Hạt giống nảy mầm – Suy niệm Chúa Nhật 11 thường niên – Năm B

12/06/2021

Tin Mừng Mc 4,26-34

Khi ấy, Đức Giê-su nói với dân chúng dụ ngôn này: “Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Đêm hay ngày, người ấy ngủ hay thức, hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết. Đất tự động sinh hoa kết quả: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt. Lúa vừa chín, người ấy đem liềm ra gặt, vì đã đến mùa”.

Rồi Người lại nói: “Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây? Lấy dụ ngôn nào mà hình dung được ? Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trong các hạt giống trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng”.

Đức Giê-su dùng nhiều dụ ngôn tương tự mà giảng lời cho họ, tùy theo mức họ có thể nghe. Người không bao giờ nói với họ mà không dùng dụ ngôn. Nhưng khi chỉ có thầy trò với nhau, thì Người giải nghĩa hết.

************************************

HẠT GIỐNG NẨY MẦM

Thánh Phao-lô Hạnh chào đời tại Tân Triều, tỉnh Biên Hòa khoảng năm 1827. Lớn lên cậu cùng với người anh đến Chợ Quán, Sài Gòn để buôn bán. Dư luận đồn đại về anh nhiều điều xấu. Trong nghề buôn, anh giao dịch với một số tay anh chị chuyên lường gạt, bắt chẹt những người cô thế cô thân. Hình như có thời anh đã từng cầm đầu một băng cướp. Thế nhưng ngọn lửa đức tin anh đã nhận được từ thời thơ ấu vẫn luôn âm ỉ, chỉ chờ cơ hội cháy bừng lên. Một lần kia, khi chứng kiến một thiếu phụ nghèo khổ bị đàn em bóc lột không thương tiếc, anh bỗng xúc động và ra tay can thiệp, dùng áp lực bắt chúng phải trả lại tất cả cho nạn nhân, dù biết trước thái độ hào hiệp ấy sẽ mang lại cho mình hậu quả không may theo luật giang hồ.

Quả vậy, những kẻ bị anh khuất phục tức giận tìm cách trả thù. Chọn giải pháp hèn hạ “ném đá giấu tay”, họ tố cáo anh là Ki-tô hữu và vu cho anh tiếp tay với quân Pháp. Trước tòa án, không bao giờ anh nhận tội phản quốc, vì thực tế anh đâu làm. Nhưng khi quan hỏi “Có phải là Ki-tô hữu không?” thì anh công nhận, và còn khẳng định rằng : “Sẽ là Ki-tô hữu cho đến chết”. Suốt thời gian bị giam, các quan tìm mọi cách dụ dỗ anh bỏ đạo. Họ áp dụng những hình khổ dã man nhất, như căng thân thể ra đánh đòn, dùng kìm nguội kẹp vào đùi và những thanh sắt nung đỏ dí vào cơ thể để bắt anh bước qua Thập giá. Tất cả những cực hình tàn bạo đó không thể làm cho anh nản lòng thối chí, trái lại còn luôn khẳng định một điều duy nhất : “Tôi là Ki-tô hữu, không bao giờ tôi chối đạo”. Ngày 18-05-1859, Phao-lô Hạnh bị trảm quyết tại Chí Hòa khi mới 32 tuổi.

Đoạn Tin Mừng chúng ta suy niệm hôm nay quả đã ứng nghiệm trong đời thánh Phao-lô Hạnh. Lời Tin Mừng anh tiếp nhận thời thơ ấu vẫn không ngừng nẩy nở lớn lên trong anh. Dù chính anh không hay biết, lời Chúa vẫn đâm bông và chờ lúc thuận tiện thì kết hạt. Cuối cùng, khi bông lúa đã chín vàng thì Thiên Chúa đã ra tay lấy đem về Thiên quốc.

1. Lớn lên trong âm thầm.

Người ta thường gọi dụ ngôn thứ nhất trong bài Tin Mừng hôm nay là dụ ngôn “hạt giống mọc một mình”. Quả vậy, tất cả xảy ra như thể chẳng ai quan tâm đến hạt giống đã quăng xuống đất như thế… như thể bác nông dân bỏ mặc cây lúa mình đã gieo trồng. Đây là một trong những dụ ngôn lạc quan nhất chúng ta có được. Mc là người duy nhất trong bốn thánh sử đã ghi lại nó cho chúng ta. Phải vận dụng trí tưởng tượng để tái dựng cuốn phim về sự tăng trưởng này, một hiện tượng khó nhận ra cũng như luôn khó hiểu đối với thời nay lẫn thời Chúa. Các nhà bác học của chúng ta đã tiến bộ lắm trong việc mô tả và phân tích các hiện tượng bên ngoài… nhưng chưa ai biết thế nào là sự sống cả. Ngay khi một hạt giống được gieo vào lòng đất, là bí mật khởi sự một cuộc biến hóa lạ lùng của vật chất, một loạt những kỳ công vô hình. Con người có lo lắng chuyện ấy hay không cũng chẳng hệ trọng; “sự sống” đâu lệ thuộc con người trong cái cốt yếu. Việc gieo trồng trợ giúp thiên nhiên nhưng chẳng bao giờ thay thế thiên nhiên được cả.

Nhưng rồi tình thế thay đổi đột ngột. Sau thời gian dài bất động, nông dân giờ này cuống cuồng gặt lúa. Chúng ta chớ quên khởi điểm của dụ ngôn. Đây chính là chuyện “Nước Trời”. Thái độ của người nông phu này hẳn giúp chúng ta hiểu thái độ của Thiên Chúa. Một lần nữa, Tin Mừng trước tiên không phải là một “bài học luân lý” và chúng ta chớ nhảy ngay vào các “áp dụng thực hành”. Tin Mừng trước hết là “mạc khải” về Thiên Chúa, và chỉ nhờ liên hệ với chân lý đức tin được khám phá kỹ hơn này mà ta có thể chọn một thái độ cụ thể.

Vậy dụ ngôn này mạc khải gì về Thiên Chúa? Đức Giê-su soi sáng hoàn cảnh thái độ của thời mình, được hiện lộ rõ ràng trong nỗi thất vọng của Gio-an Tẩy giả: “Thầy có đúng là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Mt 11,3). Nhưng đó cũng là câu hỏi hôm nay lẫn mọi thời: tại sao ta lại không thấy Triều đại, Vương quyền Thiên Chúa rõ hơn? Tại sao Thiên Chúa cho cảm tưởng Người bất quan tâm đến những gì xảy ra trong cánh đồng thế giới? Đức Giê-su đáp: Thiên Chúa không làm khác hơn người nông dân; hãy đợi đến “mùa gặt”… Trong lúc chờ đợi, thật là ảo tưởng khi nghĩ rằng chẳng có gì xảy ra; bạn đâu có thấy hết! Chúng ta biết: cái không thấy không đương nhiên bất hiện hữu. “Những gì thiết yếu thì vô hình” con chồn từng nói vậy với “Hoàng tử bé” của Saint- Exupéry. Một hạt lúa chứa hàng tỉ tỉ nguyên tử, mỗi nguyên tử lại gồm nhiều điện tử lớn bằng một phần tỉ tỉ milimét quay quanh nhân với tốc độ 297.000 kilômét giây! Bạn có thấy tất cả những cái đó đâu nào! Tuy nhiên đấy là sự thật của hạt lúa. Tất cả những gì có tính “thần linh” trong thế giới đều thuộc loại ấy cả: đó là sức mạnh tiềm ẩn, khó thấy, tích cực hoạt động… chỉ được nhận ra bởi những tâm hồn đơn sơ, những kẻ bằng lòng “tin” vào mạc khải Đức Giê-su đưa ra về Thiên Chúa.

Vậy đối với tất cả những kẻ tin, đâu là “hậu quả thực hành”? Bạn cứ tự mình rút ra. Thiên Chúa hành động trong bí mật. Đấy là một Thiên Chúa mai ẩn. Hãy để hạt giống của Người chín. Chớ thất vọng bao giờ. Hãy khởi công. Hãy gieo vãi. Vũ trụ không đi về cõi chết, nhưng tiến đến “niềm vui mùa gặt”.

2. Phát triển ngoài dự kiến.

Dụ ngôn thứ hai, dụ ngôn “hạt cải” cũng là một hình ảnh sống động. Là một “bậc thầy khôn ngoan”, một nhà sư phạm giỏi, một tay kể chuyện biết tìm những châm ngôn kích thích óc hiếu kỳ, Đức Giê-su lần này sử dụng một vật nổi tiếng là nhỏ nhất, nổi tiếng đến độ được đưa vào tục ngữ. Người cũng đã ám chỉ nó lần khác khi nói: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải…” (Lc 17,6). Dụ ngôn thành thử nêu bật sự chênh lệch giữa những bước khởi đầu rất nhỏ bé với lúc kết thúc rất lớn lao… Trong lối so sánh này cũng như lối so sánh trước, Đức Giê-su đáp lại nỗi bực tức của kẻ đương thời, vốn đã bắt bẻ Người bao phen suốt sứ vụ: người ta từng chờ mong Đấng Thiên sai can thiệp cách khải hoàn và nhanh gọn… thế nhưng “ngày vĩ đại” của Thiên Chúa đã không đến. So với các đảo lộn ngoạn mục dân Do-thái vẫn chờ mong, sứ vụ của Đức Giê-su xem ra quá vô nghĩa! Nhưng Mác-cô cũng đáp lại mối công phẫn của thời mình: lúc ông biên soạn Tin Mừng, một sự kiện khó chối cãi đã làm xôn xao các tâm trí: tại sao tuyển dân Ít-ra-en trong toàn bộ đã không đón nhận Tin Mừng của Đức Giê-su? Phải chăng kế hoạch Thiên Chúa đã bị phá sản? Trang này rốt cục tương ứng cách tuyệt diệu với câu hỏi đáng sợ nhất của thời đại ta: nếu Thiên Chúa hiện lộ, mọi chuyện ắt sẽ rõ ràng… tại sao biết bao người chính trực và lương thiện lại không tin hay theo bất khả tri thuyết?… Thiên Chúa có thật không? … phải chăng Người chỉ là một ảo ảnh chủ quan của vài tay cuồng tưởng?

Chính Đức Giê-su, dẫu là nhà giảng thuyết đại tài, thánh thiện, hoàn hảo, cũng đã chẳng thành công trong việc hoán cải kẻ đương thời lẫn gia đình mình (như Tin Mừng Chúa nhật tuần trước đã cho ta thấy). Tuy nhiên, với một sự táo bạo liều lĩnh, Người tin tưởng mình đã chẳng mất công khi gieo “hạt giống nhỏ bé” của mình. Và lịch sử đã cho thấy Người có lý. Từ nay, bất cứ ai “gieo” một hạt giống trong một tâm hồn, bất cứ ai dấn thân vào một cuộc phục vụ anh em, bất cứ ai cố gắng rao giảng Lời Chúa… đều có thể dựa vào câu chuyện của Đức Giê-su để vượt thắng những chán nản, thất bại nhất thời. Hỡi những bậc phụ huynh có cảm tưởng mình đã hỏng một công trình giáo dục, xin cầm lấy một hạt cải trong tay: qua chính sự nhỏ bé của những kết quả bên ngoài, quý vị được kêu mời hãy hy vọng. Cha mẹ bà con của Phao-lô Hạnh đâu có ngờ rằng kết cục của một đời giang hồ tứ chiếng lại xinh đẹp như thế. Cuộc phiêu lưu nhỏ bé của Đức Giê-su giờ đã được chứng thực là vĩ đại lớn lao. Ngày tận cùng,ta sẽ thấy khác nữa!

Hạt nhỏ nhất trong mọi hạt cải đã trở thành một cây xinh tốt, tạo bóng cho chim trời. “Cây tạo bóng cho chim trời” là một hình ảnh cổ điển trong Thánh Kinh (x. Đn 4,9; Ed 31,6; 17,22.23; Tl 9,15). Phải nói sao đây, kẻ đã dám tiên báo sự thành công cuối cùng này lúc ấy chỉ là một người Ga-li-lê vô danh tiểu tốt ở Na-da-rét, bao quanh chỉ là 12 môn đệ nghèo nàn ít học và không ảnh hưởng! Lạy Chúa Giê-su, con đọc lại lời hứa của Ngài và áp dụng vào mọi chán nản của con. Xin ban cho con đức tin và niềm hy vọng.

Lm. Phêrô Phan Văn Lợi