Lc 12,32-48: Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Hỡi đoàn bé nhỏ, các con đừng sợ, vì Cha các con đã vui lòng ban nước trời cho các con. Các con hãy bán những của các con có mà bố thí. Hãy sắm cho các con những túi không hư nát, và kho tàng không hao mòn trên trời, là nơi trộm cướp không lai vãng và mối mọt không làm hư nát. Vì kho tàng các con ở đâu, thì lòng các con cũng ở đó.
“Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay, và hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ về gõ cửa, thì mở ngay cho chủ. Phúc cho những đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức: Thầy bảo thật các con, chủ sẽ thắt lưng, đặt chúng vào bàn ăn, và đi lại hầu hạ chúng. Nếu canh hai hoặc canh ba, chủ trở về mà gặp thấy như vậy, thì phúc cho các đầy tớ ấy. Các con hãy hiểu biết điều này là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, ắt sẽ tỉnh thức, không để nó đào ngạch nhà mình. Cho nên các con hãy sẵn sàng: vì giờ nào các con không ngờ, thì Con Người sẽ đến”.
Phêrô thưa Người rằng: “Lạy Thầy, Thầy nói dụ ngôn đó chỉ về chúng con hay về mọi người?” Chúa phán: “Vậy con nghĩ ai là người quản lý trung tín khôn ngoan mà chủ đã đặt coi sóc gia nhân mình, để đến giờ phân phát phần lúa thóc cho họ? Phúc cho đầy tớ đó, khi chủ về, thấy nó đang làm như vậy. Thầy bảo thật các con, chủ sẽ đặt người đó trông coi tất cả gia sản mình. Nhưng nếu đầy tớ ấy nghĩ trong lòng rằng: “Chủ tôi về muộn”, nên đánh đập tớ trai tớ gái, ăn uống say sưa: chủ người đầy tớ ấy sẽ về vào ngày nó không ngờ, vào giờ nó không biết, chủ sẽ loại trừ nó, và bắt nó chung số phận với những kẻ bất trung. Nhưng đầy tớ nào đã biết ý chủ mình mà không chuẩn bị sẵn sàng, và không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn đầy tớ nào không biết ý chủ mình mà làm những sự đáng trừng phạt, thì sẽ bị đòn ít hơn. Vì người ta đã ban cho ai nhiều, thì sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều, và đã giao phó cho ai nhiều, thì sẽ đòi kẻ ấy nhiều hơn”.
Đoạn tin mừng Chúa nhật nầy gồm ba câu kết (cc.32-34) của đoạn 12,32-34 và đoạn 12,35-48. Đoạn 12,32-34 là lời Chúa Giêsu căn dặn đừng lo lắng gì về của cải, và ngay cả những thứ cần thiết cho cuộc sống đời nầy. Người nói hãy bán đi tất cả và cho người nghèo, Nước Trời sẽ đuợc ban cho (c. 32). Đó mới là kho tàng đích thật phải giữ gìn. Từ loan báo quà tặng Nước Trời, Luca chuyển sang đề tài sự tỉnh thức và phục vụ trong khi chờ đợi Chúa đến (12,35-48). Chúa chính là Nước Trời.
Đoạn nầy gồm hai phần lớn: 12,35-40 và 12,41-48. Cấu trúc của phần một (12,35-40) là đối đảo giữa các câu 35-37 và 38-40: Các câu 12,35-40: A. Mời gọi tỉnh thức (c. 35); B. Giải thích (c.36); C. Phúc cho người tỉnh thức (c.37a); D. Phần thưởng (c.37b); C’ Phúc cho người tỉnh thức (c. 38); B’ Giải thích (c. 39); A’ Mời gọi tỉnh thức (c. 40). Các câu 35-37 nhấn mạnh tỉnh thức khi không có mặt chủ; trong khi các câu 38-40 nói đến sự trở về bất ngờ của chủ. Các câu 12,41-48: Diễn từ bị cắt ngang bởi câu hỏi của Phêrô (c.41), và đề tài chuyển sang hướng khác, nói đến việc phục vụ trong khi đợi chủ về. Dụ ngôn trong đoạn nầy (cc. 42-46) có thể phân thành hai phần song song và đối nhau: 1- Người quản lý khôn ngoan chu toàn trách nhiệm và được ân thưởng khi chủ trở về (cc.42-44); 2- Người quản lý không chu toàn trách nhiệm và chịu hình phạt (c.45-46). Hai câu 47-48 là phần hai của đoạn. Điểm chung nối kết hai đoạn chính nầy là chủ đề việc đến không biết trước của “chủ” (12,36.37.41.42.43.45.46.47), và những thái độ tỉnh thức của người tôi tớ (12,37.43.45.46.47).
Tỉnh thức khi chủ chưa về (cc.35-37)
Chúa Giêsu nói với các môn đệ diễn từ nầy trong quan là Chúa (kyrios) – anh em (hymeis) (cc.36.40), cũng là chủ (kyrios) – tớ (doulos). Mệnh lệnh đầu tiên cho các môn đệ ngay ở câu đầu tiên là “Thắt đai lưng” (c.35), nhắc đến câu chuyện đêm ăn chiên vượt qua của người do thái (Xh 12,11), chỉ thái độ sẵn sàng ra đi đón chủ; và “đèn đốt sáng” cũng chỉ sự sẵn sàng: thắp sáng đường đón chủ về (x. 8,16;11,33). Việc Chúa đến thường được mô tả giữa đêm khuya để chỉ sự thình lình (x. 12,38); Mt 25,6.13). Người do thái ra đi gặp Chúa giữa đêm khuya, trong khi người Ai cập còn mê ngủ. Người tôi tớ phải thắt đai lưng và đốt đèn đợi cho đến khi chủ về (c. 36). Động từ “chờ đợi” ở đây, prosdechomai, đồng nghĩa với “tỉnh thức”, grēgorēo, (c. 37). Cả hai động từ đều ở thể phân từ, chỉ sự kéo dài, thời hạn. Tương tự như Matthêô (25,1-13), Luca dùng những yếu tố tiêu biểu: đốt đèn, chờ đợi, tiệc cưới để nói về sự sẵn sàng đón Chúa. Mối phúc của người tôi tớ tỉnh thức chờ đợi là được thấy chủ về (x. 10,23), nghe tiếng và mở cửa cho chủ. Việc làm theo ý chủ đưa người tôi tớ vào trong thông hiệp với chủ. Câu 37 gây kinh ngạc (x. 17,7-10), vì người chủ đã đổi vai. Ông đứng vào vị trí của người tôi tớ để phục vụ người tôi tớ. Có thể là Luca nghĩ đến các môn đệ đang ăn uống bàn tiệc của Chúa Giêsu trong Nước của Người (22,30), và Người ở giữa họ như người phục vụ (22,27). Vậy người môn đệ tỉnh thức để đón Chúa và được vào dự phần phúc trong bàn tiệc của Người.
Chủ sẽ về bất ngờ (cc.38-40)
Đoạn nầy dùng nhiều từ ngữ về thời gian: “canh hai, canh ba” (c.38), “giờ” của kẻ trộm (c.39), “giờ” của chủ (c.40), để nhấn mạnh điều nầy là không ai biết trước cách chắn chắn khi nào Chúa đến. “Kẻ trộm” (c.39) được dùng thay cho người chủ đi dự tiệc cưới về. Câu cuối cùng của đoạn (c.40) giải thích cách rõ ràng là việc người chủ hay kẻ trộm đến, chính là việc Người Con của Nhân Loại đến. Các môn đệ phải biết điều nầy là họ không biết gì lúc nào Chúa đến. Sự vô tri nầy giúp họ phải tỉnh thức.
Luca dẫn vào đoạn thứ hai bằng câu hỏi của Phêrô, muốn biết giáo huấn tiếp theo đây sẽ ngỏ đến ai: các môn đệ hay mọi người (c.41). Câu trả lời cho thấy đó là những người được cắt đặt để coi sóc cộng đoàn (c.42).
Người quản lý khôn ngoan (cc.42-44)
Người chủ cắt đặt người quản lý, có thể ân thưởng (c. 44) hoặc trách phạt (c. 46) tùy theo thái độ và hành động của người quản lý. Đoạn nầy nói đến người quản lý “trung tín” và “khôn ngoan”, khác với người quản lý “bất lương” trong dụ ngôn sau nầy (16,1-10). Người quản lý được giao hai trách nhiệm: coi sóc gia nhân và tài sản. Therapeuō nghĩa trước tiên là “chữa lành” (x. 9,11); tuy nhiên ở đây có nghĩa là “gia nhân”. “Trung tín” đối nghĩa với bất trung (x. 16,10). Luca đề cập đến sự trung tín rất cụ thể: trung tín việc nhỏ trước khi đến việc lớn, trung tín với của cải riêng trước khi đến của cải người khác. Người quản lý ở đây được giao cho chăm sóc gia nhân của chủ, và ông sẽ được cắt đặt coi sóc tải sản khi chủ thấy ông nầy đã trung tín với việc trước (c. 43). “Khôn ngoan”, tính từ chỉ được dùng một lần trong Luca. Từ nầy được dùng nhiều trong Matthêô, đặc biệt trong dụ ngôn năm cô khờ dại và năm cô khôn ngoan (25,2.4.8.9). Phronimos chỉ người biết hành xử đúng với qui luật tự nhiên và cả ý của Thiên Chúa (Mt 7,24). Công việc người quản lý làm là công việc của Thiên Chúa, nên ông phải làm theo thời điểm Người qui định. Kairos có nghĩa vừa là “thời điểm”, vừa là “thời hạn”. Kairos là thời của Thiên Chúa (1,20; 12,56; 19,44; 20,10…). Thời nào Luca không đề cập đến, ông chỉ nói đến đang lúc người quản lý làm như thế mà chủ đến, thì có phúc cho người quản lý đó. Động từ “làm” chỉ hành động đang diễn ra (c. 43). Và người quản lý sẽ được tuyên bố là “có phúc”, makarios, và được cắt đặt coi sóc gia sản của chủ (c. 44), nếu chủ về và gặp thấy đang làm như vậy.
Người quản lý bất trung (cc.45-46)
Tình cảnh của người tôi tớ trong đoạn nầy ngược hẳn với người quản lý trên. So sánh với Matthêô, Luca bỏ “tính từ “xấu” gán cho người tôi tớ (Mt 18,48), thêm động từ “trở về”. Ý nghĩ “Chúa đến muộn” (c. 45) có thể rất phổ biến giữa cộng đoàn của Luca. Hai khía cạnh tiêu biểu của người tôi tớ nầy: đánh đập tớ trai tớ gái thay vì coi sóc họ cách chu đáo, và ăn uống và say sưa hay vì phân phát phần thực phẫm cho gia nhân. Trường hợp nầy Luca đặt vào giả thiết “Nếu…” (c. 45), như là một nguy cơ có thể xảy ra. Hành động của người tôi tớ nầy nhắc nhớ đến người giàu có (12,19). Cả hai đều không nghĩ là Chúa có thể đến bất cứ lúc nào. Động từ “đến” (c. 46) đặt ở đầu câu, và ở thì tương lai, muốn nói là chắn chắn Chúa sẽ đến. Chắc chắn là người tôi tớ không biết lúc nào chủ sẽ về, nhưng lỗi của người nầy là không chờ đợi (động từ ở thì hiện tại), nghĩa là không tỉnh thức cho đến lúc chủ về (x. 12,36.37).
Về hình phạt, ông chủ sẽ hai việc cho người nầy “cắt người làm đôi”, và “đặt người nầy vào chung với những người bất tín” (c. 46). Việc “cắt thành hai”, dichotomeō, là phân mảnh thân xác ra và sự sống không còn nữa; nghĩa là “giết chết”. Việc xếp chung người nầy với những người bất trung gợi lên hai điều: người đầy tớ nầy cũng bị kể là người “bất trung”, apisteō; đối nghịch với người quản lý trung tín trên, apisteos; và người nầy không được hưởng sự hiệp thông với chủ, đối nghịch với người quản lý trung tín (c. 44). Hai hành động nầy tương đương với việc Thiên Chúa có thể “giết chết” thân xác, và ném cả con người vào hoả ngục (12,4-5). Thưởng hay phạt sẽ được thực hiện cách dứt khoát vào thời Người Con của Nhân Loại đến (12,40).
Lời mời gọi tỉnh thức dành cho mọi người: sẵn sàng nội tâm và chu toàn trách nhiệm.
Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến