Chúa Nhật XXI Thường Niên – Dự Tiệc Trong Nước Thiên Chúa – Giải thích bản văn Tin Mừng

18/08/2022

Lc 13,22-30: Chúa Giêsu rảo qua các thành, các làng mà giảng dạy và tiếp tục hành trình lên Giêrusalem. Một người kia hỏi Ngài rằng: “Lạy Chúa, chỉ có một ít người được cứu rỗi thôi phải không?”. Ngài nói với họ: “Anh em hãy cố gắng vào qua cửa hẹp, vì Tôi nói cho anh em hay, rất nhiều người sẽ tìm cách để vào mà không được. Khi chủ nhà dậy và đóng cửa rồi thì nếu anh em ở ngoài có gõ cửa mà nói: “Lạy Chúa, xin mở cửa cho chúng tôi”; Ngài cũng sẽ trả lời anh em rằng: “Tôi không biết các ông từ đâu đến”. Bấy giờ anh em sẽ nói: “Chúng tôi đã từng ăn uống trước mặt Ngài, và Ngài đã dạy dỗ trên những quảng trường của chúng tôi”; Ngài sẽ trả lời: “Tôi không biết các ông từ đâu đến. Hãy tránh xa Tôi, hỡi tất cả những kẻ làm điều bất chính”. Anh em sẽ khóc lóc và nghiến răng khi thấy Abraham, Isaac, Giacóp và tất cả các Ngôn Sứ được ở trong Nước Thiên Chúa, còn chính anh em lại bị đuổi ra ngoài. Rồi đây người ta từ khắp bốn phương: đông, tây, nam, bắc sẽ đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa. Và này, có những kẻ sau cùng sẽ lên trước nhất và những kẻ trước nhất sẽ thành sau cùng”.

Đoạn nầy ở vị trí khởi đầu giai đoạn hai của hành trình lên Giêrsalem (x. 9,51). Chủ đề của đoạn được đưa vào bởi câu hỏi: “Thưa Thầy, ít người được cứu thôi phải không?” (13,23). Câu trả lời của Chúa Giêsu là những lời khuyến cáo (13,24-30), chia thành 3 đoạn nhỏ: – Mệnh lệnh “Hãy vào cửa hẹp” (13,24); – Khuyến dụ bằng hình ảnh dụ ngôn (13,25-27); – Kẻ đứng ngoài và người bên trong cửa; và  kết luận (13,28-30).

Chúa Giêsu tiếp tục hành trình lên Giêrusalem (c. 22), dù biết cái chết đang chờ đợi Người tại đó (13,33). Người trả lời cách chắc chắn những câu hỏi đặt ra cho Người. Người không ngần ngại đòi hỏi họ và nói sự thật về sự cứu độ. Luca dùng hình ảnh ẩn dụ “cửa” để bàn về đề tài nầy. Để trả lời câu hỏi về số người được cứu độ (c. 23), Chúa Giêsu ra lệnh chiến đấu vào cửa hẹp, và cho lời giải thích (c. 24). Sẽ tới lúc chủ nhà đóng cửa lúc ấy mọi sự sẽ được quyết định cách dứt khoát và không thay đổi được nữa (cc. 25-27). Người đứng ngoài cửa sẽ bị loại bỏ (c. 28a); người bên trong cửa sẽ dự tiệc Nước Trời (cc. 28-30). Cố sức vào “cửa hẹp”, nhưng đừng để quá muộn!.

Đi lên Giêrusalem, Chúa Giêsu tiếp tục giảng dạy (c. 22). Bài giảng đầu tiên nói về sự chiến đấu để vào Nước Trời (cc. 23-30). Người nào đó đặt ra câu hỏi về số người được cứu độ (c. 23). Ông quan tâm về số lượng “ít người được cứu độ”. Khi trả lời cho ông, Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ (2,11), đồng ý với mối lo ngại nầy của người ấy là “nhiều người” không vào được (c. 24b). Ít người được cứu độ và nhiều người hư mất. Chính vì nguy cơ rất lớn nầy mà Người ra lệnh phải chiến đấu để vào (c. 24a), và vào trước khi cửa đóng (c. 25).

Luca mời gọi “chiến đấu”, agōn, (c. 24a), từ vựng riêng của Luca (x. Mt 7,13). Mệnh lệnh nầy ở thì hiện tại có tính cách kéo dài. “Chiến đấu”, như trong một cuộc thi đấu, là đòi hỏi cố gắng lớn để có thể dành phần thưởng (x 1 Co 9,25). Chiến đấu phải hao tốn sức lực (x. Col 1,29). Phải kiên trì chiến đấu cho đến khi vào được cửa hẹp. Đối lại với sự chiến đấu nầy là “không chịu nổi”, “không đủ sức”, ouk  ischyō, (c. 24b). “Cửa” là yếu tố phân chia hai không gian: bên trong nhà và ngoài nhà. Bên trong là sự thông hiệp (x. 12,36-37); ngược lại, là bên ngoài (x. 11,7). Vậy mệnh lệnh “hãy cố vào cửa hẹp” mời gọi kiên trì cho đến cùng cho đến khi vào được tiệc Nước Trời (cc. 28-29); vì có nhiều người đã khởi đầu nhưng không vào được. Họ đã không đủ sức và kiên trì cho đến cùng.

Khuyến dụ tiếp theo được trình bày dưới hình thức cuộc đối thoại (13,25-27): – Cửa đóng. Lời cầu xin (c. 25a) – Trả lời (c. 25b); – Lời giải bày (c. 26) – Trả lời (c. 27). Sau mệnh lệnh, Chúa Giêsu khuyến dụ phải vào cửa hẹp ấy đúng lúc, nghĩa là trước khi chủ nhà đóng cửa (c. 25). Thời gian gắng sức vào cửa hẹp có giới hạn, tuy không xác định là lúc nào. Cửa ấy sẽ đóng lại cách dứt khoát do chủ nhà quyết định. Ai không vào trước thời gian ấy là quá muộn, và tình cảnh họ sẽ thảm khốc. Trong lời đối thoại thứ nhất (c. 25), Luca cho thấy không có một liên hệ hiểu biết nào giữa chủ nhà và những người đứng ngoài.

Trong lời đối thoại thứ hai (cc. 26-27), những người đứng ngoài nhắc cho chủ nhà nhớ một vài liên hệ: “ăn và uống trước mặt”, thấy “Người giảng dạy nơi phố xá chúng tôi”. Họ muốn chủ nhà nhận ra họ trong tương quan hổ tương. Nhưng đây chỉ là những liên hệ bề ngoài. Lần nữa Người tuyên bố thẳng thắn là “không biết họ từ đâu đến”; nghĩa là không biết họ bởi nguồn sống nào. Lời khẳng định tiếp theo “những người làm điều bất chính” chứng tỏ họ đã không sống theo lời của Người. Và “Hãy đi xa Tôi” gợi lên sự phán xét cuối cùng. Vậy, vào cửa hẹp và vào đúng thời liên hệ mật thiết với nhau. Không thể trì hoãn, mà phải gắng vào ngay bây giờ. Đó là sống làm sao để được chủ nhà nhận biết mình là ai.

Hai cảnh tương phản: người bên ngoài và bên trong cửa (cc. 28-30). Tình cảnh sau cùng của những người nầy tương tự như trường hợp của người giàu có và Lazarô (x. 16,23). Những người bên ngoài cửa: thụ động “ngồi đó” ở cửa, thất vọng “khóc lóc”, và nổi giận “nghiến răng” (c. 28a; Cv 7,54). Cụm từ “khóc lóc và nghiến răng”, diễn tả sự nổi loạn vì không được chấp nhận, được dùng nhiều trong Matthêô hơn là Luca (Mt 8,12; 13,42.50; 22,13; 24,51; 25,30). Đối lại với họ, là những người dự phần bàn tiệc Nước Trời (cc. 28b-29). Các tổ phụ của Israel (Abraham, Isaac, Giacóp), các ngôn sứ (c. 28b): thành phần tiêu biểu của giao ước cũ. Những người đến từ khắp nơi trên mặt đất, được diễn tả bằng cách nói “họ đến từ bốn hướng” đông tây nam bắc (c. 29), là thành phần của giao ước mới. “Tiệc trong Nước Thiên Chúa” là sự hiệp thông trọn hảo với Thiên Chúa trong sự công chính. Chúa Giêsu là Đấng Công Chính (23,47), những người dự tiệc cũng là những người công chính, đối lại với những người “bất chính” ngồi ngoài cửa. Họ đã dọn tiệc cho những người nghèo, tàn tật, mù lòa (14,13), nên Thiên Chúa dọn tiệc thiên quốc cho họ khi “người công chính sống lại” (14,14). Công thức ở kết luận “Những người cuối hết sẽ nên đầu hết…” (c. 30) có thể hiểu là chỉ Thiên Chúa mới có thể đánh giá mỗi người tùy theo sự chiến đấu của họ để vào cửa hẹp (c. 23). Vậy số phận mỗi người được định đoạt khi cửa đóng lại.

Hành trình lên Giêrusalem sẽ chấm dứt bằng cái chết được thực hiện trên thánh giá. Chúa Giêsu phải chiến đấu để hoàn tất sứ mạng nầy. Môn đệ của Chúa Giêsu cũng phải chiến đấu qua cửa hẹp, nghĩa là đi vào trong cuộc đời và lời của Người. Vì chỉ ngang qua Người mới có thể vào Nước Trời  (x. Ga 10,7.9; 14,6).

Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến