Lc 16,1-13: Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Một người phú hộ kia có một người quản lý, và người này bị tố cáo đã phung phí của chủ. Ông chủ gọi người quản lý đến và bảo rằng: ‘Tôi nghe nói anh sao đó? Anh hãy tính sổ công việc quản lý của anh, vì từ nay, anh không thể làm quản lý nữa’. Người quản lý nghĩ thầm rằng: ‘Tôi phải làm thế nào, vì chủ tôi cất chức quản lý của tôi? Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Tôi biết phải liệu thế nào, để khi mất chức quản lý, thì sẽ có người đón tiếp tôi về nhà họ’.
“Vậy anh gọi từng con nợ của chủ đến và hỏi người thứ nhất rằng: ‘Anh mắc nợ chủ tôi bao nhiêu?’ Người ấy đáp: ‘Một trăm thùng dầu’. Anh bảo người ấy rằng: ‘Anh hãy lấy văn tự, ngồi xuống mau mà viết lại: năm mươi’. Rồi anh hỏi người khác rằng: ‘Còn anh, anh mắc nợ bao nhiêu?’ Người ấy đáp: ‘Một trăm giạ lúa miến’. Anh bảo người ấy rằng: ‘Anh hãy lấy văn tự mà viết lại: tám mươi’. Và chủ khen người quản lý bất lương đó đã hành động cách khôn khéo: vì con cái đời này khi đối xử với đồng loại thì khôn khéo hơn con cái sự sáng.
“Phần Thầy, Thầy bảo các con: Hãy dùng tiền của gian dối mà mua lấy bạn hữu, để khi mất hết tiền bạc, thì họ sẽ đón tiếp các con vào chốn an nghỉ đời đời.
“Ai trung tín trong việc nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai gian dối trong việc nhỏ, thì cũng gian dối trong việc lớn. Vậy nếu các con không trung thành trong việc tiền của gian dối, thì ai sẽ giao phó của chân thật cho các con?
“Không đầy tớ nào có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó ghét chủ này và mến chủ kia; hoặc phục chủ này và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được”.
Chương 16 tập trung vào chủ đề sự phú túc và việc sử dụng của cải riêng. Chương nầy bắt đầu với câu chuyện người quản lý bất lương (16,1-8) và kết thúc với câu chuyện người phú hộ và Lazarô (16,19-31). Phần giữa Luca đưa vào những câu nói của Chúa Giêsu liên quan đến tiền bạc (16,10-13), và đến nhóm người Pharisêô ham tiền (16,14-15). Những câu nói giải thích nầy liên kết với dụ ngôn qua những từ ngữ “bất lương” (16,8.10), “đời nầy” (16,9.11), và nhất là “mammon” (16,9.11.13). Có thể phân chia bố cục đoạn nầy như sau: – Dẫn nhập câu chuyện (c. 1); Quyết định của chủ và phản ứng của người quản lý (cc. 2 và 3-4); – Cách ứng xử của người quản lý bất lương (cc. 5-6 và 7); – Lời kết của người chủ (c. 8). Dụ ngôn nầy xoay quanh người quản lý (16,1.3.8), công việc quản lý của ông (16,2.3.4).
Câu chuyện dụ ngôn nầy ngỏ với các môn đệ (c. 1a). Người quản lý đã hành động như người con hoang đàng là phung phí tiền của (16,1b; 15,13-14.30). Điểm liên hệ nầy nối kết hai chương lại với nhau. Luca không trình bày chi tiết người nầy đã phung phí như thế nào; tuy nhiên, trong câu chuyện Luca cho thấy ông đã dùng của cải của chủ để bảo đảm bản thân ông sau nầy.
Quyết định của người chủ và cách hành động khôn khéo của người quản lý (c. 2.3-4). Trước lời tố cáo, người quản lý đã không tìm cách bênh vực mình. Quyết định sa thải ông cho thấy sự trầm trọng của sự việc. Người quản lý đã làm mất sự tín nhiệm nơi chủ mình (c. 2). Người quản lý nói với chính mình, nhưng để người ngoài nghe (c. 3). Hình thức độc thoại là tiêu biểu của Luca (x. 12,17.45; 15,17; 18,4-5; 20,13). Ở đây hành động ông sắp làm không được nói đến. Ông nói ra những khó khăn của ông một khi bị sa thải: không có sức để làm đất và không dám hạ mình đi xin ăn. Tự thâm tâm, ông vẫn muốn giữ danh giá và không muốn mất chỗ đứng trong xã hội. Bởi đó, ông tìm một giải pháp khéo léo đến nỗi nó trở thành một mẫu gương mà “con cái khôn ngoan” phải học noi theo (c. 8). Người quản lý đã làm giả giấy nợ cho những con nợ của chủ (5-7). Một trăm thùng dầu tương đương với 450 lít, và tương đương với 500 đến 600 ngày làm công. Như thế một nửa số nợ 50 thùng dầu được giảm là rất lớn. Số nợ lúa được giảm ít hơn và cách cắt nghĩa tương tư như trên.
Kết luận (c. 8). Có những tranh luận về câu kết của dụ ngôn: kết thúc với lời nhận xét của chủ về người quản lý (16,8a)?, hay thêm phần áp dụng (16,8b)?, hay thêm cả câu 16,9? “Kurios” ở đây có nghĩa là “chủ”. Chắc chắn chủ không khen người quản lý trong toàn bộ hành động bất chính của ông, “người quản lý bất lương” (16,8). Dù thế, ông lại được gọi là, phrōnimōs, khôn ngoan. “Phrōnimos” hay “phrōnimōs” là đặc tính của người quản lý. Từ nầy chỉ xuất hiện hai lần trong Luca. Trong 12,42, người quản lý khôn ngoan là người biết lúc nào phải phân phát phần ăn cho gia nhân. Ở 16:8 nầy, đó là người biết ngày giờ mình sắp phải nghỉ việc và biết tính toán đúng lúc việc phải làm. Trong Matthêô, từ nầy chỉ sự tiên liệu và hành động đúng, như người khôn xây nhà trên đá (Mt 7,24); như chiên vào giữa sói rừng; như năm trinh nữ khôn ngoan (25,24.8.9). Vậy, người quản lý nầy nên mẫu mực là do biết tìm ra một giải pháp nhanh chóng và hiệu quả là dùng của cải, dù là làm cách bất chính, mà bảo đảm cho mình sự tiếp đón sau nầy (c. 8a).
Áp dụng so sánh giữa “con cái đời nầy” và “con cái sự sáng” (c. 8b). “Con cái đời nầy” chỉ những người thuộc trần gian. Họ lo lắng về sự sống trên trần gian và hành động theo sự khôn ngoan trần gian, như người quản lý trên (x. 20,34). “Con cái sự sáng” là con cái của Thiên Chúa (x. 2,32), chỉ các môn đệ của Chúa Giêsu (c.1). Cũng như con cái đời nầy tỏ ra khôn khéo trong cách hành động với sự việc đời nầy, con cái sự sáng phải học hỏi sự tính toán khôn ngoan để có thể vào Nước Trời.
Kết luận của Chúa Giêsu nói cho các môn đệ (c. 9). Cần tìm hiểu ý nghĩa của “bạn hữu”, “tiền của”, “hết của cải” trong mệnh lệnh nầy. Chúa Giêsu không định nghĩa “bạn hữu” là ai. Theo câu 9 bạn hữu sẽ là những người có thể tiếp đón người môn trong lều đời đời. Trong dụ ngôn người giàu có và Lazarô, người giàu có cầu xin với Abraham là cho Lazarô giúp ông trong cảnh khốn cùng (16,24.27) cho thấy “bạn hữu” nầy là những người nghèo và bị bỏ rơi như Lazarô. Họ là những khách của tiệc Nước Trời (14,13.21). “Tiền của”, mammon, là hy lạp hoá một tiếng hipri. Từ nguyên của nó đang được bàn luận. Rất có thể nó gắn liền với ¹man, “tin cậy”. Mammon có thể là của cải, kho tàng, tiền bạc…, nói chung là những sở hữu mà người ta đặt tin tưởng vào đó. Mammon tự nó không xấu, vì thuộc về Thiên Chúa (12,21; Tv 24,1). Theo mạch văn mammon bất chính là của cải mà người quản lý đã lấy của người chủ mà mua bạn hữu. Của cải ấy không phải là của ông. Cũng thế, người môn đệ phải biết của cải đời nầy là không phải là của họ, mà của Thiên Chúa. Tuy nhiên, họ có thể lấy của cải ấy của Thiên Chúa mà lo cho người nghèo để bảo đảm đời sau. “Khi hết của cải”, nghĩa là “chấm dứt”, “biến mất” (23,45). Động từ “đón tiếp vào lều đời đời” gợi lên ý niệm chuyển đổi nơi ở và bước sang một giai đoạn khác. Đây chính là lúc không dùng của cải nữa, mà vào hưởng sự sống đời đời, “lều đời đời”. Người giàu có với tiền của riêng đã không nghĩ đến đời sau, nên đã khốn khổ; trong khi người quản lý đã nghĩ đến ít là sự sống trên đời nầy, ông đã thành công, dù ông đã dùng của cải bất chính.
Chẳng có gì trên trần gian nầy thuộc về con người cả. Mọi sự đều thuộc về Thiên Chúa. Hãy dùng lấy những điều Thiên Chúa ban để lo cho sự sống đời đời.
Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến