Tin mừng Lc 2,1-14
Thời ấy, hoàng đế Au-gút-tô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Qui-ri-ni-ô làm tổng trấn xứ Xy-ri. Ai nấy đều về thành của mình mà khai tên tuổi. Bởi thế, ông Giu-se cũng từ thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê lên thành vua Đa-vít gọi là Bê-lem, miền Giu-đê, vì ông cũng thuộc gia đình và dòng tộc vua Đa-vít. Ông lên đó khai tên cùng với bà Ma-ri-a là người đã thành hôn với ông, lúc ấy bà đang có thai. Khi hai người đang ở đó, thì bà Ma-ri-a đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.
Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. Bỗng sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu tỏa chung quanh, khiến họ sợ hãi kinh hoàng. Nhưng sứ thần bảo họ: “Anh em đừng sợ. Này tôi loan báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là niềm vui cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô, là Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”. Bỗng có đạo binh thiên quốc đông đảo hợp với sứ thần cất tiếng ca tụng Thiên Chúa rằng: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”.
*********************************************
CỨU CHÚA ĐẤY À?
Cách đây vài năm, trong một cuộc hành trình tới Đất thánh, James Martin mua một bộ tượng Giáng sinh, trong đó có Chúa Hài Nhi, Đức Mẹ, Thánh Giu-se và các mục đồng. Khi Martin tới phi trường để lên đường trở về Mỹ, thì bị người ta kiểm soát an toàn hết sức chặt chẽ. Các nhân viên hải quan kiểm soát bằng X quang từng bức tượng một, kể cả tượng Chúa Hài Đồng. Viên hải quan xin lỗi Martin: “Chúng tôi không được phép bỏ qua bất cứ một trường hợp nào. Chúng tôi có nhiệm vụ bảo đảm rằng trong bộ tượng này chắc chắn không có chất nổ”. Sau đó, Martin tự nghĩ: “Phải chi nhân viên đó biết được! Bộ tượng này hàm chứa một năng lượng nổ kinh khủng nhất thế giới đấy!”
Đúng thế, ngược với vẻ bên ngoài, trẻ thơ thành Bê-lem đã làm một cuộc cách mạng vô tiền khoáng hậu trong lịch sử, đã cho thế gian nổ bùng với năng lượng tình yêu.
1. Một trẻ thơ nghèo hèn yếu đuối.
Au-gút-tô (sinh năm 63 trước Công nguyên, mất năm 14 Công nguyên; trị vì từ 27 trước Công nguyên đến khi chết, tên thật là Gaius Octavius, danh hiệu là Caesar Augustus) là vị hoàng đế Rô-ma nổi tiếng nhất. Năm 27, ông đã khiến được Nguyên Lão viện ban cho mình tước hiệu thần linh “Augustus”, có nghĩa là “đáng tôn thờ”. Khi sử dụng tước hiệu tự phụ ấy của một “ông vua trần thế” trong câu mở đầu bài Tin Mừng hôm nay, Lu-ca muốn cho thấy Thiên Chúa tương phản như thế nào: Người sắp sinh ra như một trẻ thơ yếu đuối, từ những kẻ lưu vong nghèo khổ. Bối cảnh của lễ Giáng sinh đầu tiên này cũng khá u ám. Đất nước It-ra-en bị thống trị. Cư dân phải thần phục một quyền lực ngoại quốc. Qua lịch sử đời, ta biết cuộc kiểm tra của Qui-ri-ni-ô đã gây ra một cuộc nổi loạn của quần chúng khoảng năm 6 trước CN, trong giai đoạn hành chính thứ 2, giai đoạn kiểm tra sở hữu ruộng đất nhà cửa dân thường để lượng giá các thứ thuế có thể đánh được!
Theo lệnh kiểm tra, “ai nấy đều về thành của mình mà khai tên tuổi. Bởi thế, Giu-se từ thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê lên miền Giu-đê”. Ông để cho các biến cố hướng dẫn mình. Thế gian trong đó Đức Giê-su đi vào là một thế gian khắc nghiệt, đầy những câu thúc gò bó (Giáng sinh đâu có đẹp tí nào!). Nhưng “Thiên Chúa viết thẳng trên các đường cong của chúng ta”. Và các biến cố “là những ông chủ mà Thiên Chúa tự tay ban cho loài người” (Pascal). Tôi có xác tín Thiên Chúa có đó, trong mọi cái xảy đến, trong mọi cái xảy đến cho mình không?
“Giu-se lên thành vua Đa-vít, gọi là Bê-lem”, vì ông thuộc dòng dõi vị vua này. Rõ ràng là Lu-ca muốn “giải thích” biến cố dưới ánh sáng lời sấm của Mi-kha (5,1-4). Trẻ sắp sinh là “Đấng Mê-si-a” được “một thiếu nữ Xi-on” cho chào đời tại “thôn làng Giu-đê nhỏ bé nhất”, giữa kẻ nghèo, “số sót” trong “thành Đa-vít”. Nhưng trong thực tế, Đấng Mê-si-a ấy hoàn toàn khác với những gì thiên hạ chờ đợi. Thiên hạ chờ Người như Đấng hùng mạnh, giàu sang, uy quyền! Và Người đến trong bất lực, khó nghèo, yếu đuối… Nhận thấy kẻ có đạo hết sức lầm lẫn về mình, Thiên Chúa đã phải đi vào thế gian cách “bí mật”, “phi pháp”. Người đã vượt qua các biên giới của chúng ta như đi buôn lậu. Chắc chẳng bao giờ Người được các “quan chức” thừa nhận nếu khai báo căn cước thật của mình! Thiên hạ không thể hình dung nổi một Thiên Chúa tự trình diện trong dáng vẻ khiêm tốn đến thế, bất biết các đặc quyền của mình, hoàn toàn thiếu những nghi tiết thần linh, coi khinh các lễ nghi vĩ đại mà tôn giáo đã dựng lên vì Người!
“Ông lên đó khai tên cùng với bà Ma-ri-a là người đã thành hôn với ông, lúc ấy bà đang có thai”. Ở đây bản văn Hy Lạp nói: “cùng với Ma-ri-a, đã đính hôn với ông, và đang thai nghén”. Như trong câu chuyện Truyền tin (x. Lc 1,27), Lu-ca đã cố ý sử dụng cùng một từ ngữ. Mặc dầu được hứa hôn với nhau đúng luật, Giu-se và Ma-ri-a đã không sống chung. Bà vẫn “đồng trinh”! Tuy nhiên bà lại “đang thai nghén”! Phản tự nhiên và khó chấp nhận thật! Nhưng tại sao lại luôn muốn kéo Thiên Chúa xuống ngang tầm chúng ta? Đúng là lầm lẫn về Thiên Chúa, khi cho rằng Người chỉ có khả năng ngang với chúng ta thôi. Lạy Chúa, con muốn kính tin thờ lạy quyền lực sáng tạo của Chúa trong mẫu tính lạ lùng này, đồng trinh này. Duy mình Thiên Chúa là “Cha” đứa trẻ Ma-ri-a đang cưu mang!
“Khi hai người đang ở đó, thì Ma-ri-a đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ”. Giản dị biết bao trong trình thuật này! Hoàn toàn trái ngược với những thần thoại và chuyện cổ tích. Một trẻ thơ như bao trẻ khác, không ánh quang quanh đầu, đơn sơ và trần trụi! Ta như nghe Thiên Chúa phán: “Hỡi các bậc cha mẹ, các con yêu mến con cái cách thật tuyệt vời, các con săn sóc đến chúng, nâng niu hình hài mảnh dẻ của chúng, theo dõi kỹ lưỡng nhiệt độ bình sữa, rình xem nụ cười nhỏ bé nhất… Vậy các con rốt cục có khám phá ra rằng Ta giống các con không? Qua Ma-ri-a và Giê-su, những ai đã có tư tưởng sai lạc về Ta, Thiên Chúa, và đã loại bỏ Ta hay bất biết Ta, có lẽ sẽ khám phá rằng Ta tràn đầy âu yếm. Qua bao cử chỉ hiền mẫu của mình, các bà mẹ sẽ thấy một chút rằng Ta là ai…”
2. Vì là một vị Chúa tình yêu.
Ngập trong những thông tin ly kỳ, đầy ấn tượng do các phương tiện truyền thông trút xuống trên ta, phải chăng ta còn khả năng “nhận ra” cái “tầm thường” trong đó Thiên Chúa đã chọn để hiện hữu? Biến cố lớn nhất của nhân loại vừa xảy đến: Thiên Chúa từ nay cũng là một con người, Đức Giê-su! Tự giây phút đó, Thiên Chúa đã liên kết số phận Người với số phận ta. Sự nghiệp của ta trở nên sự nghiệp của Người. Thiên Chúa “ở cùng chúng ta” là vậy. Tất cả mọi hy vọng của chúng ta đều được phép. Nhưng biến cố này không giật gân. Thiên Chúa nằm trong “máng cỏ”, một dụng cụ dành cho súc vật! Đứng trước tham vọng của Au-gút-tô, Thiên Chúa ấy kỳ lạ biết bao, khiêu khích biết mấy! Cũng hãy thêm rằng Người không yếu đuối giả bộ. Trên rơm máng cỏ, cũng như trên gỗ thập giá, Người mạc khải cho ta thấy cái sâu xa nhất, chân thực nhất trong Người: “Ai thấy Thầy là thấy Cha” (Ga 14,9). Thiên Chúa là tình yêu. Và đứng trước người yêu, yêu tình yêu tự hóa nên yếu nhược. Ai thống trị thì không yêu!
“Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật”. Thay vì là biểu tượng của sự đơn sơ vô tội, như các tượng mục đồng xinh xắn muốn cho ta lầm tưởng, các kẻ chăn chiên tượng trưng giới bị khinh khi trong não trạng đương thời. Nghề của họ khiến họ bị nhìn với con mắt ác cảm, bị coi như những kẻ “ngoài vòng pháp luật”. Thiên hạ thường xem họ như những tên đạo chích, sống nhờ của trộm cắp. Họ không có quyền dân sự được làm chứng trước tòa. Là những kẻ vô học chẳng chịu để giờ tham dự các buổi giáo lý được các Luật sĩ trí thức dạy tại hội đường. Là lũ người nhơ bẩn, làm cái nghề khó giữ luật nghỉ ngày Sabát thánh! Và rồi là những kẻ hôi hám, chân lấm tay bùn! Vậy mà đó là những kẻ Thiên Chúa chọn trước tiên! Thiên Chúa yêu thương những kẻ “bé mọn”, “nghèo hèn” bị khinh bỉ. Đây sẽ là một trong những chủ đề của Tin Mừng Lu-ca. Xin cảm tạ Chúa!
“Bỗng sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu tỏa chung quanh, khiến họ sợ hãi kinh hoàng”. Trong trình thuật, cái “kỳ diệu” chỉ bắt đầu ở đây. Thần học gia sẽ bảo: Chú ý! câu này chỉ là một kiểu nói, vì các Công đồng đã xác định rằng thiên thần không có xác thể! Lu-ca chỉ muốn diễn tả nỗi kinh ngạc thán phục của phàm nhân trước cái thần linh, cái vượt quá con người. Cái ấy có nghĩa gì thì đã rõ: cho đến đây, trong toàn bộ Kinh Thánh, “Vinh quang” là dấu chỉ Thiên Chúa hiện diện, hiện diện duy chỉ nơi Đền thờ Giê-ru-sa-lem. Từ nay, Vinh quang ấy “bao phủ” cả người nghèo: “Điều anh em làm cho kẻ bé mọn nhất, đó là làm cho chính Ta” (Mt 25). Thiên Chúa ấy kỳ dị, khiêu khích biết chừng nào!
Các thiên thần thông báo cách vắn vỏi, đi vào điểm chính yếu. Họ cho “thẻ căn cước” đích thực về Hài nhi vô danh: 1- Đấng Cứu Độ, 2- Đấng Ki-tô, 3- Đức Chúa. Lu-ca sẽ không dùng các tước hiệu này trong Tin Mừng của ông bao giờ nữa, trước khi chấm dứt cuốn sách. Điều đó muốn nói: hài nhi Giê-su không quan trọng hôm nay cũng chính là vị Chúa phục sinh vinh hiển. Các Tin Mừng thời thơ ấu được Lu-ca quan niệm như một bài tựa cho cuốn sách mà ta sẽ chỉ hiểu cách đích thực ở trang cuối cùng. Đứa trẻ mới sinh này có một bản tính thần linh (Người là Chúa), một vai trò thần linh (Đấng Ki-tô) và một sứ mệnh thần linh (Đấng Cứu độ). Song “Chúa quyền” này chưa xuất hiện đâu. Hãy chờ! Lúc này, cái được trao ban như “dấu chỉ”, đó là sự “nghèo khó”, “yếu đuối”!
Và Người sinh ra “trong thành Vua Đa-vít”. Các nhà chú giải hiện đại cho rằng Đức Giê-su đã chào đời trong tầng dưới một quán trọ, chỗ trú của lừa hay ngựa (tầng trên để cho người). Quán trọ này nằm trong “thành”, khu vực dân cư có thành lũy bao quanh. Đức Ma-ri-a đã đặt Hài nhi trong máng đựng cỏ cho các con vật thồ ấy. Sau đó, các kẻ chăn chiên ngoài đồng, theo lời sứ thần, đã vào thành tìm Ấu chúa trong quán trọ. Sinh ra không có nôi mà chỉ có máng cỏ bò lừa để nằm, việc này hẳn phải xảy ra trong quán trọ. Hang đá chỉ là một sáng tạo của thánh Phanxicô Axidiô thế kỷ 13 mà thôi!
Lm. Phêrô Phan Văn Lợi