Chúa Nhật XIX Thường Niên – Chính là Ta! Đừng Sợ! – Giải thích bản văn Tin Mừng

10/08/2023

Mt 14,22-33: Khi dân chúng đã ăn no, lập tức Chúa Giêsu giục môn đệ trở xuống thuyền mà qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. Giải tán họ xong, Người lên núi cầu nguyện một mình. Ðến chiều, Người vẫn ở đó một mình. Còn thuyền thì đã ra giữa biển, bị sóng đánh chập chờn vì ngược gió.

Canh tư đêm tối, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông. Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hồn mà nói rằng: “Ma kìa!”, và các ông sợ hãi kêu la lớn tiếng. Lập tức, Chúa Giêsu nói với các ông rằng: “Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ!” Phêrô thưa lại rằng: “Lạy Thầy, nếu quả là Thầy, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy”. Chúa phán: “Hãy đến!” Phêrô xuống khỏi thuyền, bước đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa Giêsu. Khi thấy gió mạnh, ông sợ hãi và sắp chìm xuống nên la lên rằng: “Lạy Thầy, xin cứu con!” Lập tức, Chúa Giêsu giơ tay nắm lấy ông mà nói: “Người hèn tin, tại sao mà nghi ngờ?” Khi cả hai đã lên thuyền thì gió liền yên lặng. Những người ở trong thuyền đến lạy Người mà rằng: “Thật, Thầy là Con Thiên Chúa”.

Như Marcô và Gioan, Matthêô đặt trình thuật “Chúa Giêsu đi trên mặt nước” nầy (14,22-32) ngay sau trình thuật về bánh cá hoá nhiều nuôi năm ngàn người. Cả hai trình thuật đều nhằm trả lời những thắc mắc của dân làng Nazaréth (13,54-56), Hêrôđê (14,2), và cả môn đệ (8,27) về căn tính của Chúa Giêsu đã được nêu ra trước đó. Trong câu chuyện bánh cá hoá nhiều, Chúa Giêsu tỏ mình ra cho dân chúng như vị mục tử được Thiên Chúa sai đến để nuôi sống họ. Phần các môn đệ, họ chưa nhận ra Ngài là ai (x. 16,9-10). Trong trình thuật nầy, Chúa Giêsu sẽ tỏ mình vinh quang cho họ qua biến cố trên mặt biển, và chính họ sẽ tuyên xưng Ngài là Con Thiên Chúa.

Bối cảnh không gian của câu chuyện được xác định là từ lúc Chúa Giêsu buộc các môn đệ lên thuyền, eis to ploiton (c. 22) và kết thúc là lúc Phêrô đã trở lại trong thuyền; và lúc nầy tất cả các môn đệ đều tuyên xưng Ngài là “Con Thiên Chúa”, eis ton ploiton (c. 32). Cụm từ nầy đóng khung câu chuyện. Hơn nữa, hạn từeutheōs/euthus xuất hiện ba lần (cc. 22, 27 và 32) và đánh dấu các hành động quyết định của Chúa Giêsu ở khởi đầu, đoạn giữa và kết thúc của câu chuyện. Hạn từ nầy giúp phân đoạn bố cục của câu chuyện như sau: Dẫn nhập (cc. 22-23); Chúa Giêsu với các môn đệ (cc. 24-27); Chúa Giêsu với Phêrô (cc. 28-32); Kết luận (c. 33).

Chủ đề của đoạn 14,22-32 liên quan đến việc tuyên xưng Chúa Giêsu. Matthêô trình bày theo cách tiệm tiến việc các môn đệ nhận biết Ngài: “ma”, phantasma (c. 26), “Chúa”, kyrie (c. 28), và cao điểm là “Con Thiên Chúa”, Theou uios ei (c. 33). Bên cạnh việc tuyên xưng nầy, Chúa Giêsu còn tự mạc khải “Thầy đây”, egō emi (c. 27).

Dẫn nhập (cc. 22-23)

Các môn đệ đã có mặt với Chúa Giêsu vào buổi chiều ngày Ngài làm phép lạ bánh cá hoá nhiều nuôi năm ngàn người ăn (14,15). Họđã chứng kiến phép lạ mà họ không nghĩ đến. Họ đã muốn Chúa Giêsu giải tán dân chúng (14,15), nhưng Chúa Giêsu chỉ làm theo đề nghị của họ sau khi chính Ngài đã cho họăn thỏa thuê (c. 22). Ngài đã tự tỏ mình ra cho dân chúng như là vị mục tử tốt lành nuôi sống đàn chiên. Bây giờ Ngài muốn tỏ mình ra cho các môn đệ.

