Cung cách trước Thiên Chúa – Suy niệm Chúa Nhật 30 thường niên – Năm C

20/10/2022

Tin Mừng Lc 18,9-14

Khi ấy, Đức Giê-su kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế. Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con’. Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi’. Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên”.

************************************

CUNG CÁCH TRƯỚC THIÊN CHÚA

Trong tập sách mang tựa đề “Tiếng hót của loài chim”, tác giả Anthony de Mello, linh mục dòng Tên, có kể lại tâm sự của một vị hiền triết thế này: “Lúc thiếu thời, tôi là một kẻ hiếu động. Trong niềm hăng say của tuổi trẻ, tôi thường nguyện xin Chúa ban cho tôi sức mạnh biến đổi trái đất này nên tốt hơn. Đến lúc được nửa đời người, tôi ý thức là mình chưa làm được gì cả, chưa biến đổi được ai hết. Đổi lại lời cầu nguyện cho thiết thực hơn, tôi xin Chúa ban sức mạnh để biến đổi cuộc sống của những kẻ tôi tiếp xúc hằng ngày: nào người thân trong gia đình, nào bạn bè quen thuộc. Nhưng giờ đây, khi tuổi đời gần chấm dứt, khi sắp từ giã trần gian để trở về với Đấng ban cho tôi sự sống, tôi ý thức sự ngông cuồng và kiêu ngạo của mình, nên đã thay đổi lời cầu nguyện một lần nữa, là xin Chúa ban ơn thay đổi chính đời sống tôi, bản thân tôi. Nếu ngay từ thời thanh xuân tôi đã cầu nguyện khiêm tốn như vậy, thì có lẽ tôi sẽ không hối tiếc là mình đã sống một cuộc đời vô ích”.

1. Kẻ chắc chắn về mình

Vị hiền triết trên cuối cùng có lẽ đã thấm thía bài học của dụ ngôn ta đang suy ngắm. Một thời, ông đã như “những kẻ tự đắc cho mình là công chính” mà dụ ngôn muốn dạy cho bài học.

Công chính! Đây là một lý tưởng rất tích cực. Mọi con người xứng danh con người đều ao ước nên “công chính”. Theo Thánh Kinh, từ này tương đương với từ “thánh thiện”. “Chính nhân” là người có cuộc sống phù hợp với ý Thiên Chúa: chính trực, ngay thẳng, thánh thiện, hoàn hảo. Đúng là cả một lý tưởng sống cao quý mà nhóm Pha-ri-sêu (Biệt phái) cố công thực hiện. Trong thực tế, thời Đức Giê-su, phần lớn họ là những con người có tinh thần tôn giáo sâu xa, đặt cược cả đời mình trên Thiên Chúa, những gương mẫu về đạo đức và nghiên cứu Lề luật, được dân chúng ca ngợi, yêu mến cũng như chịu ảnh hưởng.

Vậy thì đâu là cám dỗ tinh tế của người “công chính”? Và ngược lại, đâu là cơ may tinh tế của kẻ bất chính, của tội nhân? Cám dỗ đó chính là “khinh người”! Khinh người chẳng tốt đẹp gì! Là Đấng có con tim âu yếm và thương xót, Đức Giê-su không thể đồng ý với một con tim khinh bỉ anh em. Thiên Chúa chẳng khinh bỉ ai bao giờ. Một con người càng yếu kém, hư hỏng, bệnh hoạn, biến chất bao nhiêu thì Thiên Chúa càng yêu thương bấy nhiêu. Một con người càng đáng bị khinh bỉ bao nhiêu, thì càng phải được yêu thương bằng một tình yêu nhưng không bấy nhiêu. Thiên Chúa đích thật, Đấng đã được Đức Giê-su mạc khải, là vị Thiên Chúa của những người khốn khổ, bị bỏ rơi, bị kết án, bị căm ghét, bị gạt ra bên lề. Người là như vậy. Tình yêu tuyệt đối, không tính toán và không đòi đáp trả!

“Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế”. Như trong mọi chuyện kể Đông phương, trình thuật được phóng đại tới mức lố lăng, buồn cười, để nghe một lần thôi, sẽ không bao giờ quên nữa. Là tay kể chuyện có tài, Đức Giê-su đặt trước mặt chúng ta hai nhân vật đối nghịch: một bên là ông Pha-ri-sêu, con người không thể trách, “kẻ hành đạo tốt”, một chính nhân như đã thấy trên: bên kia là tay thu thuế, tội nhân tiêu biểu, hình ảnh của chính sự sa đọa. Được giao trách nhiệm thu thuế, hạng này làm mọi cách để tống tiền, và giữ lại cho mình nhiều vô kể. Đó là những kẻ siêu giàu, chẳng được lòng dân và bị mọi người khinh bỉ! Hơn nữa, vì nghề nghiệp buộc họ phải sờ mó đến tiền Rô-ma, nên trước mắt dân Do-thái, ngày sống họ trải qua trong sự phạm thánh đáng ghê tởm, bởi lẽ các đồng tiền mang hình ảnh Hoàng đế (tên xâm lược ngoại quốc!) với một câu khắc công bố thần tính của ông ta (bằng chứng thờ ngẫu tượng!). Trong ngôn ngữ thông thường, thiên hạ liên kết “thu thuế” với phản giáo, đĩ điếm và ngoại đạo (Mt 5,46-47; 18,17).

“Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không… tham lam, bất chính, ngoại tình… Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng Cho Chúa một phần mười thu nhập của con”. Đây là một tín hữu trung thành và quảng đại. Ta chẳng có lý do gì để nghi ngờ lời ông. Cái ông nói, ông thực sự làm. Lời cầu nguyện của người Pha-ri-sêu ngoài ra còn thuần khiết: ông ta chẳng xin gì mà chỉ “tạ ơn” Thiên Chúa… đây là một lời cầu nguyện ca tụng và tạ ơn.

Vâng, chúng ta trước hết phải thán phục nhân vật liêm khiết này, chớ coi ông như một kẻ giả hình biết khéo che giấu trò của ông. Nhưng nếu không trách vì “thói giả hình” thì Đức Giê-su kết án gì nơi ông vậy? Kết án “thói Biệt phái” (pharisaisme)! Nhưng “thói biệt phái” là gì? Mới thoạt nhìn, chúng ta không thể không nhận thấy sự kiêu căng, tự mãn của nhân vật. Chúng ta đã ghi nhận lòng khinh bỉ của ông đối với những kẻ khác, những người tội lỗi. Nay lại thấy ông đề cao “cái tôi” quá mức, tỏ vẻ chắc chắn về “bản thân” mình! Cầu nguyện cùng Thiên Chúa mà ngay lập tức ông đã che khuất Người bằng một “cái tôi” to kinh khủng: Tôi đã làm thế này thế kia, tôi không như kẻ này kẻ nọ. Thiên Chúa có thể đứng lại một giây với sự tự mãn thế này à? Thói “hãnh diện về mình” như thế hiện tại vẫn còn và mặc nhiều hình thức… Trong bối cảnh ta đang sống, biết bao kẻ phô bày thói vô luân của họ không chút liêm sỉ, óc vô đạo của họ chẳng chút thẹn thùng; họ khinh bỉ những ai đòi hỏi cho mình một lý tưởng hay cố gắng sống tốt hơn, theo lương tâm hơn. Họ coi thường “tư sản” hay “công nhân”, tự hào mình duy nhất chiếm hữu chân lý, kết án những người “cánh tả” hay “cánh hữu”. Lời cầu nguyện của họ có thể là: “Lạy Chúa, con tạ ơn Ngài vì con không như tên chủ kia trả lương tồi tệ cho công nhân… như tên hoạt động công đoàn kia có những tư tưởng quá cấp tiến… như tên trẻ tuổi kia có dáng vẻ lếch thếch tồi tàn… như bà già sùng tín kia có những kiểu đạo đức lố bịch…”. Nhưng lời cầu nguyện này đôi khi cũng là của chúng ta.

2. Kẻ chắc chắn về Thiên Chúa

Người thu thuế thì không phê phán kẻ khác. Anh ta chỉ phê phán chính mình. Anh biết mình là tội nhân. Thay vì tự mãn, chắc chắn về mình, anh ta chỉ biết chắc chắn về Thiên Chúa, về lòng nhân từ của Thiên Chúa. Ta nhận thấy anh không xưng ra toàn bộ tội lỗi của anh. Anh chỉ cảm thấy bị tội lỗi mình đè bẹp. Và anh nói lên điều ấy với Thiên Chúa, chẳng dựa trên sức lực lẫn công trạng của mình. Anh nắm lấy Thiên Chúa với lời khẩn khoản khiêm tốn: “Xin thương xót con”. Đây là một lời cầu nguyện chính xác và đậm đặc, nằm trong đường hướng Đức Giê-su đã mạc khải. Thiên Chúa nhìn chúng ta với lòng thương xót, với một sự thông cảm khiến rung động con tim Người khi Người thấy con tim chúng ta cũng rung lên.

Giữ mình nhỏ bé trước Thiên Chúa đã (“anh đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, mà chỉ đấm ngực”), người thu thuế mới đưa “cái tôi” của mình ra, nhưng ở chỗ cuối cùng của lời cầu nguyện. Trước đó, anh đã chèn vào một tiếng: “đứa tội lỗi”: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót đứa tội lỗi là con” (đúng thứ tự trong nguyên bản Hy-lạp). Lời cầu nguyện Ki-tô hữu là một cuộc gặp gỡ tình yêu, thành thử giữa “tôi” và “Ngài”, nhưng phải liệu làm sao cho chữ “Ngài” luôn đứng trước và thật to lớn, còn chữ “tôi” luôn cuối cùng và bé nhỏ. Phải biết bật gốc niềm “xác tín biệt phái”: tưởng chỉ cần làm nhiều điều tốt là trở nên một con người tốt và khiến Thiên Chúa thỏa dạ: “Tôi đã làm cái này cái kia”. Không! Cần đảo ngược lại như Đức Trinh nữ: “Xin cứ làm cho tôi theo lời Ngài” (Lc 1,38).

“Người này khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên, sẽ bị (hiểu ngầm: Thiên Chúa) hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được (hiểu ngầm: Thiên Chúa) tôn lên”. Phán quyết này hẳn rơi xuống như một tiếng sấm trên cử tọa. Nhưng Đức Giê-su chẳng giải thích gì! Người để chúng ta đoán rằng Thiên Chúa không như chúng ta tưởng. Người là tình yêu. Người là cho không. Thiên Chúa khổ đau với tội nhân đang đau khổ. Người ao ước tha thứ. Nhưng chẳng ai rót vào một chén đã đầy rồi! “Chính nhân” (nghĩa xấu), nói cho cùng là kẻ chẳng còn cần Thiên Chúa… vì y tự mình xoay xở được! Tất cả bài học của dụ ngôn nằm ở chỗ chen vào từ “công chính” theo kiểu đóng khung: ở đầu và cuối câu chuyện. Rốt cục, con người chẳng bao giờ là “công chính”, nhưng là “được nên công chính”… nó không “dễ thương” nhưng là “đáng thương”. Dụ ngôn đã tạo nên một sự đảo lộn ngoạn mục. Nó mở đầu với một kẻ đã làm rất nhiều, đã chắc chắn về mình và tưởng đã tự công chính hóa mình. Nó kết thúc với một kẻ chắc chắn về Thiên Chúa và đã được công chính vì đã biết thưa: “Xin thương xót con là đứa tội lỗi”.  

Lm. Phê-rô Phan Văn Lợi