Lc 6,39-45: Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này: “Người mù có thể dẫn người mù được chăng? Cả hai lại không sa xuống hố ư? Môn đệ không trọng hơn Thầy: nếu môn đệ được giống như Thầy, thì kể là hoàn hảo rồi.
“Sao ngươi nhìn cái rác trong mắt anh em, còn cái đà trong chính mắt ngươi thì lại không thấy? Sao ngươi có thể nói với người anh em: ‘Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh’, trong khi chính ngươi không nhìn thấy cái đà trong mắt ngươi? Hỡi kẻ giả hình, hãy lấy cái đà ra khỏi mắt mình trước đã, rồi bấy giờ ngươi sẽ trông rõ để lấy cái rác khỏi mắt anh em ngươi.
“Không có cây nào tốt mà sinh trái xấu; và ngược lại, cũng không có cây nào xấu mà sinh trái tốt. Thật vậy, cứ xem trái thì biết cây. Người ta không hái được trái vả ở bụi gai, và cũng không hái được trái nho nơi cây dâu đất. Người hiền, bởi lòng tích chứa điều lành, nên phát xuất sự thiện; và kẻ dữ, bởi tích đầy lòng ác, nên phát xuất điều ác: vì lòng đầy, thì miệng mới nói ra”
Đây là đoạn thứ ba của Bài Giảng Trên Cánh Đồng (6,20-45). Trong đoạn đầu tiên của bài giảng nói về các mối phúc (6,20-26). Đoạn thứ hai nói về cách hành xử của người lắng nghe Chúa giảng về các mối phúc (6,27-38), và đoạn thứ ba cũng là đoạn cuối cùng của bài giảng, nói về sự đòi hỏi nơi môn đệ của Chúa Giêsu: phải có một con tim tốt, do học từ Thầy, để có thể hướng đạo được người khác một cách sáng suốt. Đoạn nầy chia làm hai phần lớn: – Mù lòa và có thể thấy (cc. 39-42); – Biết cây nhờ xem trái (cc. 43-44).
Cấu trúc của đoạn 6,39-42 tương tự đoạn nói về vấn đề ăn chay (5,33-39): sau khi đưa ra một giáo huấn, Chúa Giêsu minh họa bằng một dụ ngôn. Cũng vậy, đoạn nầy là dụ ngôn (6,39-42) minh họa cho giáo huấn về “Đừng xét đoán” (6,37-42). Chúa Giêsu là trung tâm để giải quyết vấn đề. Để được sáng suốt trong lãnh đạo, người môn đệ học từ Thầy mình, thay vì xét đoán người khác. Về hình thức, đoạn nầy dùng các cụm từ dạng phủ định: “không thề”, “không thể làm”, “không thề chỉ đường” (c. 39), “không (thể) hơn” (c. 40), “không thể thấy” (c. 42), và các hình ảnh ẩn dụ: người mù, cái dằm và cái xà, để nói đến điều kiện phải có khi lãnh đạo
Mù Loà và Có Thể Thấy (cc. 39-42)
Đoạn nầy nói đến những chuyện không thể thực hiện được liên quan đến việc thấy: người không thấy, không thể dẫn đường được, người không thấy cái đà trong mắt mình, không thể thấy cái rác trong mắt anh em, người môn đệ không thể hơn Thầy được. Các từ vựng chính liên quan đến chủ đề nầy: người “mù loà”, “không thể dẫn đường” (c. 39), “thấy”, “không thể thấy” (c. 41tt), “con mắt” (cc. 41[2x]. 42[4]). Khi nói về tính khả thể, đoạn nầy dùng dạng phủ định: “không thể thấy”, và cụm từ “không hơn”, ouk estin… uper (c. 41) diễn tả cùng một ý nghĩa trên. Đối tượng của giáo huấn nầy là các môn đệ (6,20). Đoạn nầy có thể phân chia như sau: – Sự mù loà và học từ nơi Thầy để thấy (cc. 39-40); – Không thể thấy nếu chỉ phán đoán (cc. 41-42)
Sự mù loà và học từ nơi Thầy để thấy (cc. 39-40)
Câu đầu tiên (c. 39b) gồm hai vế ở dạng phủ định: vế đầu tiên, dẫn đầu bằng mēti, phải có câu trả lời phủ định; trong khi vế thứ hai, dẫn đầu bằng ouchi, cần đến câu trả lời khẳng định. Ở đây Luca chỉ đưa ra một khẳng định tổng quát là “người mù không thể dẫn người mù”; trong khi Matthêô đặt câu nói tương tự (15,14) trong bối cảnh Chúa Giêsu tranh luận với người Pharisêô về sự trong sạch và dơ bẩn (15,1-20). Người Pharisêô, lãnh đạo tôn giáo, được gọi là “mù lòa”, vì họ đã phán đoán sai. Họ không phân biệt được điều gì quan trọng và không quan trọng khi giải thích lề luật; bởi đó họ hoàn toàn hiểu sai ý muốn của Thiên Chúa (x. 23,16-26). Luca cũng có nói đến việc không biết phán đoán hoặc phán đoán sai và cả hai đều dẫn đến hậu quả nghiêm trọng (12,57; 19,22). Vậy theo các thánh sử phán đoán sai cũng chính là mù loà. Người phán đoán sai, không thể dẫn đường cho người khác (x. Rom 2,19), và nếu có dẫn đường, chỉ dẫn người khác xuống hố.