Matthêô không đề cập điểm đến “Bethsaiđa” thuyền của các môn đệ như trong Marcô (Mc 6,45). Thật ra, câu chuyện sẽ không diễn ra ở bờ bên kia, mà trên đường đến bờ bên kia. Matthêô nhấn mạnh là Chúa Giêsu “cầu nguyện riêng một mình trên núi”, kat’ idian proseuzasthai (c. 23) và sau đó Ngài đến với các môn đệ; trong khi Marcô lại trình bày Chúa Giêsu “một mình trên núi” và nhìn xuống Ngài thấy thuyền các môn đệ đang ra giữa dòng và gặp gió bão (x. Mc 6,47), và Ngài đi xuống và đến với họ. Như thế, cụm từ kat’idian, “riêng” như thánh sử đã dùng trong nhiều trường hợp khác (x. 14,13; 17,1; 20,17; 24,3), cho biết trước là Chúa Giêsu sắp sửa mạc khải một điều quan trọng liên quan đến bản thân Ngài.

          Hai phần cc. 24-27 và cc. 28-32 nằm trong khung cảnh là thuyền đang gặp sóng gió và Chúa Giêsu đến với họ. Câu chuyện bắt đầu từ khi sóng gió nổi lên (c. 24) và chấm dứt khi sóng gió yên lặng (c. 32). Hạn từ “gió”, anemos (cc. 24 và 32) đóng khung phần chính nầy.

Chúa Giêsu với các môn đệ (cc. 24-27)

            So sánh với đoạn song song trong tin mừng Marcô (Mc 6,45-52), chúng ta thấy có nhiều điểm khác biệt. Trước tiên Matthêô nhấn mạnh bằng cách đặt đầu câu là “chiếc thuyền” bị lắc lư, to de ploion (c. 24); trong khi Marcô kể là chính “các môn đệ”, autous (Mc 6,48); tiếp đến là Matthêô bỏ yếu tố “Chúa Giêsu thấy” như trong Marcô, thay vào đó, Matthêô ghi nhận là các “môn đệ thấy” Chúa Giêsu đến với họ (c. 26). Sau cùng Matthêô thêm vào yếu tố (lắc lư) “bởi sóng”.

            Trong các câu 24-27 Matthêô cho thấy sự tuơng phản trong thái độ và lời nói của Chúa Giêsu và các môn đệ. Trước tiên thánh sử trình bày cảnh con thuyền trước sóng gió trên biển. Sóng làm lắc lư con thuyền trên đó có các môn đệ. Động từ basanizō, chỉ được dùng 3 lần trong Matthêô diễn tả sự hành hạ trên con người do bệnh tật (8,6), trên ma quỉ do việc Con Thiên Chúa đến (8,29), và trên chiếc thuyền do sóng gió (14,24). Việc các môn đệ đặt câu hỏi về căn tính của Chúa Giêsu sau khi ngài làm cho sóng gió yên lặng (8,27) cho thấy biển cả biểu tượng cho một quyền lực hỗn mang mà con người không thể làm chủ được. Các môn đệ trên thuyền cũng bị lắc lư bởi các đợt sóng. Trong khi đó, Chúa Giêsu “đi trên mặt biển” mà đến với họ. Cách diễn tả nầy có nghĩa là Ngài làm cho biển cả tùng phục Ngài và Ngài thống trị được nó (x. Tv 77,20; Gióp 9,8; Is 43,16; Xh 14,10-15,21; Tv 107,23-32; Khôn ngoan 14,2–4).

            Tiếp đến, Matthêô mô tả các phản ứng tinh thần của các môn đệ (c. 26). Trước tiên họ kinh hãi, tarassō, khi nhìn thấy Chúa Giêsu. Từ phantasma, chỉ xuất hiện nơi đây và có nghĩa là “sự hiện ra”, “ma”. Vua Hêrôđê cũng kinh hãi tương tự khi nghe tin vua dân do thái mới sinh ra (2,3). Như thế, cả hai đều có một phản ứng giống nhau trước sự xuất hiện của Chúa Giêsu Kitô. Phản ứng tiếp theo là sợ hãi, phobos (c. 26). Đây cũng là phản ứng trước các cuộc thần hiện (28,4.8).

            Phần Chúa Giêsu (c. 27), Ngài củng cố các môn đệ bằng lời mạc khải về chính mình. Động từthapseō, “vững lòng” được dùng chỉ ba lần, và trong hai lần khác được dùng vào cuối trình thuật chữa lành bệnh tật (9,2.22). Có thể nghĩ là Chúa Giêsu chữa lành các môn đệ khỏi sự kinh hãi trước sựđe dọa của sóng gió. Cụm từegō emi, “Thầy đây”, vừa là một khẳng định đối nghịch với phantasma, “ma”, vừa mang tính mạc khải về căn tính của Ngài. Ngài là Đấng hiện hữu (Xh 3,14; Is 41,4; 43,10; 47,8). Sau cùng là “đừng sợ!” Cụm từ nầy được Matthêô dùng hầu như chỉ trong bối cảnh của cuộc thần hiện (17,7; 28,5.10). Vậy, việc Chúa Giêsu đi trên mặt nước đến với các môn đệ là một biểu lộ vinh quang và căn tính của Ngài cho họ.

            Chúa Giêsu với Phêrô (cc. 28-32)

            Phần nầy là riêng của Matthêô. Thánh sử trình bày câu chuyện của Phêrô như là sự tiếp nối câu chuyện của các môn đệ để đi một mạc khải rõ hơn về căn tính của Chúa Giêsu. Thánh sử dựa trên kết cấu của phần trước và liên kết với nó qua cách diễn tả và lập lại từ vựng.

            Trong phần trước, các môn đệ nói Chúa Giêsu là “ma”; ở đây Phêrô đặt câu điều kiện “Nếu là Thầy” (c. 28) dựa trên khẳng định “Thầy đây” (c. 27), nghĩa là Phêrô đã được khai sáng. Tiếp đến, Phêrô muốn kiểm chứng giả thiết của mình bằng đòi hỏi một phép lạ, được đi trên mặt nước như Chúa Giêsu (cc. 28.29). Sau cùng, thay vì “gió ngược” làm con thuyền lắc lư, và việc thấy Chúa làm các môn đệ sợ hãi (cc. 24.26), ở đây “gió mạnh” mà Phêrô thấy làm cho ông sợ hãi (c. 30). Lần nữa, tương tự như trường hợp của các môn đệ, Matthêô đặt một mạc khải về Chúa Giêsu vào lúc Phêrô sợ hãi: “Lạy Chúa, xin cứu con”. Thánh sử đã dùng cách diễn tả như một số nơi khác trong tin mừng: động từ “thấy” + động từ “sợ hãi” và lời tuyên xưng về Chúa Giêsu (x. 9,8; 14,30; 27,54). Phêrô không chỉ tuyên xưng Chúa Giêsu là Chúa, kyrie, mà cả Đấng có thể cứu vớt ông (1,21; 8,25).

Từ oligospistoi gồm oligos + pistis nghĩa là “ít + lòng tin”, “ít + tin tưởng”. Khác với 8,26, lời khiển trách nầy nhắm thẳng vào Phêrô. Sự thiếu tin tưởng nầy trước tiên bởi ông đặt một câu điều kiện với Chúa Giêsu “Nếu là Thầy”, và tiếp đến là ông xin đến với Chúa Giêsu mà không nhìn vào Chúa, mà nhìn vào gió. Lòng ít tin tưởng nầy được làm mạnh thêm bởi câu hỏi “tại sao lại nghi ngờ”, distazō. Tuy được cho biết đó là Chúa rồi nhưng lòng nghi ngờ vẫn còn (x. 28,17).

            Kết luận (c. 33)

Trình thuật kết thúc với cảnh các môn đệ quỳ gối thờ lạy Chúa Giêsu và tuyên xưng “Quả thật, Ngài là Con Thiên Chúa” (c. 33). Thánh sử muốn tập trung vào Chúa Giêsu hơn là các môn đệ. Cao điểm của trình thuật chính là hành động “quỳ gối” và lời tuyên xưng “Quả thật, Ngài là Con Thiên Chúa”.

Chúa Giêsu, Đấng đã làm cho bánh cá hoá nhiều nuôi năm ngàn người cũng là Đấng đi trên mặt biển và cứu Phêrô khỏi chìm xuống nước. Ngài chính là Con Thiên Chúa, được sai đến trần gian để nuôi sống và cứu độ con người.

Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến