Tin Mừng Lc 16,1-13
Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Một nhà phú hộ kia có một người quản gia. Người ta tố cáo với ông là anh này đã phung phí của cải nhà ông. Ông mới gọi anh ta đến mà bảo: “Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa!” Người quản gia liền nghĩ bụng: “Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ”.
Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất: “Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy?”. Người ấy đáp: “Một trăm thùng dầu ô-liu”. Anh ta bảo: “Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi”. Rồi anh ta hỏi người khác: “Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy?” Người ấy đáp: “Một ngàn giạ lúa”. Anh ta bảo: “Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi”. Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại.
“Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu. Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn. Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng Tiền Của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em? Và nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em?
“Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được”.
************************************
CON CÁI ÁNH SÁNG
Có hai đứa trẻ lượm được một ví tiền trên đường. Trong ví chứa đựng danh thiếp của người chủ và một tờ trăm đô-la. Một đứa nói: “Chúng ta không có quyền giữ lại cái ví và số tiền này. Nhưng trước khi trả lại cho chủ, hãy đổi tờ trăm này thành mười tờ chục đô” (!?!).
Hồi Đức Thánh Cha Phao-lô VI viếng thăm Ấn Độ năm 1964, ngài có tặng cho Mẹ Têrêxa chiếc xe hơi màu trắng mà hãng xe Fiat (của Ý) đã chế riêng, tặng cho ngài để ngài đem qua Ấn Độ dùng trong chuyến công du. Đức Giáo hoàng cho phép Mẹ toàn quyền xử lý chiếc xe ấy. Dĩ nhiên chị em trong dòng khuyên nên bán đi để lấy tiền giúp người nghèo. Mẹ không bán nhưng… đem xổ số. Vì là một chiếc xe đặc biệt về kỹ thuật lẫn lịch sử, nên rất nhiều người giàu có ao ước trúng nó cho được. Thế là Mẹ Têrêxa tha hồ hốt bạc. Số tiền thu được gấp mấy lần giá cả chiếc xe!
Đức Tổng Giám mục Philipphê Nguyễn Kim Điền (1921-1988), chủ chăn Tổng Giáo phận Huế, có lần đã đem xổ số chiếc dây chuyền và cây Thánh giá Giám mục bằng vàng của ngài để có tiền giúp nạn nhân một trận lũ lụt tại Thừa Thiên. Việc này khiến rất nhiều giáo dân cảm động và mua vé ủng hộ, dù chẳng mong trúng số. Số tiền Đức TGM thu được không phải nhỏ. Riêng kẻ may mắn trúng độc đắc nghe nói đã đem tặng dây chuyền và Thánh giá lại cho ngài.
1. Phải khôn khéo hơn con cái đời này
Ba câu chuyện vắn vỏi trên đây giúp ta hiểu hơn phần nào dụ ngôn của bài đọc. Dụ ngôn này trong quá khứ đã gây nhiều phiền toái cho các nhà chú giải. Ngày nay người ta cũng không mấy đồng ý với nhau về cách giải thích nó. Để hiểu rõ nó và những áp dụng của nó, điểm cốt yếu phải làm sáng tỏ là tính chất luân lý trong cách hành động của viên quản gia; các chuyện khác chỉ là phụ thuộc.
Quan niệm xưa nay cho rằng viên quản gia trong quá khứ đã hành động cách gian xảo đối với chủ bằng cách phung phí tài sản của chủ, bây giờ lại tỏ ra bất lương hơn nữa khi làm những biên lai giả tạo gây thiệt hại thêm cho ông ta. Nếu đấy là ý nghĩa của dụ ngôn thì làm sao ông chủ lại có thể tán dương viên quản gia, và làm sao Đức Giê-su có thể rút ra từ hành động đó một kết luận chấp nhận được, nếu không muốn nói là một kết luận đối nghịch với hành động này (xem Lc 22,25-26). Ngoài khó khăn ấy ra, còn có sự kiện là hành động gán cho viên quản gia tự nó cũng khó chấp nhận. Dù giả thiết là ông ta đã bỏ túi hay phung phí một phần tài sản của chủ bằng cách này hay cách khác, thì việc ông khấu trừ cho các con nợ bây giờ -nếu thật sự là từ tài sản của chủ- chỉ làm cho địa vị của ông đã bấp bênh, nay lại càng bấp bênh hơn, không khéo lại phải trả giá. Bởi ông ta không thể nào hy vọng giữ kín hành vi này, vì sau đó phải tính sổ với chủ, mà theo dụ ngôn thì chủ biết ngay sự việc. Khó mà hiểu được hành động của việc quản lý đáng khen là “khôn khéo” ở chỗ nào. Quả không phù hợp với thực tế gì cả. Và cũng ít hữu lý khi nghĩ rằng tác giả dụ ngôn lại có thể tưởng tượng ra một hành vi khó có thực như vậy. Mà đừng quên chính Đức Giê-su chẳng đưa ra một phê phán luân lý nào về cách hành động của viên quản lý. Người chỉ bảo là “khôn khéo” thôi. Ngay câu 8 (“Ông chủ khen tên quản gia bất lương”) cũng không nhất thiết ngụ ý viên quản gia đã thiếu thành thực trong hành động được mô tả. Tĩnh từ “bất lương” đúng ra chỉ đánh giá quá khứ của ông: ông đã bất lương trước khi làm hành vi dụ ngôn mô tả, nhưng hành vi này không vì thế mà trở nên tội lỗi. Ta có một trường hợp tương tự trong dụ ngôn vị thẩm phán bất chính bị bà góa quấy rầy (Lc 18, 2-8): Đức Giê-su cũng vẫn gọi ông này là “bất chính” (vì quá khứ của ông) ngay trong lúc ông xử đúng cho bà góa.
Thật ra, dụ ngôn này ám chỉ một phương cách chiếm hữu rất quen thuộc với người Đông phương và như thế là với thính giả của Đức Giê-su cũng như các Ki-tô hữu ban đầu. Trong bối cảnh Palestina của dụ ngôn, trường hợp viên quản lý phải được đánh giá theo luật Do-thái liên quan đến vai trò quản trị. Người quản lý không phải là nhân viên được trả công hay “tay cò” dẫn mối, nhưng là kẻ toàn quyền thay mặt chủ đến nỗi chủ phải tôn trọng các thương vụ của anh ta. Gặp trường hợp quản lý lừa bịp chủ, luật pháp cũng chẳng có biện pháp nào bắt y phải hoàn lại; có chăng chỉ là trách mắng, hạ uy tín và sa thải. Sau khi nhận được giấy bãi nhiệm, viên quản lý phải làm sổ liệt kê tài sản; việc này cần một thời gian, và cho đến lúc đó, ông vẫn đại diện chủ, được luật pháp cho phép hành động nhân danh chủ. Do đó, việc giảm nợ nói trong dụ ngôn nên được giải thích như là việc viên quản lý từ khước không nhận tiền hoa hồng (có khi rất cao tùy loại hàng hóa) mà bình thường ông có quyền hưởng. Đây là một hình thức mưu lợi vẫn còn thịnh hành ở khắp nơi: người trung gian (lãnh thầu, đại lý thương mại, quản trị viên) giữ lại cho mình một phần hoa lợi thu được trong một thương vụ với danh nghĩa tiền hoa hồng. Trường hợp viên quản lý đây, có lẽ ông chỉ từ khước tiền đó, để như thế lấy lòng các con nợ của chủ (hầu mưu lợi cho mình về sau) mà không gây thiệt hại gì cho chủ. Con cái đời này quả thật biết khi nào phải làm điều nên làm, tại sao phải làm và làm cách nào để được lợi trong những chuyện trần tục. Con cái ánh sáng cần phải chứng tỏ óc sáng kiến và óc quyết định như thế hoặc hơn thế, khi làm các việc của Thiên Chúa Cha mình. Đó là điều Đức Giê-su muốn dạy.
2. Phải biết sử dụng của cải cho nên
Phần hai của bài Tin Mừng, gồm các câu 9-13, là những ngôn từ rời rạc, được Lc gom lại để bình luận dụ ngôn và đưa ra bài học về những khía cạnh của tiền bạc của cải: “Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu”. Tạo lấy bạn bè! Phát triển tình bằng hữu! Đó là lý do của lời khen trong dụ ngôn. Qua kiểu nói này, Đức Giê-su muốn đưa ra cho ta bài học chủ yếu: tạo thêm bạn bè, đem tình yêu vào mọi tương quan, đó là dùng nên của cải. Đây còn là một quan niệm thật sự cách mạng về tiền bạc: sử dụng nó như một dụng cụ để chia sẻ và sống lòng thương! Tự nó tiền bạc không xấu. Nó có thể tạo nên niềm vui cho kẻ khác… thành thử cũng cho kẻ đóng góp vào niềm vui đó bằng cách “tặng ban”. Trong Tin Mừng của mình, hơn mọi thánh sử khác, Lu-ca đã từng nêu bật kẻ nghèo. Nước Trời thuộc về họ đến độ những người giàu sẽ chỉ vào được đó nhờ sự bảo vệ và giới thiệu của các kẻ nghèo họ sẽ lấy làm bạn, như một câu châm ngôn từng nói: “Dưới đất, kẻ giàu giúp người nghèo. Trên trời, người nghèo giúp kẻ giàu lại”. Trong ý định của Thiên Chúa, người giàu chỉ là “thủ quỹ của người nghèo” (Augier) và ta chỉ gởi tiền được vào ngân hàng của Thiên Chúa qua tay kẻ nghèo thôi. Đây quả là “Tin Mừng” cho những người giàu. Bây giờ họ biết họ có thể tự cứu mình ra sao, biết làm sao đi vào “nơi ở vĩnh cửu” khi tiền bạc chẳng còn trong tay họ nữa.
Tiếp đến là vài châm ngôn về của cải, những châm ngôn hết sức biểu lộ tư tưởng của Đức Giê-su: “Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn”. “Việc nhỏ” là tiền bạc, “việc lớn” là Nước Trời. Ai lem nhem trong chuyện tiền bạc thì cũng khó có đủ tinh thần tông đồ và tận hiến. Trong khẳng định thứ hai (câu 11), Đức Giê-su bảo rằng tiền bạc là “bất chính”. Nó là một cái bẫy, chỉ cho ta một sự an toàn giả tạo, chớ nên tin vào (1Tm 6,17). Dẫu hữu ích, có thể sử dụng tốt là tạo bạn bè, tiền bạc cũng có thể là một sức mạnh quỷ quái. Nó hoặc là đầy tớ tốt hoặc là ông chủ xấu. Nên phải cẩn thận khi quản lý nó. Bao cộng đoàn đã sa sút, bao tông đồ đã hư đi vì tiền bạc của cải. Khẳng định thứ ba (câu 12) có một âm sắc hiện đại đáng kinh ngạc. Rất lâu trước K. Marx, Đức Giê-su đã lên án sự “tha hóa” con người: tiền bạc đâu phải là sự thiện đích thực của chúng ta. Của cải chẳng khiến một con người nên thông minh, hạnh phúc, tốt hảo. Giá trị đích thật nằm ở chỗ khác. Do đó “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của”. Bạn có phải là tù nhân của tiền bạc không? Có bị những lo lắng về chuyện “làm ăn” trói buộc, chiếm đoạt không? Có thường bị cám dỗ phụng sự luân phiên hai ông chủ này không: Thiên Chúa ngày chủ nhật và Thần Tài trong những ngày khác?
Lm. Phê-rô Phan Văn Lợi