Mc 10,46-52: Khi ấy, Chúa Giêsu ra khỏi thành Giêricô cùng với các môn đệ và một đám đông, thì con ông Timê tên là Bartimê, một người mù đang ngồi ăn xin ở vệ đường, khi anh ta nghe biết đó là Chúa Giêsu Nadarét, liền kêu lên rằng: “Hỡi ông Giêsu con vua Đavít, xin thương xót tôi”. Và nhiều người mắng anh bảo im đi, nhưng anh càng kêu to hơn: “Hỡi con vua Đavít, xin thương xót tôi”.
Chúa Giêsu dừng lại và truyền gọi anh đến. Người ta gọi người mù và bảo anh: “Hãy vững tâm đứng dậy, Người gọi anh”. Anh ta liệng áo choàng, đứng dậy, đến cùng Chúa Giêsu. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo rằng: “Anh muốn Ta làm gì cho anh?” Người mù thưa: “Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy”. Chúa Giêsu đáp: “Được, đức tin của anh đã chữa anh”. Tức thì anh ta thấy được và đi theo Người.
Câu chuyện chữa lành người mù nầy nằm ở cuối hành trình của Chúa Giêsu tiến về Giêrusalem (10,46-52); như câu chuyện chữa lành người mù ở Bếtsaiđa được đặt vào cuối những hoạt động của Người tại Galilêa (8,22-26). Đoạn 10,46-52 có thể được phân chia như sau: 1- Bối cảnh và nhân vật (10,46); 2- Lời cầu xin của người mù (10,47-50); 3- Đối thoại, chữa lành và đi theo Người (10,51-52). Câu chuyện được đóng khung trong bối cảnh “trên đường”: đi khỏi Giêrikhô Chúa Giêsu gặp một người mù ngồi bên đường (10,46) và khi đã được chữa lành, người mù ấy bấy giờ đã thấy được theo Người trên đường (10,52).
Hành trình của Chúa Giêsu về Giêrusalem hầu như đã đến đích. Trong đoạn tiếp theo sẽ thấy sự hiện diện của Người tại Bêtania (x. 11,1). Bối cảnh của câu chuyện sắp xảy ra sẽ là trên đường Người đi. Ngồi bên vệ đường, người hành khất tên là Bartimêô sẽ có cơ hội biết Chúa Giêsu đi ngang qua đó. Tư thế ngồi sẽ tương phản với việc đứng dậy và đi theo Người trên đường (x. 2,14). Nghề ăn xin làm cho anh mạnh dạn la lớn tiếng để xin Người chữa anh lành khỏi mù lòa thay vì xin của nuôi thân (10,46).
Tên gọi “Giêsu, người Nazarét” (nazarēnos) được dùng cách đặc biệt ngay từ đầu tin mừng Marcô (1,9; 1,24; 10,47; 14,67; 16,6). Trước tiên, nazarēnos cách đơn giản chỉ người xuất phát từ làng Nazaréth; do đó, tên gọi nầy chỉ nguồn gốc nhân loại của Chúa Giêsu (1,9; 14,67). Đối với người mù, ông đã nhận ra liên hệ gia tộc nầy (x. Mc 12,35; Mt 1,1) khi kêu lên với Đức Giêsu người Nazarét là “Con vua Đavít, xin thương xót tôi” (10,47). Qua đó, người mù đã đặt vào Chúa Giêsu hy vọng về một đấng thuộc dòng dõi Đavít sẽ đến, vì anh nghe biết những việc Người đã làm, kể cả việc mở mắt người mù (x. 8,22-26; Mt 11,5). Đây cũng là hy vọng của toàn dân (x. 11,9-10). Tuy nhiên, hy vọng của người mù vào Chúa Giêsu không hoàn toàn mang tính cách trần thế. Lời cầu xin “xin thương xót tôi” xác nhận lòng tin của ông vào Chúa Giêsu không chỉ là con vua Đavít, mà còn là Con Thiên Chúa, vì chỉ Thiên Chúa mới tỏ lòng xót thương cho con người (x. 9,15). Như thế, tên gọi “Giêsu người Nazaréth” xác định không lẫn lộn chân tính của Đấng mang tên ấy, nhất là khi nó được dùng bên cạnh những tước hiệu khác như “Đấng Thánh của Thiên Chúa” (1,24), “Con vua Đavít” (10,47.48), cũng như trong lời loan báo về sự sống lại của Người (16,6).
Phần tiếp theo là cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và người mù; sau đó, là việc chữa lành và người ấy đi theo Người (10,51-52). Cùng một câu hỏi cho anh em Giacôbê và Gioan, Chúa Giêsu dùng để hỏi người mù khi mở đầu câu chuyện với người ấy: “Anh muốn tôi làm gì cho anh” (10,51). Điểm khác biệt là Người thực hiện ngay yêu cầu của người mù; trong khi Người để lại việc thực hiện yêu cầu của hai anh em cho Chúa Cha (x. 10.40). Yêu cầu xin được “nhìn thấy” (anablepō) (10,51) khác hẳn với xin “đụng chạm” đến (8.22). Việc sử dụng từ ngữ ở đây có dụng ý. Trong câu chuyện của người mù ở Bếtsaiđa, mục đích người ta mang người mù ấy đến với Chúa Giêsu là để được chữa lành bệnh mù thể lý. Bởi đó, Chúa Giêsu đã đụng đến mắt người mù và người ấy thấy được (blepō) người ta như cây cối đang đi (x. 8.23-24; xem thêm nghĩa của động từ “thấy” nầy trong 4.12.24; 5.31; 8.18). Trong khi đó, người mù Bartimêô xin Chúa Giêsu cho anh được “nhìn thấy lại” (anablepō) (10.51.52). Người đã không chạm tay đến người ấy, mà chỉ tuyên bố cách ngắn gọn: “Lòng tin của anh đã cứu anh” (10.52); và thế là anh thấy được. Lời tuyên bố nầy cho thấy có một liên hệ mật thiết nào đó giữa việc chữa lành và lòng tin; và ý nghĩa đặc thù của việc “nhìn thấy lại” nầy. Về phía anh, trước khi con mắt thể lý được chữa lành, người mù đã thấy lòng thương xót của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu và tin vào lòng thương xót ấy. Bởi đó, anh đã đến với Người (10,48), và đã được lòng thương xót ấy chữa lành (10,52). Tuy nhiên, lúc ấy anh chỉ mới nhận biết và tin Người là con vua Đavít (10,47.48). Về phía Chúa Giêsu, khi chữa lành anh, Người đã cho anh được thấy Người còn hơn cả “con vua Đavít”. Bởi đó, anh đã đi theo Người (10,52 ), Đấng mà Phêrô đã tuyên xưng trước đó là “Đấng Kitô” (x. 8,29-34; 10,28-29).
Không thể đi theo Chúa Giêsu nếu không nhận biết Người là ai. Trước khi theo Người vào Giêrusalem để tử nạn, người môn đệ cần được mở sáng đôi mắt để nhìn thấy Người. Chính lúc ấy mới có thể hiệp thông trọn vẹn với Người.
Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến