Mt 23,1-12: Bấy giờ Chúa Giêsu nói với dân chúng và các môn đệ mình rằng: “Phái Pharisêu và các kinh sư ngồi trên tòa Môsê. Vậy tất cả những gì họ nói với anh em, thì hãy làm và giữ lấy; nhưng anh em đừng làm theo những việc của họ: vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng không thể vác nổi và đặt lên vai người ta, còn chính họ lại không muốn đụng tay vào. Tất cả những việc họ làm cốt là để cho người ta thấy. Vì thế họ làm hộp kinh to ra và kéo dài tua áo, họ thích cỗ nhất trong đám tiệc và chỗ nhất trong hội đường, ưa được bái chào nơi công trường và muốn được người ta gọi là Rabbi. Anh em đừng để người ta gọi mình là Rabbi; vì anh em chỉ có một Thầy, còn tất cả đều là anh em với nhau. Và anh em cũng đừng gọi ai dưới đất là Cha, vì anh em chỉ có một Cha, Đấng ngự trên trời. Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một Vị Lãnh Đạo là Đấng Kitô. Ai làm lớn giữa anh em sẽ là người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; và ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.
Chương 23 là một diễn từ riêng biệt trong Tin Mừng, và chương nầy được biết đến như là một diễn từ kết án mạnh mẽ nhóm Pharisêô và kinh sư. Không giống với 5 diễn từ khác trong Matthêô, diễn từ nầy chứa đựng toàn những lời tiêu cực và kết án nhắm vào một nhóm người cách riêng. Bố cục của chương nầy như sau: Dẫn nhập (c. 1); 1/ Những lời răn đe về cách hành xử của các lãnh đạo do thái giáo (cc. 2-12); 2/ Bảy lời chúc dữ trên họ (cc. 13-33); 3/ Khóc than và lời tiên báo về việc phá hủy đền thờ (cc. 34-39).
Cấu trúc của đoạn 23,1-12: Sau câu dẫn nhập (c. 1) đoạn chia làm hai phần: 1/ Chúa Giêsu nói về nhóm Pharisêô và kinh sư (cc. 2-7); 2/ Chúa Giêsu dạy cách hành xử cho các môn đệ của Người: tương quan hỗ tương của họ (cc. 8-10), chỗ đặc biệt giữa họ (c. 11), và cách hành động trước mặt Thiên Chúa (c. 12).
Bản văn nêu rõ những người nghe Chúa Giêsu nói là dân chúng và các môn đệ (c. 1). Họ đã được ghi nhận từ câu 21,11, nghĩa là họ hiện diện từ lúc ấy đến bây giờ. Các môn đệ thì luôn đi theo Chúa Giêsu từ khi Người lên Giêrusalem (21,1.6.20; 22,16). Việc đặt dân chúng bên cạnh các môn đệ gợi nhớ sự hiện diện của họ ở Bài Giảng Trên Núi (Mt 5,1).
Chúa Giêsu nói về nhóm Pharisêô và kinh sư (cc. 2-12)
Về cấu trúc phân đoạn nầy gồm: Đòi hỏi của Chúa Giêsu nơi các môn đệ khi Nguời nói về việc làm của nhóm Pharisêô và kinh sư (c. 3). Mọi việc nhóm người nầy làm được tóm gọn trong chữ panta (c. 3.5). Tiếp theo là liệt kê những việc họ làm cho người khác và nhận xét (c. 4), và việc họ làm cho chính mình và nhận xét (cc. 5-7).
Cụm từ “người Pharisêô và kinh sư” có mạo từ xác định thường để chỉ họ là nhóm liên kết với nhau mà chống đối Chúa Giêsu (x. Mt 22,2, Lc 5,21; 6,7; 11,53). Cụm từ “ngồi trên toà Môsê” không tìm thấy đoạn song song. Đó là một ghế danh dự bằng đá gần nơi để cuộn Lề Luật (Torah). Kinh sư ngồi trên đó và dạy dỗ dân chúng. Do đó nghĩa của cụm từ nầy là quyền giải thích cho dân chúng luật Môsê. Động từ “ngồi” chỉ vai trò của vị thầy có quyền giảng dạy (x. 5,1).
Khuyến dụ của Chúa Giêsu trong câu 3 dựa trên trình bày của câu 2, “vậy”, oun; nghĩa là liên quan đến lời giảng dạy về lề luật từ toà Môsê, “tất cả những gì họ nói với các con”. Lời Chúa phê bình về nhóm người nầy là họ không đồng nhất giữa lời nói và việc làm. Bởi đó, không phải làm theo việc của họ. Họ bị bất tín nhiệm vì lời nói và việc làm của họ trái nghịch nhau. Cặp động từ “làm và tuân giữ” chỉ gặp một lần khác ở 19,16-17, trong đó người thanh niên hỏi Chúa là anh phải làm gì để được sống đời đời. Và anh được trả lời là tuân giữ các giới răn. Như thế Chúa Giêsu đòi hỏi các môn đệ Người “làm và tuân giữ” lề luật, mà không phải để tâm đến hành động của người Pharisêô và kinh sư. Họ nói mà không làm.
Lời khuyến dụ của Chúa Giêsu “đừng làm theo việc của họ” (c. 3b), được liệt kê thành hai loại: việc họ làm cho người khác (c. 4), và việc họ làm cho chính mình (c. 5-7). Sau phần mô tả hành động của họ, Chúa Giêsu đưa ra một nhận xét cho thấy sự tương phản hoặc động lực xấu xa của họ. Trong câu 4, sự tương phản được diễn tả qua các động từ: “chất đầy gánh nặng” – “không lay thử”, “chất trên vai người khác” – “không đưa ngón tay lay thử”. Trong các câu 5-7, sự mô tả đi kèm theo nhận xét ở mỗi phần. Họ muốn được vinh dự bởi vị trí: danh dự trong bàn tiệc, trong hội đường, trong xã hội trên các ngã đường và nơi quảng trường. Họ muốn “được thấy, được chào, được gọi” nghĩa là muốn được chú ý và muốn gây ấn tượng trên người khác. Như thế, dù là nhũng người lãnh đạo tôn giáo, họ đã không làm gì quy hướng về Thiên Chúa.
Chúa Giêsu dạy cách hành xử cho các môn đệ (cc. 8-12)
Các môn đệ của Chúa Giêsu phải có những hành động hoàn toàn trái ngược hẳn. Ba câu 8-10 có cấu trúc tương tự nhau gồm mệnh đề chính và một mệnh đề phụ. Phần chính gồm 3 mệnh lệnh, và tiếp theo là lời giải thích cho mệnh lệnh. Động từ “gọi”, kaleō, được dùng trong cả ba câu. Hai câu 8 và 10 có điểm tương tự là động từ kaleō ở dạng thụ động “đừng để ai gọi”, và Chúa Giêsu vừa là “didaskalos” và “kathēgēthēs”, “người hướng dẫn”, cho các môn đệ. Để áp dụng cho Chúa Giêsu, Matthêô không lập lại chữ “rabbi” (tiếng hipri), mà dùng chữ “didaskalos”, tiếng hy lạp. Trong câu 9, Thiên Chúa là Cha duy nhất của họ. Vậy Chúa Giêsu đã xác định các tương quan: các môn đệ và dân chúng nói chung đều có tương quan chung với Thiên Chúa như là Cha duy nhất và với Chúa Giêsu như là Thầy và Người Hướng Dẫn duy nhất. Còn giữa họ, họ đều ngang hàng với nhau dựa trên tương quan của mỗi người với Thiên Chúa và Chúa Giêsu Kitô. Người môn đệ của Chúa Kitô phải nghĩ trước tiên đến tương quan giữa họ với Thiên Chúa và Chúa Kitô, và từ đó nhận ra mình ngang hàng với người khác trong tương quan đó. Người Pharisêô và kinh sư lại khác hẳn. Họ tự phân biệt mình với người khác bằng cách đặt mình lên trên người khác và muốn được người khác công nhận họ.
Vậy sự “lớn hơn” (c. 11) chỉ có nghĩa là “phục vụ”. Người thầy và người hướng dẫn trong cộng đoàn người Kitô hữu là người chịu trách nhiệm phục vụ mọi người trước mặt Thiên Chúa. Ý tưởng của câu 12 được diễn tả cách tương tự trong 18,3 và 20,26-27, và nó đi ngược lại với mọi tương quan con người có tính cách thống trị hay quyền lực. Chính Thiên Chúa quyết định nâng con người lên hay hạ nó xuống, chứ tự mình con người không thể làm cho mình cao trọng trước mặt Thiên Chúa cũng như con người.
Trong khi khiển trách nhóm Pharisêô và kinh sư, Chúa Giêsu đã cho các dạy cho các môn đệ của Người biết đặt lại đúng tương quan của họ: chỉ mình Thiên Chúa là Chúa và Chúa Giêsu Kitô là Thầy Dạy và Người Hướng Dẫn, và mọi người là anh em với nhau và phục vụ nhau.
Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến