Chúa Nhật XXX Thường – Được Nên Công Chính – Giải thích bản văn Tin Mừng

20/10/2022

Lc 18,9-14: Chúa Giêsu dạy dụ ngôn này cho những người vẫn tự cho mình là công chính và khinh thường người khác: “Có hai người lên Đền Thờ cầu nguyện: một người là Pharisêu, còn kẻ kia là người thu thuế. Người Pharisêu đứng thẳng và cầu nguyện trong lòng: “Lạy Thiên Chúa, con tạ ơn Ngài vì con không giống như những kẻ khác là bọn tham lam, bất lương, ngoại tình, hay như tên thu thuế kia; con ăn chay mỗi tuần hai ngày và dâng một phần mười tất cả thu nhập của con”. Còn người thu thuế thì đứng đàng xa không dám ngước mắt lên trời; anh đấm ngực mình mà thưa: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Tôi bảo các ông: khi người thu thuế đi xuống mà về thì được nên công chính, còn người Pharisêu thì không. Bởi kẻ nào tự nâng mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai tự hạ mình xuống sẽ được nâng lên”.

Trong văn mạch chung bàn về việc lại đến của Con Người, dụ ngôn người Pharisêô và người thu thuế không bàn đến sự kiên trì cầu nguyện như đoạn trước nữa (18,1-8), mặc dù có nói đến sự cầu nguyện của người thu thuế (18,13), mà thái độ nội tâm phải có để có thể đến với Thiên Chúa khi Nước của Người đến. Điều nầy liên kết đoạn nầy với đoạn kế tiếp, nói đến việc Chúa Giêsu muốn các trẻ nhỏ đến gần Người (18,15-17). Đoạn nầy được phân chia như sau: – Dẫn vào dụ ngôn và mục đích (c. 9); – Câu chuyện của người Pharisêô và thu thuế (c. 10-13); – Kết luận (c. 14). Chủ đề chính của đoạn là bàn về sự công chính (c. 9.11.14). Chữ “dikaios” “dikaioō” đóng khung đoạn nầy. Dụ ngôn trình bày hình ảnh của người Pharisêô tự cho mình không thuộc hạng những người bất chính, và người thu thuế nhìn nhận mình là người tội lỗi. Tuy nhiên, cuối cùng Chúa Giêsu cho thấy ai sẽ được Người tuyên bố là công chính.

Dẫn vào dụ ngôn và mục đích (c. 9)

Chúa Giêsu tiếp tục kể dụ ngôn, và lý do của dụ ngôn được nêu ra ngay từ đầu (x. 18,1; 19,11) là “nhắm vào”, pros, (x. 20,19) những người “tự tin là mình công chính và khinh miệt những người còn lại”. Đối tượng của dụ ngôn, được xác định và hạn chế, ám chỉ những người Pharisêô (x. 16,14-15). Một đàng họ lấy sự công chính như là nền tảng cho họ để tin vào chính mình; “hoti” dịch là “bởi vì”, sự công chính được xem như là sự kiện. Sự “công chính” nầy sẽ được hiểu như thế nào, và sẽ được kể ra trong lời của người Pharisêô (18,11-12). Động từ peithō, từ gốc có nghĩa là “buộc vào”. Động từ nầy, có epi theo sau, có nghĩa là “lệ thuộc”. Những người được nói đây lệ thuộc hay buộc mình vào chính bản thân họ, dựa trên sự công chính của họ. Khác với người thu thuế, dựa vào Thiên Chúa. Đàng khác, họ “khinh miệt những người còn lại” (c. 9b). Động từ “exoutheneō”, có nghĩa rất mạnh là “khinh miệt”, là xem người khác không ra chi, chế nhạo họ (x. 23,11) và loại bỏ họ (x. Cv 4;11). “Loipos”, những người còn lại. Như thế, dựa trên sự công chính, những người nầy đặt mình tách ra khỏi “những người còn lại”, và khinh miệt họ.

Dụ ngôn người Pharisêô và người thu thuế

Các câu 10-13 trình bày câu chuyện, ngắn gọn, đối xứng mà không cân bằng. Sau ghi nhận sự kiện chung là cả hai người lên đền thờ cầu nguyện (c. 10), Luca dành hai câu trình bày thái độ và những gì người Pharisêô nói về chính mình (cc. 11-12); trong khi về người thu thuế chỉ trong một câu (c. 13). Trái lại, trong câu kết luận, Luca chú tâm nhiều hơn trên người thu thuế (c. 14). Mục đích lên đền thờ là để cầu nguyện (x. 1,10; 2,37; Cv 3,1). Hành trình ngược lại là về nhà (c. 14a). Đền thờ là nơi dành cho mọi người đến để cầu nguyện và thờ phượng Thiên Chúa (2,27); nên không có phân biệt nào cả giữa hai người “một người là… người kia là”; họ chỉ khác nhau ở cuối dụ ngôn (c. 14). Tuy nhiên, đền thờ là nơi có tính xã hội, người Pharisêô cũng muốn tỏ vai trò và quyền hành của họ (x. 20,1); ở đây sự công chính của họ.

Người Pharisêô (cc. 11-12)

Về mỗi người, Luca trình bày tư thế khi cầu nguyện, thái độ và nội dung lời cầu nguyện của họ. Người Pharisêô đứng, histēmi. Động từ nầy chắn hẳn ám chỉ tư thế đứng thẳng, hướng về người đang đối thoại (x. 19,8). Đứng cầu nguyện là tư thế thường thấy giữa người do thái (1Sam 1,26; 1V 8,14, 22; Mt 6,5; Mc 11,25). Vì người thu thuế “đứng đàng xa” trong đền thờ, có nghĩa là người Pharisêô đứng phía trước. Khi cầu nguyện, ông kể lể rất dài (động từ ở thể quá khứ chưa hoàn thành). Ở đây có một khó khăn về bản văn: nếu pros heauton (c. 11a) đi theo động từ “đứng”, nó nghĩa là người Pharisêô “đứng riêng”, so sánh với người thu thuế đứng “đàng xa”. Nếu pros heauton đi theo động từ “cầu nguyện”, có nghĩa là người Pharisêô “tự nói với chính mình”. Tuy nhiên, điểm chung trong cả hai trường hợp là người Pharisêô tách mình ra khỏi người khác và cả Thiên Chúa nữa.

Người Pharisêô nói về đời sống đạo đức của mình. Ho Theos, ở thể nominative được hiểu như vocative “Lạy Chúa!”. Ông tạ ơn về những điều đang diễn ra trong đời sống của ông (động từ “tạ ơn” ở thì hiện tại). Dẫn vào danh sách đầu tiên (c. 11b), ông đặt mình tách khỏi số “những người còn lại”, loipoi (cc. 9.11). Ông không “giống như” họ, hay không “như” người thu thuế. “Những người còn lại” nầy như thể đều bị xem là trộm cắp, bất chính, ngoại tình; người thu thuế là thí dụ điển hình cho những người như thế. Sự phân biệt của ông phản ánh suy nghĩ của người thời đó về những người nầy (5,29-30; 7,34; 15,1). Trong danh sách thứ hai (c. 12), ông liệt kê những việc đạo đức cá nhân đang làm để chứng minh ông “không giống như” những người khác. Cả hai động từ “ăn chay” và “đóng góp” đều ở thì hiện tại. Ông đưa ra hai việc tiêu biểu mà người Pharisêô thường làm và hãnh diện về những việc đó: ăn chay (x. 5,33; Mt 9,14); đóng góp cho đền thờ (11,42; Mt 23,23). Sabbaton, ở đây hiểu là một “tuần lễ”, chứ không phải là ngày sabbát, khó có thể hiểu là ăn chay hai lần trong một ngày sabbát. Những điều người Pharisêô kể ra đây thuộc về luật buộc chung. Người nầy hãnh diện vì ông chu toàn tất cả và xem đó như công nghiệp của ông.

Người thu thuế (c. 13)

Tư thế, thái độ và lời cầu nguyện của người nầy khác hẳn với người Pharisêô. “Đứng đàng xa” không chỉ xác định khoảng cách không gian, mà còn cho thấy nơi của người đang đứng đó không phải là chỗ chính và quan trọng. Người phú hộ trong âm phủ (16,23), Phêrô ngoài dinh thượng tế (22,54), những người biết Chúa và các phụ nữ xa nơi Chúa chịu treo trên thánh giá (23,49). Như thế, vị trí “đằng xa” của người thu thuế chắc chắn không phải là ở phần chính trong đền thờ như vị trí người Pharisêô đang đứng. Ông “không muốn ngay cả ngước mắt lên trời”. Luca dùng từ phủ định “ouk…oude” để nhấn mạnh ước muốn của ông. “Ngước mắt lên trời” là để nhìn thấy phúc lành (6,22); ơn cứu độ (16,23; 21,28) và vinh quang của Thiên Chúa (Cv 1,9). Người thu thuế từ chối cách quyết liệt điều nầy vì biết mình không xứng đáng chút nào trước mặt Thiên Chúa. Hành vi “đấm ngực” là dấu hiệu tang chế (x. 8,52), hay thống hối (23,48). Giống như người Pharisêô, người thu thuế kêu cùng Thiên Chúa: “Lạy Chúa!”, nhưng nội dung khác hẳn “Xin tỏ lòng khoan nhân với tôi, một người tội lỗi”. Động từ “hilaskomai” có nghĩa là “nguôi giận” “giao hòa với ai”. Khi ở thể thụ động, động từ có nghĩa là “tỏ ra quảng đại”, “tỏ lòng thương xót”. Thiên Chúa thường là chủ ngữ của hành động nầy. Người thu thuế xin Thiên Chúa tỏ lòng khoan nhân đối với ông và tha thứ cho ông là người tội lỗi. Tiếng kêu cầu nầy vọng lại lời cầu xin của các hối nhân trong các Thánh vịnh (24,11; 79,9). Như thế, người thu thuế vừa nhận biết Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ, vừa nhận biết mình tội lỗi, nên ông đã có thái độ và hành động xứng hợp; đồng thời đã tìm kiếm lòng thương xót chữa lành và giao hoà từ nơi Người.

Kết luận (c. 14) mở đầu với lời “Tôi nói với các ông” (7,26.28; 11,8; 12,5, …) để nhấn mạnh uy quyền trong dạy dỗ và phán quyết của Chúa Giêsu. Người thu thuế bây giờ được đặt lên trước. Ông được Chúa Giêsu tuyên bố là “được nên ông chính”, trong khi người Pharisêô xem là người tiêu biểu cho hạng người bất chính (c. 11). Còn người Pharisêô tự xem mình là người “công chính” (c.1), không được kể là công chính trước mặt Thiên Chúa; họ có thể được xem là công chính trước mặt con người (x. 16,15). Phần thứ hai của câu kết luận (c. 14b), lập lại câu kết của trình thuật 14,8-11. Áp dụng của nó có khác đi. Luca xem người Pharisêô đã nâng mình lên trước mặt Thiên Chúa, khi ông kể ra những điều ông đã tuân giữ theo lề luật. Ông xem đó là sự công chính của riêng ông, và không cần gì đến Thiên Chúa cả! Trong khi người thu thuế được xem là người hạ mình trước mặt Thiên Chúa, vì ông đã thống hối và cầu xin Thiên Chúa làm cho ông nên công chính.

Điều Thiên Chúa cần nơi con người là lòng thống hối để được Người làm cho nên công chính. Việc tuân giữ lề luật không làm cho con người nên công chính khi không nhận biết Đấng Công Chính và nhận sự thánh hoá từ nơi Người. Không dừng lại ở lề luật và cho mình là công chính vì đã tuân giữ chúng.

Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến