Lc 17,5-10: Khi ấy, các Tông đồ thưa với Chúa Giêsu rằng: “Xin Thầy ban thêm lòng tin cho chúng con”. Chúa liền phán rằng: “Nếu các con có lòng tin bằng hạt cải, thì dẫu các con khiến cây dâu này rằng: ‘Hãy bứng rễ lên mà đi trồng dưới biển’, nó liền vâng lời các con.
“Ai trong các con có người đầy tớ cày bừa hay chăn súc vật ngoài đồng trở về, liền bảo nó rằng: ‘Mau lên, hãy vào bàn dùng bữa’, mà trái lại không bảo nó rằng: ‘Hãy lo dọn bữa tối cho ta, hãy thắt lưng và hầu hạ ta cho đến khi ta ăn uống đã, sau đó ngươi mới ăn uống’. Chớ thì chủ nhà có phải mang ơn người đầy tớ, vì nó đã làm theo lệnh ông dạy không? Thầy nghĩ rằng: Không. Phần các con cũng vậy, khi các con làm xong mọi điều đã truyền dạy các con, thì các con hãy nói rằng: ‘Chúng tôi là đầy tớ vô dụng, vì chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm'”.
Chúa Giêsu lại giáo huấn các môn đệ của Người (x. 16,1). Có thể đây là sưu tập những lời nói của Chúa Giêsu về chủ đề: gương xấu (17,1-3a), sự tha thứ (17,3b-4), đức tin (17,5-6) và sự phục vụ (17,7-10).
Phân đoạn thứ ba bàn về đức tin (17,5-6). Trước giáo huấn của Chúa Giêsu là không được gây cớ vấp phạm cho những người bé nhỏ (17,1-2) và tha thứ không giới hạn (17,3-4), các tông đồ khẩn cầu Chúa Giêsu thêm đức tin cho họ để họ có thể thực hiện giáo huấn của Người. Phân đoạn gồm chỉ hai câu: thỉnh cầu của các tông đồ (c. 5) và trả lời của Chúa Giêsu (c. 6).
Luca dùng từ “các tông đồ” thay cho “môn đệ” (x. 17,1), vì muốn nhấn mạnh là giáo huấn trên rất thách đố ngay cả đối với nhóm Mười Hai thân thiết với Chúa Giêsu (6,13; 9,10; 11,49; 17,5; 22,14; 24,10). Bởi đó, không chỉ các môn đệ là nhóm người rộng lớn hơn (10,1), mà cả các tông đồ cũng phải cầu xin được thêm đức tin. “Chúa” như là Đấng đã chọn họ (6,13; 10,1), giáo huấn họ, ban quyền năng và cả đức tin cho họ. Chúa Giêsu được trình bày như là Đấng thấy và biết rõ đức tin nơi từng con người (5,20; 7,9.50). Người thấy rõ ai có hoặc ai không có đức tin (8,25.48). Và Người có thể can thiệp để đức tin được tăng thêm nơi con người (22,32). Các tông đồ nhận ra điều nầy nơi Người nên họ cầu xin với Người “Hãy thêm đức tin cho chúng tôi”. So với những nơi khác, “đức tin” ở đây không có mạo từ; có nghĩa là các tông đồ đã có đức tin (x. 22,32), nhưng chưa đủ. Nên họ xin Chúa Giêsu gia tăng lòng tin vào Thiên Chúa. Đáp lại Chúa Giêsu không nói gì đến việc gia tăng, mà nói đến hiệu quả của đức tin. Câu 17,6 ngỏ với các tông đồ là một câu điều kiện không có thực. Điều nầy có nghĩa là các tông đồ đã chưa có đức tin đủ (c. 6a).
Câu nói là nếu các ông đã có đức tin đủ, họ đã khiến được cây vả nhổ rễ mà trồng dưới biển rồi. Thực tế là chưa làm điều nầy được. Tương tự câu nói trong lòng của người Pharisêô về Chúa Giêsu. Dựa vào sự kiện người đàn bà tội lỗi đụng chạm vào chân Chúa Giêsu, ông tự nhủ Người không phải là một ngôn sứ (7,39; x, Gio 15,24).
Hình ảnh “hạt cải” Luca đã dùng để nói đến sự hiện diện và phát triển của Nước Trời. Ông mô tả sự tương phản giữa sự nhỏ bé của hạt cải và sự phát triển của nó thành một cây lớn (17,19). Ở đây ”hạt cải” được dùng cách ẩn dụ chỉ đức tin. Sự tương phản lần nầy đặt ở hiệu quả: một hạt cải nhỏ có thể khiến một cây vả lớn đâm rễ sâu trong lòng đất phải nhổ bật rễ lên mà xuống trồng dưới biển. Vậy, đức tin mà các tông đồ cầu xin là đặt tin tưởng vào Thiên Chúa. Tin là Thiên Chúa có thể làm tất cả mọi sự, và không gì có thể hạn chế quyền năng vô biên của Người. Những người tin tưởng vào quyền năng và Chúa Giêsu đã được cứu chữa. Vì thế mà Người thường nói với họ là “Đức tin của con đã cứu chữa con” (7,50; 8,48; 17,19; 18,42).
Chúa Giêsu luôn khích lệ mọi người tin vào Người. Người còn cầu nguyện cho họ nữa để đức tin ấy thêm vững mạnh hơn (22,32). Vì Người đòi hỏi nhiều, Người cũng ban nhiều ơn để con người có thể thực hành. Điều quan trọng nhất là tin vào Người.
Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến