Mc 10,35-45: Khi ấy, Giacôbê và Gioan con ông Giêbêđê đến gần Chúa Giêsu và thưa Người rằng: “Lạy Thầy, chúng con muốn Thầy ban cho chúng con điều chúng con sắp xin Thầy”. Người hỏi: “Các con muốn Thầy làm gì cho các con?” Các ông thưa: “Xin cho chúng con một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy trong vinh quang của Thầy”. Chúa Giêsu bảo: “Các con không biết các con xin gì. Các con có thể uống chén Thầy sắp uống và chịu cùng một phép rửa Thầy sắp chịu không?” Các ông đáp: “Thưa được”. Chúa Giêsu bảo: “Chén Thầy uống, các con cũng sẽ uống, và phép rửa Thầy sắp chịu, các con cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì không thuộc quyền Thầy ban, nhưng là dành cho những ai đã được chỉ định”.
Mười môn đệ kia nghe chuyện đó liền bực tức với Giacôbê và Gioan. Chúa Giêsu gọi các ông lại gần mà bảo: “Các con biết rằng những người được coi là lãnh tụ các nước, thì sai khiến dân chúng như ông chủ, và những người làm lớn thì lấy uy quyền mà trị dân. Còn các con không như thế. Trái lại, ai trong các con muốn làm lớn, thì hãy tự làm đầy tớ anh em. Và ai muốn thành người cầm đầu trong các con, thì hãy tự làm nô lệ cho mọi người. Vì chính Con Người cũng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”.
Văn mạch của đoạn 10,35-45 là hành trình lên Giêrusalem của Chúa Giêsu (10,32-52), trong đó Người loan báo cuộc khổ nạn lần thứ ba (10,32-33); Người trả lời về việc cầu xin của Giacôbê và Gioan (10,35-45); và Người chữa lành người mù Bartimêô (10,46-52). Vì không có những chỉ dẫn về thời gian và không gian, nên có thể hiểu là đoạn 10,35-45 có chung bối cảnh với tiên báo lần thứ ba và liên kết chặt chẽ với phần ấy. Có thể phân chia đoạn nầy thành 2 phần chính: 1- Lời cầu xin của Giacôbê và Gioan và câu trả lời của Chúa Giêsu (10,35-40); 2- Phản ứng tức giận của các tông đồ khác và giáo huấn về phục vụ của Chúa Giêsu (10,41-45). Trong phần một (10,35-40), có thể phân đoạn như sau: – Hai anh em đến và ngỏ lời xin với Chúa Giêsu (10,35-37); – Chúa Giêsu trả lời cho họ (10,38-40); trong khi, ở phần hai (10,41-45): – Sự tức giận về phía các tông đồ khác (10,41); – Chúa Giêsu nhắc lại sự phục vụ (10,42-44); – Mẫu gương phục vụ của Người Con của Nhân Loại (10,45).
Cùng với Phêrô, Giacôbê và Gioan là các tông đồ thân cận nhất của Chúa Giêsu (x. 1,29; 5,37; 9,2; 13,3; 14,33). Tuy nhiên, tương tự như Phêrô bị Chúa Giêsu trách vì không hiểu kế hoạch của Thiên Chúa (8,33), các ông bị Chúa Giêsu trách vì họ vẫn chưa hiểu Người. Phản ứng của các tông đồ sau lời tiên báo thứ ba không còn là phản đối (8,32) hay không hiểu (9,32), mà là xin được tham dự vào vinh quang và quyền của Người, vì chắc chắn là họ đã nghe và đã có kinh nghiệm về điều nầy (x. 8,38; 9,2-10). Do đó, thay vì tranh cãi với nhau về chỗ lớn nhất (9,33-34), Giacôbê và Gioan tìm một bảo đảm và ưng thuận từ Chúa Giêsu để họ có được những chỗ cao trọng nhất trong nước sẽ đến của Người (c. 36).
Hình ảnh ẩn dụ “ngồi bên hữu và bên tả” ám chỉ sự chia sẻ vinh dự và quyền năng của đấng ngồi chính giữa trên ngai trong vinh quang (c. 37; x. 16,19). Chúa Giêsu không bác bỏ lời cầu xin của họ, nhưng làm cho họ hiểu dần dần tất cả những gì gắn liền với điều họ ước muốn và cầu xin (c. 38). Trước tiên, việc tham dự vào vinh quang của Người giả thiết họ cũng phải tham dự trước vào sự thương khó của Người. “Chén” cũng như “phép rửa” biểu trưng cho cuộc thương khó (14,36; Lc 12,50; Ga 18,11). Tiếp theo, chỗ ngồi trong nước của Người là do Chúa Cha quyết định và ban cho (10,38-39), chứ không thuộc quyền của Người. Vì nếu việc uống chén là do ý muốn của Chúa Cha, cũng chỉ mình Người mới có quyền quyết định ban chỗ cho những ai làm theo ý Người. Chỗ ngồi bên phải trước tiên là của Chúa Giêsu, vì Người đã thực hiện trọn vẹn ý muốn của Cha Người (x. 12,36; 14,62; 16,19). Sau cùng, lời quả quyết “chúng con có thể” của họ (c. 39) sẽ không được thực hiện như lời họ nói. Họ sẽ chạy trốn và bỏ Người (x. 14,27.50). Về các tông đồ khác, ước muốn làm lớn vẫn còn trong lòng họ, được biểu hiện qua sự ghen tức (x. 9,33-34; 10,41). Họ vẫn chưa hiểu tinh thần phục vụ của Người như là con đường họ phải đi qua để nên cao trọng.
Trong đoạn tiếp theo 10,41-45, Chúa Giêsu đối chiếu cách hành xử của người làm lớn và quyền thế giữa đời (c. 42) với cách hành động mà Người muốn có nơi các tông đồ của Người (cc. 43-44) và chính là cách hành động của Người (c. 45). Trong động từ “cai trị”, “hành quyền” (katakyrieuō) có hình ảnh của người chủ (kyrios) (c. 42); trong khi, ở câu Chúa Giêsu nhắn nhủ các tông đồ, có hình ảnh của “người phục vụ” (diakonos) (c. 43) và “người đầy tớ”, “nô lệ” (doulos) (c. 44). Quan niệm của Chúa Giêsu về người đứng đầu hoàn toàn tương phản với quan niệm thông thường của thế gian. Thế gian xem người đứng đầu là “chủ”; trong khi, Chúa Giêsu quan niệm họ phải là “người phục vụ” và “đầy tớ” (x. 9,35; 10,43-44). Hình ảnh “chủ – tớ” nầy tương phản nhau về cả địa vị lẫn vai trò. Người chủ thì cai trị và sai bảo người khác; trong khi, người phục vụ và đầy tớ – nô lệ thì hầu hạ và thậm chí phải hy sinh mạng sống cho chủ. Chúa Giêsu tự nhận địa vị của người phục vụ và vai trò của người đầy tớ “hiến mạng sống làm giá chuộc cho muôn người” (x. Is 53,10-12). Người muốn các tông đồ của Người đi theo con đường của Người. Hơn nữa, ở đây Người nhấn mạnh sự tận cùng của con đường ấy là không chỉ trở nên người phục vụ, mà còn tự nguyện trở thành người đầy tớ – nô lệ của mọi người. Cụm từ “giữa các con” được dùng đến ba lần trong hai câu (cc. 43-44 [3x]) như muốn để giải quyết cách dứt khoát vấn đề lớn – nhỏ giữa các tông đồ; đồng thời cũng nhấn mạnh cho họ là ai cũng phải trở nên đầy tớ của nhau.
Vậy, một lần nữa tên gọi “ Người Con của Nhân Loại” được dùng gắn liền với cuộc thương khó, nhưng cũng với vinh quang (x. 13,26; 14,62). Rồi, “chén” mà Chúa Giêsu phải uống (10,38) trước tiên là để cứu chuộc muôn người, chứ không phải để có một chỗ cao trọng như Giacôbê và Gioan nghĩ. Sau cùng, Chúa Giêsu trở nên mẫu gương sống động cho ai muốn làm người đứng đầu.
Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến