Tin Mừng Mc 16,1-7
Hết ngày sa-bát, bà Ma-ri-a Mác-đa-la với bà Ma-ri-a mẹ ông Gia-cô-bê, và bà Sa-lô-mê, mua dầu thơm để đi ướp xác Đức Giê-su. Sáng tinh sương ngày thứ nhất trong tuần, lúc mặt trời hé mọc, các bà ra mộ.
Các bà bảo nhau: “Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mộ giùm ta đây?” Nhưng vừa ngước mắt lên, các bà đã thấy tảng đá lăn ra một bên rồi, mà tảng đá ấy lớn lắm. Vào trong mộ, các bà thấy một người thanh niên ngồi bên phải, mặc áo trắng; các bà hoảng sợ ! Nhưng người thanh niên liền nói: “Đừng hoảng sợ! Các bà tìm Đức Giê-su Na-da-rét, Đấng bị đóng đinh chứ gì! Người đã trỗi dậy rồi, không còn ở đây nữa. Chỗ đã đặt Người đây này! Xin các bà về nói với môn đệ Người và ông Phê-rô rằng Người sẽ đến Ga-li-lê trước các ông. Ở đó các ông sẽ được thấy Người như Người đã nói với các ông”.
Vừa ra khỏi mộ, các bà liền chạy trốn, run lẩy bẩy, hết hồn hết vía. Các bà chẳng nói gì với ai, vì sợ hãi.
************************************
GẶP ĐẤNG PHỤC SINH
Một trong những cuốn phim hay nhất của Charlot (tên thật : Charlie Chaplin) và cũng có lẽ là một trong những cuốn phim hay nhất trong lịch sử điện ảnh, đó là cuốn phim mang tựa đề: “Ánh sáng đô thị”. Nội dung nói về cuộc tình của một gã lang thang và một cô gái bán hoa (theo nghĩa đen) bị mù. Ngày ngày nàng đứng bên vệ đường bán hoa cho khách. Trong số khách mua hàng thường xuyên có một tỉ phú còn khách đến ngắm thường xuyên là gã lang thang. Cô gái tưởng chàng là người tỉ phú. Còn chàng thì cố gắng kiếm tiền chữa tật mù lòa của nàng. Một mối tình chớm nở nối kết hai con tim. Chẳng may vì một ngộ nhận, chàng bị cảnh sát giam giữ và sau một thời gian cầm tù, chàng được trả tự do. Chàng trở lại trỗ cũ để tìm người con gái mù, nhưng nàng không còn đó nữa. Nhờ số tiền trước đây chàng gởi tặng, nàng đã chữa lành và nay đứng trông coi một cửa hàng bán hoa rộng lớn. Chàng đi qua đi lại lắm lần nhưng không thể nào nhận ra được người xưa. Tình cờ, một cánh hồng rơi xuống đất. Gã lang thang muốn nhặt lấy kẻo uổng. Người con gái cười như nhạo báng. Chàng định bỏ đi, nhưng chợt nhận ra tiếng cười, chàng quay lại, hỏi một cách nhút nhát: “Cô đã thấy được rồi sao?…”. Người con gái cũng nhận ra giọng nói quen thuộc. Nàng từ từ nhặt cách hoa và gắn lên áo chàng, rồi thốt lên trong xúc động: “Anh đấy sao?” Họ đã nhận ra nhau và từ đó không bao giờ rời nhau nữa.
Đức Giê-su đã cho ta không phải một số bạc nhưng là chính mạng sống Người. Người đã mở sáng không phải đôi mắt xác thịt song là đôi mắt tâm hồn của ta, đã không đưa ta vào “ánh sáng đô thị” nhưng vào ánh sáng thiên quốc nhờ cuộc tử nạn phục sinh của Người.
Mỗi năm, ta nghe lại sứ điệp đó trong trình thuật Phục sinh của mỗi tác giả Tin Mừng. Năm nay, chúng ta đọc “Trình thuật Phục sinh theo thánh Mác-cô”. Trình thuật này chỉ có 8 câu, hết sức vắn gọn.
1. Sao kiếm Đấng Sống nơi nấm mộ?
Mở đầu, Mc nhắc đến tên một số phụ nữ. Ta đã lưu ý tầm quan trọng của họ rồi: theo Mc, chỉ duy mình họ đã dám theo Đức Giê-su đến chân núi Gôn-gô-tha… trong lúc mọi môn đồ nam khác thì bỏ trốn hết (x. Mc 14,50; 15,40). Hãy chiêm ngắm các “chuyên gia” tẩm liệm này, tay đầy những bình hương liệu, đang đi đến mộ từ tảng sáng: các phụ nữ ấy chỉ ưu tư có một điều: tẩm hương liệu một “tử thi”, đặt dấu chấm cho vụ “Giê-su thành Na-da-rét”, làm những nghĩa cử yêu thương cuối cùng đối với một người thân vừa khuất, đảm bảo một phần xứng đáng hơn tí chút cho một tử tội mà người ta đã không có đủ thời gian khâm liệm chiều ngày bị hành hình.
Đấy là một buổi sáng mùa xuân ở Địa Trung Hải. Trời mát. Không khí êm dịu trên lối mòn họ đang bước đi trong đau khổ vì thương nhớ. Chung quanh họ, chim chóc đã ca hát rồi. Mặt trời lên ở chân trời, giữa các cành lá với những chồi xanh mơn mởn. Một buổi sáng mới bừng dậy. Ngày thứ nhất trong tuần bắt đầu. Vâng, bắt đầu một tuần mới, một thế giới mới, một sáng tạo mới, một thời đại mới.
“Các bà bảo nhau: “Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mộ giùm ta đây?” Nhưng vừa ngước mắt lên, các bà đã thấy tảng đá lăn ra một bên rồi, mà tảng đá ấy lớn lắm”. Chi tiết cụ thể này rất cơ bản. Bốn tác giả Tin Mừng đều ghi nhận. “Tảng đá lăn ra một bên rồi”. Mác-cô là người duy nhất thêm rằng nó rất lớn! Chi tiết lịch sử có thật, tương ứng trọn vẹn với cách xây mộ đương thời. Nhưng đối với Mc và đối với chúng ta hôm nay, đây là chi tiết biểu tượng đầy ý nghĩa: có một bức tường đích thật phân cách con người với sự phục sinh, một kiểu bất lực… “Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mộ giùm ta đây? “. Chỉ mình Thiên Chúa mới có thể loại bỏ khối nặng khủng khiếp của cái chết đang đè bẹp nhân loài.
“Vào trong mộ, các bà thấy một người thanh niên ngồi bên phải, mặc áo trắng”. Trình thuật Mc, vắn gọn hơn trình thuật Mt (28,2-3), không nói đến “thiên thần” cũng chẳng nói đến “động đất”, “ánh chớp”… nhưng chỉ nói đến một “người thanh niên”. Vắn gọn như thế là cố ý: Mc chỉ muốn mượn từ ngôn ngữ khải huyền thông thường tối thiểu hình ảnh, hầu tránh “mô tả” cuộc phục sinh. Chỉ khẳng định “sự kiện”. Nhưng chúng ta biết rằng màu “trắng” luôn luôn là một dấu chỉ: đó là màu của ánh sáng, đối nghịch bóng tối, đó là màu của vinh quang, của các hữu thể trên trời. Ngay hôm Biến hình, cũng chính Mc đã nói với chúng ta về một màu “trắng tinh không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy” (Mc 9,3). Trong Khải huyền Gio-an, “màu trắng” luôn luôn là biểu tượng của thiên giới (x. Kh 2,17; 14,14; 19,11; 20,11; Ed 9,2; Đn 7,9; Is 1,18; Kh 7,14; 19,1-14).
Các phụ nữ sợ hãi. Nhưng người thanh niên nói: “Đừng hãi sợ!”. Mọi trình thuật truyền tin (loan báo một sứ điệp thần linh) trong Kinh Thánh đều có chi tiết này. Cái “thần linh” khiến lý trí con người hoang mang, gây nên một thứ kinh ngạc, sợ hãi linh thánh. Mc ở đây sử dụng một từ quen thuộc (exéthambêthêsan = các bà hoảng sợ). Cư dân Ca-phác-na-um cũng đã “kinh hoảng” khi thấy Đức Giê-su ra tay lần đầu (x. Mc 1,27. Cũng xin xem Mc 10,24.32 và 14,33). Nhưng nếu việc xuất hiện của Đấng Toàn-Tha gây thảng thốt, thì sự hiện diện của Người lập tức trấn an. Vị Thiên Chúa thật chẳng hề là Đấng lợi dụng nỗi sợ hãi: Đừng sợ Ta, Thiên Chúa phán.
Thành thử chúng ta nhận thấy Mc không kể lại cuộc hiện ra đúng nghĩa nào của Đức Giê-su… nhưng chỉ là một “Lời” mạc khải, đến từ một thiên sứ, nói lên một trong những điểm của “kinh tin kính” chúng ta: “Người chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng tôi… và ngày thứ ba Người đã sống lại”. Đấy là một lời tuyên tín của các Ki-tô hữu tiên khởi (x. Cv 2,23; 3,15; 4,10; 10,39). Đấy luôn luôn là đức tin của chúng ta. Trình thuật Mc nhấn mạnh tới các khía cạnh cụ thể, như để nói với ta rằng “Đấng phục sinh” và “kẻ bị đóng đinh làng Na-da-rét” cũng chỉ là một, một Đức Giê-su lịch sử. Đấng chịu đóng đinh đã thức dậy. Người chẳng còn ở đây nữa! Vậy Người ở đâu rồi?
2. Hãy tìm Người trong thế giới bao la.
“Xin các bà về nói với môn đệ Người và ông Phê-rô rằng Người sẽ đến Ga-li-lê trước các ông”: Rõ ràng Mc muốn ta thôi chú ý nấm mộ. Thiên Chúa muốn ta thôi chú ý nấm mộ này. Đức Giê-su muốn ta thôi chú ý nấm mộ này: trước khi chết, Người đã nói đúng những lời như thế: “Sau khi chỗi dậy, Thầy sẽ đến Ga-li-lê trước anh em” (Mc 14,28). “Người thanh niên mặc áo trắng, ngồi bên phải…” đầy bí ẩn nầy phải chăng là Đức Giê-su, Đức Giê-su mới, Đức Giê-su ngự bên hữu Chúa Cha? Đức Giê-su ấy, người ta không còn nhận ra nữa, khi tiếp xúc lần đầu tiên với đôi mắt của trần gian: Mác-đa-la “thấy người làm vườn”, hai môn đồ Em-mau “mắt bị ngăn cản”…
Hãy ra đi! Ra đi! Chớ đứng lại nơi mộ này, chớ dừng lại ở Giê-ru-sa-lem. Tiến lên trước, nơi Đức Giê-su đang sống, nơi Người đi trước anh em, nơi Người đã cùng với anh em hò hẹn! Trên trái đất thuộc anh em, hỡi cư dân Ga-li-lê, trong kiếp người thực của anh em. Tên miền đất Ga-li-lê này, đối với Mc, có một ý nghĩa biểu tượng quan trọng. Ông nêu nó 12 lần trong Tin Mừng của ông. Đó là nơi “cuộc sống” Đức Giê-su đạt tới tột đỉnh, đó là nơi Tin Mừng Thiên Chúa vang dội lần đầu, đó là nơi các “dấu chỉ” quyền năng đầu tiên của Đức Giê-su bùng nổ, đó là nơi quần chúng đã “quy tụ lại”. Nhưng “Ga-li-lê dân ngoại” cũng có nghĩa là thế giới bao la, là những chân trời mới cần được nghe rao giảng Tin Mừng, cần được đón nhận sứ điệp Phục sinh, sứ điệp mở ra những chiều kích vĩ đại cho nhân loại, cho lịch sử, cho kiếp người. Giờ đây, thời của “Ga-li-lê” tái khởi sự, thời quy tụ một dân mới xung quanh Phê-rô, thời của những “dấu chỉ” mới, thời của Giáo Hội… Đấy là nơi hiện diện Đấng chẳng còn “ở đây, trong mộ, chỗ đã đặt Người”. Hãy ra đi nào, đừng đứng ở đây nữa. Hãy đi nói với Phê-rô… Hãy trở về Ga-li-lê.
“Ở đó các ông sẽ được thấy Người như Người đã nói với các ông”. Không một giải thích kiểu triết học hay thuần lý nào. Các môn đồ, cũng như chúng ta, đều được mời gọi hãy tin, dựa trên một lời nói, và dấn thân trong một hành động hiện sinh: góp phần quy tụ những ai tin Đức Giê-su chung quanh vị Tông đồ trưởng, làm điều Đức Giê-su đã loan báo khi còn sống. Tin vào sự phục sinh, đối với Mc, trước hết không phải là một cái chi nhức óc bể đầu, nhưng là dấn thân trong một cuộc sống mới, với anh em, dựa trên Lời Chúa, tiến bước trên con đường thiên lý vạn dặm, gieo rắc Tin Mừng cho hết mọi loài. Vì chính trong thế giới bao la đó, nơi cần lắng nghe sứ điệp Phục sinh đó, chúng ta mới có thể gặp được Đấng Phục sinh.
Cuộc chạy trốn cuống cuồng và sự im lặng của các phụ nữ xuất phát từ nỗi kinh hoàng linh thánh gây nên do mạc khải về sự Phục sinh của Đức Giê-su. Việc nhận thấy mộ trống không được đưa ra như bằng chứng, nhưng biểu lộ sự hão huyền của một nỗ lực tìm kiếm Đấng Chịu đóng đinh mà bây giờ là Đấng Sống lại.
Lm. Phêrô Phan Văn Lợi