Mt 15,21-28: Khi ấy, ra khỏi đó, Chúa Giêsu lui về miền Tyrô và Siđon, thì liền có một bà quê ở Canaan từ xứ ấy đến mà kêu cùng Người rằng: “Lạy Ngài là con Vua Đavít, xin thương xót tôi: con gái tôi bị quỷ ám khốn cực lắm”. Nhưng Người không đáp lại một lời nào. Các môn đệ đến gần Người mà xin rằng: “Xin Thầy thương để bà ấy về đi, vì bà cứ theo chúng ta mà kêu mãi”. Người trả lời: “Thầy chỉ được sai đến cùng chiên lạc nhà Israel”. Nhưng bà kia đến lạy Người mà nói: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi”. Người đáp: “Không nên lấy bánh của con cái mà vứt cho chó”. Bà ấy đáp lại: “Vâng, lạy Ngài, vì chó con cũng được ăn những mảnh vụn từ bàn của chủ rơi xuống”. Bấy giờ, Chúa Giêsu trả lời cùng bà ấy rằng: “Này bà, bà có lòng mạnh tin. Bà muốn sao thì được vậy”. Và ngay lúc đó, con gái bà đã được lành.
Ngay sau những tranh luận gay gắt giữa Chúa Giêsu và các Pharisêô về truyền thống của tiền nhân của người do thái, mà các môn đệ của Chúa Giêsu đã không tuân giữ (15,1-20), Matthêô đưa vào đây trình thuật về người phụ nữ Canaan (15,21-28). Trong trình thuật nầy, Matthêô cho thấy Chúa Giêsu đi ra ngoài biên giới do thái, và Ngài ca ngợi lòng tin của một phụ nữ dân ngoại; điều nầy hoàn toàn khác với việc Ngài phê bình cách các vị lãnh đạo tôn giáo do thái thờ phượng Thiên Chúa (15,7-9).
Chủ đề chính của đoạn nầy là nói về đức tin mạnh mẽ của người phụ nữ Canaan. Các từ vựng trong đoạn nầy có thể phân làm hai nhóm tương phản nhau. Một bên là thuộc về do thái, như: “Con vua Đavít” (c. 22), “Ta chỉ được sai đến cho những chiên lạc nhà Israel” (c. 24), “bánh của con cái” (c. 26). Bên kia là nhóm thuộc về dân ngoại: “Tyrô và Siđôn” (c. 21), “phụ nữ Canaan” (c. 22), “đàn chó”(c. 26). Tuy nhiên, “đức tin lớn” lại thuộc về người phụ nữ Canaan (c. 28). Hạn từ Iēsous (cc. 21 và 28) đóng khung đoạn nầy. Đoạn nầy có thể phân chia thành ba phần: – Bối cảnh trình thuật (cc. 21-22a), – Cuộc đối thoại (cc. 22b-27), – Kết luận (c. 28).
Bối cảnh trình thuật (cc. 21-22a)
Khung cảnh thay đổi ngay từ đầu trình thuật. Chúa Giêsu đã rời “nơi đó”, ekeithen, có thể là Gennesareth hay một nơi không xác định trước, và đi đến vùng Tirô và Siđôn (c. 21). Ngài không còn đứng trước các Pharisêô và kinh sư để tranh luận, mà là người phụ nữ Canaan. Matthêô không đề cập đến “cái nhà” Chúa Giêsu vào trong đó, và người phụ nữ nầy tìm đến như trong Marcô (x. Mc 7,24), vì người ta sẽ nghĩ đó là nhà của dân ngoại. Nếu làm như thế, Chúa Giêsu sẽ xúc phạm đến tâm thức của người do thái (x. Cv 10,28). Bởi đó, Matthêô chỉ thuật lại là Chúa Giêsu vào vùng ấy và người phụ nữ tìm đến Ngài (c. 22). Tyrô và Siđôn là hai thành dân ngoại được Chúa Giêsu đề cập một lần khác trong 11,21 khi nói về sự hoán cải. Nơi đây đã không được Chúa Giêsu thực hiện nhiều phép lạ. “Tyrô và Siđôn” và người phụ nữ Canaan gắn liền với nhau.
Cuộc đối thoại (cc. 22b-27)
Phần chính của trình thuật nầy là cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu với các môn đệ và đặc biệt là với người phụ nữ Canaan (cc. 22b-27). Cứ sau mỗi lời ngỏ với Chúa Giêsu là một lời đáp lại của Ngài: Người phụ nữ nài xin (c.22b) – Chúa Giêsu đáp lại (c. 23a), ho de apokrinomai; – Các môn đệ cầu xin (c.23b) – Chúa Giêsu đáp lại (c. 24) ho de apokrinomai; – Người phụ nữ cầu xin (c. 25) – Chúa Giêsu đáp lại (c. 26), ho de apokrinomai; Người phụ nữ cầu xin (c. 27) – Chúa Giêsu đáp lại (c. 28), ho de apokrinomai.
Trước tiên bà nài xin “Xin thương xót tôi, lạy Chúa, con vua Đavít” (c. 22b). Câu nầy không có trong trình thuật song song nơi Marcô. Tước hiệu “Con vua Đavít” là một tước hiệu thiên sai (1,1). Chúa Giêsu nhiều lần chữa bệnh với tước hiệu “Con vua Đavít” (9,27; 12,23; 15,22; 20,30-1). Ngay từ câu nài xin đầu tiên nầy, người phụ nữ gọi Ngài là “Chúa”, kyrie. Bà nhận biết sự cao cả của Ngài. Bà kiên tâm với cách gọi nầy cho đến cùng (cc. 25.27), mặc dù Chúa Giêsu tỏ vẻ từ chối điều bà nài xin bằng ba mệnh đề phủ định (cc. 23.24.26).
Chúa Giêsu không đáp lại (c. 23). Ngài làm như thể không có gì liên hệ với người dân ngoại nầy (x. Lc 10,31tt). Thái độ của Ngài lúc nầy khác hẳn với cách Ngài đối xử với dân chúng đang đói trong trình thuật trước. Chính Ngài có sáng kiến và tự tay làm nên bánh cho dân chúng ăn, mà không đợi họ kêu xin. Về phía các môn đệ, họ luôn nghĩ đến điều thực tiễn. Họ muốn Ngài “giải tán”, apoluō, bà nầy đi cho khỏi bị quấy rầy (c. 23), như họ đã đề nghị với Chúa Giêsu về dân chúng trong trình thuật trước (14,15). Matthêô vẫn dùng động từ “bà kêu lớn tiếng”, krazō + phân từ của động từ legō, như trong các trình thuật phép lạ khác (9,27; 14,26.30; 15,22tt; 20,30tt). Lần nào người kêu cứu cũng được nghe, và chỉ lần nầy là Chúa “không đáp lại”. Hơn nữa, các môn đệ nói với Chúa Giêsu (c. 23) là ekrasen opisthen hymōn, “bà kêu lớn tiếng sau (lưng) chúng ta” (x. 9,20; Kh 1,10); opisthen ở đây được dùng như giới từ sở hữu cách (DBF § 215,1). Như thế không phải Chúa Giêsu không nghe tiếng kêu của người phụ nữ nầy.
Đáp lại lời nài xin của các môn đệ, Chúa Giêsu nói cho các môn đệ và người phụ nữ nầy biết sứ mạng của Ngài là chỉ trong vòng các chiên lạc nhà Israel (c. 24). Cách diễn tả apostellō + eis, “sai đến trong”, chỉ vòng giới hạn. Ở đây là giữa “chiên lạc nhà Israel”. Chúa Giêsu đã nói điều nầy với các môn đệ (10,5-6). “Các chiên lạc nhà Israel” là những người cần một mục tử tốt lành (9,36) để họ khỏi bị phân tán và thất lạc (x. 18,12; 26,31).
Tiếp đến, người phụ nữ nầy không còn nài xin từ đằng sau nữa, mà đến quỳ trước mặt Chúa Giêsu (c. 25). Bà quỳ gối trước mặt Ngài và gọi Ngài là “Chúa” (2,11; 14,33; 28,9) vì bà vẫn tin vào quyền năng của Ngài (8,2; 9,18). Lời nài xin lần nầy, dùng động từ boētheō, “đến cứu giúp”, nhắc lại lời nài xin ở c. 22b, và có tâm tình của những lời cầu xin tìm thấy trong Sách Thánh, nhất là các thánh vịnh (Tv 40,3, 43,27, 85,17, 93,17, 18, 108,26; Is 50,9).
Bà càng nài nỉ, Chúa Giêsu càng tỏ ra từ chối cách dứt khoát. Ngài nói: “Không nên lấy bánh của con nhỏ mà quăng cho chó con” (c. 26). Với câu đáp nầy, Chúa Giêsu muốn khẳng định thêm lần nữa cách gián tiếp là Ngài chỉ được sai đến để ban bánh cho con cái trong nhà mà thôi (x. 14,13-21; Rm 15,8-9). Ngài dùng cách nói của người do thái phân biệt mình với người khác niềm tin, “chó”, chứ không có ý miệt thị người dân ngoại. Chữ kynariōn được dùng ở đây là “chó con”, “chó nhà”, khác với kyōn“chó ngoài đường” (7,6).
Người phụ nữ nầy vẫn kiên trì nài xin: “Vâng, lạy Chúa, chó con cũng được ăn những mảnh vụn rơi xuống từ bàn chủ chúng rơi xuống” (c. 27). Lần nầy bà không nài xin thương đến sự thống khổ của bà, mà là tuyên xưng lòng tin vào Ngài. Bà tuyên xưng Ngài là “Chúa”, và bà diễn giải đức tin của bà vào Ngài. Một đàng bà nhận biết sứ mạng của Chúa Giêsu lúc nầy là dành ưu tiên cho dân Israel: “bánh cho con cái” (c. 26). Đàng khác, bà mạnh dạn khẳng định là dân ngoại cũng có một chỗ đứng trong sứ mạng của Ngài: “chó con ăn những mảnh vụn từ bàn của chủ rơi xuống”. Từ kyriōn, “chủ”, số nhiều, tương ứng với teknōn, “con cái” (c. 27), chỉ dân Israel. Chỗ đứng của dân ngoại tuy là thứ yếu, nhưng họ được ở chung, “chó con dưới bàn”, trong nhà của dân Israel, và được ăn bánh đồng thời với dân Israel. Động từ esthiō, “ăn” ở thì hiện tại, và phân động từ piptō, “rơi xuống” cũng ở thì hiện tại chỉ sự kiện đang diễn ra đồng thời với hành động chính là “ăn”. Vậy người phụ nữ nầy đã tin vào sứ mạng phổ quát của Chúa Giêsu
Lời Ca Ngợi của Chúa Giêsu (c. 28)
Chúa Giêsu thán phục lòng tin của bà: “Này bà, lòng tin của bà lớn thật! Bà muốn sao thì hãy được như vậy!” (c. 28). Ō gynai, “Này bà!” diễn tả sự kinh ngạc. Ngài ca ngợi bà có “lòng tin lớn”, megalē + pistis; tương phản với lòng tin của các môn đệ (8,23), của Phêrô (14,31). Bởi lòng tin của bà, con gái bà được chữa lành, như câu chuyện chữa lành người tôi tớ của viên bách quản (8,10). Cả hai đều được ca ngợi về lòng tin. Vậy vì bà tin vào Chúa Giêsu, Đấng Thiên Sai không chỉ của dân Israel (c. 22) mà cả dân ngoại, bà được ca ngợi có lòng tin lớn lao.
Đi tìm sự chữa lành cho con gái, người phụ nữ Canaan nầy đã gặp được Đấng Thiên Sai. Bà đã tin vào Ngài và sứ mạng của Ngài, và chính con gái bà nhận được phúc lành bởi lòng tin lớn lao của bà. Bất cứ ai tin vào Chúa Giêsu Kitô đều được cứu độ.
Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến