Tin Mừng Lc 10,38-42
Khi ấy, Đức Giê-su vào một làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mác-ta đón Người vào nhà. Cô có người em gái tên là Ma-ri-a. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy. Còn cô Mác-ta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!”
Chúa đáp: “Mác-ta! Mác-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất, và sẽ không bị lấy đi”.
************************************
ĐÓN TIẾP ĐỨC KI-TÔ
Một đan sĩ trẻ thắc mắc về câu khẩu hiệu của dòng: “Cầu nguyện và làm việc”. Vì vậy hôm nọ, vị đan viện phụ mời thầy chèo thuyền qua hồ cùng với ngài. Viện phụ chèo trước, nhưng với một mái chèo thôi. Hậu quả là chiếc thuyền cứ xoay lòng vòng, và họ chẳng tiến được chút nào hết. Đan sĩ trẻ liền nói: “Thưa cha, nếu không chèo bằng hai mái chèo, cha chẳng đến được đâu cả”. Viện phụ bấy giờ mới đáp: “Con có lý! Mái chèo bên phải là cầu nguyện, mái chèo bên trái là làm việc. Nếu không dùng cả hai một lượt, con sẽ xoay lòng vòng thôi”. Ở đây, ta nhớ lại lời thánh Phan-xi-cô Sa-lê-di-ô: “Mỗi Ki-tô hữu cần nửa giờ cầu nguyện riêng mỗi ngày, ngoại trừ khi chúng ta bận rộn; vì thế chúng ta cần một giờ”.
Câu chuyện trong bài Tin Mừng hôm nay cũng nói lên chúng ta chân lý ấy, qua thái độ của hai người bạn Đức Giê-su và qua câu tuyên phán của chính Người. Đức Giê-su lúc ấy đang trên đường lên Giê-ru-sa-lem, thực hiện một cuộc hành trình chiếm rất nhiều chỗ trong trình thuật của Lu-ca thánh sử. Hơn mười chương dài (Lc 9,51 đến 19,29). Nơi Chúa nhật 13, chúng ta thấy ngay sau khi được công nhận như Đấng Ki-tô của Thiên Chúa, Đức Giê-su đã quả quyết lên đường đi Giê-ru-sa-lem (x. Lc 9,51). Chúa nhật 14, chúng ta chứng kiến sứ vụ của 72 môn đồ (x. Lc 10,1-20). Chúa nhật mới rồi, chúng ta đã ở trên đường Giê-ri-cô, 30 km cách Giê-ru-sa-lem, để nghe dụ ngôn người Sa-ma-ri nhân hậu (x. Lc 10,25-37). Hôm nay, chúng ta dừng lại tại một ngôi làng không được gọi tên, song chính là Bê-ta-ni-a, cách trung tâm thủ đô 3km. Suốt trên con đường này, Lu-ca cho ta thấy Đức Giê-su đã tâm sự nhiều với môn đệ, chắc để chuẩn bị họ sống thời gian sắp tới, khi Người sẽ chẳng còn ở với họ nữa. Nói như thế có nghĩa là các giai thoại và lời tuyên phán đánh dấu từng quãng cuộc đăng trình này đều quan trọng.
1. Trước hết bằng cách nghe lời Người
Khác hẳn với lần Đức Giê-su bị đối xử tệ bạc trong một thôn làng xứ Sa-ma-ri, hôm nay Người gặp được một ngôi nhà hiếu khách. Người quả không luôn bị xua đuổi, chẳng mãi lang thang trên đường… Có lúc Người dừng lại tại nhà bạn hữu để nghỉ ngơi, trò chuyện, chẳng vội vàng… thời gian dành cho tình bạn chẳng phải là thời gian mất đi!
Trên sườn đồi, cạnh con đường bụi bặm, ngôi nhà Người biết đang ở đó. Gần bên cửa sổ có chấn song, một cây táo trổ hoa đang tỏa hương ngào ngạt. Hôm ấy là mùa xuân và lễ Vượt qua đến gần. Đức Giê-su gõ cửa. “Shalom! Chào Thầy! Ô, vui quá, xin mời Thầy vào!”. Mác-ta và Ma-ri-a xuất hiện. Đó là hai chị em ruột. Họ có một em trai nữa, La-da-rô. Các Tin Mừng nói đến họ ba lần, và trong cảnh nào cũng thế, mỗi người bày tỏ tính khí điển hình của mình không thay đổi: Mác-ta hoạt động, Ma-ri-a hiền hậu. Thánh Gio-an, trong một câu ngắn, cho chúng ta biết: “Đức Giê-su quý mến cô Mác-ta cùng hai người em là cô Ma-ri-a và anh La-da-rô” (Ga 11,5). Dịp gia đình họ gặp tang, Gio-an nói Đức Giê-su đã khóc. Một lần khác, người ta thấy Mác-ta cũng đang dọn bữa, còn Ma-ri-a cũng “ngồi dưới chân Người” (Ga 12,2-3). Như thế, Đức Giê-su đã từng có vài bạn nữ. Chính tại nhà họ mà Người trở lại mỗi chiều trong tuần cuối cùng của mình trước khi chết (x. Mt 21,17; 26,6; Mc 11,11; Lc 19,29; Ga 11,1.18; 12,1). Thành thử đây ít nhất là một nơi Đức Giê-su đã có thể thưởng thức sự dịu dàng của tình bạn.
“Ma-ri-a ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy. Còn Mác-ta thì tất bật lo việc phục vụ”. Hình tượng thật đẹp! Phải im lặng chiêm ngắm cảnh này càng lâu càng tốt. Cố gắng tưởng tượng mình đang ở trong căn phòng. Cố gắng tái dựng các cử chỉ, các chuyển động, các tiếng ồn, các mùi vị, các màu sắc, các khuôn mặt, các cõi lòng.
Đức Giê-su trò chuyện cùng Ma-ri-a đang ngồi bệt xuống đất dưới chân Người, đôi tai chăm chú. Họ nói gì với nhau? Giọng Người thế nào? Phải chăng Người kể lại với cô lần nữa dụ ngôn người Sa-ma-ri nhân lành? Phải chăng Người giải thích cho cô lần nữa các mối phúc? Phải chăng Người không ngớt nói lại với cô cách Người quan niệm các cội nguồn của hạnh phúc đích thật? Hay đúng nhất là Đức Giê-su đã thì thầm tâm sự với Ma-ri-a về cái chết và sự phục sinh của Người? Người lên “Giê-ru-sa-lem” chính là vì thế! Tâm tư Người đầy ứ chuyện này. Người đã nhiều lần thử chia sẻ ưu tư của mình với môn đệ, nhưng xem ra họ vẫn không hiểu. Với Ma-ri-a, biết đâu khi nghe tâm sự này, lại chẳng có một đồng cảm nhiệm mầu và tuyệt diệu do tình bằng hữu tạo ra? Dẫu sao, nhờ Mác-cô và Gio-an, chúng ta biết rằng người phụ nữ đầy trực giác này đã hiểu hơn những kẻ khác mầu nhiệm an táng và phục sinh của Đức Giê-su. Đức Giê-su sẽ trở lại Bê-ta-ni-a, ở nhà cô, trong những ngày trước lễ Vượt qua, và Ma-ri-a, rất dịu dàng, sẽ thực hiện trước một kiểu ướp xác bằng hương liệu…
2. Sau đó bằng cách phục vụ anh em
“Mác-ta tiến lại mà nói: ‘Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!’” Sự can thiệp này của Mác-ta nêu bật tất cả điểm khác biệt giữa hai chị em. Trước khi nghe Đức Giê-su trả lời, chúng ta chớ có dèm pha Mác-ta mà cần tỏ lòng khâm phục cô đã. Không nên đặt đối lập Mác-ta với Ma-ri-a. Mác-ta có ích. Việc phục vụ của cô là cần thiết. Đức Giê-su cũng được tôn vinh qua mọi thứ tình yêu “phục vụ” con người… “Các ngươi đã cho Ta ăn, các ngươi đã cho Ta uống, hãy đến hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc” (Mt 25,34).
“Chúa đáp: Mác-ta! Mác-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá!” Chúng ta không thể không nhận thấy sự long trọng của tước hiệu được Lu-ca dùng ba lần này: “Chúa”. “Chúa” chỉ Đức Ki-tô vinh hiển sau Phục sinh. Điều đó cho thấy quang cảnh chẳng những muốn kể cho chúng ta nghe một giai thoại lịch sử, dù thú vị. Một lần nữa, chúng ta đứng trước một “mạc khải”. Người sắp nói chính là Chúa vinh quang. Điều Người sắp nói rất quan trọng và phải được đón nhận “trong đức tin”. Tất cả trình thuật đi trước, mà dầu sao rất đơn giản, hướng đến lời tuyên phán sẽ thốt ra tự miệng Người.
Có thể ta đã chờ đợi Đức Giê-su kêu mời Ma-ri-a tỏ ra lịch sự với chị. Trong những trường hợp như vậy, Đức Giê-su đã thường yêu cầu chúng ta “phục vụ”, yêu mến. Rõ ràng, câu trả lời của Người ở đây nằm trên một mức độ khác hẳn. Đức Giê-su trách Mác-ta quá lo lắng và bận rộn. Đây là một trong những chủ đề ưa thích của Người. Người đã từng nói “các lo lắng và chuyện đời” có thể bóp nghẹt Lời Chúa được gieo trong một tâm hồn nào đó (x. Lc 8,14). Người sẽ yêu cầu các môn đệ chớ lo lắng về thức ăn áo mặc (x. Lc 12,22-26). Người sẽ chỉ thị cho các nhà truyền giáo là chớ lo lắng chuyện tự vệ khi họ bị cáo trước tòa án thế gian (x. Lc 12,11). Người sẽ nói là chớ “để lòng mình ra nặng nề vì lo lắng sự đời” trong khi chờ Con Người đến (x. Lc 21,34). Này bạn! chớ quên điều chủ yếu, Đức Giê-su bảo.
Điều Đức Giê-su kết án nơi Mác-ta không phải là công việc lẫn nhiệt tình đón tiếp của cô… nhưng là sự căng thẳng và bận rộn thái quá mà cô đặt vào đó. Hiển nhiên có một sự bực bội nào đấy khiến ta khép kín trong chính mình. Hãy đón nhận từ Chúa lời mời gọi của Người là biết chậm lại. Chúng ta trải qua thời giờ trong chạy nhảy, máy động, hối hả (sống vội). Thời gian nghỉ hè có thể càng trở thành thời gian để tìm lại sự quân bình của ta, để “sống” thay vì chạy! Này bạn! chớ quên điều chủ yếu, Đức Giê-su bảo.
Vậy cái duy nhất cần thiết ấy là gì? Đó là làm những gì Ma-ri-a làm: “Ngồi bên chân Chúa, nghe lời Người dạy dỗ”. Khi khẳng định cách triệt để và mạnh mẽ rằng đó là cái duy nhất chủ yếu của con người, Đức Giê-su đã ban một mạc khải. Vâng, Lời Chúa phải đi trước mọi ưu tư trần tục. Trong nhiều cơ hội khác, Đức Giê-su đã đưa ra cho ta cũng một đòi hỏi tương tự: “Người ta không chỉ sống nhờ cơm bánh” (Lc 4,4). “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy” (Ga 4,34). Này bạn! chớ quên điều chủ yếu, Đức Giê-su bảo.
Đức Giê-su thành thử không gièm pha việc “phục vụ” Mác-ta cống hiến bằng cách bận rộn lo việc bếp núc. Nhưng ngay cả cái có giá trị nhân bản nhất cũng phải bỏ mà “theo Người” (x. Lc 5,11; 18,22; 9,61). Nghe Lời Chúa! Đấy là bổn phận đầu tiên của con người, của Ki-tô hữu. Đó là điều cần thiết duy nhất, tuyệt đối, triệt để, Đức Giê-su dạy. Có cầu nguyện thâm trầm thì mới phục vụ hữu hiệu. Có sống sâu xa với Chúa mới không sống hời hợt với con người. Có biết quỳ gối trước Thiên Chúa thì mới đứng thẳng trước thế gian. Một thánh lễ sốt sắng khởi đầu cho một ngày sống anh hùng… Và đây không phải là lần đầu tiên hay lần cuối cùng Người khẳng định điều này. Không nghe Lời Chúa, đó là xây nhà trên cát (x. Lc 6,47-49). Nghe Lời Chúa, đó là trở nên một mảnh đất sinh hoa quả (x. Lc 8,4.15). Hạnh phúc duy nhất đích thực của Bà Ma-ri-a, thân mẫu Đức Giê-su, chẳng phải là làm mẹ Người, nhưng là “nghe Lời Chúa và đem ra thực hiện” (x. Lc 11,27-28). Chúng ta yêu nghe Lời Chúa như thế nào? Phải chăng đó là “phần tốt nhất” của ngày sống chúng ta? Đâu là các ưu tiên của chúng ta? Đâu là điều chủ yếu?
Lm. Phê-rô Phan Văn Lợi