Dọn đường – Suy niệm Chúa Nhật 2 Mùa Vọng – Năm B

04/12/2020

Tin mừng Mc 1,1-8:

Khởi đầu Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa:

Trong sách ngôn sứ I-sai-a có chép rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, để dọn đường cho Con. Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi,

Đúng theo lời đó, ông Gio-an Tẩy Giả đã xuất hiện trong hoang địa, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội. Mọi người từ khắp miền Giu-đê và thành Giê-ru-sa-lem kéo đến với ông. Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ tại sông Gio-đan.

Ông Gio-an mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng. Ông rao giảng rằng: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi thì tôi đã làm phép rửa cho anh em bằng nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần”.

*******************************

DỌN ĐƯỜNG

Hôm nay, chúng ta đọc phần mở đầu Tin Mừng theo thánh Mác-cô. Tất cả năm này, được gọi là “năm B”, chúng ta sẽ ưu tiên đọc cuốn Phúc Âm thứ hai đó.

Truyền thống đã luôn trình bày Mác-cô như môn đệ của Phê-rô. Thành thử chúng ta sẽ nghe trong trình thuật này chính các kỷ niệm và bài giáo lý của vị Tông đồ trưởng, chứng nhân tận mắt về Đức Giê-su. Người ta nghĩ rằng Tin Mừng này đã được viết tại Rôma, khoảng năm 70, cho một cộng đoàn Ki-tô hữu bao gồm những người trước đó là dân ngoại và đã chẳng bao giờ sống tại Pa-lét-ti-na.

So sánh với ba Tin Mừng khác, Tin Mừng Mc rất cụ thể: đây là trình thuật của một con người bình dân, đầy những chi tiết thú vị. Nhưng ta chớ có lầm: Mác-cô cũng là một thần học gia, để lộ cho ta biết khám phá tiệm tiến của vị Tông đồ trưởng. Trong tất cả phần đầu, mọi người đều tự hỏi: “Đức Giê-su là ai?” Người làm nhiều việc và nói nhiều lời gây thắc mắc. Nhưng lạ lùng thay, Đức Giê-su buộc giữ “bí mật” bản thân mình. Rồi trong phần 2 cuộc sống công khai, mầu nhiệm bản thân được Người dần dần mạc khải.

“Địa lý” của Mác-cô cũng mang tính chất “thần học”, theo nghĩa ông nêu bật xứ Ga-li-lê, miền đất rộng mở đón tiếp sứ điệp Đức Giê-su, đối nghịch với Giê-ru-sa-lem, thành phố chối từ Người. Hơn nữa, Biển Ga-li-lê cũng mặc một ý nghĩa biểu tượng đối với Mác-cô (hồ này có ngóc ngách nào mà ngư phủ Phê-rô chẳng rõ). Bờ “đông” là dân Do Thái. Bờ “tây” là dân ngoại. Mc luôn cho thấy Đức Giê-su qua “vùng dân ngoại” và như thế khai mạc “sứ vụ truyền giáo” của Giáo Hội mà cuốn Tin Mừng này muốn ngỏ cho.

Sau hết, Tin Mừng Mc giàu chất bi kịch. Ba nhóm người được mô tả trong đó. Trước hết là Đức Giê-su với môn đồ, luôn luôn sát cánh nhau. Tiếp đến là quần chúng đi theo Đức Giê-su nhưng không mấy hiểu Người. Sau cùng là các đối thủ mà ngay từ khởi điểm đã canh chừng và kết án Đức Giê-su.

1. Đón tiếp ai?

“Khởi đầu Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa…”: Tiếng đầu tiên của Tin Mừng theo thánh Mc là chính tiếng đầu tiên của Kinh Thánh: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất” (St 1,1). Thật không phải chuyện tình cờ. Thánh Gio-an cũng sử dụng một từ ấy đầu bài tựa: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời” (Ga 1,1). Mt và Lc cũng gợi lên thực tại ban đầu đó: Sau đây là gốc tích (căn nguyên) Đức Giê-su” (Mt 1,18; Lc 1,3). Như thế, cả bốn Thánh sử đều gợi lên cho chúng ta thấy: qua Đức Giê-su, dự tính của Thiên Chúa có một tân khởi điểm: một cuộc sáng tạo mới đã bắt đầu. Và “mùa Vọng” vốn khởi sự này cũng là một cơ hội lên đường lại mỗi năm. Lạy Chúa, tuy nhiên chúng con luôn luôn bị cám dỗ dừng lại mà nói: Đủ rồi! Xin không ngớt ban lại cho chúng con tinh thần “khởi sự”, xin khơi dậy mãi niềm hy vọng trong chúng con.

“Tin Mừng!”. Chúng ta đã quá quen với tiếng này. Nó không chỉ một “cuốn sách”, một sự vật. Nó là “Tin Mừng về Nước Thiên Chúa bắt đầu trong con người Đức Giê-su”. “Tin Mừng”, đó là sự sống lại, là chiến thắng chung quyết của sự sống! Tiếng này xuất phát từ đoạn sách I-sai-a loan báo cho những kẻ lưu đày bất hạnh biết nỗi đoạn trường của họ chấm dứt: “Hãy an ủi, hãy an ủi dân Ta… Hãy ngọt ngào khuyên bảo Giê-ru-sa-lem: thời phục dịch của Thành đã mãn, tội của Thành đã đền xong… Hỡi kẻ loan tin mừng cho Xi-on, hãy trèo lên núi cao… hãy cất tiếng lên cho thật mạnh… Kìa Thiên Chúa các ngươi! Kìa Đức Chúa quang lâm hùng dũng…” (I-sai-a 40,1-11). Đức tin tôi có như thế không? Phải chăng nó là một thứ hòn sắt tôi kéo lê cách vất vả, hay là một tin vui, một tin lành, một tin tuyệt diệu?

“Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa”: Trong dòng đầu tiên của Tin Mừng mình, Mc loan báo những gì cần nói. Các “tước hiệu” này của Đức Giê-su là chìa khóa của tất cả trình thuật. Chúng sẽ trở lại cuối Tin Mừng, khi một người “ngoại giáo” thừa nhận Đức Giê-su chết trên thập giá “quả thật là Con Thiên Chúa (Mc 15,39). Đây là lối “đóng khung” kiểu Thánh Kinh. Một phương thức hành văn nhằm cho thấy ý nghĩa sâu xa của một trình thuật được “bao trọn” giữa hai từ lặp lại đầu và cuối.

Giê-su… trong tiếng Hip-ri có nghĩa “Thiên Chúa cứu”, “Yeshouah”. Đây là tên quen thuộc, chỉ tính cách nhân loại, lịch sử, trần thế của nhân vật thành Na-da-rét. Ki-tô… trong tiếng Hip-ri có nghĩa “Người được Chúa xức dầu”, “Messhiah” do đó có phiên ngữ “Mê-si-a”. Tước hiệu này cho thấy Đức Giê-su thật là Đấng toàn thể Israel từng mong đợi, là hậu duệ Đavít”, “vua Nước Trời”. Con Thiên Chúa… cuối cùng là một tước hiệu sẽ chỉ mặc trọn ý nghĩa lúc Người sống lại: thời Mc viết Tin Mừng, qua hạn từ mạnh mẽ này, các Ki-tô hữu đã diễn tả lời tuyên tín của họ vào thần tính của Đức Giê-su. Chúng ta dọn đường là để đón một nhân vật như thế đấy!

Cũng không phải tình cờ mà Tin Mừng Mc khởi đầu với một trích dẫn Cựu Ước, lấy tự sách I-sai-a. Đức Giê-su đâu phải là một “sao băng” đến từ một hành tinh khác. Người dấn sâu trong lịch sử của một dân tộc. Người đã được “loan báo”, “chuẩn bị”, “đợi chờ”… Bài Cựu Ước chúng ta đọc mỗi Chúa nhật từ nay, sau Công đồng Vatican II, không phải là cái gì mới mẻ của Giáo Hội hiện đại. Các Ki-tô hữu ban đầu, các Ki-tô hữu của Mc, Mt, Lc và của Ga, đều từng đọc Cựu Ước… và áp dụng cho Đức Giê-su. Còn ta? Có khi ta đã phàn nàn vì không gặp gỡ được Thiên Chúa. Nhưng ta đã dùng phương tiện nào? đã làm chi để tìm Người? có chuẩn bị “đường cho Chúa” không? Mùa Vọng này nên là một thời gian lập lại việc suy niệm Kinh Thánh.

2. Chuẩn bị gì?

Vì chớ tưởng rằng chúng ta sẽ “gặp” Thiên Chúa vào dịp Noel chẳng hạn, mà chẳng cần “chuẩn bị” cho Người đến, chẳng cần thanh tẩy, hoán cải đổi đời. Nếu thế thì Gio-an Tẩy giả không xuất hiện làm chi. Trong thực tế, ông đã đến “rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội… Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ tại sông Gio-đan”. Không nể nang cử tọa chút nào, ông bảo họ: “Hãy thay đổi hoàn toàn cách sống… hãy hoán cải!” Bạn đã làm điều này ư? Nay hành động ngược lại. Sự ác bạn đã từng làm, nay nên chấm dứt. Việc thiện bạn đã thiếu sót, nay hãy bắt đầu làm. Hãy hoán cải! Cụ thể là chúng ta được mời gọi đón nhận “bí tích hòa giải” để được tha tội khi gần đến lễ Giáng sinh. Nên sửa soạn việc đó ngay từ bây giờ, để làm một bước nghiêm chỉnh, trưởng thành, có trách nhiệm. Và như những đoàn người đã đến sông Gio-đan, hãy bắt đầu “nhận tội” cách sáng suốt.

Hãy bắt chước họ mà đi vào “hoang địa”. Khi bị Gio-an Tẩy giả lôi kéo đến đó, những đoàn lũ này hẳn phải rời bỏ một thế giới quen thuộc từng sống, để đi vào một thế giới khác hẳn. Rút lui vào “hoang địa”, đó là từ chối dễ dãi, tiện nghi. “Hoang địa”, đó là nơi mở ra tít mù, nơi mọi con đường đều không vạch rõ: một lời mời gọi mạo hiểm! “Hoang địa”, đó cũng là nơi cô độc và im lặng: một lời mời gọi gặp gỡ nội tâm! Ở đây, không thể lo ra chia trí, trốn vào trong những chuyện hời hợt và giả tạo: con người đối diện với chính mình, bị tước lột và trần trụi. Trong cảnh tước bỏ và im lặng ấy, Thiên Chúa mới có thể được nghe: một lời mời gọi đi vào sự thực của chính mình, vì các mặt nạ đã rơi xuống. Không thể đi vào hoang địa thực sự, ta nên tạo một “hoang địa” cho chính mình để rút lui vào đó thì mới có thể gặp gỡ Thiên Chúa cách đích thực sâu xa, nên lợi dụng mùa Vọng này để đề ra một thời gian cô độc đều đặn, hầu gặp được Đấng mà Gio-an Tẩy giả gọi tên là: “Đấng đang đến!”… “hùng mạnh hơn”… “xứng đáng hơn”… “Đấng rửa anh em trong Thánh Thần”. Nếu chúng ta quyết định hoán cải, Thiên Chúa sẽ không còn là khách bàng quan: Người sẽ dìm chúng ta trong Thần khí của Người.

Lm Phêrô Phan Văn Lợi