Giao ước hôn nhân – Suy niệm Chúa Nhật 27 thường niên – Năm B

01/10/2021

Tin Mừng Mc 10,2-12

Khi ấy, có mấy người Pha-ri-sêu đến gần Đức Giê-su và hỏi rằng: “Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không?”. Họ hỏi thế là để thử Người. Người đáp: “Thế ông Mô-sê đã truyền dạy các ông điều gì?”. Họ trả lời: “Ông Mô-sê đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ”.

Đức Giê-su nói với họ: “Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê mới viết điều răn đó cho các ông. Còn lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”.

Khi về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điều ấy. Người nói: “Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình; và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình”.

************************************

GIAO ƯỚC HÔN NHÂN

Nam và nữ! Tại sao? Phái tính và tình dục! Tại sao? Tình yêu và hôn nhân! Tại sao? Tại sao toàn bộ thế giới sinh vật (thực vật, động vật và con người) đều được xây dựng trên “mẫu” này? Tại sao mọi sinh vật đều phải gồm nhiều “giống”, chia thành hai phần khác nhau: “đực và cái”, và tuy thế vẫn “được dựng nên cho nhau”?

Tư tưởng nhân loại không ngớt lắc lư trên chủ đề này, giữa khuynh hướng “bi quan” khắc khổ, khinh bỉ thể xác và khuynh hướng “lạc quan” phóng túng, đòi hỏi tự do tính dục và ca tụng khoái cảm như mục đích của đời người. Luân lý Ki-tô giáo, trong các thế kỷ gần đây, đã phóng đại quá đáng những lỗi phạm chung quanh vấn đề “trong sạch” và “nhơ bẩn”… Não trạng hiện đại thì có khuynh hướng chối từ mọi chuẩn tắc và tán dương thói bừa bãi: “Hãy làm những gì bạn muốn”. Trong vấn đề hôn nhân, hầu như mọi nền luật pháp và mọi tôn giáo đều cho phép ly dị. Còn Đức GS nghĩ thế nào?

1. Dưới mắt loài người

Người đã tỏ rõ lập trường nhân dịp một số thành viên Pha-ri-sêu nêu lên câu hỏi về chính vấn đề thời sự ấy: “Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không?”. Một câu hỏi đánh lừa, đặt ra để khiến Người sa bẫy. Dẫu trả lời ra sao, Người cũng chống lại một phần công luận, vì đề tài rất nóng bỏng và động đến các tơ lòng bí ẩn nhất. Chẳng ai “trung lập” trước một vấn đề như thế, vì không ở trong hoàn cảnh này thì ở trong hoàn cảnh nọ. Ai sống trong bậc hôn nhân không nhiều thì ít đều có những vết thương lòng và đều có lúc muốn tìm một “giải pháp” đơn giản! Kể cũng đáng ngạc nhiên khi câu hỏi được đặt từ phía phái Pha-ri-sêu, vì Lề luật Mô-sê đã có giải pháp rồi: “Ai đó lấy vợ và đã cưới hỏi rồi, nếu xảy ra là người vợ không được vừa mắt chồng nữa, vì chồng gặp thấy nơi nó có điều gì thô bỉ, thì chồng sẽ viết cho nó ly thư mà trao vào tay nó và thải hồi nó khỏi nhà mình” (Đnl 24,1). Câu trả lời của Lề luật thành thử rất rõ rệt: ly dị hoàn toàn hợp pháp… vào thời Đức Giê-su cũng như thời chúng ta bây giờ. Hầu hết mọi quốc gia trên thế giới xưa nay đều có một pháp chế về ly dị và tái hôn.

Khi viết như thế, Mô-sê đã chỉ lấy lại “tục lệ pháp” của thời ông, trong đó đa thê và ly dị là những truyền thống rất ổn định. Không có điều kiện hơn nữa, ông đã cố gắng khắc phục cái ý thích thất thường tùy tiện bằng cách “hợp pháp hóa”, “đặt quy tắc”, “thiết lập thủ tục”: như thế là cố gắng giới hạn sự dữ bằng cách buộc theo những thể thức chính xác rõ ràng. Nhưng cũng như đối với mọi lề luật, điểm này đã được áp dụng với ít nhiều rộng rãi. Các giải thích “duy văn tự” (hiểu KT theo nghĩa đen) trong thực tế đã dẫn đến nhiều lối đơn giản hóa quá mức và nhiều kiểu lập luận trẻ con thực sự. Có hai lối cắt nghĩa chống đối nhau vào thời Đức Giê-su, đặc biệt là về cụm từ “điều thô bỉ”. Theo rabbi Shammai, phải giải thích từ này như một “vô luân trầm trọng”, ví dụ ngoại tình… trong khi trường phái ít nghiêm ngặt hơn của rabbi Hillel thì đưa vào rất nhiều khả năng, chẳng hạn như … để đồ ăn cháy! (Mischna Gittin IX, 10).

Qua ví dụ này, ta có thể kết luận rằng “mọi cái hợp lề luật không tất nhiên hợp luân lý”. Sống trong một thế giới đa nguyên đa dạng, Ki-tô hữu cần có đủ bản lĩnh để hành động theo lương tâm mình, cho dẫu điều đó dẫn mình tới một thái độ anh hùng kiểu Phúc Âm, lội ngược dòng với đại chúng. Nhưng tựu trung, đối với các đòi hỏi Tin Mừng khác cũng chẳng phải như vậy sao? Bất bạo động chẳng phải là “điên rồ” sao? Tha thứ vô điều kiện chẳng phải là “lệch lạc” sao? Khó nghèo tự nguyện chẳng phải là “không tưởng” sao? Thành thử chính trong bối cảnh này của thời đại mình (ly dị là hợp pháp), mà Đức Giê-su sắp tỏ rõ lập trường.

“Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên Mô-sê mới viết điều răn đó cho các ông”. Một áp lực xã hội mạnh mẽ (“làm như mọi người”) đẩy con người hôm nay cũng như thời ấy dừng lại ở những “quan hệ đối đầu” với nhau mà hôn nhân là một ví dụ. Người ta không còn cư xử với nhau vì tình mà vì lý, vì lợi. Các thống kê cho thấy ba phần tư các vụ ly dị đã xảy ra với những cặp có “chung sống tiền hôn nhân” hay “kết hôn chớp nhoáng”. Nhưng từ chối kết hôn, từ chối các quy tắc xã hội không nhất thiết là bằng chứng trưởng thành: chung sống với nhau, ăn ở với nhau mà chẳng kết hôn… thật ra điều đó có ý nghĩa gì? Phải chăng không là duy trì cảm tính ở trình độ thiếu niên, kẹt lại ở tầm mức sơ đẳng?… Hủy bỏ hôn ước dễ dàng cũng chứng tỏ một quan niệm hời hợt hay sai lạc về tình yêu. Phải chăng không là từ chối dấn thân, cự tuyệt tự hiến, dừng lại ở những tương quan thống trị giữa đôi phối ngẫu? Dưới vỏ ngoài tự do độc lập, cái gì ẩn giấu? Tình yêu đối với người khác… hay tình yêu đối với chính mình?

2. Dưới mắt Thiên Chúa

Lề luật căn bản của đôi bạn phải tìm ở mức độ khác với sự thỏa thuận song phương như trong một giao kèo kinh tế: “Lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai”. Sự bổ túc phái tính là một “sáng tạo”, một “ý muốn” của Thiên Chúa, được ghi trong bản tính sâu xa của người nam và người nữ. Ở đây, Đức Giê-su chẳng dùng từ ngữ luân lý, cho phép hay cấm đoán. Người trình bày một “lý tưởng”. Không thể dừng lại với việc áp dụng một lề luật! Đối với Đức Giê-su, phải cố gắng chiêm ngưỡng “dự định của Thiên Chúa về người nam và người nữ”. Trong hôn nhân, không chỉ có ý muốn của đôi vợ chồng mà còn có sự can thiệp của ý muốn Thiên Chúa. Vì đây là một giao ước độc đáo, cao quý, sinh tử. Thật khác xa biết bao với các quan điểm xã hội học tầm thường, các luồng dư luận đổi thay, thói quen “làm như thiên hạ”!

Và Đức Giê-su đã tham chiếu chính bản văn Sáng thế, được nghe hôm nay trong bài đọc thứ nhất. Sẽ chẳng bao giờ khám phá xong khẳng định tuyệt vời này của Lời mạc khải: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta… Và Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình. Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1,26-27). Chẳng phải ngẫu nhiên mà bản văn Kinh Thánh chuyển từ số ít sang số nhiều. Vị Thiên Chúa “một” tính trong “ba” ngôi đã dựng nên nhân loại theo hình ảnh mình: “nhiều nhưng chỉ làm thành một”. Từ những con người khác nhau hẳn, Thiên Chúa đã muốn họ hợp nhất. Ngay từ bình minh cuộc sáng tạo, Người đã cho thế nhân vinh quang của mình, đã dựng người nam người nữ theo hình ảnh mình: giao ước hôn nhân quả là một mầu nhiệm!

Nhưng để thực hiện cuộc hợp nhất không dễ dàng này, con người có sự trợ lực của Thiên Chúa. Bí tích Hôn nhân chẳng là gì khác ngoài “ân sủng”, ơn huệ nhưng không, chữa lành sự bất lực của con người, bất lực yêu mến như Thiên Chúa Giao ước mến yêu. Tính bất khả phân ly của hôn nhân, được Đức Giê-su công bố ngược với các tiêu chuẩn thông thường, do đó chớ trở nên cho ta một phương thế phê bình hay kết án những gia đình đang gặp khủng hoảng. Bất khả phân ly là ước nguyện sâu xa nhất của tình yêu và là ân sủng đặc biệt nhất dành cho đôi bạn. Đức Giê-su đã nói lại cho chúng ta điều đó và đã dùng cuộc Khổ nạn mình mà cứu chữa tình yêu của chúng ta.

Thành thử trong tình yêu, phải có hỗ tương hoàn toàn: nam và nữ đều cùng quyền lợi và bổn phận. Trong thế giới hôm nay, nơi đang toàn thắng các tương quan thống trị, Đức Giê-su yêu cầu chúng ta mến yêu và hy sinh cho kẻ khác. Mối hiệp nhất của đôi bạn, được Thiên Chúa ưng muốn, không “có ngay từ đầu” cũng chẳng phải là một “địa đàng đã mất”, song là một con đường thường nhật trong đó “thiên đường tìm kiếm” được dựng xây qua bao gian khổ, để cuối cùng chúng ta sẽ nên giống Thiên Chúa: Ba nhưng chỉ thành Một…

Câu chuyện sau đây là một minh họa cho điều đó: Trong cuộc chiến tranh chống lại quân Guelfes, hoàng đế Conrad III (1093-1152) bao vây thành Weinsberg, được bá tước Wurtemberg, kẻ thù năng nổ nhất của ông bảo vệ. Cuối cùng thành phố bị buộc phải đầu hàng và Conrad tức giận cho nổi lửa đốt sạch, chỉ có các phụ nữ là được quyền ra khỏi thành, đem theo những gì họ cho là quý nhất. Bà bá tước Wurtemberg cõng chồng lên vai và ra khỏi thành. Gương này được mọi phụ nữ khác noi theo. Em của hoàng đế lên tiếng chống đối lại việc đó, nhưng Conrad III thích thú trước hành động can đảm của các bà vợ và cấm không được phiền nhiễu các bà. Tấm lòng chung thủy của các phụ nữ đã cứu được chồng khỏi một cuộc tàn sát, cứu gia đình họ khỏi tan vỡ và cứu mình khỏi phản lại lời Đức Giê-su đã dạy trong bài Tin Mừng trên đây.

Lm. Phêrô Phan Văn Lợi