Lc 10,38-42: Khi ấy, Chúa Giêsu vào một làng kia và có một phụ nữ tên là Martha rước Người vào nhà mình. Bà có người em gái tên là Maria ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người. Martha bận rộn với việc thết đãi khách. Bà đứng lại thưa Người rằng: “Lạy Thầy, em con để con hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao? Xin Thầy bảo em con giúp con với”. Nhưng Chúa đáp: “Martha, Martha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện. Chỉ có một sự cần mà thôi: Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất”.
Đây là đoạn cuối của chương 10. Khó nhận ra liên hệ trực tiếp về chủ đề giữa câu chuyện hai chị em Martha và Maria (10,38-40) và đoạn trước bàn về câu hỏi làm gì để được sự sống đời đời, và tiếp theo đó là câu chuyện người Samaritanô nhân lành (10,25-37). Tuy nhiên, mạch văn của chương 10 có thể soi sáng điều nầy. Chủ đề chính của chương nầy tập trung vào các môn đệ: chỉ định 72 môn đệ, ban mệnh lệnh, sai họ đi (10,112); trở về và thuật lại những việc đã làm (10,17-20); những ân huệ dành cho họ (10,21-22.23-24). Điểm chính được nhấn mạnh trong suốt cả chương nầy là “rao giảng Nước Thiên Chúa” (10,9.11); “đón tiếp” (10,8-10), “mạc khải: (10,22), “phúc được thấy” (10,23), “phúc được nghe” (10,24). Câu chuyện người thông luật đến hỏi Chúa Giêsu về sự sống đời đời là một minh họa cho việc “những người thông thái” không được nghe những điều các môn đệ đã được mạc khải. Và câu chuyện của Martha và Maria là minh họa thứ hai cho việc các môn đệ đi trước Chúa Giêsu (10,1) để Người có thể đến vào rao giảng trực tiếp. Maria là hình ảnh biểu trưng của những người “đón tiếp” và “lắng nghe” lời rao giảng (x. 10,5). Liên hệ với đoạn tiếp theo, thái độ lắng nghe lời Chúa của Maria như là bước chuẩn bị nội tâm cho việc cầu nguyện mà Chúa Giêsu sẽ dạy cho các môn đệ (11,1-4). Bố cục của đoạn có thể được phân chia như sau: – Ghé thăm và đón tiếp (10,38); – Hai trạng thái của Martha và Maria (10,39-40a); – Martha phàn nàn (10,40b); – Maria chọn phần tốt nhất (10,41-42). Đoạn nầy có cấu trúc đảo đổi (chiasmus): – A) Maria ngồi dưới chân Chúa; – B) Martha bận rộn phục vụ nhiều chuyện; – B’) Martha lo lắng nhiều chuyện; – A’) Maria chọn phần tốt nhất.
Câu chuyện được đặt trong hành trình lên Giêrusalem của Chúa Giêsu (c. 38; x. 9,51-56). Làng nơi Martha và Maria ở chỉ là một trong những nơi Chúa Giêsu đi ngang qua. Đi qua những nơi ấy Người rao giảng Nước Thiên Chúa (13,22; x. 4,43). Trong nhà của Martha, Người sẽ dạy thái độ phải có để đón nhận Nước nầy. Người phụ nữ tên là Martha được biết thêm như là chị của Lazarô (Gio 11,1). Việc đón tiếp với lòng hiếu khách, “hypodechomai”, nhắc đến việc các môn đệ được đón tiếp khi vào một nhà hay một thành nào đó. Họ ở lại đó và để lại sự bình an. Chúa Giêsu cũng làm như thế. Người ở lại, rao giảng và dùng bữa.
Hai trạng thái của Martha và Maria (10,39a-40). Luca phác họa hai trạng thái tương phản của hai chị em. Maria ngồi dưới chân Chúa (10,39a). Bà muốn làm môn đệ của Chúa Giêsu (x. Cv 22,3), và lắng nghe Người giảng dạy. Động từ “lắng nghe” ở thể chưa hoàn thành diễn tả sự liên tục. Maria không ngừng lắng nghe lời Người. “Lắng nghe (lời) Người” hay “lời Thiên Chúa” rất quan trọng trong Luca. Lắng nghe được đặt đối nghịch với từ chối (10,16). Lắng nghe là đón nhận Nước Thiên Chúa do Chúa Giêsu hay các môn đệ rao giảng. Từ chối lắng nghe là từ chối tin Nước Thiên Chúa. Như thế, lắng nghe Người là mở lòng tin vào Người. Martha ở trong trạng thái ngược lại. Bà bận rộn với nhiều việc phục vụ. Perispaomai có nghĩa là “bận rộn thái quá”, “bị mất trí” vì bị thu hút bởi một thực tại ngoài bản thân. Diakonia ở đây chỉ những công việc tiếp đãi khách. Việc nầy là tốt; tuy nhiên, Luca dùng chữ “nhiều” với hàm ý tiêu cực (10,40). Martha làm quá nhiều việc đến nỗi bị cuốn hút bởi chúng, và quên mất mục đích việc Chúa Giêsu đến nhà bà.
“Thầy chẳng quan tâm”, ở thì hiện tại, có nghĩa là Chúa Giêsu đang chú tâm vào một việc khác, hơn là nhìn thấy việc bà đang làm. Bà phê bình sự thờ ơ của Người và của Maria là để mặc bà làm một mình. Bà cảm thấy đơn độc “monos” trong việc phục vụ. Bà kêu gọi sự trợ giúp và cộng tác của Maria qua trung gian Chúa Giêsu. Trong câu trả lời, Chúa Giêsu cho thấy sự tương phản của hai người, và thái độ của người nào được Người yêu thích hơn (10,41). Lời của Người không phải là một phê bình nhằm bác bỏ một bên và thừa nhận bên kia, nhưng là một hướng dẫn tìm đến điều tốt nhất. Trong nhận xét về Martha, Chúa Giêsu không dùng chữ “diakonia”, chữ nầy có nghĩa là “sứ vụ” trong sách Công Vụ Tông Đồ (Cv 1,17.25; 6,4; 12,25; 20,24; 21,19), mà chỉ một chữ “nhiều chuyện”. Người tập trung nhấn mạnh sự lo lắng và xao động thái quá của bà. Merimna, “lo lắng”, động từ được dùng trong ngữ cảnh lo lắng cho sự sống: không biết phải nói gì khi ra trước toà (x. 12,11), lo lắng không có gì ăn và mặc (12,22.25.26). Trong tất cả những trường hợp nầy, thái độ lo lắng thái quá đều không làm vừa lòng Thiên Chúa, vì coi thường sự chăm sóc và quan phòng của Người. Sự lo lắng thái quá nầy kéo đến xao động, thorybazō. Động từ nầy chỉ xuất hiện ở đây (hapax legomenon). Trong sách Công vụ có động từ liên hệ là thorybeō “náo loạn”, “rối loạn” (Cv 17,5; 20,10). Tình trạng nầy trước tiên là gây tiếng động, ồn ào; tiếp theo trở nên xao động, rối loạn. Martha rơi vào tình trạng nầy, vì tâm trí bà bị cuốn hút bởi “nhiều chuyện” cùng một lúc. Chúa Giêsu khẳng định với bà, “nhưng duy một điều cần thôi” (10,42). “Enos” “một chuyện”, kèm theo “de”, “nhưng”, được đặt đầu câu và tiếp ngay sau “nhiều chuyện” để làm nổi sự tương phản giữa hai thái độ. “Một chuyện” nầy lại là cần thiết; cũng có nghĩa là có “nhiều việc” Martha đã làm, mà không cần thiết. Trái hẳn với Martha, Maria chỉ làm một chuyện. Đó là lắng nghe lời Chúa (c. 39). Việc nầy là bà làm được gọi phần tốt. Là “phần tốt”, vì đó là việc căn bản và quan trọng Chúa Giêsu phải làm như là sứ mạng của Người: rao giảng Nước Thiên Chúa. Maria đã mở lòng lắng nghe lời rao giảng của Người. Như thế, bà đã chọn phần chính yếu vì đã đón nhận lời Người.
Lắng nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành là một mối phúc (11,8). Chỉ cần làm điều chính yếu nầy để được chúc phúc muôn đời.
Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến