Lc 18,1-8: Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ một dụ ngôn, dạy các ông phải cầu nguyện luôn, đừng ngã lòng, mà rằng: “Trong thành kia, có một vị thẩm phán không kính sợ Thiên Chúa, cũng không kiêng nể người ta. Trong thành đó lại có một bà goá đến thưa ông ấy rằng: ‘Xin ông minh oan cho tôi khỏi tay kẻ thù’. Trong một thời gian lâu dài, ông không chịu, nhưng sau đó ông nghĩ rằng: ‘Mặc dầu ta không kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng kính nể người ta, nhưng vì bà goá này cứ quấy rầy ta mãi, nên ta sẽ xử cho bà ấy, kẻo bà ấy đến mãi làm ta nhức óc’ “.
Rồi Chúa phán: “Các con hãy nghe lời vị thẩm phán bất lương nói đó. Vậy Thiên Chúa lại không minh xử cho những kẻ Người tuyển chọn, hằng kêu cứu với Người đêm ngày, mà khoan giãn với họ mãi sao? Thầy bảo các con, Chúa sẽ kíp giải oan cho họ. Nhưng khi Con Người đến, liệu sẽ còn gặp được lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”
Dụ ngôn nầy liên hệ chặt chẽ với đoạn trước bởi chủ đề là Con Người đến lúc nào và như thế nào không ai biết cả (17,22-37); bởi đó phải kiên trì cầu nguyện để giữ vững đức tin cho đến lúc Người đến (18,1.8). Dụ ngôn được trình bày trong các câu 18,2-5; trước là dẫn nhập và mục đích của dụ ngôn (c. 1), sau là lời giải thích và kết luận (cc. 6-8).
Ngay trong câu dẫn nhập, Luca nói ngay mục đích của dụ ngôn sắp được kể ra là “phải cầu nguyện luôn và đừng nản lòng” (c. 1). Chữ “phải”, dei, diễn tả ý muốn của Thiên Chúa (x. 2,49; 4,43; 9,22…). Luca nhấn mạnh nhiều đến việc phải cầu nguyện, nhất là trong những lúc thử thách (x. 22,40.46). Câu kết của dụ ngôn (c. 8) cho thấy mục đích của việc cầu nguyện là giữ vững đức tin cho đến ngày Chúa đến. Trong khi chờ đợi Chúa đến, cầu nguyện là phương thế tuyệt hảo nhất để khỏi mất đức tin.
Ông thẩm phán trong một thành phố (c. 2). Tư cách đạo đức của ông là “không sợ Thiên Chúa và chẳng kiêng nể ai cả”. Người “không kính sợ Thiên Chúa” là người không giữ lề luật của Thiên Chúa (x. Đnl 8,6). Đối lại với ông là những người xuất hiện đầu tiên trong tin mừng Luca: Zacharia (1,13), Maria (1,30), các mục đồng (2:9.10), các môn đệ đầu tiên (5,10). Họ kính sợ Thiên Chúa và đi trong đường lối của Người (x. 1,74-75). Động từ entrepō có túc từ trực tiếp có nghĩa là “tôn trọng” (20,13), “quan tâm”. Thẩm phán nầy “không kính sợ Thiên Chúa và chẳng tôn trọng ai” sẽ được gọi là “bất chính” (c. 6).
Bà goá kiên trì (c. 3). Bà goá thuộc những người nghèo, yếu đuối và không được bênh đỡ (x. 2,37; 4,25; 7,12; 20,47; 21,3-4). Điều bà nài xin là xử cho bà khỏi những bất công do kẻ thù gây nên. Động từ ekdikēo (cc. 3.5), danh từ ekdikēsis (cc. 7.8) có nghĩa là “trả thù”, “trừng phạt”, “bảo đảm sự công bình”. Luca không xác định rõ bà muốn xử cho công bình điều gì, mà chỉ nhắc đến “kẻ thù” gây nên bất công cho bà. Thể hiện tại chưa hoàn thành của động từ “đi đến”, erchomai, cho thấy bà kiên trì lui tới nài xin với vị thẩm phán nầy chưa chấm dứt.
Lúc đầu “trong một thời gian” (c. 4) ông thẩm phán chẳng muốn xử cho bà, vì ông “không muốn”. Ông muốn làm theo ý ông, chứ không theo chức vụ và bổn phận của người thẩm phán. “Sau thời gian ấy”, ông bắt đầu nói với chính mình. Mốc thời gian nầy phân chia hai cảnh của dụ ngôn. Lời mô tả về ông (c. 2) được ông nhắc lại trong lời nói với chính mình (c. 4b) cho thấy quyết định phân xử của ông cho bà goá là do động lực ích kỷ của ông “bà goá nầy cứ quấy rầy mình”, chứ không do một sự kính sợ nào cả. Động từ hypōpiazō có nghĩa là “đấm vào mặt”, “tra tấn”, “đối xử tàn tệ”. Vì lời nài nỉ của bà goá tra tấn ông thẩm phán nên ông phải phân xử cho bà.
Lời giải thích (c. 6-7). Câu chuyện dụ ngôn đã xong. Mệnh lệnh “Hãy lắng nghe” mời gọi chú ý đến điều ông thẩm phán nói để nhận ra cách hành động của Thiên Chúa. Câu 7 giải thích điều nầy: một thẩm phán bất công như vừa được mô tả trong dụ ngôn trên cuối cùng đã phân xử cho bà goá ngày đêm năn nỉ; phương chi Thiên Chúa, Người không lắng nghe những người được tuyển chọn cầu nguyện như Người dạy sao (c. 1)? Vậy người môn đệ không được nản lòng bỏ cầu nguyện cho đến lúc Người đến (x. 11,2). Bà goá được ví như “người được tuyển chọn” dựa trên điểm chung là “cầu nguyện”. Câu kết luận (c.8). Chắc chắn là Chúa đến và sẽ mau đến. Người sẽ phân xử cho những người cầu xin với Người. Điều Người đặt ra là còn tìm thấy đức tin trên mặt đất nữa không. Có mạo từ, chỉ đức tin của người môn đệ Chúa Giêsu.
Khi lo lắng cho sự sống còn của đức tin nơi môn đệ trong khi trông đợi Người đến, Chúa Giêsu đã chỉ cho họ một phương thế hữu hiệu. Đó là cầu nguyện. Vậy chỉ còn một điều lo lắng nơi Người là người môn đệ bỏ cầu nguyện.
Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến