Tin Mừng Ga 2,13-25
Gần đến lễ Vượt Qua của người Do-thái, Đức Giê-su lên thành Giê-ru-sa-lem. Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền. Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả chiên cũng như bò ra khỏi Đền Thờ ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. Người nói với những kẻ bán bồ câu : “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán”. Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh : Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt vào thân.
Người Do-thái hỏi Đức Giê-su : “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?”. Đức Giê-su đáp : “Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại”. Người Do-thái nói : “Đền thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông xây lại được sao?”
Nhưng Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người. Vậy khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó, họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giê-su đã nói.
Trong lúc Đức Giê-su ở Giê-ru-sa-lem vào dịp lễ Vượt Qua, có nhiều kẻ tin vào danh Người bởi đã chứng kiến các dấu lạ Người làm. Nhưng chính Đức Giê-su không tin họ, vì Người biết họ hết thảy, và không cần ai làm chứng về con người. Quả thật, chính Người biết có gì trong lòng con người.
************************************
ĐỀN THỜ ĐÍCH THỰC CỦA THIÊN CHÚA
Trong tác phẩm tiểu thuyết “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” (1977), nữ tác giả Colleen Mc Cullough người Úc kể chuyện một linh mục tên Ralph de Bricassart. Đây là một linh mục trẻ, có khả năng nhưng đầy tham vọng. Cha mong muốn thành công, nổi danh nhưng cũng hám tiền và khá là dễ dãi trong việc giao tiếp với nữ giới. Có một bà giáo dân phú hộ đã nhận ra chân tướng của vị linh mục. Thương thầm cha nhưng không được đáp lại vì cha đã dành khá nhiều tình cảm cho một thiếu nữ tên Meggy, bà liền trả thù bằng cách hiến toàn bộ tài sản của mình cho Giáo hội, với điều kiện cử cha Ralph quản lý tài sản đó. Cách trả thù của bà cuối cùng đã thành công. Với tài năng và tiền bạc trong tay, cha Ralph đã leo lên tới đỉnh danh vọng (làm Hồng y) nhưng cũng tuột dốc thê thảm trong tinh thần tận hiến. Tiền bạc, danh vọng, tình ái đã phá hủy ngôi đền thờ là bản thân của một con người đã được thánh hiến trong chức linh mục. Đền thờ Giê-ru-sa-lem cũng đã bao lần hoen ố đến nỗi Đức Giê-su phải thanh tẩy như hôm nay.
1. Thanh tẩy Đền thờ cũ
Đức Giê-su là một người Do-thái sùng đạo. Trong Tin Mừng của ông, thánh Gio-an 7 lần ghi chú : Đức Giê-su tham gia các đại lễ hành hương Đền thờ (Ga 5,1; 6,4; 7,2; 10,22; 11,55; 12,1; 13,1), đặc biệt Lễ Vượt Qua vào mùa xuân và Lễ Lều Trại mùa thu. Trang Tin Mừng hôm nay bắt đầu với “lễ Vượt Qua của người Do-thái” (câu 13) và kết thúc “cuộc Vượt Qua của Đức Giê-su” (câu 22). Điều đó muốn nói từ lễ “Vượt Qua Do-thái giáo” đến lễ “Vượt Qua Ki-tô giáo” diễn ra cả một mầu nhiệm khôn dò : mầu nhiệm sự sống phát sinh từ sự chết, một Đền thờ mới nổi lên trên đống hoang tàn của một Đền thờ cũ.
Nhưng khác với lệ thường, chuyến lên đền này, Đức Giê-su không ngoan ngùy sốt sắng tham dự phụng vụ. Người đã làm một “hành vi kỳ quặc”: giận dữ cầm roi đánh đuổi quân buôn bán ra khỏi Đền Thờ. Tuy nhiên, cần phải vượt lên sự cố đậm màu sắc lẫn cử chỉ đó để đi vào chiều sâu thần học của cảnh tượng. Những kẻ buôn bán và đổi tiền không đương nhiên là những người xấu. Trong thực tế họ phục vụ các khách hành hương từ xa đến mà cần tìm thấy tại chỗ những gì cần thiết để “dâng hy lễ”: khi tới Đền Thờ ngày Trình dâng Con Trẻ, Ma-ri-a và Giu-se hẳn đã hài lòng khi gặp được những người buôn bán để mua một cặp bồ câu non (x. Lc 2,24). Thành thử thật sai lầm nếu hiểu trang Tin Mừng này một cách hời hợt, như thể trọng tâm của câu chuyện là Đức Giê-su đã giận dữ trước địa vị quá lớn của tiền bạc và bao cảnh bát nháo trong Đền Thờ.
Thật ra điểm chủ yếu bản văn Tin Mừng không nằm chỗ đó. Nhưng ta cứ tuần tự theo dõi câu chuyện, khảo sát văn bản. Hãy lắng nghe thành ngữ kỳ lạ Đức Giê-su sử dụng để nói đến Đền Thờ : “nhà Cha tôi”. Kiểu nói này quả là rất quen thuộc. Tuy nhiên, nó dìm chúng ta vào sâu trong căn tính của nhân vật Giê-su Na-da-rét ! Giữa Người với Thiên Chúa, thân mật yêu dấu biết bao! Người ở trong Đền Thờ thiêng thánh của Đức Chúa mà như ở trong nhà mình. Nơi Cực thánh ấy, cung thánh cấm kỵ ấy, chẳng một ai được vào ngoại trừ vị Thượng tế một lần mỗi năm (x. Dt 9,7), nơi “tách biệt” mọi sự ấy, nơi “bất khả vi phạm” ấy, nơi “không thể xâm nhập” mà còn sống ấy… Đức Giê-su đơn giản bảo đó là “nhà Cha mình”, nhà riêng của mình là Con. Trước đó, lúc 12 tuổi, Người cũng nói tương tự, và đã chẳng ai hiểu, ngay cả Ma-ri-a mẹ Người (x. Lc 2,49).
Đối với Đức Giê-su, “lòng yêu mến Cha” thiêu đốt Người thật sự, như một ngọn lửa thiêu hủy cành cây khô. Sở dĩ Người đã phản ứng mạnh mẽ như thế, đó là vì danh dự và vinh quang của Cha bị lâm nguy trong cuộc và “nơi buôn bán” này. Gọi là «nơi buôn bán» vì tuy đó là trung tâm của nước Do-thái và là biểu tượng của tôn giáo họ, Đền Thờ Giê-ru-sa-lem cũng là chốn mà sự thối nát và lòng ham muốn quyền lực bám rễ. Trong Đền Thờ, dân chúng phải sử dụng các dịch vụ của hàng tư tế để dâng hy lễ. Quyền bính và quyền lực của giới này đều từ Đền Thờ xuất phát. Đền Thờ cũng là nơi mà các của lễ và quà tặng của cộng đồng Do-thái được mang tới ; và chính các thủ lĩnh tư tế sử dụng kho tàng này. Ngoài ra, họ cũng nhận được các thứ thuế mà những kẻ buôn bán súc vật và đổi tiền phải trả, chưa kể thuế Đền thờ mà mọi con cái Ít-ra-en hàng năm phải nộp, tương đương 2 ngày công (x. Mt 17,24-27).
Đức Giê-su, ấy là con người bị Thiên Chúa quyến rũ, bị chính nghĩa của Thiên Chúa mê hoặc, đến độ “sẽ phải thiệt thân” (sẽ phải chết) vì nhiệt tâm này. Chẳng lẽ chúng ta không để mình bị nung nấu như thế khi các quyền của Thiên Chúa, của Tin Mừng và của Giáo Hội bị lâm nguy sao ? “Đôi khi người ta đã có ý định tránh đối mặt với các vấn đề của Giáo Hội và đi tìm lối giải quyết bằng cách nấp sau cái gọi là “giải pháp tạm thời” để đợi “thời gian thích hợp”. Nhưng Thiên Chúa đòi hỏi tình yêu của chúng ta đối với Người và đối với Tin Mừng của Người trong lúc này, như Người đã nói với thánh Phê-rô hãy yêu mến Người vào lúc này chứ không phải trong tương lai” (ĐHY Joseph Tomko).
2. Để giới thiệu Đền thờ mới.
“Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại” – “Đền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong trong ba ngày ông xây lại được sao?”. Xét theo bối cảnh cuộc tranh luận thì xem ra Đức Giê-su muốn nói tới việc phá hủy và tái xây dựng đền thờ bằng đá trong tương lai rất gần, và người Do-thái cũng nghĩ như thế nên họ lập tức cho rằng không thể được : đã chẳng mất 46 năm với bao nhiêu thợ để xây dựng ngôi đền còn đang dang dở này sao ! Thật ra, quả là điên rồ khi muốn trong ba ngày xây lại nó, cũng như đúng là cuồng dại nếu nghĩ rằng ta có thể tấn công nơi thánh này, cột thu lôi thần linh của Giê-ru-sa-lem và toàn thể Ít-ra-en, đối tượng tôn sùng nhiệt thành của hết thảy dân Chúa. Cho nên nếu hợp lý thì người Do-thái sẽ không gán những ý tưởng như vầy cho một người có lương tri, biết lẽ phải : vì xét như là người Đông phương chính hiệu, quen với lối văn bóng bẩy gợi hình cũng như với những lời tuyên phán đầy ẩn ý, thì họ phải phỏng đoán rằng ở đây có một biểu tượng. Nhưng họ đã cố tình hiểu theo nghĩa vật chất như sẽ vu cáo trong tương lai (x. Mt 26,61), như người thiếu phụ Samari về nước sống (x. Ga 4,11-15), như quần chúng về Bánh ban sự sống thật sau này (x. Ga 6,34).
“Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người”. Hiển nhiên đây mới là trọng tâm trang Tin Mừng. Hãy thử xâm nhập chốc lát vào trong ý thức của Đức Giê-su về mình. Người biết mình là ai ! Người bảo mình là một cung thánh. Người tự đặt mình làm “nơi Thiên Chúa hiện diện”. Chính thân thể Người là “Đền Thờ mới”… nơi cử hành “phụng tự mới”… Gio-an Tẩy giả đã từng chỉ Người như Chiên Thiên Chúa gánh tội trần gian (x. Ga 1,29). Vâng, Đức Giê-su sẽ bị sát tế trên ngọn đồi ở cửa thành, bị hy tế vào chính lúc người ta sát tế vô số chiên Vượt Qua trong Đền Thờ, ngày áp “Sa-bát Đại lễ” (Ga 19,31). Với thân thể hy sinh của mình, Người thay thế mọi của lễ và làm cho Đền Thờ Giê-ru-sa-lem trở nên vô ích, màn nơi Cực thánh có thể xé ra làm hai (Mt 27,51). Và từ thân thể lúc ấy sẽ tuôn chảy “dòng nước hằng sống” (Ga 7,38; x. Ga 19,33) được ngôn sứ Ê-dê-ki-en loan báo như chảy ra từ Cung thánh Đền Thờ (Ed 41,1.12).
Thành thử lễ Vượt Qua của Đức Giê-su và của Ki-tô hữu hoàn tất lễ “Vượt Qua Do-thái” nói đến đầu trang Tin Mừng. Đây là cuộc Giải phóng phi thường và triệt để, mà cuộc giải phóng khỏi ách nô lệ Ai-cập chỉ là hình ảnh tiên trưng. Đây là Đền Thờ mới, làm mọi nơi phụng tự khác nên vô hiệu. Như thế, nơi Thiên Chúa hiện diện không còn là một tòa nhà nữa, nhưng là một Con người! Đó là thân thể Đức Ki-tô. Tất cả phụng vụ Ki-tô giáo chỉ xoay quanh Thân thể này. Nhưng phải hiểu cho tới cùng mầu nhiệm đó ! Thánh Phao-lô sẽ bảo các Ki-tô hữu bốc vác ở cảng Côrintô : “Anh em là Thân thể Đức Ki-tô” (1Cr 12,27). Đấy là cái khiến phần phẩm giá con người ra tuyệt diệu : “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần của Thiên Chúa ngự trong anh em sao ?” (1Cr 3,16-17).
Như thế, không chỉ “Thân thể phục sinh” của Đức Giê-su là Đền Thờ mới, nhưng “thân thể mỗi Ki-tô hữu” cũng vậy : “Anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền thờ của Thánh Thần, Đấng đang ngự trong anh em sao? Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác mình” (1Cr 6,19-20). Thánh Augustinô cũng từng nói với tín hữu : “Khi linh mục nói với anh chị em : Mình Thánh Chúa Ki-tô, anh chị em trả lời Amen, tức xác nhận việc anh chị em ở trong Người”. Một thánh ca hát mừng mầu nhiệm này như sau : “Lạy Chúa, ước chi chúng con là Thân thể hạnh phúc được tạ ơn Ngài… ước chi chúng con là Thân thể có nhiệm vụ ca tụng Ngài… ước chi chúng con là Thân thể gìn giữ Giao ước Ngài…”.
Lm. Phêrô Phan Văn Lợi