Người Môn Đệ Trong Tương Quan Với Thầy (c. 40)
So sánh với câu song song trong Matthêô, phần đầu của câu trong Luca (môn đệ – thầy) đồng nhất với Matthêô (Mt 10,24a); và phần sau trong câu nầy của Matthêô (tôi tớ – chủ) tìm thấy câu song song trong Gioan 13,16 và 15,20b. Luca không có phần nầy, mà trong phần sau ông tiếp tục khai triển ý tưởng về môn đệ – thầy. Hơn nữa, Matthêô đặt câu nầy trong bối cảnh các tông đồ bị bắt bớ khi họ thi hành sứ mạng (chương 10). Nếu người môn đệ bị bắt bớ, vì Thầy của họ cũng đã bị bắt và bị giết. Người môn đệ đích thật không đi khác con đường Thầy mình đã đi qua. Bối cảnh của hai câu 13,16 và 5,20b trong Gioan cũng tương tự như Matthêô. Trong khi đó Luca lại đặt câu nầy trong văn mạch “Đừng đoán xét”. Như thế Luca muốn nói là người môn đệ phải học hỏi từ Thầy mình để được sáng suốt mà hướng dẫn người khác, thay vì chỉ nhìn vào người khác để phán đoán họ. Vì tự bản thân, nếu không có Thầy mình người môn đệ cũng mù tối như người khác. Câu chuyện hai môn đệ đi làng Emmaus cho thấy điều nầy. Họ không đọc ra được ý nghĩa các biến cố, nhất là biến cố quan trọng nhất là cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu (x. 24,25-27). Chúa Giêsu phục sinh đi bên cạnh họ, họ cũng không nhận ra Ngài (24,16). Nhờ Chúa Giêsu dạy dỗ, mắt họ mới mở ra (24,31). Sau nầy chính Chúa Giêsu sai các môn đệ đi mở mắt cho người khác (Cv 9,12; 26,17-18).
Chúa Giêsu là vị Thầy đích thật. Lần đầu tiên từ didaskalos, “Thầy”, được áp dụng cho Chúa Giêsu. Trong hai lần trước đó, một lần nói đến việc Giêsu ở giữa các thầy trong đền thờ (4,26), và lần tiếp theo sau, dùng cho Gioan Tẩy Giả (3,12). Từ câu nầy trở đi, Chúa Giêsu được gọi là Thầy; 15 lần trong Luca. Luca làm nổi bật vai trò “Thầy” của Chúa Giêsu khi ông thuật lại việc Ngài giải quyết nhiều vấn đề khác nhau do các đối tượng khác nhau đặt câu hỏi cho Ngài (10,25; 18,18; 21,7). Quan trọng hơn hết của vai trò làm Thầy của Ngài là dạy chân lý (20,21) và chỉ đường đưa đến sự sống đời đời (10,25; 18,18). Lời giảng dạy của Ngài không gì có thể thay thế được. Do đó, “người môn đệ không hơn thầy” chỉ sự lệ thuộc người môn đệ đối với Thầy, và họ chỉ có cái nhìn sáng suốt nếu họ lấy giáo huấn của Thầy làm bảng dẫn đường.
Câu 40b với động từ katartizō, “đưa vào trật tự”, có nghĩa là khi đã được huấn luyện đầy đủ, sẽ nên như Thầy. Người môn đệ nên giống như Chúa Kitô, trong giáo huấn và hành động, và nhờ đó sẽ không trở nên những người lãnh đạo mù như người Pharisêô. Họ sẽ thật sự là các người lãnh đạo mới.
Không Thể Thấy Mình Nếu Chỉ Phán Đoán (cc. 41-42)
Về các câu nầy Mt và Lc ăn khớp với nhau. Có thể cả hai lấy chung từ một bản văn hy lạp. Một vài sự khác nhau là do Luca viết theo văn phong riêng của ông. Các câu nầy ở dưới dạng các câu hỏi hùng biện. Chính Chúa Giêsu trả lời và đưa ra một giải pháp cho vấn đề vào phần cuối câu 42, mở đầu bằng từ “kẻ giả hình”. Trong hai câu hỏi, cái nhìn khởi đầu tập trung vào “người anh em ngươi” và kết thúc tập trung vào “con mắt của ngươi”. Động từ “blepo” đóng khung hai câu nầy.
Hai câu nầy liên kết với các câu trên bởi chủ để “thấy” và “không thấy”. Như trên, người môn đệ muốn giúp đỡ: muốn dẫn đường, phải sáng mắt. Ở đây cũng thế, muốn lấy cái rác trong mắt người anh em, phải lấy cái đà ra khỏi mắt mình trước. Luca nhấn mạnh lần nữa “cái không thể” thực hiện được ở đây nếu như không giải quyết trước vấn đề nơi chính mình. Luca dùng chỉ 3 lần từ hypokritēs, “giả hình” (6,42; 12,56; 13,15), và tất cả đều ở dạng xưng hô (vocative). Trong cả ba trường hợp từ nầy đều ám chỉ mù quáng không ý thức về chính mình vì không biết phán đoán đúng. Người mù quáng là người chỉ biết phán đoán chuyện trời đất mà không biết phán đoán chuyện liên quan đế chính mình (12,56-57), cũng không biết phán đoán điều tốt cho người khác (13,15-16). Cũng thế ở đây sự mù quáng liên quan đến sự phán đoán trong hành động: điều gì phải làm trước và điều gì sau. Người môn đệ phải đánh giá mình trước, và thăng tiến bản thân trước. Chỉ khi đã thắng những khuyết điểm của mình, mới có thể giúp người khác.
Trắc Nghiệm Cây Tốt ( 6, 43-45)
Đoạn 6,43-45 dùng hình ảnh ẩn dụ trái của cây để trình bày sự nhận biết một người tốt hay xấu nhờ xem kết quả việc họ làm. Đoạn nầy có cấu trúc ABA’: Hai câu 43 và 45 song song với nhau và có cấu trúc câu tương tự nhau. Các câu nầy gồm hai phần song đối và phản đề: “Cây tốt không sinh trái xấu; và cây xấu không sinh trái tốt”, “ Người tốt.. sinh điều tốt; người xấu sinh điều xấu”. Hình ảnh ẩn dụ trái sinh bởi cây chuyển sang việc sinh bởi người. Trung tâm là câu 44, mô tả quy tắc giúp nhận biết trái tốt, người tốt.
Chữ gar, “vì”, (c. 43) có tính cách giải thích lý luận cho các câu trên. Nếu như có các hành động sai lạc, mù quáng, “giả hình”, như đã nói ở trên là kết quả của một cây xấu. Luca dùng đến 3 lần từ karpos, “trái” trong đoạn nầy. “Trái” chỉ sự quyết định tự do và đạo đức của con người (1,42; 3,8). Bởi đó việc sinh trái tốt hay xấu là bởi quyết định cá nhân. Câu 44 nhấn mạnh tính quyết định cá nhân nầy: “Mỗi cây, eskastos, được nhận biết bởi trái riêng của nó, idiou karpou”.
Trong câu 45, Luca chuyển ẩn dụ về cây và trái sang thực tại con người. Điều tương tương là con người và điều tốt hay xấu do nó làm ra. So với câu 43, các yếu tố mới thêm khi đền cập đến con người là “kho tàng lòng mình, thēsaurou tēs kardias” (x. 12,34). Cái gốc/nguồn hành động của con người là con tim, vì đó là nơi phát sinh ý nghĩ, hành động tốt hoặc xấu (1,17.51; 5,22; 8,12tt; 10,27…). Nơi đón nhận hay từ chối Chúa (11,39-41; x. 21,34). Như trái phát sinh bởi cây, lời bởi miệng phát ra bắt nguồn từ bởi con tim (Mt 15,18). Mỗi người trước tiên phải biết là lời mình nói phát xuất từ con tim mình, nên chịu trách nhiệm lời nói ấy. Động từ lalein, “nói” (cc. 42.45) được dùng cuối đoạn nầy, và có thể quy chiếu về nội dung câu 42.
Người môn để chỉ có thể có một tâm hồn sáng suốt và tốt lành nếu biết đến với Chúa Giêsu Kitô, học hỏi cùng Ngài và giáo huấn của Ngài.
Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến