Chúa Nhật XXIV Thường Niên – Chính Ta Đã Xót Thương Ngươi – Giải thích bản văn Tin Mừng

14/09/2023

Mt 18,21-35: Khi ấy, Phêrô đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần. Có phải đến bảy lần không?” Chúa Giêsu đáp: “Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy.

“Về vấn đề này, thì Nước Trời cũng giống như ông vua kia muốn tính sổ với các đầy tớ. Trước hết, người ta dẫn đến vua một người mắc nợ mười ngàn nén bạc. Người này không có gì trả, nên chủ ra lệnh bán y, vợ con và tất cả tài sản của y để trả hết nợ. Người đầy tớ liền sấp mình dưới chân chủ và van lơn rằng: “Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn và tôi sẽ trả cho ngài tất cả”. Người chủ động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y.

“Khi ra về, tên đầy tớ gặp một người bạn mắc nợ y một trăm bạc: Y tóm lấy, bóp cổ mà nói rằng: “Hãy trả nợ cho ta”. Bấy giờ người bạn sấp mình dưới chân và van lơn rằng: “Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, tôi sẽ trả hết nợ cho anh”. Y không nghe, bắt người bạn tống giam vào ngục, cho đến khi trả nợ xong.

“Các bạn y chứng kiến cảnh tượng đó, rất khổ tâm, họ liền đi thuật với chủ tất cả câu truyện. Bấy giờ chủ đòi y đến vào bảo rằng: “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta; còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?” Chủ nổi giận, trao y cho lý hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ.

“Vậy Cha Ta trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình”.

Khi nói đến “người anh em lỗi phạm” đến mình (cc. 15-17), Matthêô đã trình bày cách đi sửa lỗi họ, và có hai khả năng: hoặc là người ấy nghe lời mà sửa đổi, hoặc là không nghe. Và đứng trước người từ chối nghe lời của cá nhân cũng như cộng đoàn, Matthêô đã kết luận là xem họ như “người ngoại, người thu thuế (c. 17). Trong đoạn 18,21-35 nầy, Matthêô đặt lại vấn đề “người anh em lỗi phạm” đến mình, nhưng đưa ra một cách giải quyết mới. Đó là tha thứ. Chủ đề nầy được Matthêô trình bày dưới hai hình thức: giáo huấn về sự tha thứ (cc. 21-22) và dụ ngôn về cách Thiên Chúa đối xử với người không tha thứ (23-35). Từaphiēmi, “tha thứ” và adelphos, “anh em” đóng khung đoạn nầy (cc. 21 và 35).

Giáo huấn của Chúa Giêsu về sự tha thứ (cc. 21-22)

Câu hỏi của Phêrô ngỏ với Chúa Giêsu mở ra chủ đề tha thứ. Với “anh em lỗi phạm đến tôi”, Matthêô muốn nhắc lại vấn đề ở trên (c. 15) và đưa ra một cách giải quyết hoàn toàn khác. Đây không còn là xem người anh em “từ chối nghe lời”ấy như là “người ngoại, người thu thuế” (c. 17), mà tha thứ cho người ấy; tuy nhiên thánh sử không nói gì đến sự hoán cải của người anh em như trong Lc 17,4.

Phêrô đặt câu hỏi với Chúa Giêsu là phải tha thứ bao nhiêu lần, nhưng đồng thời ông cũng đề nghị trước con số bảy lần (c. 21). Trong cựu ước con số bảy gắn liền với tội lỗi và sự tha thứ, như rảy máu bò tơ bảy lần trong ngày Xá Tội (Lv 4,6.14,16); phạt bảy lần vì tội đã phạm (Lv 26,18.24). Như thế, bảy lần là con số tối đa. Tuy nhiên đối với Chúa Giêsu tha thứ là phải không giới hạn. Con số Chúa Giêsu đề nghị, hebbdomēkontakishepta, có thể đọc hai cách: hoặc là 490 hoặc là 77 lần (x. Stk 4,24). Thật ra điều Chúa Giêsu muốn dạy ở đây là sự tha thứ vô giới hạn, vượt qua cái giới hạn đã thực hành theo truyền thống. Vì thế cách đọc có khác nhau, nhưng đều diễn tả một điều mà thôi.

Vậy khi đặt vấn đề tha thứ, Phêrô đếm bao nhiêu lần, còn Chúa Giêsu nói đến sự tha thứ không tính toán. Sự tha thứ không tính bằng số lượng, mà bằng lòng quảng đại vô hạn. Chính vì điều nầy mà Chúa Giêsu kể dụ ngôn tiếp theo đây.

Dụ ngôn về cách đối xử của Thiên Chúa với người không biết tha thứ (cc. 23-35)

Sau khi giáo huấn về sự tha thứ cho Phêrô, Chúa Giêsu muốn dùng dụ ngôn nầy để minh họa sự tha thứ của Thiên Chúa, như là mẫu gương về sự tha thứ vô biên. Dụ ngôn về Nước Trời nầy gồm dẫn nhập (c. 23a), ba màn: vua và người nợ một vạn nén bạc (cc. 23b-27), người nợ nầy với người đồng liêu mắc nợ (cc. 28-30), vua và người nợ một vạn nén bạc (cc. 31-34); và kết luận (c. 35). 

Matthêô hay dùng dia touto, “Về điều nầy”, để chuyển sang một đoạn mới, và điều sắp nói có liên quan đoạn trước (6,25; 12,31; 18,23; 23,34). Matthêô đã đưa ra giáo huấn của Chúa Giêsu về sự tha thứ. Với dụ ngôn nầy, thánh sử không chỉ muốn minh hoạ điều ấy, mà còn ghi nhận thêm nhiều điều khác liên quan đến việc tha thứ. Dụ ngôn nầy được gọi là dụ ngôn về Nước Trời, nghĩa là liên quan đến Thiên Chúa. Câu kết áp dụng dụ ngôn nầy cho Thiên Chúa (c. 35). Hơn nữa, cách dùng “một vị vua” tuy không xác định, rất giống với dụ ngôn tiệc cưới (22,2), chính là Thiên Chúa.

a/ Vị vua với người nợ một vạn nén bạc (cc. 23b-27)

Ở mỗi màn có kết cấu tương tự nhau: tình huống (cc. 23b-25), lời (c. 26), hành động (c. 27). Màn thứ nhất mở đầu với tình cảnh thật khó giải quyết: Vua muốn tính sổ với người đầy tớ (c. 23b), số tiền quá lớn “một vạn nén bạc” (c.24), phải bán cả vợ con và lấy tất cả những gì đang có để trả nợ (c. 25). Số tiền “một vạn nén bạc” có thể ít nhất là 240 tấn bạc, tương đương với 60 triệu đồng bạc, dēnarion; đối lại là chỉ có 100 đồng bạc mà người đồng bạn đã nợ người nầy (x. Marvin A. Powell, The Anchor Yale Bible Dictionary, ed. D. N. Freedman, New York – 1996, VI, 907). Món nợ khổng lồ xem ra không thểtrả được.

Người nầy đã cầu xin với vua “Xin khoan hồng cho tôi với, tôi sẽ trả” (c. 26). Động từ makrothymeō, là hapax trong Matthêô, có nghĩa là “chậm nổi giận”, “chậm trừng phạt” (Cn 19,11). “Động từ nầy đặc biệt chỉ về Thiên Chúa và liên kết với lòng nhân từ của Ngài. Makrothymia chỉ sự chịu đựng của Thiên Chúa đối với con người, đặc biệt đối với tội nhân. Ngài không trút cơn giận xuống trên họ. Thay vào đó là sự tha thứ vàơn cứu độ, chỉ khi nào họ hoán cải” (EDNT, II, 380). Như thế người mắc nợ nầy nài xin lòng nhân từ của Thiên Chúa đừng nổi giận mà phạt ông ngay, và để cho ông thêm một thời gian nữa.

Đáp lại lời van nài nầy, vị vua chạnh lòng thương. Trong tin mừng Matthêô động từ splanchnizomai đều dùng cho Chúa Giêsu. Động từ mang ý nghĩa thiên sai. Bởi chạnh lòng thương, Chúa Giêsu ra tay thi ân (9,36; 14,14; 15,32; 18,27; 20,34). Sự tha thứ là một trong các đặc điểm của Đấng Thiên Sai. Ngài được sai đến để tha thứ tội lỗi nhân loại. “Vua chạnh lòng thương và thả người nầy ra về và tha nợ cho người nầy” (c. 26). Động từ aphiēmi, “tha tội/nợ”, nghĩa là thả cho người nầy khỏi mọi ràng buộc luật pháp về món nợ đã mắc. Như thế, ở màn đầu nầy Chúa Giêsu đã cho Phêrô thấy ông chủ đã tha cho người mắc nợ nầy một món tiền khổng lồ và không thể trả được; đối lại với con số giới hạn “bảy lần” màông đã đề nghị (c. 21).

b/ Người nợ một vạn nén bạc và người đồng liêu (cc. 28-39)

Điểm đáng chú ý trong màn thứ hai nầy là những chênh lệch lớn so với màn thứ nhất. Tình huống ở đây là việc tính sổ giữa hai người tôi tớ của ông chủ; họ ngang hàng với nhau trong địa vị xã hội; doulossyndoulos (c. 28), số tiền người nầy nợ chỉ một trăm đồng bạc, dēnarion; xem sự chênh lệch đã trình bày ở trên; bóp cổ người nợ và “Trả tiền mầy nợ đây!” Điểm quan trọng hơn là cách hành xử. Người nợ một trăm đồng bạc nầy dùng cũng một lời nài xin mà người trước đã nói với ông chủ: “Xin khoan hồng cho tôi với, tôi sẽ trả” (c. 29). Đáp lại chủ nợ nầy từ chối “ông không chịu” và “bắt bỏ tù cho đến khi trả hết nợ” (c. 30). “Ông không chịu/không muốn”, nghĩa là dùng lý sự mà xét xử người nầy; trong khi ông chủ trên dùng tình yêu mà đối xử, và “bắt bỏ tù” đối nghịch với “thả ra về”  và “tha hết nợ” (c. 27). Người nầy giao người nợ mình vào trong ngục tù.

c/ Vị vua với người nợ một trăm nén bạc (cc. 31-34)

Màn ba trở lại với cảnh hai nhân vật chính ban đầu, nhưng tình huống và các hành động khác hẳn màn thứ nhất. Tình huống ở đây là vua biết chuyện người nợ nầy đã đối xử như thế nào với người cùng tôi tớ và vua triệu người nợ ấy đến (cc. 31-32a). Lời trong màn nầy không còn là lời của hai người nợ, mà là lời xét xử của vị vua (c. 32-33), và hành động đáp lại của vua là đối xử với người nợ nầy theo cách anh đã đối xử với người nợ anh một trăm đồng bạc, thậm chí còn nặng hơn (c. 34).

Vua gọi là “người tôi tớ bất lương”, lập lại trong dụ ngôn các nén bạc và dùng cho người tôi tớ không làm theo ý của chủ (25,26). Tương tự, người tôi tớ nầy được gọi là bất lương vì đã không hành động giống như vị vua (c. 32). Lý chứng duy nhất vị vua đưa ra dựa trên món nợ/mắc nợ, opheiletēs (c. 24)/opheilē (c. 32)/ động từ: opheilō (28[2x].30.34). Vua nhắc lại cho người nầy biết món nợ anh đã mắc và đã được tha nợ bởi “chạnh lòng thương” của vua (c. 27); động từ parakaleō, “kêu cầu”, “kêu nài” được dùng trong bối cảnh cầu cứ sự trợ giúp của Thiên Chúa (8,5; 14,36; 18,29.32; 26,53).

Vua dùng sự kiện nầy để đặt vấn đề về cách anh đã đối xử với người nợ anh chỉ một trăm đồng bạc, “Há ngươi không phải thương xót bạn đồng bạn với ngươi sao, nhưng chính ta đã thương xót ngươi?” (c. 33). Câu hỏi đã có sự kiện chứng minh. Động từ eleeō, “rất quan tâm đến người đang thiếu thốn”, “có lòng xót thương/nhân từ/cảm thông”, thay thế cho splanchnizomai (c. 27). Vị vua lấy mình làm chuẩn về lòng xót thương. Và vua xét xử người nợ nầy vì đã không hành động như vua đã đối xử với anh, hōs kagō, “như tôi”. Động từ dei, “phải”, ở thì quá khứ chưa hoàn thành, làm mạnh hơn lời trách “Há ngươi không phải…”. “Phải” thuộc về cả mệnh lệnh và công bằng. Vì người nầy đã không xót thương, mặt trái của mối phúc về lòng thương xót (5,7), nên anh cũng không được xót thương.

Hành động trong màn cuối cùng nầy khác hẳn với những gì vua đã làm cho anh lúc ban đầu (c. 34). Thay vì “chạnh lòng thương”, vua “nổi giận”, orgizomai; Nổi giận thường xảy ra trước hành động tiêu diệt (x. 5,22, 22,7). Thay vì giao cho phylakē, “cai ngục”, như người nợ nầy đã làm cho đồng bạn (c. 30), vị vua nầy giao người nợ nầy cho lý hình, basanistēs. Lý hình không chỉ canh giữ mà còn hành hạ, làm khổ nhục nữa; động từ nầy được dùng nhiều trong sách Khải huyền (9,5; 14,11; 18,7.10.15). Và người nầy phải nằm trong tù cho đến khi trả xong nợ. Cũng một hình phạt người nợ một trăm đồng phải chịu (c. 30), nhưng người nầy vẫn hy vọng có ngày ra khỏi tù hơn người nợ vua. Vì đã không đối xử với người khác tương xứng với lòng thương xót nhận được, người nợ vua phải chịu trở lại hình phạt do món nợ như chưa được tha.

Kết luận của dụ ngôn nói đến cách hành xử của Chúa Cha đối với người không tha thứ (c. 35). Vị vua trong dụ ngôn và cách đối xử của ông đối với người nợông (cc. 31-34) được áp dụng cho Thiên Chúa. Sự tha thứ của Thiên Chúa tỉ lệ thuận với sự tha thứ con người làm cho nhau (x. 6,14-15; so sánh với Gia 2,13).

Giáo huấn và dụ ngôn trong đoạn nầy là một lời nhắc nhở mạnh mẽ và sống động rằng không tha thứ là không hành động như Cha trên trời (x. 5,48). “Tha thứ”, “chạnh lòng thương” và “lòng thương xót” luôn đi với nhau. Thiên Chúa muốn điều ấy hơn mọi lễ hy sinh (9,13; 12,7; 23,23) Ngài muốn con người tha thứ cho nhau cách vô giới hạn như Ngài đã làm cho chúng ta.

Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến