Gặp người nơi đâu? – Suy niệm Canh thức Phục Sinh – Năm C

16/04/2022

Tin Mừng Lc 24,1-12

Ngày thứ nhất trong tuần, vừa tảng sáng, các bà đi ra mộ, mang theo dầu thơm đã chuẩn bị sẵn. Họ thấy tảng đá lăn ra khỏi mộ. Nhưng khi bước vào, họ không thấy thi hài Chúa Giê-su đâu cả. Họ còn đang phân vân, thì bỗng có hai người đàn ông y phục sáng chói, đứng bên họ. Đang lúc các bà sợ hãi, cúi gầm xuống đất, thì hai người kia nói: “Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết? Người không còn đây nữa, nhưng đã trỗi dậy rồi. Hãy nhớ lại điều Người đã nói với các bà hồi còn ở Ga-li-lê, là Con Người phải bị nộp vào tay phường tội lỗi, và bị đóng đinh vào thập giá, rồi ngày thứ ba sống lại.

Bấy giờ các bà nhớ lại những điều Đức Giê-su đã nói. Khi từ mộ trở về, các bà kể cho Nhóm Mười Một và mọi người khác biết tất cả những sự việc ấy. Mấy bà nói đây là bà Ma-ri-a Mác-đa-la, bà Gio-an-na, và bà Ma-ri-a mẹ ông Gia-cô-bê. Các bà khác cùng đi với mấy bà này cũng nói với các Tông Đồ như vậy. Nhưng các ông cho là chuyện vớ vẩn, nên chẳng tin.

Dầu vậy, ông Phê-rô cũng đứng lên chạy ra mộ. Nhưng khi cúi nhìn, ông thấy chỉ còn có những khăn liệm thôi. Ông trở về nhà, rất đỗi ngạc nhiên về sự việc đã xảy ra    

************************************

GẶP NGƯỜI NƠI ĐÂU?

“Cầu sông Kwai” là một tác phẩm điện ảnh thời danh của đạo diễn David Lean, đoạt 7 giải Oscar năm 1957. Nó chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết “Le Pont de la Rivière Kwai” của nhà văn Pháp Pierre Boulle. Câu chuyện xây dựng trên một khung cảnh có thật là trại Kanchanaburi, một nhà tù vĩ đại của Nhật trong rừng già Thái Lan hồi Đệ nhị Thế chiến. Trại này tập trung các tù binh phe Đồng minh bị bắt khắp Đông Nam Á nhằm xây dựng tuyến đường xe lửa Thái Lan-Miến Điện.

Nhưng trong lúc “Cầu sông Kwai” là một tác phẩm hoàn toàn hư cấu, thì ở đó lại xảy ra một câu chuyện có thực và vô cùng cảm động, được Ernest Gordon (1916-2002, nguyên là mục sư Giáo hội Trưởng Lão -Presbyterian Church- đồng thời là tù nhân trại Kanchanaburi nói trên), ghi lại trong cuốn “Ngang qua thung lũng sông Kwai” (Through the valley of the Kwai). 40 ngàn tù binh nơi đây bị đối xử rất tàn ác. Họ phải lao động dưới cơn nóng đôi khi lên tới 49oC, mình mặc mỗi manh áo rách và nằm ngủ trên mặt đất không chăn màn. Thế nhưng, kẻ thù khủng khiếp nhất của họ chẳng phải là đám lính Nhật hay cuộc sống gian khổ mà lại là chính bản thân họ. Họ lấy luật rừng cư xử với nhau, trộm cắp của nhau, ngờ vực nhau và chỉ điểm nhau. Thế rồi một điều khó tin đã xảy đến. Hai sĩ quan người Anh, tù binh Công giáo, đã tổ chức các bạn thành những nhóm học hỏi suy niệm Thánh Kinh. Họ dần dà khám phá ra Chúa Giê-su, cuộc sống gian khổ, sự sống lại và sứ điệp tình thương của Người. Thế là họ thôi chỉ điểm, phá hoại, mà cầu nguyện, giúp đỡ, hy sinh cho nhau. Trong chốn tử thần ấy bắt đầu vang lên tiếng ca hát. Các tù binh cũng ngưng oán thù quân Nhật. Quả là một cuộc phục sinh đối với hỏa ngục trần gian này. Rồi một hôm, quân Đồng Minh thắng trận, họ được giải thoát. Không một tên lính Nhật nào bị trả thù! Trước khi từ giã cái nơi đã khiến cho 12 ngàn bạn hữu của họ ngã xuống, các tù binh đã leo lên “Đồi Cấm”, im lặng suy niệm giờ lâu. Sau cùng một người đứng lên phát biểu: “Qua cảnh hỏa ngục này, tôi đã học được một bài học: đó là chúng ta sống trên cuộc đời này chỉ để yêu thương nhau”.

Cuộc phục sinh của trại tù và của các cựu tù nhân nói trên đã có được nhờ là niềm tin vào Đấng Phục Sinh, nhờ sức mạnh của Người cũng như Lời Người. Niềm tin đó, sức mạnh đó đã khởi sự từ chính một “ngày thứ nhất trong tuần” cách đây hơn 20 thế kỷ.

1. Thăm viếng thi hài

Lu-ca mở đầu bài Tin Mừng về Phục Sinh với chi tiết chính xác ấy: “Ngày thứ nhất trong tuần”, nghĩa là hôm sau ngày đại Sa-bát của lễ Vượt Qua, mà các phụ nữ đã tôn trọng bằng cách nghỉ việc (x. Lc 23,56). Các Ki-tô hữu đã sớm chuyển “ngày nghỉ ngơi và cầu nguyện” sang ngày “đầu tuần” này, ngày Đức Giê-su phục sinh: “Chúa nhật”. “Vừa tảng sáng, các bà đi ra mộ, mang theo dầu thơm đã chuẩn bị sẵn. Họ thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ. Nhưng khi bước vào, họ không thấy thì hài Chúa Giê-su đâu cả”. Các chi tiết chính xác này hoàn toàn tương ứng với thói tục khâm liệm đương thời. Chúng ta nhận ra trong đó những cử chỉ trìu mến mà các phụ nữ, trong mọi nền văn minh, đều tự nhiên có khi tắm rửa lần sau hết những người thân khuất bóng của họ. Lu-ca đã ghi nhận sự hiện diện của nhóm phụ nữ thân cận Đức Giê-su này rồi (x. Lc 8,1-3).

“Họ còn đang phân vân, thì bỗng có hai người đàn ông y phục sáng chói, đứng bên họ”. Việc khám phá xác biến mất chẳng kéo theo đức tin chút nào. Tự nó, sự mất xác này không phải là một bằng chứng: nó chỉ gây nên bối rối và hỗn loạn. Chính ngay lúc các phụ nữ đang phân vân như thế, thì theo Lu-ca, hai người nam xuất hiện. Đối với Mác-cô, đó là một “thanh niên” (Mc 16,5) và đối với Gio-an, đó là “hai thiền thần” (Ga 20,12). Những ai quen thuộc ngôn ngữ Kinh Thánh sẽ qua “y phục sáng ngời” nầy, nhận ra họ chính là các nhân vật thiên quốc. Trong cuộc Biến hình, Lu-ca cũng sử dụng hình ảnh biểu tượng tương tự (x. Lc 9,29-30). Sự hiện diện nhiệm mầu của “phát ngôn viên” thiên giới là để nói với ta rằng lý trí con người không đủ để thuyết phục tin vào sự thật của biến cố Phục Sinh: phải có mạc khải của Thiên Chúa.

“Các bà sợ hãi, cúi gầm xuống đất”: Tư thế thật lạ lùng, diễn tả cách biểu tượng sự sai lầm vô ý họ mắc phải khi đi tìm Đức Giê-su ở nơi Người không có mặt. Ta sẽ chẳng bao giờ tìm được Đức Giê-su khi tự giới hạn ở chân trời trái đất! “Hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên” (x. Lc 21,28), Đức Giê-su từng nói thế để loan báo Nước Trời chung quyết. Phần chúng ta, xem ra vẫn còn cúi mặt xuống đất, chỉ biết quan tâm đến nhu cầu vật chất, đến gia đình, tiện nghi, nghề nghiệp… Tất cả những cái đó đều tốt, nhưng phải được “xuyên qua” bởi một niềm hy vọng hướng chúng ta về cõi vĩnh cửu.

“Từ mộ trở về, các bà kể cho Nhóm Mười Một và mọi người khác biết tất cả sự việc ấy…  nhưng các ông cho là chuyện vớ vẩn, nên chẳng tin”. Phê-rô chạy đến mộ để kiểm chứng, thì thấy y như các phụ nữ đã kể. Tuy vậy, ông chỉ ngạc nhiên khi trở lại nhà, y như các bà khi chưa nghe sứ điệp của thiên sứ. Đức tin, ngay cả đức tin của các chứng nhân đầu tiên, không thể nảy sinh từ nhận xét đơn thuần về những sự kiện nhân loại đáng kinh ngạc, nhất là khi họ vẫn đứng ở chân trời trái đất… Ở đây ta thấy Phê-rô từ chối chấp nhận điều các phụ nữ nói. Sỡ dĩ ông bắt đầu tin, như sẽ thấy trong vài chục câu nữa, đó là vì ông đã đích thân gặp được Đức Giê-su trong một cuộc hiện ra cá nhân (x. Lc 24,34; 1Cr 15,5).

2. Đi tìm Đấng Sống

Trở lại câu chuyện các phụ nữ, ta nghe hai thiên thần nói: “Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết? Người không còn đây nữa, nhưng đã chỗi dậy rồi”. Ngay trong Tin Mừng thời thơ ấu, Lu-ca đã cho thấy người ta có thể bị cám dỗ tìm kiếm Đức Giê-su ở chỗ chẳng có Người. Bị cha mẹ thất lạc và tìm kiếm trong đoàn lữ hành loài người, Người đã được “gặp lại” “ở nhà Cha” “ngày thứ ba” (Lc 2,49). Nơi đây, các phụ nữ tìm kiếm Đức Giê-su “giữa những kẻ chết”: thậm chí họ đến để ướp xác Người. Nhưng Người đã đứng bên phía Sự Sống! Sự tương phản giữa hai từ được đặt kề nhau này (“Người Sống”, “kẻ chết”) thật là đánh động. Trước lúc sử dụng kiểu nói “sống lại” (trỗi dậy) như thiên thần trong Mc (16,6) và Mt (28,6), Lu-ca dùng một ngữ vựng khác: cụm từ “sống- chết” mà người ta cũng năng gặp nơi Phao-lô và Gio-an, Lu-ca xem ra có ưu tư “thêm phụ đề” vào các lời công bố truyền thống, để độc giả Hy-lạp gốc lương dân ít quen ý niệm “sống lại” của người Do-thái, có thể dễ dàng hiểu được… Đối với chúng ta cũng vậy, cách thức diễn tả như thế (sống- chết) có lẽ ý vị hơn. Mỗi một trong hai kiểu nói này đều có những thuận lợi và bất lợi: a) Quả quyết Đức Giê-su đã “phục sinh” có nguy cơ khiến thiên hạ nghĩ đến một sự trở lại đơn thuần với cuộc sống trước, với việc hồi sinh một tử thi; b) Chỉ khẳng định rằng Người “vẫn sống” có thể bị giải thích như một sự lưu tồn các lời nói và công trình Người trong con tim môn đệ.

Để tránh hai kiểu “giản lược” ý nghĩa này, ta hãy lưu ý mạo từ được Lu-ca sử dụng. Đức Giê-su không chỉ là “một” người sống, nhưng là “Người Sống/Đấng Sống”! Thế mà trong toàn bộ Kinh Thánh, Đấng Sống (Đấng Hằng Sống) chính là Thiên Chúa. Nếu không tin vào Thiên Chúa, hiển nhiên cuộc phục sinh là bất khả, và người ta sẽ cố gắng giải thích “đức tin” của cộng đoàn Ki-tô hữu sơ khai như một sự kiện bình thường phát sinh do một cơn chấn động. Nhưng nếu Thiên Chúa hiện hữu, Người hiển nhiên là Đấng Sống vô biên mà thần chết không thể nào nắm bắt. Chẳng có một giải thích thỏa đáng về sự “siêu sinh” của Đức Giê-su ngoài Thiên Chúa.

Đức Giê-su là Đấng Sống! Phao-lô đã khẳng định như thế theo lời báo cáo của tổng trấn Rô-ma Phét-tô (x. Cv 25,19: “Họ tranh luận với nhau về một ông Giê-su nào đó đã chết mà Phao-lô quả quyết là vẫn sống”). Vì hằng sống, Người là nhân vật đồng thời mà ta có thể gặp gỡ hôm nay, không phải cách trực tiếp, nhưng nhờ đức tin, qua những dấu chỉ Người đã tỏ ra về sự “hiện diện” của mình. Sự phục sinh của Đức Giê-su là điều kiện cần thiết của các bí tích, những cử chỉ của Đức Ki-tô, của Giáo Hội “Thân Thể Đức Ki-tô”….

“Hãy nhớ lại điều Người đã nói với các bà hồi còn ở Ga-li-lê, là Con Người phải bị nộp vào tay phường tội lỗi, và bị đóng đinh vào thập giá, rồi ngày thứ ba sống lại. Bấy giờ, các bà nhớ lại những điều Đức Giê-su đã nói”. Lời Người, đấy là phải tìm Người! Điều đó luôn đúng mãi. Do đấy phần đầu Thánh lễ, gọi là “Phụng vụ Lời Chúa” rất quan trọng. Ai thường xuyên thiếu hụt phần này có nguy cơ không nắm bắt được sự Hiện diện sống động hôm nay của Đức Giê-su phục sinh “Đấng Sống” chính là Đức Giê-su trước đây, thời Người còn ở đất Ga-li-lê dân ngoại! Cũng chính là nhân vật được toàn bộ Kinh Thánh loan báo. Tất cả Kinh Thánh, mà chúng ta đọc mỗi Chúa nhật, là con đường đích thật để đi tìm Đức Giê-su. Con đường này, các tù binh ở sông Kwai đã nhận ra và đã gặp Người. Còn bạn?

Lm. Phê-rô Phan Văn Lợi