Lc 17,11-19: Trên đường lên Giêrusalem, Chúa Giêsu đi ngang qua miền đất giữa Samari và Galilê. Khi Ngài vào một làng kia, có mười người bệnh phong đến gặp Ngài. Họ dừng lại cách một quãng xa và kêu lên: “Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi!”. Thấy vậy, Chúa Giêsu nói với họ: “Các anh hãy đi trình diện với các tư tế”. Trên đường đi, họ đã được sạch. Một người trong nhóm thấy mình được sạch liền quay trở lại, vừa đi vừa lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa, anh ta sấp mặt xuống chân Chúa Giêsu mà tạ ơn Ngài; anh ta lại là người Samari. Chúa Giêsu nói: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Chín người kia đâu? Sao chỉ có người ngoại này quay lại tôn vinh Thiên Chúa?”. Chúa Giêsu nói với anh ta: “Hãy trỗi dậy mà về; Đức Tin của anh đã cứu chữa anh”.
Hành trình lên Giêrusalem bước sang giai đoạn thứ ba (9,51.52; 13,22; 17,11). “Và xảy ra là” (kai egeneto) thường khởi đầu một đoạn mới. Thành Giêrusalem là mục tiêu của hành trình mà Chúa Giêsu phải đến. Trong khi đi đường, Người băng ngang qua Samaria và Galilêa (c. 11). Sự kiện đầu tiên Người gặp trên đường là mười người mắc bệnh phong đến xin Người chữa lành bệnh. Câu chuyện tập trung chú ý vào người phong cùi Samaritanô (c. 16); bởi thế tên “Samaria” được ghi nhận ngay câu dẫn nhập (c. 11). Chủ đề chính là ca ngợi vinh quang Thiên Chúa vì được cứu chuộc (cc. 15.18). Bố cục của đoạn có thể phân chia như sau: – Bối cảnh chung của đoạn là lên Giêrusalem (c. 11); – Chúa Giêsu với mười người phong cùi (cc. 12-14); – Chúa Giêsu với người Samaritanô được chữa lành (cc. 15-19). Đoạn nầy liên kết với đoạn kế tiếp qua chủ đề “cứu độ” (c. 19) và “Nước Thiên Chúa”. Nước Thiên Chúa đến có nghĩa là sự cứu độ đến. Nước nầy không đến để cho người ta quan sát. Bằng chứng là sự cứu độ không đến giữa chín người phong cùi do thái được chữa lành kia, như người ta thường nghĩ ơn cứu độ chỉ dành cho dân tộc Do thái, mà đến với người Samaritanô.
Để đi lên Giêrusalem, phải đi qua Galilêa trước khi đến Samaria. Tuy nhiên Luca đã nêu tên Samaria trước Galilêa (c.11). Có thể nghĩ là Luca không quan tâm đến địa lý, mà đến người Samaritanô phong cùi sắp được nói đến. Khung cảnh riêng của đoạn nầy là khi Chúa Giêsu vào một làng không xác định, Người gặp mười người phong cùi (c.12). Những người nầy đứng xa, porrōthen, Chúa Giêsu. Chữ nầy diễn tả chính xác hoàn cảnh hiện tại của họ. Họ phải đứng xa mọi người và mọi người lành xa họ vì sợ lây nhiễm bệnh phong hủi. Do bệnh tật, họ phải sống bên lề xã hội. Tuy nhiên do lâm vào cùng một số phận, họ đã đi chung với nhau và biên giới Samaria và Galilêa giữa họ đã sụp đổ. Danh hiệu “Thầy”, epistatē, lần duy nhất được dùng bởi những người không phải là môn đệ của Chúa Giêsu. Họ dùng để gọi Chúa Giêsu trước khi một phép lạ hay một điều kỳ diệu sắp diễn ra (5,5; 8,24.45; 9,33.47). Theo nguyên ngữ epistatē là “người đứng trên”. Chúa Giêsu là một người có uy quyền trên mọi quyền lực của trần gian. Mười người phong cùi đến xin Chúa Giêsu với lòng tin đặt vào uy quyền nầy: “Xin thương xót chúng tôi” (x. 16,24; 17,13; 18,38.39), tiếng kêu cứu của những người lâm vào cảnh khốn khổ và họ không thể tự cứu mình ra khỏi đó. Luca không thuật lại trực tiếp việc chữa lành như thế nào. Ông chỉ dùng chữ “khi Người nhìn họ”, idōn, (c. 14) là đủ, vì idōn chỉ cái nhìn của Người đầy lòng thương xót và khiến Người chữa lành (7,13; 11,33; 13,12; 17,14; 18,24; 19,41). Bởi đó, Người chỉ sai họ đi đến các tư tế để được chứng nhận là đã khỏi bệnh. Vào thời Cựu ước, các tư tế có trách nhiệm xác nhận bệnh nầy (Lv 13-14). Họ vừa ra đi, thì được lành sạch, tương tự trường hợp của Naaman (x. 2V 5,14). Việc chữa lành sạch người phong cùi là một trong những dấu hiệu làm chứng Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai (x. 7,22). Dấu hiệu nầy càng tỏ tường hơn khi Người nói đến sự cứu độ (17,19).
Chúa Giêsu với người Samaritanô được chữa lành (cc. 15-19). Trái hẳn với mười người đến xin được chữa lành ở phần đầu, chỉ một người quay lại với Chúa Giêsu trong đoạn nầy. Nơi người nầy, idōn, “thấy”, có nghĩa là nhận ra quyền năng Thiên Chúa đã được thực hiện nơi mình. Việc “thấy” nầy đưa đến việc “trở lại và tôn vinh Thiên Chúa” (c. 15). Từ sự chứng kiến một điều quyền năng người nầy đã gặp được Đấng Quyền Năng; không khác gì các mục tử đã làm (x. 2,20). Chúa Giêsu là hiện thân của Đấng Quyền Năng ấy. Bởi đó, người nầy đến “sụp lạy dưới chân Người” (x. 5,8.12; 8,28) để tạ ơn. Đây là hành vi nhận biết Chúa Giêsu là Đấng đến từ Thiên Chúa. Người là “Chúa” (5,8.12), “Con Thiên Chúa” (8,28), “Đấng Phục sinh” (24,5). Như thế, người nầy đã vượt qua sự nhận biết về Chúa Giêsu “Thầy” như là đấng có uy quyền lúc ban đầu (c. 12). Khoảng cách giữa người nầy và Chúa Giêsu không còn như trước nữa. Ông đã có thể đến lại gần Người. Chúa Giêsu nhắc đến chín người kia và nói đến việc “tôn vinh Thiên Chúa” (c. 16). Chắc hẳn đây là điểm chính yếu Chúa Giêsu muốn phải làm, nên Người mới nhắc lại và qua đó tỏ ra chấp nhận việc người Samaritanô mới làm xong (cc. 17-18). Samaritanô (c. 16) là người ngoại quốc, allogenēs, (c. 18) trong cái nhìn của người Do thái. Câu 19 được xem như kết luận của đoạn, trong đó Luca liên kết việc chữa lành với sự cứu độ. “Hãy chỗi dậy mà đi” Phân từ anastas đi trước poreuomai không diễn tả tình trạng kéo dài, mà là hành động, dù nó không phải là động từ chính. Người phong cùi không bị bại liệt để được ra lệnh chỗi dậy! Vậy Luca dùng động từ “chỗi dậy” nầy trong tương quan với động từ “cứu độ” theo sau. Chữa lành bệnh tật phần xác là dấu chỉ sự cứu độ khỏi tội lỗi (5,28; 6,8, 15,18.20, 17,19). Hành động nầy ám chỉ sự tham dự vào việc chỗi dậy của Chúa Giêsu từ cõi chết (x. 24,7; 24,46). Vậy sự cứu độ cho người Samaritanô như là kết quả trước của việc “lên Giêrusalem” (c. 11). Và ơn cứu độ đến với ông tiên báo tin mừng sẽ được rao giảng rộng lớn cho dân ở Samaria (x. Cv 1,8; 8,5.14; 9,31; 15,3).
Vinh quang Thiên Chúa bày tỏ trong những điều kỳ diệu, nhất là trong việc cứu độ con người. Vinh quang Thiên Chúa chính là sự cứu độ con người. Vậy thái độ chính đáng con ngườI phảI làm là tôn vinh Thiên Chúa: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, Đấng Cứu Độ tôi”.
Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến