Lc 15,1-10: Khi ấy, những người thâu thuế và những người tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng. Thấy vậy, những người biệt phái và luật sĩ lẩm bẩm rằng: “Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi, cùng ngồi ăn uống với chúng”. Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này: “Ai trong các ông có một trăm con chiên, và nếu mất một con, lại không để chín mươi chín con khác trong hoang địa mà đi tìm con chiên lạc, cho đến khi tìm được sao? Và khi đã tìm thấy, người đó vui mừng vác chiên trên vai, trở về nhà, kêu bạn hữu và những người lân cận mà nói rằng: “Anh em hãy chia vui với tôi, vì tôi đã tìm thấy con chiên lạc!” Cũng vậy, Tôi bảo các ông: “Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần hối cải.
“Hay là người đàn bà nào có mười đồng bạc, nếu mất một đồng, mà lại không đốt đèn, quét nhà và tìm kỹ lưỡng cho đến khi tìm thấy sao? Và khi đã tìm thấy, bà mời các chị em bạn và những người láng giềng đến mà rằng: ‘Chị em hãy vui mừng với tôi, vì tôi đã tìm được đồng bạc tôi đã mất’. Cũng vậy, Tôi bảo các ông: Các Thiên Thần của Thiên Chúa sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải”.
Sau khi trình bày những điều kiện để có thể đi theo và là môn đệ của Chúa Giêsu, Luca kết luận là “Ai có tai để nghe, hãy nghe” (14,35). Sang chương 15, những người tội lỗi và thu thuế đến gần Chúa Giêsu để nghe Người (15,1). Chủ đề chính của chương nầy, được trình bày bằng ba câu chuyện trong một dụ ngôn, là niềm vui của Thiên Chúa khi tìm thấy lại người tội lỗi hoán cải. Niềm vui nầy được diễn tả qua bữa ăn: Thiên Chúa, người tội lỗi và những người được mời đồng bàn với nhau. Trong chương trước, bữa tiệc của Thiên Chúa dành cho những người nghèo, tàn tật, đui mù (14,15.21-23); ở đây, dành cho người tội lỗi (15,2.23). Như thế, những câu chuyện trong chương 15 nầy bênh vực cho sứ vụ của Chúa Giêsu đối với những người nầy; đồng thời mời gọi những người chống đối Người đến chung vui với những người tội lỗi hoán cải (15,7, 10, 28, 31-32). Bố cục của chương nầy gồm một dẫn nhập bối cảnh chung (15,1-2), và ba câu chuyện: con chiên lạc (cc. 3-7); đồng bạc mất (cc. 8-10); và hai người con (cc. 11-32). Xin đọc chú giải đoạn 15,11-32 trong Chúa Nhật IV Mùa Chay C.
Dẫn nhập của diễn từ dụ ngôn (cc.1-2)
Cấu trúc của dẫn nhập nầy là đối đảo: A. người thu thuế và tội lỗi đến gần Người – để nghe; B. Người Pharisêô và kinh sư lẩm bẩm; A’ Người tiếp nhận họ – ăn uống với họ. Với cấu trúc nầy Luca muốn nhấn mạnh sự kiện là người Pharisêô và kinh sư lẩm bẩm vì Chúa Giêsu tiếp cận và ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi. Hai động từ “đến gần” và “lẩm bẩm” ở thì quá khứ chưa hoàn thành (imparfait) chỉ sự kiện là người thu thuế và tội lỗi vẫn lui tới thường xuyên với Người, và nhóm Pharisêô và kinh sư cứ lẩm bẩm mãi. Hành động lẩm bẩm nầy đã gặp trong một bối cảnh tương tự (5,27-32; 7,39) và lại cả sau nầy nữa (19,7). Họ trách Người không phải sự đón tiếp, mà sự đồng bàn với những người ấy; nghĩa là chia sẻ với họ cùng một sự hiệp thông. Có lẽ họ nghĩ chỉ mình họ mới được quyền ăn uống với Người (x. 7,36; 14,1). Chúa Giêsu nhận lời mời ăn uống của nhóm Pharisêô, và Người cũng không từ chối ăn uống với những người tội lỗi nầy (x. 5,27;.29 và ở đây).
Mục tiêu những người thu thuế và tội lỗi lui tới với Người là “để nghe Người”, chỉ lời giảng dạy của Người (5,1.15; 6,49…). Tuy nhiên, trong văn mạch đoạn nầy, chính những người Pharisêô và kinh sư mới thật sự là những người cần lắng tai nghe, vì họ là đối tượng của những câu chuyện dụ ngôn Người sắp nói “Người nói với họ” (c. 3).
Con Chiên Lạc (cc. 3-7)
Cấu trúc chung của ba câu chuyện: – có một điều gì đó – mất – tìm lại được – vui mừng và chia vui – kết luận. Mỗi câu chuyện có một đặc điểm riêng. Câu chuyện trước tiên là một con chiên lạc. Động từ “mất” được dùng cách đặc biệt trong chương nầy (cc. 4[2x].6.8.9.17.24.32). Nó không chỉ nói đến sự lạc mất của con chiên hay đồng bạc, mà cả sự mất mạng do đói khát (c. 17). Ý tưởng mất mạng nầy, nói cách khác là bị hủy diệt, được Luca dùng cách minh bạch hơn ở nơi khác (13,3.5.33; 17,27.29.33; 19,10.47). Bởi đó, con chiên “bị lạc” bao hàm luôn những tình cảnh nguy hiểm của nó: đói, bệnh tật, rơi xuống vực thẳm, bị sói vồ… Hành động của người chăn chiên là “bỏ lại” chín mươi chín con chiên, “đi tìm” ở thì hiện tại diễn tả hành động đeo đuổi kéo dài, cho đến khi nào hoàn tất việc tìm thấy “cho đến khi tìm được” (c. 4; điểm nầy khác với Mt 18,12). Động từ “tìm thấy” chuyển tiếp ý tưởng của hai câu (c. 4 và 5).
Những hành động tiếp theo sau khi tìm thấy là “vác chiên trên vai” đi về nhà trong vui mừng, và “cùng kêu” bạn bè và bà con đến chung vui. “Vui mừng” và “đi”về nhà ở thể động tính hiện tại (participle), nói lên sự vui mừng kéo dài từ khi tìm thấy cho đến khi về nhà và mời mọi người đến chung vui. “Vui mừng”, cả danh từ (1,14) lẫn động từ (1,14.28; 6,23; 10,20; 13,17; 19,37) trong Luca thường diễn tả tâm tình hoan lạc trong tâm hồn vì những điều kỳ diệu Thiên Chúa thực hiện. Trong 1,58, người ta đến chúc mừng với bà Elizabeth vì Thiên Chúa đã tỏ lòng thương xót cho bà và cho bà một người con trong tuổi già. “Vui mừng” nầy là một trong những chủ đề chính của chương nầy: vui mừng (cc. 5.7.10.32), cùng chung vui (cc. 6.9). Ở đây, Thiên Chúa cùng kêu anh em và bạn bè đến để cùng chung vui, vì chính Người tìm được chiên lạc. Chiên lạc được tìm ra, nghĩa là cứu sống; đưa về lại với đàn chiên, nghĩa là về lại với sự hiệp thông. Hai chữ “cùng-” nói lên niềm vui muốn được san sẻ, vì niềm vui quá lớn. Tính từ sở hữu “của tôi” được dùng để chỉ những người tội lỗi là thuộc về Người, và chính Người đã đích thân đi tìm và tìm được. Như thế, vui mừng vì “tìm được chiên lạc” là việc của Thiên Chúa: người tội lỗi được đem về lại trong sự hiệp thông với Người (x. 6,9).
Câu kết luận của Luca (c. 7) khác với Matthêô (Mt 18,4). Luca có tính cách khuyến dụ: kêu gọi sự hoán cải nơi người tội lỗi; trong khi Matthêô nói đến ý muốn cứu độ của Thiên Chúa. Phần đầu của câu 7 nói đến “niềm vui trên trời”, chỉ niềm vui nơi Thiên Chúa. Trước đoạn nầy Chúa Giêsu kêu gọi hoán cải với cung giọng đe doạ (10,13; 11,32). Tiếp theo đó, Người chỉ đường cho là nếu hoán cải, sẽ không bị hủy diệt” (13,3.5). “Hủy diệt”, động từ dùng chung chỉ “lạc mất” của con chiên và đồng bạc. Đến đây, người tội lỗi “hoán cải” liên tục, không chỉ khỏi bị hủy diệt, mà Thiên Chúa còn vui mừng về họ nữa. Hoán cải trong trường hợp nầy là nhận ra mình sai lầm như chiên lạc và để Thiên Chúa đưa mình về lại với Người, vì Người quan tâm và chăm sóc đến chiên của Người.
Phần thứ hai của câu 7 khó giải thích. Những “người công chính” ở đây Luca ám chỉ đến những người Pharisêô và kinh sư (x. 16,15; 18,9)? Và họ không cần hối cải? Có thể Luca không ám chỉ như thế. Trong các kết luận của ba câu chuyện, Luca đều nói đến sự mời gọi chung vui. Thái độ của người con trưởng (15,28-30), ở đây mới ám chỉ người Pharisêô và kinh sư, cho thấy anh chưa phải là người hoàn hảo, và cần hoán cải. Câu chuyện kết thúc với lời giải thích và mời gọi của người cha (15,32), và không cho biết người con trưởng nầy sẽ vào dự tiệc chung vui hay không; nghĩa là chờ anh hoán cải. Đây cũng là dụng ý của các câu chuyện. Ngoài ra, trong một câu tương tự, ba từ “người công chính”, “tội lỗi” và “hoán cải” được dùng (5,32), ở đó Luca cũng không ám chỉ người Pharisêô là người công chính, mà chỉ muốn nhấn mạnh sứ vụ kêu gọi người tội lỗi hoán cải của Chúa Giêsu. Như thế, câu kết luận có thể hiểu là Thiên Chúa vui vì cả người tội lỗi lẫn người công chính. Nhưng Người vui về người tội lỗi hoán cải hơn 99 người công chính, vì sự hoán cải của họ làm cho đàn chiên của Người đã đủ lại số 100 như ban đầu. Niềm vui của Chúa Giêsu nên sung mãn khi Người tìm lại được tất cả những người tội lỗi.
Người tội lỗi hoán cải là niềm vui lớn lao của Thiên Chúa. Người chẳng muốn ai phải hư mất. Hãy có tấm lòng của Thiên Chúa: vui vì người tội lỗi trở lại.
Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến