Lc 1,38-49: “Trong những ngày ấy, chỗi dậy, Maria đon đả ra đi lên miền sơn cước, đến một thành xứ Yuđa: bà vào nhà Zacarya và chào Êlisabet. Và xảy ra là thoạt Êlisabet nghe lời Maria chào, thì hài nhi nhảy mừng trong dạ mẹ; và Êlisabet được đầy Thánh thần, mà thốt lên một tiếng kêu lớn và nói: “Trong nữ giới, có người là diễm phúc! Và đáng chúc tụng thay hoa quả lòng người! Và bởi đâu tôi được thế này, là mẹ Chúa tôi đến với tôi? Vì này thoạt tiếng người chào vừa đến tai tôi, thì hài nhi trong dạ tôi nhảy mừng. Phúc cho người, là kẻ đã tin rằng viên thành sẽ đến cho mọi điều Chúa truyền phán dạy cho người!”
Và Maria nói:
Hồn tôi tôn dương Chúa
và thần khí tôi nhảy mừng Thiên Chúa,
Cứu Chúa của tôi,
vì người đã đoái nhìn thân phận mọn hèn tớ nữ của Người.
Này từ đây mọi người sẽ khen tôi có phúc.”
Tin mừng của Chúa nhật hôm nay gồm đoạn nói về cuộc gặp gỡ giữa Êlizabéth và Maria (1,39-45) và một phần của bài ca Magnificat (1,46-48a); đầy đủ phải là 1,46-56. Cấu trúc của đoạn 1,36-45 có thể như sau: – Hành trình của Maria (1,39-40a); – Maria chào và hiệu quả của lời chào (1,40b-41a); – Êlizabéth chúc tụng Maria (1,41b-45); – Maria chúc tụng Thiên Chúa (1,44-55); Maria trở về nhà mình (1,56).
Hành trình của Maria (1,39-40a)
Trong hai câu nhập đề (1,39-40a), Luca đã dùng đến ba động từ chuyển động “chỗi dậy”, “lên đường”, “vào trong (nhà)”, và bốn lần giới từ “trong”: “trong miền núi”, “trong thành Giuđa”, “vào trong”, “trong nhà Zacaria” để diễn tả việc Maria lên đường thăm Êlizabéth, sự vội vã của nó và sự tập trung vào điểm phải đến nhanh của hành trình là gặp Êlizabéth (x. Cv 14,21; 21,1; 25,8). Maria lên đường lần nầy một mình, khác với những lần cùng với Giuse đi về Bêthlêhem và lên đền thờ (2,4-5.22.41). Mẹ “lên đường” theo ý muốn của Thiên Chúa và chương trình của Người, nên mẹ vội vã. Mẹ đã đến nhà ông Zacaria để gặp Êlizabéth.
Êlizabéth chúc tụng Maria (1,41b-45)
Cuộc gặp gỡ của hai người được mô tả xoay quanh tiếng chào và hiệu quả của nó (1,41 và 44). Hai câu 1,41 và 44 song đối với nhau; chỉ khác nhau là câu 1,41 được diễn tả theo lối gián tiếp; trong khi câu 1,44 là trực tiếp bởi Êlizabéth. Chúng kẹp giữa hai câu 1,42 và 43 để làm nổi bật hai câu ấy lên. Hai câu 1,42-43 vừa là lời ca ngợi mô tả hành động của Thiên Chúa trên Maria và con của mẹ, vừa được xem như là nguồn mạch mang đến niềm vui và hạnh phúc cho Êlizabéth và con của bà. Maria đã chào không chỉ bằng cử chỉ mà cả bằng lời. Trong chương 1 nầy có nhiều lời chào khi thiên thần gặp Maria (1:28-29) và Maria gặp Êlizabéth (1,40-41.44). Lời chào của thiên sứ được ghi lại (1,28); trong khi lời chào của Maria không được tường thuật lại, vì Luca quan tâm hơn đến hiệu quả của lời chào nầy. Trong Luca, động từ “nhảy mừng” chỉ xuất hiện ở đây và trong kết luận của đoạn nói về các mối phúc. Động từ nầy luôn ở thể aorist, chỉ một biến cố đã xảy ra trong quá khứ. “Các con hãy nhảy mừng, vì phần thưởng của các con rất lớn ở trên trời” (6,23). Mệnh lệnh “Hãy nhảy mừng” được xem như là kết quả diễn tả sự vui mừng vì đã có được phần thưởng ở trên trời; do đó cũng là kết quả của sự chúc phúc (6,20-22). Cũng thế, hài nhi trong dạ của Êlizabéth đã nhảy mừng vì mẹ Chúa và con của mẹ đã đến thăm, được xem như một phần thưởng từ Thiên Chúa. “Trong dạ” chỉ ngay giây phút ban đầu của một sự sống. Gioan Tẩy giả cũng đã được đầy tràn Thánh Thần ngay từ đầu (x. 1,15). Êlizabéth, người mẹ và hài nhi trong dạ gắn liền với nhau như một. Maria đến nhà bà (1,43), và tiếng chào vừa đến tai bà, “bà nghe”, thì hài nhi liền nhảy mừng (1,41.44). Hai hành động liên tiếp và tác động lên nhau. Ngược lại, sự chúc phúc cho người con cũng chính là cho bà (x. 1,43; 1,25; 11,27).
Lời chúc tụng Maria và con của mẹ gồm hai câu thơ song song bắt đầu bởi một động từ chung ở thể thụ động “chúc phúc” (1,42-43). Thể thụ động của động từ ở đây được hiểu là chính Thiên Chúa hành động. Người chúc phúc cho cả mẹ lẫn con; chứ không phải là một lời chúc từ Êlizabéth. “Giữa các người nữ” tương đương với “nhất trong mọi người nữ” trong cách nói của người do thái thời ấy. Như thế, lần nữa Luca cho thấy sự gắn bó chặt chẽ trong ân phúc giữa mẹ và con (x. 11,44). Lời của Êlizabéth còn tiếp ở câu 1,45, nhấn mạnh đến niềm tin của Maria. Lời nầy làm liên tưởng đến sự cứng lòng tin của Zacharia chồng bà: “Ông phải bị câm, vì ông không tin” (x. 1,20). Maria đã tin vào lời thiên sứ (x. 1,38) và điều nầy đã mang lại cho mẹ sự chúc phúc. Lời của Êlizabéth về lòng tin của Maria mở ra lời của mẹ trong Magnificat: cắt nghĩa với kinh nghiệm bản thân cách hành động của Thiên Chúa và đường lối của Người.
Thiên Chúa làm tất cả và Người chúc phúc cho những ai tin vào điều Người nói.
Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến