Đấng duy nhất thỏa mãn cơn đói loài người – Suy niệm Chúa Nhật Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô – Năm C

16/06/2022

Tin Mừng Lc 9,11b-17

Khi ấy, Đức Giê-su nói với đám đông dân chúng về Nước Thiên Chúa, và chữa lành những ai cần được chữa.

Ngày đã bắt đầu tàn. Nhóm Mười Hai đến bên Đức Giê-su thưa Người rằng: “Xin Thầy cho đám đông về, để họ vào các làng mạc nông trại quanh đây, tìm chỗ trọ và kiếm thức ăn, vì nơi chúng ta đang ở đây là nơi hoang vắng”. Đức Giê-su bảo: “Chính anh em hãy cho họ ăn”. Các ông đáp: “Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá, trừ phi chính chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám dân này”. Quả thật, có tới chừng năm ngàn đàn ông.

Đức Giê-su nói với môn đệ: “Anh em hãy bảo họ ngồi thành từng nhóm khoảng năm mươi người một”. Các môn đệ làm y như vậy, và bảo mọi người ngồi xuống. Bấy giờ Đức Giê-su cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông. Mọi người đều ăn, và ai nấy được no nê. Những miếng vụn còn thừa, người ta thu lại được mười hai thúng.   

************************************

ĐẤNG DUY NHẤT THỎA MÃN CƠN ĐÓI LOÀI NGƯỜI

Hôm nay là “Lễ Thiên Chúa” (Fête-Dieu)! Từ tuyệt diệu này được chọn đúng để nói lên mầu nhiệm “Mình và Máu Đức Ki-tô”, dấu chỉ lớn lao, bí tích thánh thiện của tình Chúa yêu người.

Thế mà, để nhắc ta nhớ bí tích Thánh thể cực trọng này, Giáo Hội đã chọn đọc trong năm nay bài trình thuật về một phép lạ “vật chất”, việc hóa bánh ra nhiều. Phải chăng là giảm thiểu mầu nhiệm ? Nếu thế thì thật đáng ngạc nhiên. Hay đúng hơn chính chúng ta, với đầu óc duy lý, mới hiểu sai lạc, vì vật chất hóa đến cùng cực việc hóa bánh ra nhiều và tinh thần hóa đến tột độ bữa Tiệc Thánh Thể ? Thật thế, chúng ta sẽ thấy “hai thứ bánh” này liên hệ với nhau. Để nói Đức Giê-su thỏa mãn đám đông đói khát, Lu-ca sử dụng chính các công thức của bữa Tiệc giã từ… Nhưng ông cũng sẽ mô tả Thánh Thể như một bữa ăn huynh đệ thúc đẩy người ta phục vụ lẫn nhau.

Có lẽ chúng ta luôn phải khám phá rằng “bánh Thiên Chúa” đưa chúng ta đến với anh em, đến với “bánh loài người”… hoa màu ruộng đất và lao công con người ! Khi trao hiến Mình và Máu cho ta chỉ vì tình yêu, Đức Ki-tô mời gọi chúng ta cũng làm như vậy. Làm sao các thánh lễ của chúng ta lại là một cuộc chạy trốn trần thế ?

1. Thỏa mãn bằng Lời Người

Ngay từ những chữ đầu tiên, Lu-ca đã nháy mắt kiểu đồng lõa, để độc giả của mình, vốn là các Ki-tô hữu sống Thánh thể mỗi Chúa nhật, đi cho đến cùng ý nghĩa biểu tượng của trình thuật. Như trong thánh lễ, bữa ăn Đức Giê-su sắp khoản đãi đám đông được khai mạc bằng “phụng vụ Lời Chúa”. Phải có mặt đó ngay từ đầu để nuôi mình bằng Đức Giê-su, Đấng đang “nói về Nước Thiên Chúa”…“chữa lành những ai cần được chữa”. Vâng ! Dấu chỉ bánh tàng ẩn một ý nghĩa biểu tượng sâu xa mà ta phải vượt quá thực tại vật chất trực tiếp mới hiểu được. Lương thực sắp được cống hiến không chỉ dành xoa dịu cơn đói thể xác… cho dẫu trước hết nó đóng vai trò này. Con người đâu chỉ sống nhờ bánh ! Họ còn sống nhờ lời từ miệng Thiên Chúa nữa. Cơn đói khát của họ đâu chỉ là đói khát thức ăn trần gian.

Đức Giê-su “nói về Nước Thiên Chúa”. Thành thử đây là Lời giải phóng loài người, là Ngôi Lời cứu con người khỏi thân phận chỉ làm người thôi, là Sứ điệp mở lòng nhân loại hướng về Thiên Chúa. Hỡi con người, phải chi ngươi biết được nhu cầu thật sự của ngươi ! Phải chi ngươi biết được rằng cái duy nhất đích thực làm ngươi “no thỏa” chẳng là gì khác ngoài chính Thiên Chúa. Ngươi đã được dựng nên để hưởng một hạnh phúc vô biên mà các hạnh phúc trần thế chỉ là một hình ảnh mờ nhạt. Vậy chớ bằng lòng với xôi thịt, bánh trái, chớ có tuyên bố : “Tivi, tủ lạnh, Honđa. Có ba thứ đó mới ra con người” !?!

Đức Giê-su “chữa lành những ai cần được chữa”. Một kiểu nói rất ý vị. Lu-ca biết rằng tất cả đều cần được Đức Giê-su cứu chữa. Nhưng quả là có lắm người, vì khép kín trong thế giới phàm nhân nhỏ bé của mình, thường không cảm thấy các giới hạn sâu xa của họ như tội lỗi và cái chết. Họ cho mình “mạnh khỏe”! Thế nhưng Đức Giê-su chẳng đến cho những người mạnh khỏe lẫn công chính, mà cho những kẻ yếu nhược và tội lỗi (x. Lc 5,31). Không gì khác hơn là chính “hồng ân Cứu độ của Thiên Chúa” sắp được biểu trưng trong thức ăn mầu nhiệm, no thỏa, dư tràn… mà Đức sắp ban cho “những ai cần đến”! Phần tôi, tôi có cần không?

2. Thỏa mãn bằng Mình Người

Người ta đã thấy quá đơn giản lối giải thích muốn duy lý hóa phép lạ bằng mọi giá (để tránh nó!) và chỉ cho rằng Đức Giê-su đã thuyết phục người ta lôi các thức ăn dự trữ họ cất giấu, và như thế gây nên một cử chỉ chia sẻ chung. Lối giải thích này không nghiêm chỉnh. Đó là biến đổi Tin Mừng thành tiểu thuyết tình cảm màu mè, cho dẫu bài học liên đới quả là tốt đẹp.

Đúng là ấu trĩ khi nghĩ Thiên Chúa, Đấng chẳng ngừng cho các cánh đồng trên trái đất được mùa từ một vài hạt, đã phải lúng túng trong việc hóa năm cái bánh ra nhiều. Nhưng ta hãy đi xa hơn. Nếu là vấn đề ơn cứu rỗi, sự sống đời đời, thì lúc ấy chỉ mình Thiên Chúa mới có thể ban tặng. “Hỡi con người, phải chi ngươi nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban” (x. Ga 4,10). Hỡi người phụ nữ xứ Sa-ma-ri, nỗi khát khao của chị đâu chỉ là khát nước giếng! (x. Ga 4,15). Phần tôi thế nào? Có đói khát không?

“Ngày đã bắt đầu tàn. Nhóm Mười Hai đến bên Đức Giê-su thưa Người rằng: Xin Thầy cho đám đông về, để họ vào các làng mạc nông trại quanh đây, tìm chỗ trọ và kiếm thức ăn, vì nơi chúng ta đang ở đây là nơi hoang vắng”. Vẫn còn là một nháy mắt của Lu-ca. Nếu chỉ dừng lại ở các chi tiết vật chất của quang cảnh, ta sẽ bỏ qua điều chủ yếu. Làm sao những ai quen với Kinh thánh lại chẳng thấy thứ bánh cho dân chúng “nơi hoang địa” như thế… nhắc nhở phép lạ “manna” bí nhiệm trong cuộc Xuất hành? Đức Giê-su là Mô-sê mới, nhà “giải phóng” mới, người “cứu khỏi hoang địa, thế giới chết chóc”!

Chẳng phải bằng cách bỏ đi về các làng mạc nông trại mà đám dân này sẽ được cứu… nhưng chỉ bằng cách ở lại với Đức Giê-su! Các Tông đồ hỡi, quý vị lầm lẫn khi tìm giải pháp nơi người phàm.

Nhưng “Đức Giê-su đã bảo môn đệ: “Anh em hãy bảo họ ngồi thành từng nhóm khoảng năm mươi người một”. Các môn đệ làm y như vậy, và bảo mọi người ngồi xuống”. Không thể không ngạc nhiên trước vai trò Đức Giê-su yêu cầu các môn đệ hoàn tất: dĩ nhiên chính Người “ban bánh”… nhưng Nhóm Mười Hai sẽ phân phát bánh ra, và trước đó họ đã được giao nhiệm vụ tổ chức đám quần chúng ô hợp thành “cộng đoàn”. Họ được Đức Giê-su đặt làm “thừa tác viên”, nghĩa là những “người phục vụ”… và trước hết là “tôi tớ của Đức Giê-su”, vâng nghe lời Người. Làm sao các cộng đoàn sơ khai thời Lu-ca đã chẳng hiểu lối ám chỉ ấy? Câu chuyện đồng quê này chắc hẳn mang tính phụng vụ hơn là ta tưởng nếu chỉ dừng ở bề mặt.

“Bấy giờ Đức Giê-su cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông”. Hiển nhiên các từ này đã được Lu-ca chọn lựa để nhắc lại nghi thức phụng vụ của phép Thánh Thể. Cùng một chuỗi 4 cử chỉ thiêng thánh sẽ mô tả lại bữa Tiệc giã từ và bữa ăn Em-mau.

+ Trong hoang địa (Lc 9,16) + Tại Nhà Tiệc ly (Lc 22,19) + Ở Em-mau (Lc 24,30)
Đức GS cầm lấy 5 cái bánh…

dâng lời chúc tụng…

bẻ ra…    

và trao cho môn đệ…     

Rồi Người cầm lấy bánh…

dâng lời tạ ơn…

bẻ ra…

trao cho các ông…

Người cầm lấy bánh…

dâng lời chúc tụng…

và bẻ ra…

trao cho họ….

Các cụm từ trên đây khiến chúng ta chẳng còn nghi ngờ gì về cách Ki-tô hữu đầu tiên giải thích việc hóa bánh thời danh này, việc mà các Tin Mừng đã kể lại cho ta không dưới 6 truyền bản song song (x. Mt 14,13-21 và 15,32-39; Mc 6,30-44 và 8,1-10; Lc 9,10-17 và Ga 6,1-15). Khi linh mục, thừa tác viên-tôi tớ của Đức Giê-su làm lại giữa cộng đoàn chúng ta bốn cử chỉ này của Người, đó chính là Người thực sự làm lại cho chúng ta và hiện diện giữa chúng ta. Thánh thể có sức giúp chúng ta gặp gỡ Đức Ki-tô phục sinh, Đấng chiến thắng sự ác lẫn tử thần, và thành thử là Cứu tinh của nhân loại. Bánh bẻ ra rồi được trao ban này là dấu chỉ vị “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” đã chọn để lưu lại giữa chúng ta. Bánh ấy là chính bản thân Đức Giê-su được trao ban cho chúng ta… bản thân mầu nhiệm, như hai đoạn đóng khung trình thuật bánh hóa nhiều gợi lên cho thấy: “Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế?”, Hê-rô-đê đã tự hỏi (Lc 9,7-9)… “Anh em bảo Thầy là ai?”, Đức Giê-su cũng sẽ hỏi các môn đệ tương tự ngay sau phép lạ (Lc 9,18-27). Nếu chúng ta không trả lời được câu hỏi về căn tính Đức Giê-su này, thì “dấu chỉ bánh” sẽ vẫn hời hợt.

Nhưng đó phải chăng là lý do để Ki-tô hữu có thể bất quan tâm đến cái đói vật chất của anh em mình? Công đồng Giới trẻ tại Taizé năm 1974 trả lời rằng thờ phượng và phát triển đi đôi với nhau. Chẳng phải là không quan trọng việc bạn chia sẻ bánh của bạn, dấn thân biến đổi xã hội nhân loài, cho kẻ đói có cơm ăn, ra công phục vụ người khác. Hãy làm điều đó trước hết! Lời của thánh Gioan Kim Khẩu sau đây làm xấu hổ nhiều người trong chúng ta, những ai rời bàn tiệc Thánh Thể mà không quan tâm đến Chúa Ki-tô nơi những kẻ nghèo: “Bạn đã rước Mình Máu Chúa, nhưng bạn không nhận ra người anh em của mình… Bạn xúc phạm Bàn tiệc này khi xem ai đó không xứng đáng chia sẻ thức ăn của bạn dù người đó được xem là xứng đáng tham dự bữa ăn này… Thiên Chúa đã giải phóng bạn khỏi mọi tội lỗi và mời gọi bạn đến đây, nhưng bạn đã không trở nên nhân từ và quảng đại”.

Nhưng cũng chớ quên thờ phượng, gặp gỡ chính bản thân Đức Giê-su Cứu Chúa!… Nếu không, bạn sẽ tước đoạt của anh em cái họ cần hơn cả. Còn hơn no bụng, họ cần sự no lòng mà Thiên Chúa mang đến cho họ qua tay chúng ta. Vì chính bánh hằng ngày của loài người (có gì thông thường hơn bánh!) phải trở thành Thân thể Đức Ki-tô. Chớ nên phí phạm của loài người. Một mầu nhiệm giấu ẩn trong đó.

Lm. Phê-rô Phan Văn Lợi