Mt 18,15-20: Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu anh em ngươi lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng ngươi và nó thôi. Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em. Nếu nó không nghe lời ngươi, hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi việc được giải quyết nhờ lời hai hoặc ba nhân chứng. Nếu nó không nghe họ, hãy trình với cộng đoàn. Và nếu nó cũng không nghe cộng đoàn, ngươi hãy kể nó như người ngoại giáo và như người thu thuế.
“Thầy bảo thật các con, những gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, và những gì các con tháo gỡ dưới đất, thì trên trời cũng tháo gỡ.
“Thầy lại bảo các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó. Vì ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy”.
Đoạn 18,15-20 nằm trong văn mạch chương 18 bàn về đời sống cộng đoàn. Các chủ đề chính được bàn đến là các trẻ nhỏ và những người bé mọn (18,1-14), hoà giải và tha thứ (18,15-35). Ngay sau khi nói về sự lầm lạc của một trong những người bé mọn (18,10-14), Matthêô bàn về việc sửa lỗi anh em, hoà giải (18,15-20), và tha thứ (18,21-35).
Trong đoạn nầy, từ ean, “nếu” xuất hiện nhiều lần (cc. 15[2x], 16.17[2x], 18[2x], 19[2x]). Các câu 15-17 dùng các đại danh từ ngôi thứ hai số ít, “anh”, sy ; trong khi các câu còn lại, 18-20, dùng “các anh”, hymin. Có thể phân chia đoạn nầy như sau: – Sửa lỗi người anh em (cc. 15-17); – Quyền bính buộc tội và tha tội (c. 18); – Chúa Cha nhậm lời và Chúa Giêsu hiện diện (cc. 19-20).
Sửa lỗi người anh em (cc. 15-17)
Matthêô đặt ra vấn đề là phải đối xử như thế nào với người anh em của mình khi họ phạm lỗi đến mình. Ở đây tất cả mọi chuyện được đặt ra bằng những câu điều kiện, ean, “nếu”. Có thể phân bố cục các câu nầy như sau: – Đặt ra một trường hợp xúc phạm đặc thù (15a), – Các cách sửa lỗi (cc. 15b-17a), – Cách đối xử với người không hoán cải (c. 17b).
Mở đầu câu thánh sử nói đến việc “phạm lỗi”, hamartanō. Trong mạch văn của chương 18, động từ nầy chỉ tội “gây vấp ngã”, skandalizō, cho một trong những người bé mọn tin vào Chúa Giêsu (cc. 6.8.10). Cấu trúchamartanō + eis + một người: chỉ phạm lỗi đến cá nhân một người (Kh 20,6.9; 34,9). Tội “gây vấp ngã” là tội làm tổn hại đến lòng tin vào Chúa Kitô. Tội nầy tuy phạm trực tiếp đến một cá nhân, nhưng cũng có ảnh hưởng trên cộng đoàn. Bởi đó, việc sửa lỗi cần đến cả cá nhân lẫn cộng đoàn.
Chúa Giêsu muốn “người anh em” được sửa lỗi (c. 15). Cách sửa lỗi đầu tiên là giữa cá nhân người phạm lỗi và người bị xúc phạm. Động từ elenchō là hapax trong Matthêô. Trong tin mừng Luca động từ nầy được dùng trong ngữ cảnh khác, và rất hữu ích giúp chúng ta hiểu nghĩa của động từ. Gioan Tẩy Giả “khiển trách”, elenchō, Hêrôđê vì đã lấy bà Hêrôđia làm vợ” (Lc 3,19). Gioan cho ông Hêrôđê thấy việc ấy là sai, và không nên làm. Elenchō trong ngữ cảnh của Matthêô cũng mang ý nghĩa tương tự là “mở ra, trải ra, chỉ cho một người thấy những sai lỗi của mình”, và “thuyết phục họ nhận mình sai lỗi” (x. Lc 3,19; Dt 12,5; Khải huyền 3,19; Lv 19,17).
Kết quả của việc sửa lỗi có thể là tích cực, “nếu người anh em nghe ngươi”. Động từ akouō, mang ý nghĩa nhiều hơn là “nghe”, mà là “làm theo điều đã được soi sáng/cho biết”, đúng hơn là “hoán cải” (7,24; 10,14; 13,9); Luca dùng từ metainoia “hoán cải” trong trường hợp nầy (Lc 17,3). Động từ kerdainō, “kiếm được”, mang ý nghĩa sự sở hữu, sở hữu vật chất (16,26; 25,16tt). Giúp hoán cải một người anh em là “kiếm được” người ấy cho Chúa Giêsu Kitô và cộng đoàn (18,15; 1 Cor 9,23; 1Ph 3,1); tuy nhiên một cách nào đó việc ấy cũng được kể là thuộc về người đi sửa lỗi, “anh em của ngươi”.
Kết quả có thể là tiêu cực, “Người anh em không nghe ngươi” (c. 16.17), việc sửa lỗi đòi hỏi nhiều cố gắng hơn. Phải cần đến người khác và cộng đoàn. Trước tiên là cần đến hai hoặc ba người, như thấy điều nầy được áp dụng ở vài nơi trong Tân ước (x. 26,60; Ga 8,17-18; 2 Co 13,1). Và nếu không có kết quả nữa, phải cần đến cộng đoàn. Ekklēsiaở đây chỉ cộng đoàn kitô hữu địa phương, chứ không mang nghĩa phổ quát như trong 16,18.
Nếu cách sửa lỗi cuối cùng vẫn không đạt kết quả tốt, “người đó đối với ngươi như người ngoại, người thu thuế”. Câu kết luận quy chiếu lại trên người bị phạm lỗi (c. 15a) 1à chỉ “đối với ngươi” mà thôi. Xem họ như “người ngoại, người thu thuế”, nghĩa là như người chưa hoán cải, chưa có một cách sống của các môn đệ của Chúa Kitô (x. 4,56-57). Bản văn không nói đến cách cư xử của cộng đoàn đối với người nầy.
Việc Matthêô kể ra đến ba giai đoạn sửa lỗi cho thấy thánh sử nhấn mạnh đến sự rất cần thiết của việc giúp người anh em sửa lỗi. Cá nhân cũng như tập thể phải cố gắng hết sức và bằng mọi cách đưa người anh em trở về.
Quyền buộc tội và tha tội (c. 18)
Từ thái độ đối với người không “chịu nghe” (c. 17), Chúa Giêsu đưa ra một nguyên tắc về quyền buộc tội và tha tội của các môn đệ (18,18). So sánh giữa câu nầy và câu 16,19 mà Chúa Giêsu nói với Phêrô trong trình thuật trước, chúng ta thấy có nhiều điểm khác biệt. Trong câu 16,19, các động từdeomai, “buộc” và luō, “tháo” đểu ở ngôi thứ hai sốít. Chúa ban quyền nầy cho Phêrô; trong khi ở câu 18,18, các động từ được dùng số nhiều. Quyền nầy được ban cho các môn đệ. Do ngữ cảnh của câu nầy, nói về gây cớ vấp phạm (cc. 6.8.10), phạm tội (c. 15), việc sửa lỗi (cc. 16-17), việc “buộc” và “tháo” nầy được hiểu như là phán quyết về tội.
Chúa Cha nhậm lời và Chúa Giêsu hiện diện (cc. 19-20)
Hai câu 19 và 20 được đặt chung với nhau vì chúng được dẫn vào bởi cùng một câu: “Quả thật, Ta lại bảo các ngươi”. Các câu cuối nầy liên hệ với các câu trên bởi cấu trúc câu: ean (c. 19), “nếu”, “hai”, “ hoặc ba” (c. 16 và 19.20), “trên mặt đất”, “trên trời” (cc. 18.19). Như các câu 15-17 đề cập đến giữa hai người trong vấn đề “phạm lỗi”, ở đây cũng nói đến “hai người” (c.19), “hai hoặc ba người” (c.20), nhưng trong việc “đồng tâm” (c.19) và “tụ họp nhân danh Ta” (c. 20); và kết quả là “Cha Ta sẽ nhậm lời” (c. 19) và Chúa Giêsu “sẽ ở giữa họ” (c. 20).
Ở đây Chúa Giêsu thêm một nguyên tắc nữa. Đó là “Nếu trong các ngươi hai người dưới đất đồng thanh xin về bất cứ việc gì, thì Cha Ta, Ðấng Ngự trên trời sẽ ban cho” (c. 19). Xét về mặt hình thức, hai câu 19-20 nầy có liên hệ với các câu trước nhưđã phân tích ở trên. Xét về nội dung, xem ra Matthêô đưa vào đây một chủ đề mới. Thật ra, điều Matthêô nói trong các câu 19-20 có liên hệ rất mật thiết với các câu trước.
Sau khi nói đến việc một người anh em sai lỗi (18,12.15), việc sửa lỗi, chủ yếu là không thành công (cc. 16-17) và quyền buộc tội và tha tội của các môn đệ (c. 18), thánh sử nói đến sự hoà hợp của các môn đệ trong cầu nguyện và tụ họp như là điều kiện để được Chúa Cha nhậm lời về “những điều họ kêu xin”, và Chúa Giêsu “hiện diện giữa họ” (c. 20). Động từ symphōneō, nghĩa đen của nó là “vang lên cùng một giọng”, nghĩa là “hòa hợp”, “có một lòng một ý” (x. 20,3.13), aiteō ở đây có nghĩa là “cầu xin” trong bối cảnh cầu nguyện (21,22), và panta pragma, “bất cứ điều gì”; hiểu theo nghĩa là “việc liên quan đến luật lệ” (Thayer; x. Rom 16,2; 1 Cor 6,1). Nếu đúng như thế, panta pragma nầy ám chỉ những chuyện “gây vấp ngã” (cc. 6.8.10), đi lạc (c.12), phạm lỗi (c. 15a). Và điều các môn đệ cầu xin chính là sự hoán cải của những người ấy, vì các môn đệ đã tìm cách sửa lỗi họ mà không thành công.
Câu 20 khai triển ý tưởng việc cầu nguyện trong trường hợp cụ thểở câu 19; gar, “vì” (c.20) mang ý nghĩa giải thích. “Tụ họp nhân danh Chúa Giêsu Kitô” là tụ họp để cầu nguyện, là tụ họp của các môn đệ của Chúa Kitô. Lời hứa nầy được tuyên bố lại trong 28,20 bởi Chúa Giêsu Kitô phục sinh. Vậy Chúa Giêsu Kitô phục sinh hiện diện giữa những người tụ họp lại cầu nguyện nhân danh Ngài.
Sửa lỗi người anh em phạm lỗi là việc phải làm. Nhưng cầu nguyện cho người ấy thì có sức mạnh và hiệu quả hơn cả việc sửa lỗi, vì lúc ấy chính Thiên Chúa hành động. Hãy cầu nguyện để mọi người được ơn cứu độ.
Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến