Chúa Nhật XI Thường Niên – Mùa Màng Nhiều, Người Làm Ít – Giải thích bản văn Tin Mừng

15/06/2023

Mt 9,36-10,8: Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đoàn lũ dân chúng, liền động lòng xót thương họ: vì họ tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn, Người liền bảo môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít. Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa”.

Và Người liền triệu tập mười hai môn đệ, ban cho họ quyền năng trên các thần ô uế, để họ xua đuổi chúng, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Ðây là tên của mười hai tông đồ: trước hết là Simon cũng gọi là Phêrô, rồi đến Anrê em ông; Giacôbê con của Giêbêđê và Gioan em ông; Philipphê và Bartôlômêô; Tôma và Matthêu người thu thế; Giacôbê con của Alphê và Tađêô; Simon người Cananêô và Giuđa Iscariốt, kẻ nộp Người. Chúa Giêsu sai mười hai ông này đi và truyền lệnh cho các ông rằng:

“Các con đừng đi về phía dân ngoại, và đừng vào thành các người Samaritanô. Nhưng tốt hơn, các con hãy đi đến cùng chiên lạc của nhà Israel trước đã, và rao giảng rằng: “Nước Trời đã đến gần”. Hãy chữa lành người liệt, phục sinh kẻ chết, chữa lành người phung, và xua trừ ma quỷ. Các con đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không”.

Những điều Chúa Giêsu dạy (chương 5-7) và những việc Người làm (chương 8-9) được tổng kết trong câu 9,35. Câu nầy và câu 4,23 làm thành inclusio đóng khung lại các chương nầy. Các chương nầy làm nền tảng để hiểu chương 10,1-42 kế tiếp. Mười hai tông đồ sẽ được sai đi, giảng dạy và thực hiện cùng sứ mạng của Chúa Giêsu.

Đoạn 9,36-11,1 là giáo huấn của Chúa Giêsu về sứ vụ của các tông đồ. Trong đoạn 9,36-10,5 Chúa Giêsu chuẩn bị cho các tông đồ. Người cho họ biết nhu cầu của sứ vụ (9,36-38), và kêu gọi và ban quyền năng cho nhóm Mười Hai (10,1-5a). Từ câu 10:5b trở đi bắt đầu giáo huấn của Người: bổn phận của các tông đồ (10,5b-15), việc bắt bớ (10,16-39), việc tiếp đón các tông đồ (10,40-42) và kết luận (11,1). Đoạn 9,36,10,5a mô tả tình cảnh thảm thương của dân chúng  (9,36),  mùa màng của Chúa (9,37-38), trao ban quyền năng trên các thần ô uế (10,1), danh sách các tông đồ (10,2-4), và việc sai đi kèm theo lời giáo huấn liên kết với phần kế tiếp (10,5a).

Để dẫn vào diễn từ mới, Matthêô dùng câu “Khi thấy dân chúng” (c. 36), tương tự  câu dẫn nhập của diễn từ đầu tiên (x. 5,1). Trước khi đi vào diễn từ, Matthêô mô tả tình cảm của Chúa Giêsu, và cho biết động lực của việc sai các tông đồ đi: “Người chạnh lòng thương”, splanchnizomai. Theo nghĩa đen động từ nầy có nghĩa là bị “xao động như rối khúc ruột”; từ đó có nghĩa là “lòng cảm thương”, vì theo quan niệm của người do thái ruột là chỗ của tình yêu và thương xót. Matthêô dùng động từ nầy chỉ cho mình Chúa Giêsu (9,36; 14,14; 15,32; 20,34). Dân chúng khốn khổ và bất lực được ví như “chiên không có người chăn giữ”; nói cách khác, dân chúng rơi vào tình trạng khốn khổ nầy vì không có người chăn dắt. Bởi đó, đối tượng chính của diễn từ thứ hai nầy là các tông đồ. Chúa Giêsu sẽ dạy họ những điều phải làm cho dân chúng. Họ sẽ làm giống như Người đã làm là dạy dỗ, rao giảng và chữa lành, nhưng ở tầm mức rộng lớn hơn.

Lời của Chúa Giêsu ngỏ với các môn đệ gồm một khẳng định (c. 37) và một mệnh lệnh (c. 38). Chúa Giêsu khẳng định là “mùa màng nhiều, người làm ít” (c. 37). Therimos “mùa màng”, “thời gặt hái” (9,37.38[2x]). Khi nói đến thời gian của “mùa màng”, Matthêô luôn nghĩ đến việc gặt hái (x. 13,30). Thời gian của mùa màng là thời gian chín muồi. Tuy nhiên lúc nầy chưa phải là thời gian cuối cùng. Đây là lúc thuận tiện để dân chúng vào trong Nước Trời.

Mệnh lệnh của Chúa Giêsu là xin chủ ruộng sai nhiều thợ đến (c. 38). Chúa Giêsu không dùng chữ theristēs “thợ gặt” (13,30.39), mà ergatēs “người làm công” (9,37.38; 10,10). Thợ gặt là người làm việc chỉ vào thời điểm mùa gặt. Thiên Chúa sẽ cắt đặt các thiên thần làm thợ gặt vào thời sau cùng (13,39). Trong khi đó, “người làm công” là người được Thiên Chúa gọi vào làm việc cho vườn nho của Người (20,1.2.20). Họ phải làm việc, chịu nắng nôi và khổ nhọc (x. 20,12); tất nhiên là được trả công (x. 20,8; 10,10). Họ không phải là những thợ gặt, mà là những người làm việc cho mùa màng của Thiên Chúa. Họ có Chúa Giêsu làm mẫu mực và tiếp tục lao nhọc với công việc của Người.

Vậy đoạn 9,36-38 cho biết nhu cầu của sứ vụ và những tương quan xác định sứ vụ. Dân chúng khốn khổ vì không có chủ chăn. Là mục tử, Chúa Giêsu thấy họ và chạnh lòng thương họ. Và Người bảo các môn đệ cầu xin với Thiên Chúa sai thêm nhiều người làm việc cho mùa màng của Người.

Kêu gọi và ban quyền năng cho nhóm Mười Hai (10,1-5a). Cấu trúc của đoạn: kêu gọi mười hai môn đệ và ban quyền năng (10,1), danh sách Mười Hai Tông Đồ (10,2-4), sai đi (10,5).

Nhóm người làm công đầu tiên cho mùa màng của Thiên Chúa là Mười Hai tông đồ. Chúa Giêsu đích thân kêu gọi mười hai môn đệ (10,1). Người có mọi quyền năng trên trời dưới đất do Thiên Chúa ban cho (28,18): quyền năng trong giảng dạy (7,29), xua trừ ma quỉ (8,16.28; 9,32-34), chữa lành bệnh tật và tha tội (9,6.8). Quyền năng nầy Người có thể trao ban lại cho các môn đệ: xua trừ ma quỉ, chữa lành mọi bệnh tật và giảng dạy.

Danh sách Mười Hai Tông Đồ (10,2-4). Đặc điểm của Matthêô là “mười hai môn đệ, mathētas”  ở câu trước (10,1) đã đổi sang “mười hai tông đồ” sau khi họ được kêu gọi. Họ sẽ được sai đi, apostellō. So sánh cách dùng chữ của Matthêô nhằm xác định sứ vụ của “tông đồ”: dōdeka apostolōn, “Mười Hai Tông Đồ” (10,1), và dōdeka apesteilen “Người sau nhóm Mười Hai đi” (10,5). “Tông đồ” là người được sai đi (10,16). Động từ dùng chỉ việc sai đi là apostellō (10,5.16.40; 11,10; 15,24). Sứ vụ được sai đi của người tông đồ giống với sứ vụ của Chúa Giêsu. Người cũng được Chúa Cha sai đi (10,40). Còn “môn đệ” là người đi theo sau một vị thầy. Từ “môn đệ” quy về tương quan thầy-môn đệ. Động từ chính dùng cho việc trở thành môn đệ là “đi theo”, akoloutheō (4,20.22; 8,19.22.23; 9,9). Số “mười hai” là con số của dân Israel, chỉ mười hai tổ phụ làm nên mười hai chi tộc. Khi thiết lập nhóm Mười Hai Chúa Giêsu muốn phục hồi lại một Israel mới. Nhóm Mười Hai Tông Đồ nầy sẽ trở nên các thủ lãnh của mười hai chi tộc Israel (x. 19,28).

Được sai đi như những người làm việc cho mùa màng của Thiên Chúa, các tông đồ chỉ làm tròn bổn phận chứ không nghĩ đến việc gặt hái kết quả. Phần thưởng cao quý họ đã được ban là tham dự vào sứ vụ và quyền năng của Chúa Giêsu.

Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến