Gánh nặng của Đức Giêsu – Suy niệm Chúa Nhật 14 thường niên – Năm A

07/07/2023

Tin Mừng Mt 11,25-30

Khi ấy, Đức Giê-su cất tiếng nói : “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết mầu nhiệm Nước Trời, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.

“Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha ; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con, và kẻ mà người Con muốn mạc khải cho.

“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.”

************************************

GÁNH NẶNG CỦA ĐỨC GIÊ-SU

1. Thiên Chúa đã đến cất gánh nặng của con người.

Chưa bao giờ Đức Giê-su nói với Thiên Chúa một cách vừa thân tình vừa trang trọng như thế : “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất.” Chúng ta đang ở vào một trong những lúc quyết liệt nhất của Tin Mừng. Vị Chúa Tể trời đất ấy, Đức Giê-su cho thấy là mình biết Người cách mật thiết đến độ chúng ta có thể qua đó nhận ra được những tia sáng đầu tiên của một mầu nhiệm khôn dò : trong Thiên Chúa duy nhất có nhiều chuyển động tình yêu, nhiều “tương quan” mà chúng ta diễn tả bằng những từ ngữ : Cha, Con và Thánh Thần. Kiểu gọi Thiên Chúa như thế khai mở một cuộc cách mạng tôn giáo thực sự. Tất cả Cựu Ước và toàn bộ văn chương Do-thái đã chẳng bao giờ dám sử dụng tiếng xưng hô “Lạy Cha” (Abba: dịch sát là “Ba ơi”) đối với Đấng Vĩnh Cửu. Thiết tưởng nên dừng lại một phút để thờ lạy và cảm tạ vì những ánh sáng từng bất khả đạt đối với chúng ta như thế : “Không ai, Đức Giê-su nói, biết được Chúa Cha trừ người Con, và kẻ mà người Con muốn mạc khải cho.”

Chúa Con đã mạc khải Thiên Chúa là Tình Yêu. Và vì là tình yêu trong bản chất mầu nhiệm của Người, vị Thiên Chúa nầy cũng tất nhiên thương mến chúng ta, thương mến những người bé mọn, vì chính Đức Giê-su đã nói : “Lạy Cha, con xin ngợi khen Cha vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết mầu nhiệm Nước Trời, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn”. Mầu nhiệm Nước Trời ở đây chẳng phải là những phương diện riêng biệt hay đặc biệt cao sâu của sứ vụ Đức Giêsu, song là ý nghĩa tổng quát của toàn thể công trình mạc khải của Người. Bậc “khôn ngoan thông thái” ở đây là hạng học thức, chuyên môn, có thẩm quyền trong lãnh vực tôn giáo (x. Is 29,14 và 1Cr 1,19) nhưng lý tưởng của họ ngày càng thoái hóa thành sự hiểu biết có tính cách vật chất lẫn thuần lý về Lề luật và về các truyền thống ráp-bi (giáo sĩ). Họ thường bất thẩm thấu lời giảng của Đức Giêsu, thậm chí chống lại giáo thuyết của Người, đồng thời luôn khinh bỉ -cho là hư vô- đám cùng dân lẫn bọn “tội lỗi” (“thu thuế và đĩ điếm”) ám chỉ qua từ “bé mọn” là những người đã mau mắn thống hối, nhanh chóng tin nhận Đức Giê-su (x. Mt 21,32), những kẻ “nghèo khó trong tinh thần” của Tám mối phúc thật (x. Tv 19,8; 116,6). Phần chúng ta, có lúc chúng ta cũng nghĩ rằng mình chỉ là hư vô. Không đúng ! Thiên Chúa đâu có yêu hư vô; chúng ta vẫn là một cái gì đó và thậm chí còn hơn thế nữa, vì Thiên Chúa yêu chúng ta. Đến sống cuộc đời chúng ta và nếm trải cuộc sống nầy, đặc biệt cuộc sống của những kẻ tầm thường bé mọn, Người đã nói với chúng ta : “Hãy đến cùng Ta, hết thảy những ai đang vất vả mang gánh nặng nề”.

Gánh nặng nào đây ? Gánh nặng của một cuộc đời vốn đã rất gian khổ (vì sinh kế, vì bệnh tật, vì chung đụng, vì lắm bất công, thậm chí đàn áp…) mà trên đó đôi khi người ta còn chất thêm gánh phụ trội là một thứ luật tôn giáo mang tính cách lạm dụng áp chế hay được giảng dạy cách sai lầm (khiến có kẻ đã từ đó cho tôn giáo là thuốc phiện mê dân, là công cụ của giai cấp bóc lột!) Người ta lúc ấy có cảm tưởng khủng khiếp rằng mình không thể tuân theo các quy định, chẳng bao giờ có thể làm đẹp lòng Thiên Chúa, nhìn đâu cũng thấy lỗi, làm chi cũng sợ tội, hình ảnh hỏa ngục cứ ám ảnh không ngớt trong đầu. Như thế là cất đi tự do nội tâm và niềm vui của chúng ta, là giật chúng ta khỏi Thiên Chúa. Nhưng nếu Người là kẻ khiến cuộc sống ta ra nặng nề, thì đâu còn là Thiên Chúa Tình Yêu nữa !

Đức Giê-su đã mạnh mẽ tố cáo những ai khiến hạng bé mọn có lương tâm áy náy như thế: “Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu nói nhưng chẳng làm : họ bó những gánh nặng mà đặt lên vai người ta, nhưng chính họ lại không buồn động ngón tay vào” (Mt 23,3-4).

Có lẽ chúng ta từng bị chấn thương bởi những người ra sức biến chúng ta thành kẻ luôn mang mặc cảm tội lỗi. Thật khó mà thoát khỏi một nền giáo dục tôn giáo vụng về, trình bày Thiên Chúa như một ông Ba Bị và các giới răn như biểu hiện của một ý chí độc đoán. Hình như chỉ có một cách duy nhất là không ngừng trở lại với Đức Giê-su, nhìn Người, nghe Người, hoàn toàn tin tưởng vào Đấng nói với chúng ta : “Phần Ta, Ta có thể cho con sự nghỉ ngơi tuyệt diệu trong bình an với Thiên Chúa”.

2. Để ban cho con người “gánh nặng” của Thiên Chúa.

Nhưng không có bình an với một Thiên Chúa “dổm” luôn luôn bằng lòng về chúng ta với giá rẻ, giá hạ. Đừng tự nhủ: mình cứ phạm tội, chẳng cần chừa cải, Thiên Chúa vẫn luôn thương xót thứ tha mà !?! Nên nhớ sau khi cứu mạng sống và chẳng kết án người phụ nữ ngoại tình, Đức Giê-su vẫn nghiêm khắc nhắc nhở bà: “Chị về đi; từ nay đừng phạm tội nữa!” (x. Ga 8,1-11). Tình yêu Thiên Chúa là một tình yêu đòi hỏi, tình yêu nâng cao, tình yêu muốn cho ta nên thánh ; bình an của Người là một bình an phải chinh phục qua gian khổ, qua việc chiến đấu và chiến thắng ma quỷ, thế gian, xác thịt. Đức Giê-su nói : “Hãy mang lấy ách tôi”. Đây đúng là ách vì là một lề luật. Không ai có thể sống bất cần luật, và luật của Đức Giê-su, luật tình yêu, là luật trói buộc chưa từng thấy, triệt để hơn luật Mô-sê nhiều, chất chứa một đòi hỏi vô biên. Có ai đã dạy một luân lý cao siêu như Người, đưa ra một thang giá trị ngược đời như Người (x. Bài giảng trên núi trong Mt 5-7), thậm chí mời gọi không những bỏ của cải, mà còn bỏ cả bản thân, cả mạng sống để nên môn đệ Người? Nhưng đây là nghịch lý, được Đức Giê-su khẳng quyết kẻo chúng ta khó chấp nhận : “Ách này êm ái, gánh này nhẹ nhàng”. Vì Người ban cho môn đồ sức mạnh để mang ách ấy trong vui tươi, trước đấy còn làm gương cho họ bằng cách sống điều mình đòi hỏi.

Lề luật của Đức Giê-su duy trì chúng ta trong nỗ lực nhưng lại để chúng ta trong bình an. Đó là kinh nghiệm của hết thảy mọi vị thánh, mọi tâm hồn miệt mài bước đi trên con đường tu đức gian khổ với 3 cấp độ lên dần: thanh tẩy, đức chiếu, kết hiệp : “Sẽ đến một ngày bạn nói được như tôi : Lạy Chúa, con tin. Bấy giờ bạn sẽ quên hết mọi lao nhọc. Bạn sẽ tìm thấy niềm vui mà chỉ mình Thiên Chúa mới có thể ban cho, và bên kia niềm vui là sự an bình khôn tả” (Jacques Loew). Và chúng ta lúc ấy cũng sẽ có thể thốt lên như Gio-an thánh sử: “Các điều răn của Người đâu có nặng nề” (1Ga 5,3). Tóm lại, Đức Giêsu chẳng đòi hỏi ít thua các giáo sĩ Do-thái đâu. Người đòi hỏi nhiều hơn nhưng cách khác: lấy tình yêu để thực thi luật tình yêu! Tình yêu làm mọi gánh hóa ra nhẹ nhàng. “Nơi nào có tình yêu, nơi ấy chẳng có gian khổ”, thánh Au-gút-ti-nô từng bảo thế. Nếu một ách làm chúng ta tê liệt và khiến chúng ta buồn nản thì chắc chắn đó không phải là ách của Đức Giê-su!

Chúng ta chỉ gặp ách tạo buồn nản và gây tê liệt khi thay vì đến trường của Người như Người mời gọi: “Hãy học với tôi”, chúng ta học đòi theo những thúc đẩy mù quáng và mâu thuẫn của bản năng con người, những cái nhìn thiển cận và tầm thường của tinh thần thế tục, học đòi theo sự khôn ngoan nhân loại, thứ khôn ngoan tự biết mình không thể ban ý nghĩa đích thực cho cuộc sống và hạnh phúc chân chính cho tâm hồn. Chúng ta chỉ gặp ách tạo buồn nản và gây tê liệt khi thay vì đến trường của Người, chúng ta chạy theo xu hướng gọi là “bình quyền” của trần gian, của thời đại: công nhận hôn nhân đồng tính, đòi cho phụ nữ được lãnh chức tư tế thừa tác, linh mục được lập gia đình… Cuộc khủng hoảng lớn lao hiện giờ trong Giáo hội Đức với gần cả triệu người rời bỏ niềm tin Ki-tô chẳng chứng minh cho cái ách nặng nề, nguy hiểm đó sao? Nhưng nơi trường của Đức Kitô, chúng ta học biết rằng mình là con cái được yêu đang tiến về Chúa Cha, dưới sự dẫn dắt của Chúa Con hiền lành và lòng đầy khiêm nhượng, nhưng cũng với bao nỗ lực của mình.

Thánh tử đạo A-nê Lê Thị Thành (1781-1841) là một chứng minh hùng hồn cho khẳng định vừa nói trên của Thầy Chí Thánh. Bị bắt ngày 14-4-1841 tại làng Phúc Nhạc cùng với nhiều hương chức vì tội chứa chấp “đạo trưởng” Galy Lý, bà bị áp giải về Nam Định. Sáu ngày sau, ra trước công đường, bị quan tòa bắt chối đạo, bà đáp : “Tôi chỉ tôn thờ Thiên Chúa, chẳng bao giờ bỏ đức tin…”. Các quan truyền đánh đòn bà hết sức hung dữ, nhưng bà vẫn tỏ ra kiên trì lì lợm. Tới lần thẩm vấn thứ hai, thứ ba, thấy bà Thành vẫn một lòng trung kiên, quân lính được lệnh vừa đánh vừa lôi bà bước qua Thánh giá. Nhưng bà sấp mình xuống đất, kêu lớn tiếng rằng: “Lạy Chúa, xin thương giúp con, con không bao giờ muốn chối bỏ lòng tin Chúa, nhưng vì con là phụ nữ yếu đuối, nên họ dùng sức mạnh để cưỡng bách con đạp lên Thánh giá này”. Lần tiếp theo ra trước tòa, quan cho túm tay áo bà lại rồi thả rắn độc vào trong, nhưng bà đã giữ được bình tĩnh cách lạ lùng, đứng yên chẳng hề nhúc nhích nên rắn chỉ lượn vài vòng rồi bò ra. Các quan truyền đánh bà dữ hơn nữa rồi giam trong ngục. Nhưng bà đã kiệt sức, đi không nổi, phải có người dìu. Ngoài những cực hình tra tấn nặng nề và ăn uống kham khổ, bà còn phải chịu thêm nỗi đau đớn của bệnh kiết lỵ. Thế nhưng bà vẫn không một chút thở than. Trong giờ hấp hối, người ta thường nghe bà cầu nguyện : “Lạy Chúa ! Chúa đã chịu chết vì con, con hết lòng theo thánh ý Chúa. Xin Chúa tha mọi tội lỗi cho con.” Cuối cùng bà dâng lời sau hết: “Giê-su Ma-ri-a Giu-se ! Con xin phó linh hồn và thân xác con trong tay Ba Đấng, xin ban ơn cho con được tuân theo ý Chúa trong mọi sự.” Bà A-nê đã về nhà Cha trên trời trong tinh thần thánh thiện ấy ngày 12-7-1841, sau ba tháng bị giam cầm vì đức tin.

Lm. Phê-rô Phan Văn Lợi