Chúa Nhật XVII Thường Niên C – Lạy Cha! – Giải thích bản văn Tin Mừng

25/07/2019

Lc 11:1-13: Ngày kia, Chúa Giêsu cầu nguyện ở một nơi kia. Khi Người cầu nguyện xong, có một môn đệ thưa Người rằng: “Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện như Gioan đã dạy môn đệ ông”. Người nói với các ông:

 “Khi các con cầu nguyện, hãy nói: ‘Lạy Cha, nguyện xin danh Cha cả sáng. Nước Cha trị đến. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày. Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha mọi kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ'”.

 Và Người còn bảo các ông rằng: “Nếu ai trong các con có người bạn, giữa đêm khuya đến nói với người ấy rằng: ‘Anh ơi, xin cho tôi vay ba chiếc bánh, vì tôi có anh bạn đi đường ghé lại nhà tôi, mà tôi không có gì thết đãi anh ấy’. Và từ trong nhà có tiếng người ấy đáp: ‘Xin đừng quấy rầy tôi, vì cửa đã đóng, các con tôi và tôi đã lên giường nằm rồi, tôi không thể chỗi dậy lấy bánh cho anh được’. Thầy bảo các con, dù người đó không dậy vì tình bạn để lấy bánh cho người bạn, người đó cũng sẽ dậy, ít nữa là vì sự quấy rầy của người kia mà cho anh ta tất cả những gì anh ta cần.

 “Và Thầy bảo các con: Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, ai gõ thì sẽ mở cho.

 “Người cha nào trong các con có đứa con xin bánh mà lại cho nó hòn đá ư? Hay nó xin cá, lại cho nó con rắn thay vì cá sao? Hay nó xin quả trứng, lại cho nó con bọ cạp ư? Vậy, nếu các con là những kẻ gian ác, còn biết cho con cái mình những của tốt, phương chi Cha các con trên trời sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người”.

 Chỉ có Matthêô và Luca ghi lại Kinh Lạy Cha. Matthêô đặt kinh nầy ở trung tâm của Bài giảng trên núi, trong khi Luca trong dịp đi lên Giêrusalem, khi các môn đệ yêu cầu Người. Hai bản nầy khác nhau đáng kể về hình thức. Liên kết hài hòa với đoạn trước nói về Maria ngồi dưới chân Chúa Giêsu để lắng nghe lời Người, đoạn nầy bắt đầu bằng sự kiện các môn đệ xin Chúa Giêsu dạy cầu nguyện. Một loạt ba trình thuật liên quan đến việc cầu nguyện được đưa ra ở đây: Kinh Lạy Cha (11,1-4); Người bạn đến nửa đêm (11,5-8); và Lời khuyên kiên trì cầu nguyện (11,9-13). Kết cấu của Kinh Lạy Cha gồm: – Dẫn nhập (c. 1); – Một lời ngỏ với “Cha” (c.2a); – Hai lời cầu xin liên quan đến Danh và Nước của Cha (c. 2bc); – Ba lời cầu hướng đến “chúng tôi” (cc.3-4).

Khác với Matthêô, Luca cung cấp một câu dẫn nhập tường thuật (c.1), trong đó, ông trình bày Chúa Giêsu như là mẫu gương của việc cầu nguyện. “Ở một nơi” Luca không xác định nơi Người cầu nguyện, nhưng chắc chắn đó là nơi yên tĩnh, như Người thường làm (5,16; 6,12; 9,18.28). Tính cách không xác định của nơi chỗ nầy còn ngụ ý là Người cầu nguyện thường xuyên, không có một chỗ nhất định nào qui định Người phải cầu nguyện trong đó. Trong 10:1, Luca cũng đã dùng chữ “nơi chỗ” nầy không có mạo từ xác định, để chỉ tính phổ quát của sứ vụ của 72 môn đệ. Chúa Giêsu trở nên mẫu gương cầu nguyện; do đó, các môn đệ đến xin Người dạy họ làm như Người, dựa trên mẫu gương của Gioan (x. 5,33). Cầu nguyện mà các môn đệ xin Chúa Giêsu dạy là “proseuchomai”, khác với “déomai” mà Gioan dạy cho các môn đệ của ông (5,33). Déomai là xin Thiên Chúa trợ giúp về một chuyện riêng biệt nào đó (x. 1,13; 5,12; 8,28.38; 9,38.40; 10,2); trong khi đó, proseuchomai là lời nguyện cầu, như một hành vi thờ phượng, ngỏ trực tiếp với Thiên Chúa, “cầu nguyện cùng Thiên Chúa” (Lc 6,12; x. 1,10; 3,21; 5,16; 9,28, 29; 11,1.2; 18,1.10; 22,41). “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói” là công thức dẫn vào việc cầu nguyện.

Luca dùng lời xưng hô ngắn gọn “Lạy Cha!” (c. 2a), thay vì “Lạy Cha chúng con ở trên trời” của Matthêô. “Lạy Cha!” đầu tiên được dùng trong lời tán tụng Chúa Giêsu ngỏ với Chúa Cha về những mạc khải Người tỏ ra cho những kẻ bé mọn. “Cha” được gọi là “Chúa của trời và đất” (10,21). Những lần cuối cùng Chúa Giêsu gọi “Lạy Cha!” khi Người ở trong những giây phút quyết định của cuộc thương khó (22,42; 23,34.36). Tất cả những lần trên đây, Chúa Giêsu nói có tính cách cá nhân với Thiên Chúa trong tương quan Cha-Con. Lần nầy (11,2), Người đặt người môn đệ trong tương quan với Thiên Chúa như là Cha của họ; điều nầy cũng có nghĩa là Người nâng họ ngang hàng với Người trước mặt Chúa Cha. Và tất cả đều có thể gọi Thiên Chúa là Cha của mình (x. 6,35).

Phần thứ nhất của Kinh Lạy Cha hướng về Thiên Chúa (11,2bc). “Danh” là hiện thân của một người; chứ không chỉ là một cái tên (x. 9,48.49). “Danh” của Người có quyền năng và uy lực như chính bản thân Người. Người dùng “danh” của Người mà trừ quỉ có  hiệu quả như chính Người làm (9,49); các môn đệ cũng nhân danh của Người mà khuất phục ma quỉ (10,17); Đấng đến nhân danh Thiên Chúa, chính là người của Thiên Chúa (13,35; 19,38); bị loại trừ bởi danh Chúa nghĩa là vì người ta ghét Chúa Giêsu mới đối xử như thế cho các môn đệ  (21,12.17). Vậy, “danh của Người” chính là “Cha”. “Xin Danh Cha được thánh hóa”. Hagiazō, “làm nên thánh”, đặt riêng ra dành cho Thiên Chúa. Động từ ở passivum divinum có Thiên Chúa làm chủ ngữ của hành động thánh hoá, và đối tượng là “danh của Người”. Như thế, không phải con người phải thánh hoá danh Thiên Chúa (x. Is 29,23), mà chính Thiên Chúa làm việc nầy. Đối nghĩa với “thánh hoá” là “tục hoá”. Ngôn sứ Êzêkiel nói đến việc Thiên Chúa thánh hoá danh của Người (Ez 26,23), vì danh Người bị dân Israel tục hóa bởi cách sống vô luân, và hành động thờ ngẫu tượng trong thời kỳ lưu đày (x. Ezk 36,17-21; 20,39; x. Lv 18,21; 20,3). Cuộc sống của họ ở những nơi họ đến đã làm ô danh của Người. Do đó, Người quyết định thánh hóa danh của Người; nghĩa là phục hồi lại tiếng tăm và uy tín của Người, để các dân tộc khác tán dương và tôn vinh Người. Vậy, “xin danh Cha được thánh hóa” là xin Thiên Chúa canh chừng để cho mọi người tôn kính Người như là Đấng Thánh và làm vinh quang Người. Để làm điều nầy, Êzêkiel loan báo một kế hoạch thánh hoá dân chúng: thay một con tim bằng thịt vào con tim bằng đá (36,24-32). Như thế, danh Thiên Chúa được thánh hoá cũng chính là con người được phục hồi và cứu chuộc. Trong những trường hợp đã trích dẫn trên, danh của Chúa Giêsu được dùng để chữa lành và cứu vớt, đồng thời danh ấy cũng được tôn vinh.

Lời cầu tiếp theo “xin cho Nước Cha đến” (c. 2c) liên hệ chặt chẽ với lời cầu trước. Để cho danh Người được thánh hoá, quyền bính và ý muốn của Thiên Chúa phải được thiết lập trên mọi dân tộc. “Nước Thiên Chúa” là trung tâm lời rao giảng của Chúa Giêsu (4,43; 8,1; 9,11), của nhóm Mười Hai (9,2), của các môn đệ (9,60; 10,9.11). Nước Thiên Chúa có thể hiểu là “nơi” Thiên Chúa cai trị và điều khiển, “nơi” mà quyền bính và ý muốn của Người được thi hành cách hoàn hảo. Việc khi nào Nước Trời đến không phải là trọng tâm của Luca, vì Nước Thiên Chúa đã đến trong bản thân Chúa Giêsu (x. Cv 28,31), nghĩa là Nước Trời đã được thiết lập đồng thời với việc Chúa Giêsu đến trần gian. Thấy Chúa Giêsu là đã thấy Nước Trời (x. 9,27). “Nước Trời kề bên” (10,9.11; 11,20) nghĩa là Nước Trời ấy đã hiện diện và người ta chưa nhận ra, và chưa tin vào. Trong câu trả lời cho những người Pharisêô, Chúa Giêsu đã không trả lời cho câu hỏi “khi nào” (17,20a), mà “như thế nào” là “Nước Thiên Chúa không đến để được xem thấy” (17,20b). Luca quan tâm hơn đến cách thể hiện của Nước ấy một khi đã đến trần gian. Các dụ ngôn về Nước Trời minh họa điều nầy. Hạt cải, nhúm men bé nhỏ không đáng kể và không dễ thấy, nhưng hiệu quả của chúng rất lớn. Những điều kiện để Nước Trời đến, hoặc để có thể đến trong Nước Trời là đón nhận Nước Trời như một trẻ nhỏ (18,16-17); không là người giàu có (18,25); từ bỏ những liên hệ thân thiết nhất của gia đình (18,29). Điều nầy làm liên tưởng đến quyết định của Thiên Chúa muốn phục hồi lại danh thánh của Người: Người làm mọi cách cho dân của Người thay đổi và trở về đường công chính (36,24-32). Nước Thiên Chúa đã đến trong tâm hồn các môn đệ, khi Chúa Cha mạc khải cho họ những điều thuộc về Nước Trời (x. 8,10; 10,21).

Phần thứ hai liên quan đến những nhu cầu của con người “chúng tôi” (11,3-4). Những lời cầu xin trong phần nầy không tách lìa khỏi hai lời cầu xin trước; trái lại gắn chặt với nhau. Những nhu cầu con người đặt trong tương quan với việc làm hiển thánh Danh Cha, và việc Nước Trời đến.

Lời cầu trước tiên liên quan đến “bánh chúng tôi”, nghĩa là việc nuôi sống (c. 3a). Trong khi Matthêô xin bánh cho “ngày hôm nay” tức thời (Mt 6,11), Luca nghĩ đến bánh “mỗi ngày”, cụm từ quen thuộc của Luca (9,23; 16,19; 22,53; Cv 2,46-47; 3,2; 16,5; 17,11). Mỗi ngày nói lên tính cách lâu dài của cuộc sống. Động từ “cho” ở thì hiện tại có tính lập lại, liên tục và kéo dài. “Cho” còn nói thêm là bánh là ân huệ Thiên Chúa ban. Đây là xác tín: Thiên Chúa nuôi dân Người từ khi Người tạo dựng nên họ (12,30). Người nuôi họ trong sa mạc bằng manna, phép lạ hoá bánh cá ra nhiều (9,10b-17), và Người căn dặn chớ lo lắng cho mạng sống (12,22-32). Thiên Chúa bảo đảm cho họ mọi thứ họ cần để nuôi sống. Việc họ phải làm là tìm kiếm Nước Thiên Chúa (x. 12,31), nghĩa là làm hiển thánh danh Thiên Chúa và làm cho Nước Người ngự đến.

Nhưng là bánh gì? Tính từ epiousios là từ hiếm, chỉ thấy trong Mt 6,11 và Lc 11,3. Ý nghĩa của nó đang bàn cãi; nguồn gốc của từ không rõ rệt; các giáo phụ chú giải rất  khác nhau. Có thể tóm tắt một số cách giải thích. Epiousios có thể hiểu nó xuất phát từ động từ ienai “đến” hay einai “là”. “Epi” diễn tả sự liên tục trong thời gian. Nếu cho rằng tính từ nầy phát xuất từ ienai, “đến”, epiousios có nghĩa là đang đến; và cụm từ trên có nghĩa là bánh cho ngày đang đến, ngày nầy tiếp ngày kia (x. Cv 16,11; 20,15; 21,18; 7,26; 23,11). Nếu cho rằng tính từ nầy bởi einai, “là”, cụm từ có nghĩa là bánh thiết yếu. Nếu xét bản văn nầy trong văn mạch, có thể sẽ thấy rõ hơn. Các môn đệ được Chúa Giêsu mời gọi bỏ tất cả, không chỉ những quan hệ gia đình thân thiết nhất (9,59-62), mà cả những bảo đảm của cuộc sống, như nơi ở (9,58), phương tiện (10,4). Của ăn nuôi sống của họ tùy thuộc vào nơi họ đến và lòng hiếu khách của người khác (10,7). Và họ cũng đã chứng kiến việc Chúa Giêsu làm bánh và cá nên nhiều để nuôi dân chúng trong hoàn cảnh không thể đối với họ. Như thế, Người muốn họ tin tưởng vào Người, và chỉ cầu xin bánh của từng ngày đang đến.

Lời cầu xin tha tội (10,4). Sau khi đã cầu xin Cha như là Đấng Tạo Hoá, nuôi sống phần xác, người môn đệ cầu xin Người như là Đấng Cứu Độ, giải thoát phần hồn. Luca dùng “harmatia” “tội lỗi”, thay vì “opheilēma” “nợ” (Mt 6,12). “Tha thứ” và “tội lỗi” hai từ thường đi đôi với nhau và rất quen thuộc trong Luca. Theo Luca, Chúa Giêsu đến mở ra thời kỳ cứu độ của Thiên Chúa, trong đó con người sẽ được tha thứ qua Người Con nầy (x. 5,20-21.23-24; 7,47-49; 24,47; Cv 2,38; 3,19; 5,31; 13,38). Đối với ông, sự tha thứ liên kết với việc hoán cải và chịu phép rửa (Cv 2,38), nghĩa là từng cá nhân phải dấn thân vào để sự tha thứ có thể nên hiệu quả trong họ. Bởi đó, sự cứu độ của Thiên Chúa cần được loan báo cho mọi người (1,77), sự tha thứ cần được rao giảng (24,47), và lời cầu xin “tha tội” phải làm mỗi ngày.

Trong phần thứ hai của lời cầu xin tha tội, hành vi tha thứ của “chúng tôi” được so sánh như hành động tha thứ của Thiên Chúa (c. 4b). Luca không xem đây như là một điều kiện như trong Matthêô (18,35). Ông muốn diễn tả sự tương đồng trong cách hành động giữa Thiên Chúa và các môn đệ. Điều đòi hỏi căn bản và rõ ràng nhất Chúa Giêsu nhắc đến để có thể lãnh nhận sự tha thứ là lòng hối cải (metanoia) (5,32; 10,13; 11,32; 13,3.5; 15,7.10). Người cầu xin sự tha thứ, giả thiết họ đã hối cải (c. 4a). Và bởi họ hiểu lòng hoán cải là cần thiết, họ cũng tha thứ cho những người có lòng hối cải. Chúa Giêsu dạy các môn đệ điều nầy là tha thứ cho anh em, nếu như họ nói “Tôi hối cải” (17,3-4). Hành động tha thứ nầy (ở thì hiện tại) phải thực hiện ngày mỗi ngày. Như thế, có sự liên kết chặt chẽ giữa sự tha thứ của Thiên Chúa và  “chúng tôi” (6,37).

Lời cầu xin sau cùng “xin đừng đưa chúng tôi vào trong cám dỗ” (c. 4c). Eispherō, nghĩa là “mang vào bên trong”, như người ta tìm cách mang người bại liệt vào trong nhà (5,18.19; 12,11). Peirasmos, “thử thách”, “cám dỗ”,  muốn kéo con người đi ra ngoài ý muốn của Thiên Chúa (4,13; 8,13; 22,28). “Cám dỗ”, không có mạo từ xác định, chỉ thử thách cách chung và không xác định, có thể là lo lắng cuộc sống, giàu có, thú vui… (8,14). Có “thời cám dỗ” sẽ  đến (8,13). Ma quỉ thường chịu trách nhiệm việc cám dỗ nầy (4,2). Tuy nhiên, nhiều bản văn của Cựu ước nói đến việc Thiên Chúa thử thách/cám dỗ dân Người. Khẳng định trước là Thiên Chúa không bao giờ cám dỗ con người làm điều xấu (x. Giac 1,13). Trái lai, mục đích việc cám dỗ của Người là để làm cho họ kính sợ Người và không phạm tội (x. Xh 20,20; x. 16,4), để dò xét tâm hồn và xem có tuân giữ giới răn của Người hay không (Đnl 8:2), để xem biết tình yêu đối với Người (Đnl 13,3; Quan án 2,22). Trong Luca, không thấy Thiên Chúa cám dỗ ai, mà Người để Chúa Giêsu chịu cám dỗ (4,1-13), các môn đệ (22,28). Việc dùng thức cầu khẩn thời bất định (aorist subjuntive) ở ngôi thứ hai với “” diễn tả một lệnh cấm về một loại hạng nhất định nào đó. Nên tốt hơn là hiểu “xin đừng đưa chúng tôi vào trong cám dỗ” như là đừng cho phép cám dỗ xảy ra, hơn là Thiên Chúa là nguyên nhân của hành động. Vậy, vì nguy cơ sa vào cám dỗ rất lớn (8,13; 22,40.46), người môn đệ phải xin điều nầy mỗi ngày.

Vinh quang của Thiên Chúa và sự cứu độ của con người gắn liền nhau.

Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến