Được cứu độ nhờ tin – Suy niệm Chúa Nhật 4 Mùa Chay – Năm B

12/03/2021

Tin Mừng Ga 3,14-21

Khi ấy, Đức Giê-su nói cùng ông Ni-cô-đê-mô rằng : “Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.

“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án ; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa. Và đây là bản án: ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách. Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ : các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa”.

************************************

ĐƯỢC CỨU ĐỘ NHỜ TIN

Khi người Mỹ bắt đầu có chương trình du hành thám hiểm mặt trăng mang tên Apollo (1967-1972), các kỹ sư đã thiết kế những bộ quần áo đặc biệt dành cho các nhà phi hành. Mỗi bộ quần áo có một bình tiếp nạp dưỡng khí nằm phía sau lưng (y như bình dưỡng khí của thợ lặn). Bình tiếp nạp dưỡng khí cho phi hành gia trong phi thuyền điều khiển được đặt tên là J3:16 (phi thuyền điều khiển là phi thuyền bay quanh quỹ đạo mặt trăng để thả phi thuyền đổ bộ xuống mặt trăng và chờ ráp nối với phi thuyền này sau khi hoàn thành nhiệm vụ). Còn bình tiếp nạp dưỡng khí dành cho phi hành gia đổ bộ được đặt tên là J3:17. Kỹ sư thiết kế Frank Denton cho biết rằng tên hai bình dưỡng khí ấy có nghĩa là Gio-an (John trong tiếng Anh) 3,16 và Gio-an 3,17. Ông lý luận : bình tiếp nạp J3:16 và J3:17 cung cấp cho các phi hành gia những gì cần để tồn tại trong hành trình di chuyển trong không gian y như hai câu Tin Mừng Ga 3,16 và 3,17 (mà chúng ta đọc hôm nay) cung cấp cho chúng ta những gì cần để tồn tại trong cuộc hành trình từ đương thế về quê trời.

1. Thiên Chúa đã ban ơn cứu độ trong Đức Ki-tô

Bài Tin Mừng hôm nay bắt đầu với lời mời gọi hãy “nhìn ngắm”, “ngước mắt xem” một hình ảnh. Thánh Gio-an sử dụng một hoài niệm Kinh Thánh. Suốt “bốn mươi” năm đi trong hoang địa, dân Hip-ri từng bị một kẻ thù đáng sợ tấn công, một loài rắn có vết cắn “như lửa” (Ds 21,6.9). Mô-sê vì thế đã phải làm một “y hiệu”, một con rắn đồng chữa trị, treo lên một cây gậy (hình ảnh này được các y sĩ lấy làm biểu hiện mãi tới ngày nay). Để ai nhìn vào mà lòng tin tưởng Thiên Chúa thì sẽ được cứu thoát (x. Kn 16,7).

“Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời”. Vâng, thánh Gio-an kêu mời chúng ta nhìn lên “thập giá”. Phải dám nhìn “kẻ bị đóng đinh” này, kẻ được “giương cao” trước mắt chúng ta. Gio-an đã chọn từ “giương cao” (“upsothènai” trong Hy ngữ) để nói Đức Giê-su vừa bị “giương cao” trên thập giá, vừa được “giương cao” bên hữu Chúa Cha nhờ cuộc phục sinh và lên trời (x. Ga 3,14; 8,28; 12,32.34).

Vâng, thánh Gio-an đã chẳng bao giờ có thể quên ngày ấy, quang cảnh ấy, mà chúng ta quá quen thuộc. Kể từ đó, suốt 60 năm, ông đã suy niệm “hình ảnh” này, và hôm nay tặng cho chúng ta kết quả cuộc suy niệm lâu dài và thấm thía của ông. Đối với Gio-an, “thập giá” và “phục sinh” là cũng một mầu nhiệm, được ông diễn tả qua từ mang nghĩa kép ấy: “Đức Giê-su đã được giương cao khỏi đất”. Bị đóng đinh = được tôn vinh. Đối với Gio-an, Thăng thiên bắt đầu từ Thứ Sáu thánh. Phần chúng ta, chúng ta luôn tiếp tục chờ Thiên Chúa tỏ “Vinh quang” của Người trong không biết cử chỉ đắc thắng huy hoàng nào đây! Nhưng đối với Gio-an, kẻ đã thấy quang cảnh, chính Thập giá là Vinh quang Thiên Chúa ! (x. Ga 12,23.32; 13,31).

Thành thử đến lượt mình, chúng ta cũng phải ngước nhìn Đấng đã được “giương cao” giữa trời với đất mà cầu nguyện. Cái chết tự do này sẽ mãi mãi là “tuyệt đỉnh tình yêu”: của Con đối với Cha, và tuyệt đỉnh tình yêu của Người Anh phổ quát với đàn em tội lỗi. Cây thập giá gỗ lớn lao này, trên đó một thân người máu me đang bị hành hạ, là một “tuyệt đỉnh khổ đau và chết”, nhưng cũng là tuyệt đỉnh của mạc khải thần linh. Phải mở lớn đôi mắt mà ngắm hình ảnh này. Nhưng cũng phải khép mắt để “thấy” cái vô hình, mà cảnh tượng này là “dấu chỉ”: tình yêu tột độ đốt cháy trong quả tim con người ấy. “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì những kẻ mình thương” (Ga 15,13). Nhưng tình yêu tột độ xâu xé con người Giê-su ấy cũng chính là “dấu chỉ” của một tình yêu tột độ khác, tình yêu của Chúa Cha : “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình” (Ga 3,16).

Nhưng tại sao “Thiên Chúa lại yêu thế gian” như vậy? Nó đã chẳng ra thối nát, không còn có thể chạy chữa, như một số kẻ bi quan thời này nghĩ sao ? Ai sáng suốt mà lại không thấy thế gian đầy cảnh bạo hành, bắt cóc con tin, ích kỷ cá nhân tập thể, đồi bại luân lý, người bóc lột người, công luận bị trấn áp, mất lương tâm nghề nghiệp, quảng cáo hay tuyên truyền dối trá, im lặng xuôi chiều vì chẳng dám đương đầu, tâng bốc kẻ quyền thế để kiếm chút ân huệ v.v… Thiên Chúa cũng thấy tất cả những cái đó! Tuy nhiên, Người vẫn yêu thế gian, không cam chịu tội ác của nó, vẫn muốn cứu nó hoàn toàn. Người trái ngược với chúng ta. Thế gian đôi khi xem ra rất tệ hại ấy, hư hỏng ấy, Thiên Chúa vẫn yêu nó. Thiên Chúa say mê tạo vật dở dang mà Người đang dẫn tới hoàn thiện… Thế gian không phi lý. Nếu chấp nhận cái nhìn của T. Chúa, một “cái nhìn tình yêu”, lúc đó thay vì tiếp tục rên rỉ, chúng ta đến lượt mình sẽ hiến thân cho mọi anh em.

Như “Thiên Chúa đã ban Con Một”: Hai động từ diễn tả thái độ của Thiên Chúa : “yêu” và “ban”! Cũng hãy chú ý đến tính từ áp dụng cho Đức Giê-su : “độc sanh” “con một” (“monogénès” trong Hy ngữ). Từ này chỉ mình Gio-an sử dụng. Nó được lấy lại trong kinh Tin kính của chúng ta. Nó đưa chúng ta qua bên kia các dáng vẻ nhân trần : Đức Giê-su là con Thiên Chúa cách tuyệt đối độc nhất vô nhị. Ngoài ra, từ này còn khiến ta nhớ tới một câu chuyện Kinh Thánh. Trong ký ức của dân Ít-ra-en, có hoài niệm về một “con độc sanh” khác, được cha yêu dấu, và người cha đầy tình yêu đó đã chấp nhận “sát tế”, “trao ban” con mình: câu chuyện Áp-ra-ham với con là I-xa-ác hẳn đã hiện diện trong tư tưởng vị thánh sử (x. St 22,2-16).

2. Nhưng con người phải biết tự do đón nhận.

“Để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”. Thiên Chúa là “Đấng hằng sống” tiêu biểu. “Sự sống” là cái tốt lành nhất con người có được. Thiên Chúa đã quyết định thông ban sự sống của Người, của riêng Người, sự sống thần linh, sự sống vĩnh cửu. “Ý muốn cứu rỗi tất cả” của Thiên Chúa thật rõ ràng, mặc dầu để ơn cứu độ này nên hữu hiệu, con người phải đón nhận “hồng ân” đó. Hiển nhiên không thể tưởng tượng được cảnh một con người nào đó lại bị ép buộc phải sống “bên cạnh một Thiên Chúa” mà mình quyết liệt từ chối. Nếu thế thì thật là một “hỏa ngục”. Và Thiên Chúa tôn trọng tự do của con người: ai không muốn mọi sự sống Người ban cho tất cả, thì tùy họ, nhưng họ sẽ ở trong cái chết. Ai có thể quyết liệt từ chối như vậy chăng ? Đó là bí mật kinh khủng của cái chết, của cái lúc con người được thoát khỏi các tăm tối trần gian này để thấy mình “đối diện với Đấng Tối Cao”.

“Vì Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ…” Đoạn văn này khá làm ta chóng mặt. Nó khẳng định hai chuyện : 1- Thiên Chúa không kết án ai song muốn cứu rỗi mọi người, vì Người yêu họ tất cả. 2- Chính con người tự phán xét và tự kết án khi quyết liệt từ chối Thiên Chúa. Như thế, việc “kết án” không phải là một hành vi bên ngoài con người, ngược lại là hậu quả đương nhiên của thái độ từ chối tình yêu Thiên Chúa biểu lộ qua việc “ban Con Một”. Phần Thiên Chúa, Người đã làm tất cả. Để cứu thoát, Người đã đi đến cùng. Tất cả xảy ra như thể việc “kết án” này không thuộc thế giới của Thiên Chúa, song là một thực tại bên ngoài Vương quốc : những ai từ khước cuộc “đối diện” ngập tràn ánh sáng thì tự biến mình thành một thế giới “bên ngoài” Thiên Chúa, một thế giới chết, một thế giới thiếu sự sống vĩnh cửu. Và đó chính là “thảm kịch vô thần” hiện đại. Thành thử nếu muốn kéo dài sứ mạng Đức Giê-su, chúng ta cũng không được kết án ai, mà chỉ muốn cứu rỗi mọi người, làm tất cả mọi chuyện vì điều ấy. Ai phán xét anh em mình, thì làm ngược lại với Thiên Chúa… Kẻ ấy đặt mình ra ngoài thế giới của Thiên Chúa, “Đấng không đến để xét xử”.

“Nhưng kẻ sống theo sự thật” sống cho tình yêu, “thì đến cùng ánh sáng”, được đi vào cõi ánh sáng ngàn thu. Niềm vui của “kẻ tin” rốt cục chính là nếm trước niềm vui vĩnh cửu được “thấy Thiên Chúa diện đối diện”. Với kẻ ấy, cuộc sống vĩnh cửu đã bắt đầu rồi ; kẻ ấy đã biết Thiên Chúa yêu hết mọi người, đã sống tình yêu đó mỗi ngày và không ngớt tạ ơn về điều đó… Và “cuộc sống vĩnh cửu” đã bắt đầu như thế là một cuộc sống năng động. Đã từ lâu, đã lắm lần Ki-tô hữu nói đến sự sống vĩnh cửu bằng một ngôn ngữ và những hình ảnh gần với Niết bàn Phật giáo hơn với quan niệm của thánh Gio-an : “nghỉ ngơi muôn đời”! Đối với Tin Mừng thứ tư, đó là một “sự sống” ngập tràn hoạt động và niềm vui, chứ không phải một cảnh an nhàn nhạt nhẽo: “Ai làm sự thật thì đến cùng ánh sáng” (dịch sát bản văn Hy lạp). Sống là hành động, là sinh ra những “hành vi”, “công trình”, tác phẩm”. Không những ở trên trần thế mà còn trên cả thiên quốc. “Công việc của con người” được coi như “công việc của Thiên Chúa” là vậy : “Tôi muốn về trời để làm mưa hoa hồng trên cõi thế” (Têrêxa Hài Đồng). Chúng ta vào Thiên Đàng để yêu thương cách tràn đầy, bất tận.

Lm. Phêrô Phan Văn Lợi