Lc 14,25-33: Khi ấy, có nhiều đám đông cùng đi với Chúa Giêsu, Người ngoảnh lại bảo họ rằng: “Nếu ai đến với Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ Ta. Còn ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta.
“Có ai trong các ngươi muốn xây tháp mà trước tiên không ngồi tính toán phí tổn cần thiết, xem có đủ để hoàn tất không? Kẻo đặt móng rồi mà không thể hoàn tất, thì mọi người xem thấy sẽ chế giễu người đó rằng: ‘Tên này khởi sự xây cất mà không hoàn thành nổi’.
“Hoặc có vua nào sắp đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên không ngồi suy nghĩ xem mình có thể đem mười ngàn quân ra đương đầu với đối phương dẫn hai mươi ngàn quân tiến đánh mình chăng? Bằng chẳng nổi, thì khi đối phương còn ở xa, vua ấy sai một phái đoàn đến cầu hoà. Cũng thế, bất kỳ ai trong các ngươi không từ bỏ tất cả của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Ta”.
Vẫn còn trong văn mạch của hành trình lên Giêrusalem (x. 13,22). Chúa Giêsu lại lên đường (14,25), sau khi Người dừng lại dùng bữa tại nhà người Pharisêô và dạy những điều liên quan đến bữa tiệc (14,7-14 và 15-24). Gắn liền với hành trình lên Giêrusalem, Luca nói đến sự từ bỏ tận căn nơi người môn đệ (14,26-27.33); cũng một cách trình bày như thế ở 13,22.23-24.
Từ bỏ chính mình và vác thập giá để đi theo Người như là cao điểm của đòi hỏi vào cửa hẹp (13,23-24), sống khiêm tốn (14,7-11) và quan tâm đến những người nghèo hèn và yếu đuối (14,12-14). Đòi hỏi nầy có tính cách nghịch lý và đụng chạm sâu xa đến chính bản thân: từ bỏ chính mình để được Chúa Giêsu làm Thầy (14,27.33).
Bố cục của đoạn có thể được phân chia như sau: – Bối cảnh dẫn nhập: Chúa Giêsu đi đường, và dân chúng cùng đi (c. 25); – Cặp câu song đối: ghét tất cả kể cả bản thân và mang lấy thập giá và đi theo Người (cc. 26-27); – Cặp dụ ngôn: xây tháp và đi giao chiến (cc. 28-32) và kết luận: từ bỏ của cải (c. 33). Hình thức của đoạn nầy mang đặc tính là dùng những câu điều kiện phủ định (cc. 26 [2x].27[2x].30.33[2x]). Cụm từ “không xứng đáng làm môn đệ của Tôi” (cc. 26.27.33) nối kết cặp câu song đối (cc. 26-27) và cặp dụ ngôn (cc. 28-32) lại với nhau. Như minh họa của hai câu trên, chúng khai triển ý tưởng “trước tiên ngồi xuống” (cc. 28.31) để tính toán; theo nghĩa bóng chỉ việc đi theo làm môn đệ Chúa Giêsu.
Bối cảnh dẫn nhập: Chúa Giêsu đi đường, và dân chúng cùng đi (c. 25)
Cảnh tiệc tùng trong nhà đã xong. Chúa Giêsu lại ra đi lên Giêrusalem. Dân chúng cùng đi với người. Họ sẽ là đối tượng của sứ điệp Người sắp nói ra. Sự kiện “cùng đi”, symporeuomai, làm khởi điểm cho đề tài “đi theo” (cc. 26.27) làm môn đệ Người (cc. 26.27.33).
Cặp câu song đối: ghét tất cả kể cả bản thân và mang lấy thập giá và đi theo Người (cc. 26-27).
Hai câu song song đều kết thúc với cụm từ “không xứng đáng làm môn đệ của Tôi” (cc. 26.27). Câu 26 nói đến cách tiêu cực sự từ bỏ, ngay cả những tương quan thân thiết nhất và bản thân. Câu 27 nói đến cách tích cực việc “vác thập giá”và “đi theo sau”. Cả hai điều nầy liên hệ trực tiếp đến nhau: muốn đi theo sau Người, phải bỏ lại những liên hệ khác. Động từ “ghét” cần được giải thích. Matthêô dùng động từ “yêu” thay vì “ghét”, và “không xứng đáng với Tôi” thay vì “không thể làm môn đệ của Tôi” như trong Luca (Mt 10,37). Matthêô nói rõ là phải yêu Chúa Giêsu hơn những người khác trong gia đình. Luca đặt ra sự tương phản và đối lập. Trước tiên, “ghét” ở đây không thể hiểu là xem những người thân như những kẻ thù (x. 1,71). Rồi càng không thể hiểu là loại bỏ và nguyền rủa họ như những người xấu xa (x. 6,22.27). “Ghét” phải hiểu theo nghĩa khác; tuy nhiên không phải là “yêu hơn” như trong Matthêô. Câu 16,13 dùng một cấu trúc tương tự như nhưng gắn gọn hơn hai câu đang bàn đến (14,26-27). Trong câu ấy Luca nói đến “Thiên Chúa” và “Tiền Bạc”, tương tự những người trong gia đình và bản thân và Chúa Giêsu. Hai thái độ “ghét” hoặc “yêu” đối nghịch nhau tương tự với hai hành động “ghét” và “vác – đi theo sau”. Cụm từ “không thể phục vụ Thiên Chúa và ma quỉ” nhấn mạnh sự chọn lựa tương tự với “không thể là môn đệ của Tôi”. Ở 16,13 Luca nhấn mạnh đến “không thể làm tôi hai chủ”; do đó, có thể nói là ở đây Luca cũng nói đến sự chọn lựa. “Ghét” là lìa bỏ (x. 18,29) tất cả để có thể theo Chúa cách tuyệt đối. Vậy Người mời gọi dấn thân trọn vẹn và dứt khoát.
Luca nói đến một chuyển động là “Đến với Tôi” để “là môn đệ của Tôi” (cc. 26.27). “Là môn đệ” là gì? Mặc dù Luca nói đến những điều kiện, nhưng điều nầy không có nghĩa là người ta sẽ “là môn đệ” của Chúa, nếu những điều kiện ấy được thỏa mãn. “Là môn đệ” tùy thuộc hoàn toàn vào Chúa Giêsu: được Người chấp nhận. Sự chấp nhận nầy có điều kiện (cc. 26-27). Như thế, “là môn đệ” là một hành động bao hàm cả cuộc sống. Là giống Chúa Giêsu hoàn toàn trong cùng một định mệnh: từ bỏ tất cả để có thể chết trên thập giá như Người (9,23).
Cặp dụ ngôn: xây tháp và đi giao chiến (cc. 28-32)
Hai dụ ngôn có cấu trúc giống nhau: một dự tính sẽ thực hiện “cái tháp” (c. 28) và “cuộc chiến” (c. 31), ngồi tính toán (cc. 28.31), đặt giả thiết dự tính “nếu” không hoàn thành (cc. 29.32), và biện pháp cho dự tính nếu không thể thực hiện được (cc. 29b.32). Dự định xây tháp được diễn tả trong động từ “muốn” (c. 28). Người ấy phải “ngồi xuống trước” để dự tính: không chỉ là những chi phí cho việc xây dựng cái tháp, mà cả lời chê cười. Điều quan trọng là phải nghĩ đến là “có sức”, “có khả năng”, ischyō, hay không (cc. 29.30; 6,48; 8,43; 13,24; 14,6.29.30; 16,3; 20,16). Coi chừng là cuối cùng không thể hoàn thành cái tháp đã khởi công! Dự tính giao chiến cũng thế (cc. 31-32). Đoạn nầy ngắn và đơn giản hơn. Vị vua nầy phải ngồi xuống tính trước về binh lực, và sự thất bại có thể xảy ra. Nếu ông không có đủ mười ngàn quân (c. 31), phải cầu hoà để tránh bại trận. Vậy cả người xây tháp lẫn vị vua phải tính trước khả năng của mình. Liệu có thể đem dự tính đến chỗ hoàn thành hay không. Mục đích chung của dụ ngôn sinh đôi nầy là phải xem việc “là môn đệ của Chúa” là hệ trọng, và phải thấy trước những đòi hỏi tận căn của nó trước khi quyết định.
Kết luận của hai dụ ngôn (c. 33). Luca thường dùng chữ “vậy”, houtōs, để dẫn vào câu áp dụng dụ ngôn (x. 12,21; 16,7, 10; 17,10; 21,31). Tuy nhiên, đúng hơn câu nầy liên kết với cc. 26-27, và trình bày thêm một yếu tố khác trong việc từ bỏ: của cải. Động từ apotassomai, “từ biệt”, “quay lưng đi khỏi” được dùng để chỉ việc lìa bỏ gia đình để theo Chúa (9,61). Ở đây nó được dùng cho “của cải”. Vậy, “ghét” (c. 26) và “quay lưng đi khỏi” (c. 33) đều chỉ sự rời xa những quan hệ gia đình, bản thân và của cải đang có. Khi từ bỏ tất cả những điều đó mới có thể “là môn đệ của Chúa Giêsu.”
Muối là muối, hoặc không là gì cả (cc. 34-35). Chúa Giêsu đòi hỏi cách tuyệt đối và tận căn những ai muốn đi theo Người và “là môn đệ của Người” là rời xa tất cả những gì thân thiết nhất trong tương quan với cuộc đời trần thế nầy. Chúa Giêsu đã thực hiện trước những điều như thế khi Người đến thế gian như Con yêu dấu của Chúa Cha (Phil 2,6-7).
Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến