Mc 13,24-32: Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Trong những ngày ấy, sau cảnh khốn cực, mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng sẽ mất sáng, các ngôi sao sẽ từ trời rơi xuống và các sức mạnh trên trời sẽ bị lay chuyển. Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người ngự đến trên đám mây với đầy quyền năng và vinh quang. Và bấy giờ Người sẽ sai các thiên thần của Người đi quy tụ những kẻ đã được tuyển chọn từ khắp bốn phương, từ chân trời cho đến cùng kiệt trái đất. Nhìn vào cây vả, các con hãy tìm hiểu dụ ngôn này. Khi nó đâm chồi nảy lộc, các con biết rằng mùa hè gần đến. Cũng vậy, khi các con nhìn thấy tất cả những điều đó xảy ra, thì các con hãy biết là Người đã tới gần ngoài cửa rồi. Thầy bảo thật các con: Thế hệ này sẽ chẳng qua đi trước khi mọi sự đó xảy đến. Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Thầy nói sẽ chẳng qua đi.
“Còn về ngày đó hay giờ đó, thì không một ai biết được, dù các thiên thần trên trời, dù Con Người cũng chẳng biết, chỉ có mình Cha biết thôi”.
Đoạn 13,24-32 thuộc về đoạn cuối của diễn từ nói về những biến cố sau cùng và việc Người Con của Nhân Loại sẽ đến (13,5-37). Đoạn nầy có thể chia thành 3 phần: 1- Những biến chuyển vũ trụ và Người Con của Nhân Loại sẽ đến (13,24-27); 2- Bài học từ cây vả (13,28-29); 3- Ba khẳng định (13,30-32).
Sau khi tiên báo những khốn khổ, chiến tranh, các ngôn sứ giả… sẽ đến trong thời sau cùng, Chúa Giêsu chuyển sang nói về việc Người sẽ đến. Khung cảnh đoạn nầy là “Trong những ngày đó” và “sau gian nan ấy” (13,24a). Ở đây không chỉ một thời gian cụ thể, mà chỉ quy chiếu về những biến cố đã được tiên báo trong các câu 13,14-23. Những hiện tượng vũ trụ của mặt trời ra tối tăm, mặt trăng mất sáng, các tinh tú sa xuống và các quyền lực bị lay chuyển thường đi trước ngày của Thiên Chúa. Trong ngày Người đến, Babylon và các vương quốc của sự dữ sẽ bị phán xét và tiêu diệt (x. Is 13,9-11; Ezek 32,7-8; Gioel 2,10, 31; 3,15; Amos 8,9); sau đó, dung nhan và sức mạnh của Người sẽ xuất hiện (Gioel 2,10-11).Vậy, Giêrusalem sẽ sụp đổ (x. 13,2; 14,58) và Thiên Chúa sẽ xuất hiện trong Con của Người (13,26; 14,62). Việc mô tả Người Con của Nhân Loại đến (13,26) ám chỉ Đaniel 7,13. Những yếu tố: đám mây, quyền lực, vinh quang và các thiên thần đặc trưng cho Người là Đấng đến từ Thiên Chúa. Đám mây là nơi từ đó phát ra tiếng của Chúa Cha (x. 1,11; 9,7); Vinh quang nầy là vinh quang của Chúa Cha (x. 8,38; 10,37-40); quyền lực cũng là của Chúa Cha (14,62). Do đó, Chúa Cha sẽ ở giữa mọi người trong vinh quang và quyền năng của Người khi Người Con của Nhân Loại xuất hiện. Mọi người và không trừ ai sẽ nhìn thấy Người (x. 13,26; 14,62). Công việc của Người là sai các thiên thần đi khắp nơi để qui tụ những người được tuyển chọn (13,27). Cụm từ “từ bốn hướng gió” chỉ bốn phương trời (x. Zac 2,10), “từ đầu mặt đất cho đến cuối chân trời” chỉ chiều thẳng đứng và chiều ngang. Cả hai muốn nói sự quy tụ phổ quát và đầy đủ (x. 13,10; 14,9). Các “người được tuyển chọn” sẽ được quy tụ lại (13,20.22.27).
Ở đây, việc Người đến đem theo một kết quả tích cực là đưa vào hiệp thông với Người những người được tuyển chọn. Trong khi, ở câu 8,38, nói đến cả hậu quả tiêu cực dành cho những người xấu hổ về Người trước mặt loài người. Vậy, việc Người Con của Nhân Loại đến trong quyền lực và vinh quang của Người không chỉ để phán xét những quyền lực sự dữ của thế gian, mà còn làm bày tỏ cách dứt khoát vị thế thuộc về hay đối nghịch với Người.
Sau khi loan báo Người sẽ đến, Chúa Giêsu dạy các môn đệ Người qua dụ ngôn cây vả là phải chờ đợi Người trong hy vọng (13,28-29). Bài học rút ra từ kinh nghiệm cụ thể là khi thấy những lá xanh non đâm ra đầu cành cây vả, ai cũng biết là đã vào mùa xuân. Đồng thời, đó cũng là dấu hiệu báo trước là chắc chắn mùa hè sẽ đến (13,28). Cũng thế, khi thấy những gian nan, khốn khổ, chiến tranh, ngôn sứ giả thì đừng phải ngã lòng và đánh mất chính mình vì sự kinh hoàng hiện tại của chúng (x. 13,19), nhưng phải hướng về ngày Người đến. Người chắc chắn sẽ đến và sẽ được cứu độ họ.
Sau dụ ngôn cây vả là ba khẳng định: tất cả những điều được tiên báo sẽ xảy đến cho thế hệ nầy, lời của Người sẽ không qua đi, và chỉ mình Chúa Cha biết ngày cùng tận ấy sẽ xảy ra (13,30-32). Thế hệ nầy không chỉ là những người Chúa Giêsu đang nói với họ, mà tất cả mọi người. Vì chỉ mình Chúa Cha biết khi nào ngày cùng tận sẽ đến, thời gian trong đó những biến cố đã được loan báo sẽ xảy ra, sẽ không được hiểu là đã xác định, có giới hạn, mà được hiểu là cả chiều dài thời gian của toàn thể nhân loại. Hơn nữa trong đoạn kế tiếp, Chúa Giêsu kêu gọi phải tỉnh thức trông đợi Người đến. Thời gian bấy giờ không còn là tương lai, mà là lúc Người đến: hiện tại của mọi thời. Do đó, “thế hệ nầy” chỉ toàn thể nhân loại, và ai cũng phải học bài học của cây vả mà hy vọng vào ngày Chúa đến.
Trong lời tiếp theo, Chúa Giêsu nêu tương phản giữa vũ trụ nầy và lời của Người. Lời của Người bền vững và sẽ tồn tại mãi. Người nói đến phẩm chất của lời Người. Người muốn ngăn ngừa khỏi những người lừa đảo (13,5-6; 21-22), và kêu gọi phải lắng nghe và tin vào Người. Họ hãy để lời của Người hướng dẫn họ và là nơi nương tựa cho họ. Do đó, phải trung thành và đừng hổ ngươi về Người và lời của Người trong thời gian nan (x. 8,38).
Lời cuối cùng về Chúa Cha. Người biết ngày giờ cùng tận cũng có nghĩa là chính Người quyết định ngày giờ ấy. Chính Người quyết định kéo dài hay rút ngắn thời hạn (13,20.32). Do đó, Chúa Con và các thiên thần sẽ đến khi nào Chúa Cha muốn. Khi nào Chúa Giêsu đặt mình trong tương quan là con đối với Chúa Cha, Người ghi nhận giới hạn của mình (x.13,32), lệ thuộc vào Chúa Cha (x. 8,32; 14,36) và liên kết mật thiết với Người. Chính tương quan nầy làm cho lời của Người tồn tại đến muôn đời.
Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến