Chúa Nhật XXIII Thường Niên B – Hãy Được Mở Ra – Giải thích bản văn Tin Mừng

05/09/2024

Mc 7,31-37: Khi ấy, Chúa Giêsu từ địa hạt Tyrô, qua Siđon, đến gần biển Galilêa giữa miền thập tỉnh. Người ta đem một kẻ câm điếc đến cùng Người và xin Người đặt tay trên kẻ ấy. Người đem anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào tai anh và bôi nước miếng vào lưỡi anh ta. Đoạn ngước mặt lên trời, Người thở dài và bảo: “Effetha!” (nghĩa là “Hãy mở ra!”), tức thì tai anh ta mở ra, và lưỡi anh ta được tháo gỡ, và anh nói được rõ ràng. Chúa Giêsu liền cấm họ đừng nói điều đó với ai. Nhưng Người càng cấm, thì họ càng loan truyền mạnh hơn. Họ đầy lòng thán phục mà rằng: “Người làm mọi sự tốt đẹp, Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được!”

Trong văn mạch nói đến những hoạt động cuối cùng của Chúa Giêsu (6,6b-8,26), đoạn 7,31-37 thuật lại việc Chúa Giêsu chữa lành một người câm và điếc trong vùng Tirô và Siđôn, nơi dân ngoại đang sinh sống. Đoạn nầy có thể được phân chia như sau: 1- Khung cảnh mở ra câu chuyện chữa lành người câm điếc (7,31-32); 2- Việc chữa lành của Chúa Giêsu (7,33-35); 3- Sự kinh ngạc của dân chúng (7,36-37).

Tirô và Siđôn đã được nhắc đến rất sớm trong những ngày hoạt động đầu tiên của Chúa Giêsu. Dân chúng tuôn đến với Người khi “nghe những việc Người đã làm” (3,8). Hai việc kỳ diệu Người đã làm cho dân chúng ở Tirô là chữa lành người con gái bị quỷ ám của người phụ nữ hy lạp, gốc Syria-Phôênisê (7,24-30) và người câm và điếc (7,31-37). Những việc Người làm đã được loan báo rộng rãi trong cả vùng Đêcapôlis, nhất là bởi người bị quỷ ám được chữa lành; do đó, dân chúng biết và đem người câm và điếc nầy đến cho Người.

Trình thuật nầy nhấn mạnh việc chữa lành của Chúa Giêsu qua việc đặt tay, được ghi nhận như là mục đích khi dân chúng đem người bệnh nầy đến với Người (6,33-35; x. 5,23). Đặt tay là cử chỉ Chúa Giêsu thường làm để chữa lành bệnh(1,41; 5,23; 6,5; 7,32; 8,23), vì những việc kỳ diệu đều được thực hiện bởi bàn tay của Người (6,2). Ở đây thay vì chỉ là một việc đặt tay đơn thuần, Marcô mô tả chi tiết là Người đã “đặt những ngón tay Người vào lỗ tai người ấy” và “chạm đến lưỡi người ấy” (c. 33). Sự tiếp xúc nầy có khả năng chuyển ban cách trực tiếp năng lực chữa lành từ Người. Người chạm đến người phong hủi để làm cho người không được chạm vào nầy có thể chạm vào đuợc, nghĩa là được nên sạch (1,41) Người nắm tay em bé, thay vì chỉ đặt tay trên em như theo lời người cha yêu cầu, và kéo em chỗi dậy khỏi giấc ngủ (5,39-42). Như thế, qua việc đụng chạm đến tai và miệng luỡi của người câm và điếc, Người đã mang lại cho người nầy khả năng nói và nghe.

Marcô luôn ghi nhận tâm tình cảm thông của Chúa Giêsu trước tình trạng khốn khổ, đói khát và bệnh tật của con người (1,41; 6,34; 8,2; x. 9,22). Tuy nhiên, ở đây khác với tất cả, ông chỉ nói là Người “ngước mắt lên trời và thở dài” (7,34). Tiếng thở dài chỉ phát ra khi con người đứng trước những tình trạng bi đát mà họ bất lực và không thể thay đổi (Gióp 23,2; 30,25; Tv 30,11; Giêr. 4,31). Trong lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, một đàng Người thở dài thay cho người câm điếc, qua đó biểu lộ sự cảm thông bằng hành vi với người nầy, để Chúa Cha có thể nghe thấy sự khốn khổ của người ấy (Tđcv 7,34; Xh3,7). Lời thở dài nầy làm cho lời cầu nguyện thêm sâu thẳm và khẩn thiết (x. 2,24; Tv 78,11). Đàng khác, như là hiện thân của Thiên Chúa giữa con người, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời để nhận lấy quyền năng của Chúa Cha mà cứu chữa người nầy (6,41). Lời đầy quyền năng có thể chữa lành “Êphatha”, Anh hãy được mở ra” được ngỏ trực tiếp với người câm điếc; do đó, tai và miệng người nầy cùng một lúc được mở ra (7,35) và thoát khỏi mọi ràng buộc được ngầm ám chỉ là do ma quỉ (x. Lc 8,28; 13,16).

Lệnh cấm nói cho ai khác biết lần nầy không được áp dụng cho người được chữa lành như trong những trường hợp khác (x.1,44; 5,43; 8,30; 9,9), mà cho dân chúng. Rất có thể vì họ là những nguời đã mang người câm điếc đến và đã chứng kiến kết quả kỳ diệu được thực hiện nơi người ấy (7,37). Nhưng không có một lệnh cấm nào của Người được tôn trọng, vì niềm vui được chữa lành quá lớn lao đến nỗi con người không thể giữ thinh lặng về những gì đã xảy ra cho bản thân được. Hiệu quả của việc Chúa Giêsu đã làm ảnh hưởng cách mạnh mẽ trên dân chúng được thấy qua phản ứng của họ là kinh ngạc quá mức, qua lời nói mà họ nhận định là mọi sự Người đã làm đều tốt đẹp, mà việc làm cho người câm điếc nói và nghe được chỉ là một trong nhiều việc chữa lành Người đã thực hiện.

Công việc của Chúa Giêsu làm là công việc của Chúa Cha. Người mở tai và miệng con người ra để họ có thể nghe và hiểu cách chân thật những điều kỳ diệu Người đã làm; đồng thời, có thể loan báo Người và hành động của Người.

Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến