Được Thiên Chúa yêu – Suy niệm Lễ Chúa Ba Ngôi – Năm A

02/06/2023

Tin Mừng Ga 3,16-18

Khi ấy, Đức Giê-su nói cùng ông Ni-cô-đê-mô rằng: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án ; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa.”

************************************

ĐƯỢC THIÊN CHÚA YÊU

Đã phải có nhiều thế kỷ Công đồng, Giáo hội mới định nghĩa chính xác mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa[1]: Cha sinh ra và yêu thương Con như hình ảnh của mình; Con yêu thương Cha, Đấng sinh ra mình giống Cha; và Thánh Thần là tình yêu giữa hai Ngôi Vị. Song cả 3 chỉ là một Thiên Chúa. Nhưng tất cả đã được ban ngay từ đầu trong Tin Mừng rồi, đặc biệt Tin Mừng Gio-an. Cuộc đàm thoại với Ni-cô-đê-mô, mà bài đọc hôm nay là một trích đoạn ngắn, giúp chúng ta khám phá một điều chủ yếu: “tranh luận về mầu nhiệm” chẳng được việc gì. Ni-cô-đê-mô đại diện cho giới trí thức Do-thái, ông là “bậc thầy trong dân Ít-ra-en” (Ga 3,10)… thế mà ông vẫn không hiểu ! Mầu nhiệm Ba Ngôi trước hết chẳng phải là chuyện trí tuệ hóc búa, nhưng là một thực tại đơn giản: Thiên Chúa là tình yêu ! Và tình yêu này đã mang lấy một bộ mặt: Đức Giê-su trên thập giá.

1. Tình yêu điên rồ: hy sinh con một.

“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi…” Ít-ra-en xưa biết Thiên Chúa luôn yêu thương, bằng chứng là tất cả Cựu Ước. Bài đọc thứ nhất đã cho ta nghe mạc khải này: “Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34,6). Vâng, tất cả Thánh Kinh đều biết tình yêu Thiên Chúa, nhưng đã chẳng ai đoán được tình yêu đó sẽ đi đến đâu ! Trạng từ “đến nỗi” nay tiên báo tình yêu ấy sắp làm những chuyện điên rồ: Thiên Chúa đã ban cho chúng ta Người Con Một. Chữ “một” này nhắc nhở một đoạn Cựu Ước đã in vào tâm trí những ai năng đọc Kinh Thánh: vị đại tổ phụ của những kẻ tin là Áp-ra-ham đã chấp nhận hy sinh “con một mình” (St 22,2-16). Biến cố đồi Gôn-gô-tha như thế là sự “hiến thân trọn vẹn”, dấu chứng tình yêu cao cả. Thánh Phao-lô cũng từng viết: “Chính Con của mình, Thiên Chúa đã không tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta” (Rm 8,32).

Thiên Chúa đi bước trước. Người đã yêu thương đầu tiên. Mọi sáng kiến là từ Người. Nhưng chúng ta biết, để có tình yêu, không chỉ cần tuyên bố, bước trước, ra dấu chỉ một phía… Phải có trao đổi, đón nhận, trả lời… Đức tin là câu trả lời vậy: “Để ai tin thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” Cái được mất của đức tin hết sức quan trọng: “sinh” hay “tử”. Đây là một chọn lựa dứt khoát, một thế đôi ngả triệt để và tàn nhẫn. Hoặc chấp nhận “hồng ân Thiên Chúa” để đạt tới sự sống vĩnh cửu vốn là của Người. Hoặc dừng ở thế giới phàm nhân mà chắc chắn sẽ đi đến chỗ tuyệt diệt.

2. Hiệu quả tuyệt diệu: cứu rỗi tác sinh.

Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con của Người, mà được cứu độ.” Tư tưởng này của Đức Giê-su thật có tính chất cách mạng. Trong Do-thái giáo đương thời, người ta thường loan báo Thiên Chúa sẽ đến tiêu diệt thế giới tội lỗi. Các thủ bản ở Qum-ran đầy rẫy quan niệm ấy: trong một cuộc chiến tàn nhẫn, con cái của ánh sáng sẽ tiêu diệt con cái của tối tăm. Gio-an Tẩy giả cũng chờ đợi một Đấng Thiên sai kết án và trừng phạt (x. Mt 3,10-12).

Nhưng thế giới quan Ki-tô giáo thì khác hẳn. Đấy chẳng phải là một cái nhìn lạc quan, bịt mắt trước sự ác và không nghe khát vọng mênh mông về một “thế giới tốt hơn” cho loài người… cũng chẳng phải là một cái nhìn bi quan, chuyên lặp đi lặp lại rằng thế giới hoàn toàn xấu xa đồi trụy (như giáo phái “Chân lý tối cao” AUM của giáo chủ Shoko Asahara bên Nhật từng quan niệm nên cho rằng phải góp phần hủy diệt nó, và họ đã thực hiện việc này bằng cách rải khí độc sarin tại năm ga tàu điện ngầm trong giờ cao điểm ở Tokyo hồi năm 1995 khiến 13 người thiệt mạng và hơn 1.000 người phải nhập viện)… nhưng là một cái nhìn “cứu rỗi”, thừa nhận sự ác của thế gian “không phải để kết án, nhưng để cứu chuộc” !

Chúng ta có là môn đệ của Đức Giê-su ấy không ? Có yêu thế gian như Thiên Chúa, nghĩa là bằng cách chiến đấu chống sự ác và tội lỗi của thế gian để giải thoát nó ? Các tình yêu của chúng ta có tính chất “cứu chuộc” không ? nghĩa là luôn thực tế và sáng suốt về các khiếm khuyết và tội lỗi vốn làm méo mó bộ mặt của anh em ta (và của chính ta !)… nhưng cũng đầy thương xót để giúp họ ra khỏi đó và đem một cơ may đổi mới đến cho họ…

3. Điều kiện cơ bản: tin Đấng Thiên sai.

Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án ; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi.” Đối với Đức Giê-su, đức tin giúp thoát khỏi bị lên án. Nhưng phải chăng câu này mâu thuẫn với câu trên ? Không ! Chớ hiểu từ “lên án” như một sự trả thù của Thiên Chúa đối với kẻ chẳng tin Đấng Cứu Thế, nhưng như một thái độ tự quyết của con người với các hậu quả kèm theo. Hãy hình dung cuộc sống như việc leo lên một đỉnh núi qua con đường đèo (đèo Hải Vân chẳng hạn). Nếu bạn muốn tới đỉnh (nơi Thiên Chúa đứng chờ), thì chỉ có cách đi giữa đường đèo (tin vào Đức Ki-tô, con đường duy nhất); lệch qua phải thì tông vào vách núi, lệch qua trái thì rơi tòm xuống vực thẳm. Khi tai họa xảy tới vì bạn “không tin” con đường đèo thì trách nhiệm thuộc về ai ? Dĩ nhiên, mới nghe, ta thấy những lời Đức Giê-su vừa nói thật cứng cỏi, vì nghĩ đến vô số kẻ “không tin” ta gặp trong gia đình hay ngoài xã hội, trong thế giới bao la, nơi nhiều nền văn minh rộng lớn hoàn toàn ở ngoài khả năng biết Đức Giê-su. Tuy nhiên, hãy phân biệt:

* Đối với các Ki-tô hữu đã thật sự “tuyên xưng đức tin”, thì lời cảnh báo nghiêm khắc (chớ chối bỏ đức tin đã được ban tặng) là một tiếng gọi hãy thường xuyên lặp lại việc tuyên tín ấy, bằng cách mỗi ngày chọn sống “theo Đức Giê-su Ki-tô”, nghĩa là “hiến mạng vì tình yêu, như Người !”

* Còn về tất cả mọi kẻ khác, vốn đã chẳng bao giờ có cơ hội chọn theo Đức Giê-su một cách thật sự ý thức, cá nhân, trưởng thành… thì cái mà chúng ta biết về tình yêu Thiên Chúa khiến ta hy vọng rằng nhiều người trong họ “không theo” Đức Giê-su cách minh nhiên thì có thể đã “theo” cách mặc nhiên khi sống cuộc đời của họ “đúng ý Đức Giê-su Ki-tô” nghĩa là cũng “hiến mạng vì tình yêu như Người” (ví dụ nhà hiền triết Mahatma Gandhi, người chủ trương thuyết bất bạo động; bác sĩ Bernard Kouchner, người sáng lập tổ chức “Bác sĩ không biên giới”…).

Chấm dứt cuộc suy niệm, chúng ta hiểu hơn rằng tại sao trang này đã được chọn đọc lễ Ba Ngôi hôm nay. Trong Tin Mừng, Ba Ngôi không phải là một vấn đề lý thuyết và trừu tượng… nhưng là một thực tại tình yêu, trong đó người ta đi vào để sống ngay từ hôm nay nhờ tin vào Đức Giê-su. Muốn hiểu mầu nhiệm này, bạn chỉ có một cách là yêu thương như Thiên Chúa: liên kết hợp nhất với mọi người, hiến mạng sống mình cho tha nhân, tôn trọng anh em với tất cả những khác biệt của họ.

– – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – –

[1] Ngoài những bản Tuyên xưng đức tin vào Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần dùng khi cử hành bí tích Rửa tội (cô đọng lại thành kinh Tin kính), Giáo Hội còn long trọng tuyên xưng đức tin về thiên tính của Đức Ki-tô trong các Công đồng Ni-xê-a (325), Ê-phê-sô (431), Can-xê-đô-ni-a (451); tuyên xưng đức tin về thiên tính của Thánh Thần trong Công đồng Công-tan-ti-nô-pô-li I (381).

Lm. Phê-rô Phan Văn Lợi