Mt 21,28-32: Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các thượng tế và các kỳ lão trong dân rằng: “Các ông nghĩ sao? Người kia có hai người con. Ông đến với đứa con thứ nhất và bảo: “Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho cho cha!” Nó thưa lại rằng: “Con không đi”. Nhưng sau nó hối hận và đi làm. Ông đến gặp đứa con thứ hai và cũng nói như vậy. Nó thưa lại rằng: “Thưa cha, vâng, con đi”. Nhưng nó lại không đi. Ai trong hai người con đã làm theo ý cha mình?” Họ đáp: “Người con thứ nhất”. Chúa Giêsu bảo họ: “Tôi bảo thật các ông, những người thu thuế và gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước các ông. Vì Gioan đã đến với các ông trong đường công chính, và các ông không tin ngài; nhưng những người thu thuế và gái điếm đã tin ngài. Còn các ông, sau khi xem thấy điều đó, các ông cũng không hối hận mà tin ngài”.
Dụ ngôn về hai người con (21,28-32) nằm ngay sau tranh luận về quyền bính của Chúa Giêsu (21,23-27). Dụ ngôn nầy tiếp tục cuộc đối thoại trước. Những dữ kiện chứng minh cho điều nầy. Trong đoạn trước, Chúa Giêsu đã không trả lời câu hỏi được đặt ra cho Ngài, và Ngài đã kể dụ ngôn nầy vàáp dụng dụ ngôn nầy cho “các thượng tế và niên trưởng”. Các hạn từ liên kết hai đoạn: “các ông” (c. 28) là các thượng tế và niên trưởng”, “Gioan” vẫn còn bàn đến (21,25.26.32), cụm từ “các ông không tin vào ông ấy” (21,25) được lập lại ở 21,32.Vì thế để hiểu dụ ngôn, cần am hiểu đoạn tranh luận về quyền bính (21,23-27). Đoạn nầy có thể chia thành hai phần: – Dụ ngôn hai người con (cc. 28-31a) vàÁp dụng dụ ngôn (cc. 31b-32).
Dụ ngôn hai người con (cc. 28-31a)
Dụ ngôn ngắn gồm một câu hỏi mở đầu “Các ông nghĩ sao?” (c. 28a), một tiền đề “Một người có hai người con”, và sau đó là hai đối thoại, song song giữa người cha với hai người con (cc. 28b- 30). Từ prōtō, “người thứ nhất” đóng khung đoạn nầy.
Câu hỏi mở đầu “Các ông nghĩ sao?” lôi kéo sự chú ý. Matthêô dùng nhiều lần cách đặt câu hỏi nầy (x. 17,25; 18,12; 22,17; 22,42; 22,66). Điểm tương đồng gìữa hai người con nầy là có sự thay đổi ý nghĩ và hành động trong thời gian. Người con đầu từ “Con không muốn” đến “đã ra đi” làm vườn nho (c. 29). Người con thứ từ “Vâng! Thưa ngài” đến “đã không đi” (c. 30). Điểm tương phản giữa hai người là sự sám hối, metamelomai và kéo theo hành động. Chính sự sám hối nơi người thứ nhất làm thay đổi lời từ chối “Con không muốn” thành hành động “anh đã ra đi” làm vườn nho cho cha. Trong khi đó, người con thứ hai không có hành động nào cả. Người con nầy đã thưa lại với người cha một cách chắn chắn “Con đi! Thưa ngài!” nhưng lại không đi. Egō, “Con (đi)” được dùng là để nhấn mạnh, và cách xưng hô kyrie, “Thưa ngài/Chúa” cho thấy người thứ hai tỏ ra tử tế, ít là trong lời nói, đối với lời mời gọi của người cha. Tuy nhiên người con nầy lại không vâng lời đi làm vườn nho cho cha. Cách xưng hô “kyrie” nầy nhắc nhớ câu 7,21: “Không phải mọi kẻ nói với Ta: “Lạy Chúa, lạy Chúa”, là sẽ vào được Nước Trời, nhưng là kẻ thi hành ý Cha Ta, Ðấng ngự trên trời” (7,21).
Kết thúc dụ ngôn, Chúa Giêsu đặt ra cho các thượng tế và niên trưởng thêm câu hỏi thứ hai để dẫn họ đến kết luận: “Ai trong hai người làm theo ý người cha”. Lần nầy họ không giữ mình lại được như trong câu 27, mà trả lời: “Người thứ nhất” (c. 31a). Như thế, chính họ phán đoán đúng là người làm vui lòng Thiên Chúa là người làm theo ý Ngài.
Áp dụng dụ ngôn (cc. 31b-32)
Phần hai nầy mở đầu bằng một lời tuyên bố của Chúa Giêsu với công thức long trọng “Quả thật, Ta bảo các ông” là “người thu thuế và đi trước các ông mà vào Nước Thiên Chúa” (c. 31b), và tiếp theo là câu giải thích, bắt đầu với gar,“vì” (c. 32).
Với khẳng định trên, Chúa Giêsu cho chúng ta hiểu “người thứ nhất” (c. 28.31) chính là “người thu thuế và đàng điếm”. Họ đã “làm theo ý Cha” (c. 31a); bởi đó họ được đi trước vào “Nước Thiên Chúa” (c. 31b). Và trong câu 32, Chúa Giêsu giải thích là những người nầy đã “tin vào Gioan”. Trong tin mừng Matthêô, không tìm thấy một bằng chứng hiển nhiên nào về sự hoán cải của người thu thuế và đàng điếm trước lời rao giảng của Gioan, ngoại trừ câu 3,5-6 trình bày cách tổng quát là “Bấy giờ Giêrusalem và cả xứ Giuđê và khắp vùng giáp cận sông Giorđan trẩy đến với ông và người ta nhờ ông thanh tẩy cho trong sông Giorđan mà xưng thú tội lỗi”. Trái lại, Matthêô để lại nhiều bằng chứng giữa họ với Chúa Giêsu, điển hình là cuộc trở lại của Matthêô và những lần Chúa Giêsu gặp gỡ những người nầy (9,9-10; 11,9; 21,32).
Lời khẳng định của Chúa Giêsu“Gioan đến trong đường công chính”, mở đầu câu 32, xác nhận Gioan là người Thiên Chúa sai đến; tương phản với 11,18. “Đường công chính” đồng nghĩa với “đường lối Thiên Chúa” (22,16; x. Gióp 24,13; Cn 2,20; 8,20; Tv 23,3; 2 Ph 2:21), nghĩa là đường lối theo ý muốn của Thiên Chúa và dẫn đến Ngài và sự sống đời đời (x. 3,15; 5,20; 6,33).
Đại diện cho người con thứ hai là các thượng tế và niên trưởng. Phần còn lại của câu 32 gồm ba mệnh đề theo cấu trúc A-B-A’: – A: “các ông không tin vào ông”, B: “người thu thuế và đàng điếm tin vào ông”, A’: “các ông không hoán cải mà tin vào ông”.
Cấu trúc nầy cho thấy, các thượng tế và niên trưởng đã không tin vào Gioan, động từ “tin” ở thể phủ định” (A), và để có thể tin vào ông, động từ “tin” ở thể khẳng định” như trong mệnh đề B về “người thu thuế và đàng điếm”, cần lòng sám hối, nhưng họ đã không có (A’). Động từ metamelomai, “hoán cải” (c. 32d) đã được dùng cho “người thu thuế và đàng điếm” (c. 29), lại được dùng cho “các thượng tế và niên trưởng”, nhưng ở dạng phủ định: “không hoán cải”. Điều nầy hàm ý trước đây “thượng tế và niên trưởng” giống như người thu thuế và đàng điếm. Tất cả đều là tội nhân, tất cả cần sám hối. Gioan Tẩy Giả gọi họ là “Nòi rắn độc!”và mời họ hoán cải (3:8tt), nhưng họ đã không thay đổi. Họ đã cho Gioan là “bị quỷ ám” (11,18), nên đã không tin vào ông, như lời họ thú nhận ngay trong đoạn trước: “Nếu ta nói: Tự Trời, – thì y sẽ nói với ta: Vậy tạo sao các ông lại không tin ông ấy?” (21,25).Vậy cần hoán cải để tin vào Gioan, nhưng họ đã không làm.
Tuy Chúa Giêsu Kitô không nói gì trực tiếp về mình, nhưng ai tin vào Gioan thì cũng tin vào Ngài. Và ai nhận quyền bính của Ngài, thì cũng nhận quyền bính của Gioan mà hoán cải và làm theo ý muốn của Thiên Chúa.
Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến