Lc 14,1.7-14: Khi ấy, nhằm một ngày Sabbat Chúa Giêsu vào nhà một thủ lãnh các người biệt phái để dùng bữa, và họ dò xét Người. Người nhận thấy cách những kẻ được mời, chọn chỗ nhất, nên nói với họ dụ ngôn này rằng:
“Khi có ai mời ngươi dự tiệc cưới, ngươi đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo có người trọng hơn ngươi cũng được mời dự tiệc với ngươi, và chủ tiệc đã mời ngươi và người ấy, đến nói với ngươi rằng: ‘Xin ông nhường chỗ cho người này’. Bấy giờ ngươi sẽ phải xấu hổ đi ngồi vào chỗ rốt hết. Nhưng khi ngươi được mời, hãy đi ngồi vào chỗ rốt hết, để khi người mời ngươi đến, nói với ngươi rằng: ‘Hỡi bạn, xin mời bạn lên trên’. Bấy giờ ngươi sẽ được danh dự trước mặt những người dự tiệc. Vì hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên”.
Rồi Người lại nói với kẻ đã mời Người rằng: “Khi ông dọn bữa ăn trưa hay tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, bà con hay láng giềng giàu có, kẻo đến lượt họ cũng mời ông, và như thế ông đã được trả lễ rồi. Nhưng khi làm tiệc, hãy mời những người nghèo khó tàn tật, què quặt, và đui mù; ông sẽ có phúc, bởi họ không có gì trả lễ. Vì ông sẽ được trả lễ khi những người công chính sống lại”.
Sang chương 14, bối cảnh chung là bữa ăn (14,1.7.12.15). Mở đầu là bữa ăn trong nhà một người Pharisêô (c. 1); sau cùng là bữa tiệc trong Nước của Thiên Chúa (c.15). Trong đoạn trước Chúa Giêsu mời gọi vào cửa hẹp để có thể vào dự tiệc Nước Trời (x. 13,22-30). Trong đoạn nầy, Người dạy cách sống trong khung cảnh một bữa tiệc: cho người được mời (14,7-11), và người đãi tiệc (14,12-14). Những điều nói trong đoạn nầy sẽ được minh họa thêm bằng một dụ ngôn trong đoạn tiếp theo (14,15-24). Thấy có một nguy hiểm là người ta thường ham muốn những chỗ vinh dự, và mở tiệc tùng như một cách thế tạo tương quan có lợi cho bản thân, Luca trình bày giáo huấn của Chúa Giêsu về sự khiêm tốn và quảng đại cách nhưng không. Sự liên hệ giữa hai phân đoạn nầy được xác định bởi bối cảnh chung, cấu trúc tương tự, từ vựng lập lại và chủ đề liên kết với nhau. Tìm chỗ nhất là muốn nâng mình lên trước mặt mọi người. Và mở tiệc để có lợi cho bản thân là ích kỷ. Trong cả hai trường hợp, người dự tiệc cũng như người đãi tiệc đều nhắm lợi ích cho bản thân hơn là cho người khác. Đoạn Tin mừng nầy có thể phân thành hai đoạn song song: 14,7-11 và 14,12-14. Bối cảnh chung của đoạn là bữa ăn tại nhà người Pharisêô mà Chúa Giêsu được mời (c. 1).
Đoạn 14,7-11. Bố cục: – Bối cảnh riêng: thấy những người tìm kiếm những chỗ nhất (c. 7); – Điều không nên làm (cc. 8-9); Điều phải làm (c. 10); Kết luận: quy luật đảo ngược của Thiên Chúa (c. 11).
Tìm kiếm những chỗ nhất giữa công chúng là cám dỗ chung của con người. Chúa Giêsu phê bình những người Pharisêô “chuộng những chỗ nhất, protōkathedria, nơi hội đường” (11,43). Các môn đệ của Người cũng rơi vào cám dỗ nầy. Chúa Giêsu phê bình họ khi họ tranh luận với nhau để dành chỗ lớn nhất giữa họ (9,46-48). Người ngăn dạy các môn đệ Người không được sống theo cách ấy (20,46). Ở đây Người dạy họ phải chọn vị trí nào.
Điều Người nói kể như một dụ ngôn (c. 7). ”Dụ ngôn” ở đây không hiểu theo nghĩa thông thường. Nó chỉ một thí dụ minh họa cho một giáo huấn, và đồng hóa với quy luật tổng quát có tính cách khuyến dụ trong câu kết luận. Thí dụ đây là cách thức chọn chỗ, và quy luật tổng quát là “Ai nhắc mình lên sẽ bị hạ xuống, và kẻ hạ mình xuống sẽ được nhắc lên” (c. 12). Hơn nữa, gọi là “dụ ngôn” vì quy luật nầy phải hiểu cách ẩn dụ (x. 5,36, 13,6, 18,2). Chúa Giêsu quan sát không chỉ sự kiện, mà cả cách thức chọn chỗ. Động từ “chọn”, ở thì quá khứ bất hoàn thành (imperfect) chỉ sự kéo dài, cho thấy người chọn chỗ trong bữa tiệc đang đề cập đến mất nhiều thời gian làm chuyện đó. Và “như thế nào”, pōs, chỉ cách thức chọn lựa.
Giáo huấn của Chúa Giêsu trong cả hai phân đoạn được trình bày như sau: – không làm… (c. 8.12b); – giải thích (c. 9.12c); – nhưng hãy làm… (c. 10.13). Giáo huấn Người đưa ra về việc chọn chỗ đặt trong bối cảnh “tiệc cưới” (cc. 8-10), vì “tiệc cưới” thường được tổ chức long trọng, công khai và có khách thuộc nhiều tầng lớp tham dự. “Tiệc cưới” nầy cũng là tiêu biểu cho tiệc Nước Trời (x. 14,15). Có thể trong tiệc cưới nầy, người ta được tự do chọn lựa chỗ cho mình. Chủ nhà không cắt đặt chỗ cho họ.
“Chỗ” là những từ quan trọng trong đoạn nầy (14,7.8.9[2x].10). Đó không chỉ là một không gian nơi người ta chiếm, mà theo nghĩa bóng còn chỉ một địa vị và vinh dự. Tuy nhiên, “chỗ” không làm cho con người vinh dự. Hai trường hợp được đưa ra trong dụ ngôn đều là trường hợp của những người ngồi sai chỗ. Người ngồi cao hơn chỗ mình đáng được, sẽ bị mời xuống chỗ thấp hơn. Xấu hổ đến. “Xấu hổ” ở đây là cảm thấy mình bị người ta hạ thấp hoặc coi thường (c. 9). Ngược lại, người thấp hơn chỗ mình phải ngồi, sẽ được mời lên chỗ cao hơn. Vinh dự, doxa, đến (c. 10). Như thế, vinh dự của một người trong bữa tiệc không phải do sự tự ý chọn lựa chỗ của khách được mời, mà là do sự sắp xếp và đánh giá của người đãi tiệc. Sự khôn ngoan đời thường nầy đã được sách Châm ngôn nói đến “Trước long nhan, đừng lên mặt kiêu kỳ, chớ đứng vào chỗ của hàng vị vọng. Thà được người ta bảo: “Xin mời ông lên trên!” còn hơn bị hạ xuống trước mặt người quyền cao chức trọng” (Cn 25,6tt). Doxa “vinh dự”, “vinh quang” là từ dùng chuyên nhất cho Thiên Chúa khi nói đến vinh quang của Người (2,9.14.32; 17,18; 19,38), và cho Chúa Giêsu, chỉ vinh quang của Người sau khi sống lại (9,26.31.32; 21,27; 24,26). Như thế, doxa ở đây cũng chính là lời hứa “phúc thật” sẽ được thực hiện trong ngày người công chính sống lại (c. 14).
Kết luận phân đoạn nầy Chúa Giêsu đưa ra một quy luật của Thiên Chúa ngược với đời thường (c. 11); tương tự ở kết luận của đoạn nói về cửa hẹp (13,30). Người chọn cho mình chỗ cao nhất là người tự nâng mình lên; ngược lại là người hạ mình xuống ở chỗ thấp nhất. Việc xác định “chỗ” đúng cho mỗi người là của Thiên Chúa. Cả hai động từ “hạ xuống” và “nâng lên” đều ở thể thụ động, có Thiên Chúa là tác nhân của hành động (x. 1,48-50, 51-52; 13,30). Vậy, Chúa Giêsu dạy phải đặt mình khiêm tốn trước mặt Người (16,15; 18,14).
Diễn từ của đoạn trên ngỏ với khách dự tiệc (c. 7), đoạn nầy nói với chủ tiệc. Đoạn 14,12;14. Bố cục: – Bối cảnh riêng: dọn bữa ăn (c. 12a); – Điều không phải làm (cc. 12b); – Điều phải làm (c. 13); – Kết luận: Mối phúc (c. 14).
Bữa ăn ở đây là “bữa trưa”, ariston (11,38) và “bữa tối”, deipnon (c. 12a; 14,12.16.17.24; 20,46) và “bữa tiếp đãi”, dochē (c. 13; 5,29). Ba từ vựng chỉ ba hình loại bữa ăn khác nhau. Điều nầy ngụ ý là những điều Chúa Giêsu sắp nói sẽ áp dụng cho mọi bữa ăn dọn cho người khác. Động từ “kêu”, phōnē, có thể thời ấy người ta mời bằng miệng: “gọi đến” dự tiệc. Mệnh lệnh “đừng gọi” ở thì hiện tại có nghĩa “thông thường đừng gọi”. Nhóm bốn thứ nhất gồm những người thân thuộc và giàu có: bạn bè – anh em – bà con – láng giềng giàu có cấm không được mời (c. 12c). Nhóm bốn thứ hai tương phản với nhóm trước gồm những người nghèo – tàn tật – què quặt – đui mù được khuyên là nên mời (c. 13; x. 7,22; 14,13.21).
Lý do duy nhất không mời nhóm thứ nhất là vì họ có thể “đáp trả lại”, antapodoma (c. 12c) “cho lại” anapodidōmi (c. 14 [2x]; x. 6,24; 16,19); trong khi những người thuộc nhóm hai không làm được gì cả! Người nghèo không có tiền bạc. Những người tật nguyền không có ngay cả sức khỏe. Họ thuộc tầng lớp bên lề xã hội và bị loại khỏi những người tham dự lễ tế (Lv 21,17-23). Nguyên tắc không tính chuyện qua lại khi làm một điều gì đó cho người khác đã được Chúa Giêsu đề cập đến. Nếu làm cho người có khả năng đáp trả lại là hành động bởi một động lực ích kỷ; do đó, hành động như một người tội lỗi (6,32-33). Trái lại, nếu cho những người nghèo một dĩa (x. 11,41), mời họ một “bữa tiếp đãi”, chứ không chỉ là bố thí (18,22), là đã hành động theo cách của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đặt nhóm nầy ưu tiên trong sứ mạng của Người (4,18; 7,22). Và Người loan báo họ sẽ là thành phần chính yếu dự tiệc Nước Thiên Chúa (x. 14,21).
Mối phúc ở thì tương lai “Anh sẽ có phúc”, vì hướng đến ngày “sống lại của người công chính” (c.14). Trong vế đầu mối phúc có tính cách tương phản: “Anh sẽ có phúc” vì “hiện nay không có gì để trả lại cho anh”. Trong vế sau, như hệ quả “thành thử, gar, anh sẽ được cho lại trong ngày sống lại của người công chính” (x. Cv 24,15). Vậy, phần thưởng của họ chỉ đặt vào Thiên Chúa (6,35).
Ai biết chọn chỗ thấp nhất thì cũng biết quan tâm đến những người thấp nhất giữa con người. Chỗ thấp nhất Chúa Giêsu dạy chúng ta phải chọn. Tuy nhiên khi đến trần gian ngay cả chỗ thấp nhất Người cũng không có, hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng (2,7; Phil 2,6-7). Bởi đó Thiên Chúa đã tôn vinh Người và đặt Người ở chỗ cao trọng nhất là “bên tay hữu Thiên Chúa” (Cv 2,33; 5,31).
Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến