 20 vừa là kết luận, bởi từ gar, của đoạn 17-20, vừa là câu mở đầu cho phần chính tiếp theo sau, bởi cụm từ “Tôi bảo anh em” (c. 20. 22. 28. 32. 34. 39. 44), và từ “hơn”, perisseusē (c. 20)/perisson (c. 47) đóng khung phần nầy lại. Dựa vào sự phân bố của cụm từ “Anh em đã nghe bảo (người xưa)” (5.21. 27. 31. 33. 38. 43) phần chính được chia thành hai dựa vào từ palin, “lại nữa” (c 33). Và mỗi phần lại chia thành ba phân đoạn nhỏ với mỗi chủ đề khác nhau: giết người (5,21-26), ngoại tình (5,27-29), bỏ vợ (5,31-32), và thề gian (5,33-37), mắt đền mắt (5,38-42), yêu thân cận, ghét kẻ thù (5,43-48).
Đoạn 5,17-20 dẫn vào phần Chúa Giêsu sẽ hoàn tất một số lề luật (5,21-7,12). Các câu 17-19 nói về “lề luật”, câu 20 nói về sự công chính của người môn đệ. Câu 20 kết luận cho đoạn 5,17-19, “gar”. Câu 18 “Tôi bảo anh em” liên kết đoạn nầy (cc. 17-19) với phần chính (5,21-48). Vậy đoạn 5,17-19 liên hệ với đoạn chính như là phần dẫn nhập. Bố cục của đoạn 5,17-20 gồm: – Khẳng định về việc Chúa hoàn tất lề luật (c. 17), – Lề luật cũ vẫn có giá trị (c. 18), – Tuân giữ hay không tuân giữ lề luật (c. 19), – Khẳng định về sự công chính (c. 20).
Chủ đề chính của đoạn 5,17-20 liên quan đến “lề luật và các ngôn sứ”. Trong khẳng định mở đầu, Chúa Giêsu quả quyết là Ngài đến để hoàn tất lề luật (c. 17b). Ý muốn của Thiên Chúa được mạc khải qua các ngôn sứ và lề luật (1,22,2,15. 17. 23, 4,14, 8,17, 12,17, 13,35, 21,4, 26,56). Khi từ nomos được dùng một mình thường chỉ các khoản luật của trong lề luật của Môsê (12,5; 22,36, 23,23). Khi được dùng chung “lề luật và các ngôn sứ” (5,17, 7,12, 11,13, 22,40), chỉ toàn bộ giáo huấn mạc khải của Thiên Chúa trong Cựu ước, được tính cho đến thời Gioan Tẩy giả (11,13; Lc 16,16).
Động từ plēroō, 16 lần, “hoàn tất” liên quan trực tiếp đến Chúa Giêsu và sứ vụ của Ngài. Ngài đến để hoàn tất, bằng hành động hơn là lời nói, “điều đã được nói qua các ngôn sứ”: – Ngài không hủy bỏ chúng, kataluō (c. 18), như phá hủy đền thờ (26,61, 27,40); – mà thực hiện điều đã được tiên báo và được hứa trong bản thân Ngài, như: việc hạ sinh (1,21), di chuyển và cư ngụ (2,15tt), chịu phép rửa (3,15), lề luật (5,17), chữa lành bệnh tật (8,17, 12,17), giảng dạy (13,35), chịu thương khó (26,54.56); – Ngài làm cho “lề luật và các ngôn sứ” nên đơn giản hơn và cốt yếu hơn (22,38-49).
Ngài hoàn tất lề luật vì đó là ý muốn của Cha Ngài. Bởi đó ngay từ đầu, Ngài đã khuyên nhủ là đừng nghĩ tưởng sai về Ngài. Cụm từ “Anh em đừng nghĩ”, mē nomisēte, có nghĩa là điều anh em đang nghĩ là không đúng (10,34). Động từ nomisō, “nghĩ, tin, xem xét”, “làm điều gì đó theo thói quen, tập quán”. Động từ nầy có cùng gốc với nomos, “thói quen, tập quán”, trong tân ước có nghĩa là “lề luật”. Trong câu 18 Chúa Giêsu nói đến tính hợp pháp của lề luật. Iota là một chữ nhỏ nhất trong mẫu tự tiếng Hipri, yoth; và keraia, là chấm/đường nhỏ dùng trong ngữ pháp tiếng Hy lạp. Ý nghĩa là ngay cả một phần nhỏ của lề luật cũng không được hủy bỏ.
Để kết luận đoạn nầy, Chúa Giêsu đòi hỏi các môn đệ của Ngài phải nên công chính hơn “các kinh sư và biệt phái”. “Các kinh sư và biệt phái” đại diện cho những người nắm giữ lề luật và “truyền thống người xưa” (15,1tt), đại diện cho Môsê giảng dạy lề luật (23,2), nhưng những việc họ làm không đáng được noi theo (23,3tt). Cách sống của họ sẽ được Chúa Giêsu nói đến trong phần tiếp theo, và Ngài muốn các môn đệ của Ngài sống “hơn” họ trong đường công chính. Xem các thí dụ về bố thí (6,2-3), cầu nguyện (6,4-8), ăn chay (6,16-18). Vậy người môn đệ phải tuân giữ lề luật, nhưng đó là lề luật mà Chúa Giêsu sẽ hoàn thành (5,21-48). Ngài sẽ chỉ cách dứt khoát cho họ thấy phải sống như thế nào. Tất nhiên, cách tuân giữ nầy “phải công chính hơn”, nghĩa là đúng với ý Thiên Chúa hơn. Vậy hoàn thành lề luật về phía Chúa Giêsu là làm theo thánh ý Chúa Cha (3,15), và về phía các môn đệ, “công chính hơn” cũng là làm theo ý muốn của Cha qua lề luật được hoàn thành bởi Chúa Giêsu.
Nên Công Chính hơn (5,21-48)
Đoạn nầy Chúa Giêsu sẽ nói đến 3 trường hợp: giải quyết bất hoà; cách hành xử với người nữ, tương quan với sự thật. De trong cụm từ “Còn Ta, Ta bảo các ngươi” (cc. 22. 28. 32. 34. 39. 44) khác với alla, “nhưng”, không mang ý nghĩa tương phản hay phản đề, mà sự siêu việt, trổi vượt (6,29; 8,10-11; 12,5-6); bởi nó có thể dịch là “tuy nhiên”, thậm chí “và”. “Tôi”, ego, đứng đầu có tính cách nhấn mạnh và khẳng định đối lại với Mosê, người ban lề luật nầy ra cho dân Israel.
Về Bất Hòa Với Anh Em (5,22-26)
Phần nầy đóng khung bởi” Tôi bảo các con/con” (cc. 22.26). Từ chính “anh em”, adelphos, (cc. 22[2x].23.24). Đoạn nầy có thể phân thành 3 phần: – Giết người và hình phạt (cc. 21-22), – Bất hòa và hoà giải với anh em (cc. 23-24), – Mắc nợ và hình phạt (cc. 25-26).
Ở đây Chúa Giêsu đề cập đến giới răn giết người trong bối cảnh của sự bất hòa, xung đột (cc. 23-26). Phần đầu của câu 21 “Ngươi chớ giết người” trích từ Cựu ước (Xh 20,13, Đnl 5,17), phần hai “Ai giết người…” không tìm thấy trong Cựu ước; đó là một quyết định thuộc về luật pháp liên quan đến tội nầy (Xh 21,12; Lv 24,17). Krisis, chỉ “sự phán xét”, cũng có nghĩa là “toà án”. Ở nhiều thành địa phương tại Palestina, có một toà án gồm bảy người để xét xử (Dan 7,10.26; Đnl 16,18; 2 Biên sử 19,6). Ở đây Ngài đưa ra ba trường hợp khác nhau về hình thức, nhưng giống nhau về bản chất. “Nổi giận”, orgizōmai, thái độ bất bình bên trong. Thái độ nầy là bước đầu tiên dẫn đến giết người (18,34; 22,7), nên cũng bị xét xử như giết người. Rồi hai hình thức biểu lộ ra bên ngoài sự giận dữ: gọi anh em mình là raqa, “người đầu trống, đồ ngốc” và mōre, “đồ khùng”. Trường hợp trước bị “đưa ra Công nghị”, nghĩa là bị xét xử ở mức tòa án cao hơn. “Công nghị”, synedrion, là hội đồng xét xử tối cao gồm 71 người tại Giêrusalem. Trường hợp sau là “chịu lửa hoả ngục”, gehenna, bởi Thiên Chúa (5,29tt, 10,28, 18,9).
Phần hai đưa ra một minh họa về sự bất hoà (cc. 23-24). Các câu nầy có cấu trúc đối đảo:
- “Dâng lễ vật của ngươi…” (c. 23a)
- “Anh em ngươi có điều chống đối/nghịch với ngươi…” (c. 23b)
B’. “…Làm hoà với anh em ngươi” (c. 24a)
A’. “…Dâng lễ vật của ngươi”
Trung tâm của cấu trúc nầy là việc “chống đối/nghịch với ngươi” và mệnh lệnh “đi làm hoà với anh em ngươi”. Điều “chống đối/nghịch với ngươi” mang nhiều hình thức khác nhau, nhiều mức độ khác nhau: tấn công, gây thương tích, chửi bới, và cách tệ hại nhất là giết chết (c. 21). Trong các câu trên (cc. 21-22), Chúa Giêsu không chỉ kết án hành động giết người, mà cả sự nổi giận trong lòng – vì nó thường đi trước hành vi giết người, sự sỉ nhục bằng lời nói. Hình phạt cho các trường hợp trên có tính cách tăng dần, và nhất là đi từ hình phạt/xét xử của con người sang hình phạt/xét xử của Thiên Chúa. Và hình phạt lửa hỏa ngục, gehenna, thì không thể thu hồi nữa một khi đã bị ném vào đó; khác với việc ở trong ngục tù cho “đến khi trả hết đồng xu cuối cùng” (c. 26). Vậy cách tốt nhất Chúa Giêsu bảo chúng ta phải làm là đi làm hoà với người chống đối/nghịch với mình. Câu “trước tiên hãy đi làm hoà… rồi đến dâng của lễ” là cách nói nhấn mạnh việc làm hoà. Từ “trước tiên” gắn liền với động từ “đi”, hupagō (x. 5,24, 7,5, 12,29). Chủ đề nầy nổi bật trong Matthêô (6,14-15; 18,21-35)
Về Cách Cư Xử Với Người Nữ (cc. 27-31)
Sang phần tiếp theo Chúa Giêsu nói đến cách hành xử với người nữ: vợ của người khác (5,27-30) và vợ của mình (5,31-32).
Vợ Của Người Khác (cc. 27-30)
Phần đầu nầy liên quan đến giới răn “Chớ ngoại tình” (Xh 20,14, Đnl 5,18). Cũng như trường hợp trên, Chúa Giêsu không chỉ nói đến hành động “ngoại tình”, mà cả ý muốn xấu. Câu “Pas blerōn…”, “Ai nhìn…” làm chức năng như một câu điều kiện, và pros + động từ nguyên mẫu: chỉ mục đích (6,1, 23,5, 26,12; BDF, § 402,5). Và trong Cựu ước luật Môsê cấm việc “ước muốn vợ người lận cận” (Xh 20,17). Ở đây Chúa Giêsu đã liên kết Xh 20,14 và 20,17, và đưa ra phán xét là chỉ sự việc ước muốn vợ người ta là đã phạm tội ngoại tình trong lòng rồi.
Để ngăn ngừa việc phạm tội trong ý muốn, Chúa Giêsu dùng hình ảnh “móc mắt” và “chặt tay” (cc. 29-30). Các hành động nầy, trong câu điều kiện, đi trước hành động “gây dịp tội cho ngươi”, skandalisei se, tương tự như ước muốn đi trước hành động (c.28). Nếu dẹp bỏ đi ước muốn xấu, hành động xấu sẽ không xảy ra. Nếu “móc mắt” trước, thì sẽ không có cơ hội phạm tội bởi cái nhìn; và bởi đó khỏi bị ném vào lửa hỏa ngục. Vậy trước khi có hành động diễn ra, đã có ý muốn rồi. Muốn có hành động tốt, phải kiểm soát ý muốn trước.
Vợ Của Mình (cc. 31-32)
Phần sau nầy nói đến cách hành xử với vợ của mình. “Ai bỏ vợ thì cho vợ ly thư” (c. 31). Quy định nầy nhắm vào người vợ (Đnl 24,1-4). Theo mô tả trong đoạn nầy người chồng có quyền bỏ người vợ mà ông không hài lòng, và cho người vợ ấy ly thư để có thể lấy chồng khác. Đối với Chúa Giêsu, Ngài không chấp nhận chuyện li dị (19,9; Mc 10,11, Lc 16,18). Tuy nhiên ở đây Ngài nói đến một ngoại lệ có thể trao cho người vợ ly thư là khi “người vợ porneia”. Từ porneia phân biệt với moicheia (5,32, 15,19). Moicheia nghĩa là “ngoại tình” (5,27.28, 19,18). Porneia trong trường hợp nầy có thể hiểu là ràng buộc hôn nhân bất hợp pháp với người có liên hệ huyết tộc gần do việc đã chung sống với nhau (Lv 18,6-18; Cv 15,19-20.29; 1 Co 5,1); bởi đó các bản văn dịch khác nhau: “trừ phi là nó (người vợ) dâm bôn” (Nguyễn Thế Thuấn), “ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp” (Phụng vụ giờ kinh); thật ra từ porneia không có nghĩa là “hôn nhân bất hợp pháp”, mà là “dâm bôn”, “loạn luân”, “ngoại tình”. Nên bản dịch sau có tính cách diễn nghĩa thì đúng hơn.
Thề (cc. 33-37)
Trạng từ palin, “lại” và lập lại công thức “Các ngươi nghe…” (cc. 21. 33) bắt đầu một phần mới. Phần hai nầy (5:33-48) gồm ba phân đoạn: – Thề (5:33-37), – Không chống lại sự dữ (5:38-42), – Yêu thương kẻ thù (5:43-48). Cấu trúc của đoạn 5:33-37 tương tự như các đoạn khác, gồm một trích dẫn Cựu ước (c. 33, và sau đó là lời của Chúa Giêsu (cc. 34-37). Đặc điểm của đoạn nầy là lần đầu tiên Chúa Giêsu ra một lệnh cấm (c. 34), và lệnh cấm nầy được diễn giải trong ba mệnh đề bắt đầu bởi “mēte en…” và giải thích bắt đầu bằng “hoti”, “Đừng lấy trời/đất/Giêrusalem mà thề, vì…” (cc. 34b-35). Các lời giải thích nầy đều qui hướng về Thiên Chúa; câu 36 lấy “cái đầu mình” mà thề. Và kết luận ở câu 37, trở lại dùng ngôi thứ hai số nhiều (c. 34). Chủ đề chính của đoạn nầy là sự thật trong lời nói.
Cựu ước cấm “thề gian” (Xh 20,7; Lv 19,12; Ds 30,3–15; Đnl 23,21–3; Zach. 8,17). Chúa Giêsu ra lệnh “Đừng thề gì cả!”; trạng từ holōs có nghĩa là “hoàn toàn”; trong Cựu ước có những trường hợp ngay cả Thiên Chúa và tổ phụ đã có thề (Kn 14,22, Xh 6,8…). Mệnh lệnh “Đừng thề gì cả!” trước tiên là để tránh thề gian (x. kinh sư và Pharisêô: 23,16-22, Phêrô: 26,74). Trời, đất và Giêrusalem (cc. 34b-35) không có giá trị và ý nghĩa trong chính nó để được dùng làm nên lời thề (23,16.18). Chúng chỉ có giá trị và ý nghĩa bởi quy hướng về Thiên Chúa. Đền thờ Giêrusalem được dùng để thề bởi vì Thiên Chúa ngự trong đó (23,21), cũng thế lấy “trời” mà thề vì đó là cái ngai Thiên Chúa ngự trên đó (23,22, Is 66,1; Tv 99,5). Câu 36 “lấy đầu mình mà thề” cũng qui chiếu về Thiên Chúa: chỉ mình Thiên Chúa mới có thể làm cho sợi tóc ra trắng hay đen được (c. 6,27, 10,30-31); con người thì bất lực.
Tiếp đến “Đừng thề gì cả!” là ngay cả đối với Chúa cũng không được thề. Khi “lấy Thiên Chúa” qua – trời, đất, Giêrusalem – mà thề nghĩa là dùng uy tín của Thiên Chúa để làm chứng cho lời nói của mình. Thiên Chúa không phải thế (x. Lc 12,14). Trái lại, lời nói của con người phải chân thật vô điều kiện trong mọi tình huống, chứ không chỉ trong những trường hợp đặc thù “Lời của anh em phải là có thì nói có, không thì nói không” (c. 37a; Giac 5,12). Lời nói phải chân thật như chính Thiên Chúa là Đấng chân thật và hoàn hảo (5,48); đối nghịch với ác tà (5,11).
Như Môsê mới, Chúa Giêsu dạy các giá trị mới dựa trên lề luật của Môsê. Ngài đến để hoàn tất lề luật để mặc khải cho con người ý muốn trọn vẹn của Thiên Chúa. Lề luật được hoàn tất nầy chắc chắn sẽ đòi hỏi nhiều hơn nơi các môn đệ của Ngài. Muốn nên công chính hơn các thầy dạy của lề luật cũ, người môn đệ của Chúa Giêsu Kitô phải sống lề luật mới của Ngài.
Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến